Đi vệ sinh ra máu tươi là bệnh gì? 10 nguyên nhân, triệu chứng

Việc đi vệ sinh ra máu tươi có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá 10 nguyên nhân phổ biến và cách dự phòng tình trạng này cùng với Docosan nhé!

Đi vệ sinh ra máu tươi là gì?

Đi vệ sinh ra máu tươi là hiện tượng máu xuất hiện trong phân hoặc trên giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện. Máu sẽ không xuất hiện trong phân ở người bình thường. Đây là triệu chứng chỉ xảy ra khi đường tiêu hóa hoặc các cơ quan của bạn có vấn đề. Máu trong phân có thể có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc xám tùy vào loại bệnh lý.

Đi vệ sinh ra máu tươi có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nhẹ như trĩ, nhưng cũng có thể là lời cảnh báo của những vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng hay ung thư đại tràng. Do đó, điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân chính xác để có hướng xử trí đúng cách và kịp thời.

Đi vệ sinh ra máu tươi có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng
Đi vệ sinh ra máu tươi có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng

Đi vệ sinh ra máu tươi nhiều có nguy hiểm không? Biến chứng

Mặc dù việc đi vệ sinh ra máu tươi không phải lúc nào cũng gây nguy hiểm, nhưng nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên, kéo dài hoặc lượng máu nhiều, chúng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng cần được xử lý càng nhanh càng tốt.

Việc đi vệ sinh ra máu tươi có thể dẫn đến các biến chứng như: mất máu nghiêm trọng, bao gồm thiếu máu, tụt huyết áp, choáng, hoặc đôi khi là sốc giảm thể tích máu, Vì thế, nếu bị chảy máu nghiêm trọng đột ngột hoặc chảy máu hậu môn liên tục trong nhiều ngày, hãy tìm gặp bác sĩ ngay lập tức để phòng ngừa bệnh tiến triển dẫn đến tình trạng sức khỏe xấu hơn.

10 nguyên nhân gây đi vệ sinh ra máu tươi nhiều

Bệnh trĩ

Trĩ là một bệnh lý thường gặp, đặc trưng bởi tình trạng các tĩnh mạch ở vùng hậu môn và trực tràng bị sưng và viêm do áp lực kéo dài hoặc táo bón. Nguyên nhân chính gây trĩ bao gồm: thói quen ngồi nhiều, chế độ ăn thiếu chất xơ, táo bón mãn tính và nâng vác vật nặng thường xuyên.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trĩ là việc đi vệ sinh ra máu tươi. Máu thường có màu đỏ tươi và có thể xuất hiện trên phân, giấy vệ sinh, hoặc trong bồn cầu. Đối với trường hợp trĩ nội, người bệnh thường không cảm thấy triệu chứng nào khác. Nhưng trong các trường hợp trĩ ngoại (trĩ phát triển ở phần da bên ngoài hậu môn) hay trĩ huyết khối (máu ứ đọng trong trĩ ngoại và tạo thành cục máu đông), bệnh nhân còn có thể cảm thấy ngứa ngáy, đau rát vùng hậu môn hoặc thậm chí là sưng tấy và đau dữ dội.

Tùy vào loại và mức độ nặng của bệnh phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Các phương pháp chủ yếu bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Ăn nhiều rau xanh và chất xơ, uống đủ nước.
  • Sử dụng thuốc điều trị tại chỗ: Thoa kem bôi trĩ hoặc thuốc đặt chứa Hydrocortison.
  • Các thủ thuật xâm lấn: Thắt dây cao su búi trĩ, tiêm xơ búi trĩ, đông máu búi trĩ bằng tia laser
  • Phẫu thuật: Một số trường hợp nặng như trĩ huyết khối thì bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật cắt trĩ.
Trĩ là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tiêu phân máu
Trĩ là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tiêu phân máu

Táo bón

Táo bón là tình trạng khi người bệnh gặp khó khăn trong việc đi tiêu, thường kèm theo phân cứng và khô. Nguyên nhân chính của táo bón bao gồm chế độ ăn ít chất xơ, không uống đủ nước, thiếu vận động, thói quen nhịn đi tiêu hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Người bị táo bón thường đi tiêu ít hơn ba lần một tuần, kèm theo cảm giác căng thẳng, đau bụng và cảm giác chưa hoàn toàn đi hết phân. Phân cứng có thể gây ra tình trạng nứt kẽ hậu môn hoặc rách niêm mạc, dẫn đến việc đi vệ sinh ra máu tươi.

