Đau đại tràng: Vị trí, nguyên nhân và biện pháp điều trị

Triệu chứng đau đại tràng là một trong những dấu hiệu thường gặp ở đường tiêu hóa. Hãy cùng Docosan tìm hiểu xem một số thông tin về đau đại tràng trong bài viết dưới đây nhé!

Đau đại tràng ở vị trí nào?

Đại tràng hay còn được biết đến với tên gọi khác là ruột già. Đây là một trong những bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa. Ruột già ở người có độ dài từ 1,2 đến 1,5 mét. Sở dĩ có vai trò quan trọng như vậy là vì ruột già giúp tái hấp thu nước, điện giải, giúp cơ thể tổng hợp một số loại vitamin, bài tiết dịch, tạo phân để đưa ra ngoài cơ thể.

Về mặt giải phẫu, ruột già được chia thành 3 đoạn chính: manh tràng – phần tiếp nối với ruột non, kết tràng và cuối cùng là trực tràng tiếp nối với ống hậu môn. Kết tràng được chia thành các đoạn: kết tràng lên (kết tràng phải), kết tràng ngang, kết tràng xuống (kết tràng trái) và đoạn cuối cùng trước khi tiếp nối với trực tràng là kết tràng sigma do có hình dạng uống cong giống ký hiệu sigma.

Trong cơ thể người, thức ăn sau khi được ruột non hấp thụ các chất dinh dưỡng để đưa vào máu thì phần còn lại sẽ tiếp tục được hấp thu tại ruột già. Tại manh tràng sẽ tiến hành hấp thụ các chất điện giải, nước, đồng thời hệ vi sinh gồm các vi khuẩn có lợi ở thành ruột sẽ phân hủy thức ăn tạo thành phân, tới kết tràng và trực tràng. Trực tràng co bóp tống phân ra ngoài qua ống hậu môn.

Để lên men lượng lớn thức ăn chưa được tiêu hóa cần một lượng lớn vi khuẩn trong ruột do đó điều này sẽ tiềm ẩn các nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm kí sinh trùng tại ruột vì đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tấn công. Biểu hiện của hệ quả này là chứng đau đại tràng trong bệnh lý viêm đại tràng. Vi khuẩn tấn công các lớp bên trong thành ruột già ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của chúng.

Trong các trường hợp nghiêm trọng, tổn thương kéo dài lâu ngày không được điều trị có thể dẫn tới các sang thương như lở loét đại ràng, rải rác theo chiều dài của ruột già dẫn tới vị trí đau ruột già có ở nhiều phần khác nhau của ruột già. Các cơn đau có thể kéo dài dai dẳng kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đại tràng hay ruột già có kích thước rất dài chia thành nhiều đoạn với hình dạng gấp khúc nhiều lần do đó khi xảy ra tổn thương gây dấu hiệu đau đại tràng đôi khi sẽ làm người bệnh không biết được mình đang đau đại tràng ở vị trí nào, cảm giác đau mơ hồ. Tình trạng bệnh kéo dài cũng có thể làm người bệnh đau ở nhiều vị trí khác nhau. Bất cứ vị trí nào cũng có thể nghĩ tới tình trạng đau đại tràng.

Vì đại tràng có kích thước khá dài, lại được chia thành nhiều phần nhỏ có hình dạng gấp khúc, cấu trúc phức tạp nên nếu bị viêm đại tràng bạn có thể bị đau ở rất nhiều vị trí khác nhau. Một số người thì đau đại tràng co thắt vùng quanh rốn nói chung, số khác lại đau ở một điểm cụ thể trên bụng. 

Đối với người có yếu tố nguy cơ rối loạn tiêu hóa, chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gặp tình trạng vừa đau dạ dày vừa đau đại tràng. Các vị trí đau đại tràng có thể gặp như đau bụng trái, đau hạ vị, đau quanh rốn, đau hạ sườn hai bên, đau gần khu vực hố chậu. Trong trường hợp đau thượng vị có thể nhầm lẫn với đa dạ dày.

dau dai trang 1

Nguyên nhân đau đại tràng

Các nguyên nhân đau đại tràng được biết đến nhiều nhất hiện nay thông qua cơ chế gây viêm đại tràng bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Lối sống căng thẳng
  • Chế độ ăn kiêng
  • Thuốc điều trị

Khi đại tràng khỏe mạnh chúng sẽ loại bỏ các chất thải một cách hiệu quả. Tuy nhiên khi có bất kì tổn thương nào xảy ra trên ruột già sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau đại tràng, tiêu chảy, nôn ói, … Các bệnh lý có thể gây đau đại tràng thường gặp nhất bao gồm:

  • Viêm loét đại tràng, gây đau ở đại tràng sigma – phần cuối cùng của ruột già nối với trực tràng.
  • Bệnh Crohn, thường gây đau quanh rốn hoặc ở phía dưới bên phải của bụng.
  • Viêm túi thừa có thể gây đau đại tràng sigma
  • Hội chứng ruột kích thích, thường gây đau ở bụng dưới bên trái
  • Bệnh lý ác tính như ung thư trực tràng, hiếm khi gây đau bụng mà thường gây các biến đổi trong thói quen đại tiện.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh lý đại tràng gây đau có thể gặp bao gồm:

  • Thay đổi về thói quen đi cầu và tính chất phân: thay đổi số lần đi cầu, biểu hiện là đi ngoài phân lúc lỏng, lúc rắn, phân có thể bị nát, không đóng thành khuôn hoặc bị táo bón hoặc tiêu chảy có thể lên tới 6, 7 lần/ngày. Đi kèm có thể có cảm giác mót rặn, đi tiêu không hết phân.
  • Đau bụng: những cơn đau xuất hiện đột ngột, lúc âm ỉ, lúc dữ dội, lúc lại có cảm giác như kim đâm. Kèm theo đau bụng người bị viêm đại tràng còn gặp phải các triệu chứng khác như căng chướng, đầy hơi, khó tiêu, dấu óc ách…
  • Đi phân lỏng, có mùi tanh kèm theo dịch mủ hoặc máu.
dau dai trang 2

Đau đại tràng uống thuốc gì?

Các bệnh lý viêm đường ruột được kích hoạt hoặc trở nên trầm trọng hơn do chế độ ăn uống thiếu chất, ăn uống không lành mạnh. Trên thực tế, có thể ngăn ngừa tới 70% nguy cơ mắc các bệnh lý như ung thư đại trực tràng thông qua thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh.

Giảm ăn một số loại thực phẩm sau sẽ tốt hơn cho đại tràng:

  • Thịt đỏ
  • Đồ chiên nướng
  • Đường tinh luyện và carbohydrate được chế biến sẵn
  • Rượu
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ

Vậy đau đại tràng uống thuốc gì? Việc điều trị đau tại đại tràng sẽ dựa vào các nguyên nhân gây ra bệnh và điều trị triệu chứng như giảm đau, cầm tiêu chảy, điều trị táo bón. Việc sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu cho từng bệnh lý cần được kê đơn bởi bác sĩ, người bệnh tránh tự ý mua thuốc đặc biệt là kháng sinh vì nếu điều trị không đúng có thể gia tăng tỷ lệ kháng thuốc.

dau dai trang 3

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Đau đại tràng: vị trí, nguyên nhân và biện pháp điều trị”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích dấu hiệu đau đại tràng.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo