Đau dạ dày (hay đau bao tử) là bệnh lý chỉ tình trạng dạ dày bị tổn thương hoặc viêm nhiễm. Là một cơ quan đóng vai trò quan trong mật thiết trong quá trình tiêu hóa thức ăn, vì vậy tình trạng đau dạ dày ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu hóa cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.
Đau dạ dày tuy là một vấn đề phổ biến của đường tiêu hóa tuy nhiên có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày v.v. nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, việc chủ động tìm hiểu dấu hiệu và cách điều trị của đau dạ dày sẽ giúp bạn sớm nhận biết nếu mắc phải bệnh và nhanh chóng có cách xử lí.
Tóm tắt nội dung
1. Triệu chứng đau dạ dày
Mỗi người bệnh có thể gặp một hoặc những dấu hiệu đau dạ dày khác nhau. Dưới đây là các dấu hiệu tiêu biểu:
Đau ở khu vực thượng vị
Thượng vị là một điểm ở vùng bụng, có ranh giới từ phía xương ức hai bên sườn xuống tới rốn. Cơn đau thượng vị là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh đau dạ dày, bệnh càng nặng thì mức độ và tần suất đau thượng vị càng tăng.
Khó tiêu
Chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó khi dạ dày bị viêm đau. Thức ăn đưa vào dạ dày sẽ có xu hướng lâu bị phân hủy, khiến người bệnh có cảm giác ậm ạch khó chịu trong bụng.
Buồn nôn hoặc nôn
Một phần thức ăn không được tiêu hóa hết cùng với dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản gây buồn nôn, nhất là sau khi ăn xong.
Ợ chua/ Ợ hơi
Khi thức ăn tồn đọng trong dạ dày lâu còn sinh ra khí hơi, kích thích tiết ra nhiều axit hơn. Vì vậy bệnh nhân bị đau dạ dày thường hay gặp tình trạng ợ hơi/ợ chua.
Giảm cân
Đau dạ dày ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong thức ăn để nuôi cơ thể, khiến cho người bệnh sụt cân nhanh chóng vì khó hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn.
Ói ra máu hoặc đi ngoài phân đen
Triệu chứng này có thể xảy ra ở những người bị viêm loét dạ dày nặng. Tổn thương ăn sâu vào trong thành mạch khiến máu thoát ra ngoài qua ống tiêu hóa, đồng thời bị trộn lẫn vào trong thức ăn gây nên hiện tượng nôn ói ra máu hoặc khiến phân bị đen, có mùi hôi thối hơn bình thường.
Sốt
Tình trạng đau dạ dày do nhiễm khuẩn có thể gây nên hiện tượng nóng, sốt.
2. Điều trị đau dạ dày
Phương pháp điều trị đau dạ dày hiệu quả sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trong của bệnh cũng như nguyên nhân gây ra bệnh. Yếu tố này có thể được xác định thông qua khám lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán như: Nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch vị dạ dày v.v.
Dưới đây là những phương pháp điều trị đau dạ dày hiệu quả được các bác sĩ khuyến nghị:
Dùng thuốc chữa đau dạ dày
Nhiều loại thuốc có thể được chỉ định kết hợp để cải thiện các tình trạng gây khó chịu cho người bệnh, bao gồm:
- Thuốc kháng axit dạ dày (Lansoprazole hay Omeprazol) có tác dụng làm giảm lượng axit được sản xuất trong dạ dày, qua đó cải thiện các hiện tượng như ợ chua, ợ nóng, giúp tổn thương viêm loét ở dạ dày nhanh lành hơn.
- Thuốc giảm đau (Ibuprofen, Acetaminophen hay Aspirin) được dùng cho những trường hợp đau dạ dày từ mức độ trung bình đến nặng.
- Thuốc kháng sinh (sử dụng phác đồ kháng sinh có chứa các thuốc như Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole) được sử dụng nếu nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Hp gây nên. Chúng thường được kết hợp với thuốc ức chế bơm proton, thuốc Bismuth trong một thời gian nhất định để đảm bảo tiêu diệt sạch vi khuẩn Hp và các triệu chứng kèm theo.
- Thuốc trị đầy hơi, ợ hơi bao gồm các thuốc chứa thành phần simethicon.
- Thuốc chống buồn nôn (phổ biến nhất là Pepto-Bismol)
- Các thuốc điều trị đau dạ dày khác như Thuốc chống tiêu chảy, thuốc nhuận tràng, thuốc chống co thắt dạ dày, corticosteroid, v.v.
Bạn nên sử dụng những loại thuốc trên theo đúng liều lượng và thời gian mà bác sĩ kê đơn để tránh gặp các tác dụng phụ nguy hiểm. Những loại thuốc này có thể giúp làm giảm các triệu chứng đau dạ dày nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn có thể làm giảm các cơn đau tại nhà bằng cách áp dụng các phương pháp sau:
- Chườm nóng vào vị trí đau.
- Massage bụng theo chiều kim đồng hồ giúp xoa dịu cơn đau, kích thích tiêu hóa, giảm chướng bụng và đầy hơi, khó tiêu.
- Tập hít thở sâu bằng mũi và từ từ thở ra bằng miệng không những giúp đầu óc được thư giãn mà còn giảm các cơn co thắt gây đau dạ dày.
- Tắm bằng nước ấm.
Bạn cũng có thể áp dụng mẹo nhỏ về cách chữa đau dạ dày được lưu truyền trong dân gian này:
Chữa đau dạ dày bằng chuối xanh:
- Chuẩn bị: Chuối tiêu xanh đã được rửa sạch.
- Cách làm: Cắt chuối xanh thành các lát mỏng sau đó phơi thật khô rồi nghiền nát thành bột mịn, cho vào lọ để dùng dần.
- Cách dùng: Mỗi lần chỉ cần dùng 15g bột chuối xanh pha với nước ấm để uống hoặc bạn có thể trộn với mật ong để ăn trực tiếp. Mỗi ngày nên thực hiện 1 – 2 lần.
Câu hỏi thường gặp về đau dạ dày
Đau dạ dày nên ăn gì?
Người bị đau dạ dày nên dùng các thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ việc chữa lành các vết loét hoặc giúp giảm tiết acid như chuối, các loại thực phẩm khô (gạo lức, nếp, các loại đậu, v.v.), táo, soup, trà thảo dược, gừng, sữa chua, đậu bắp v.v.
Đau dạ dày kiêng ăn gì?
Những loại thực phẩm mà người bị đau dạ dày không nên ăn bao gồm đồ ăn cay nóng, các loại trái cây có vị chua, thức ăn chế biến sẵn, thịt đỏ, thức uống có gas, thuốc lá v.v.
Đau dạ dày nên làm gì?
Người bị đau dạ dày có thể áp dụng các mẹo sau để làm giảm cơn đau: Nằm nghiêng sang trái, chườm nóng bụng, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, giảm căng thẳng khi có thể, ngừng nhai kẹo cao su v.v.
Bác sĩ điều trị đau dạ dày
BSCKII. Lê Kim Sang đã có hơn 30 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực nội soi và nội tiêu hóa.
ThS. BS. Trần Quang Đại tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TP HCM và đã có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị Ngoại tổng hợp.
Phòng khám Vigor Health có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thăm khám sức khỏe và chữa bệnh.
Đau dạ dày là căn bệnh phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ ai tuy nhiên có thể phòng ngừa và chữa trị nếu được điều trị đúng cách. Đau dạ dày đôi khi có thể tự khỏi, tuy nhiên trong đa số trường hợp bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp.
Đọc thêm:
- Nguyên nhân đau bụng cảnh báo bệnh nguy hiểm bạn đừng nên bỏ qua
- 07 bệnh dạ dày thường gặp bạn cần biết
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: Webmd