Táo bón có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm việc tăng cường chất xơ trong chế độ ăn, uống đủ nước và tập thể dục đều đặn. Ngoài ra, nếu táo bón kéo dài hoặc nặng, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc nhuận tràng không kê đơn hoặc thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Sa trực tràng

Sa trực tràng là tình trạng khi một phần hoặc toàn bộ trực tràng trượt ra khỏi vị trí bình thường và lòi ra ngoài hậu môn. Người bệnh thường có cảm giác khối thịt lòi ra từ hậu môn sau khi đi tiêu. Khối sa có thể tự thu lại hoặc cần được đẩy vào bằng tay. Các triệu chứng khác bao gồm: cảm giác nặng vùng hậu môn, đau bụng, chảy dịch nhầy từ hậu môn,… Nếu tình trạng kéo dài, người bệnh có thể đi vệ sinh ra máu tươi do tổn thương niêm mạc trực tràng.

Nguyên nhân của sa trực tràng thường liên quan đến yếu tố tuổi tác, do cơ và mô nâng đỡ trực tràng bị yếu đi theo thời gian. Những yếu tố khác có thể gây ra sa trực tràng bao gồm: táo bón kéo dài, bệnh trĩ nặng, tổn thương cơ vùng chậu và các bệnh lý liên quan đến thần kinh.

Hiện nay, phương pháp điều trị sa trực tràng chủ yếu là phẫu thuật để điều chỉnh vị trí trực tràng. Ngoài ra, các phương pháp điều trị cải thiện tại nhà bao gồm tập thể dục để tăng cường cơ vùng chậu và tránh táo bón. 

Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là một vết rách nhỏ ở niêm mạc hậu môn, gây ra đau và đi vệ sinh ra máu tươi. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này là táo bón kéo dài dẫn đến phân cứng và làm căng giãn quá mức niêm mạc hậu môn. Ngoài ra, tiêu chảy, viêm nhiễm vùng hậu môn, sinh nở (đối với phụ nữ) hoặc các bệnh lý khác liên quan đến hệ tiêu hóa như bệnh Crohn cũng có thể gây ra nứt kẽ hậu môn.

Dấu hiệu chính của nứt kẽ hậu môn là đau rát. Bệnh nhân thường cảm thấy như dao cắt mỗi khi đi tiêu, kéo dài từ vài phút đến vài giờ sau đó. Ngoài ra, người bệnh có thể thấy máu tươi trong phân hoặc trên giấy vệ sinh, lượng máu thường ít nhưng rất rõ ràng.

Điều trị nứt kẽ hậu môn chủ yếu tập trung vào việc làm mềm phân và giảm áp lực lên hậu môn. Các biện pháp bao gồm tăng cường chế độ ăn uống giàu chất xơ, uống đủ nước, sử dụng thuốc nhuận tràng và tắm nước ấm để giảm đau và cải thiện tuần hoàn máu. Trong trường hợp nứt kẽ hậu môn kéo dài hoặc nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc bôi tại chỗ hoặc thậm chí phẫu thuật để làm lành vết nứt.

Polyp trực tràng

Polyp trực tràng là những khối tế bào phát triển trên lớp niêm mạc của trực tràng. Phần lớn các polyp là lành tính, nhưng theo thời gian, một số polyp có thể phát triển thành ung thư đại trực tràng. Khi mới xuất hiện, polyp không gây triệu chứng nào rõ rệt, khi khối u này phát triển lớn hơn, bệnh nhân có thể thấy những thay đổi khi đi tiêu, đau bụng hoặc khó chịu, đi vệ sinh ra máu  tươi,…

Nguyên nhân chính xác dẫn đến hình thành các khối polyp vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ dẫn đến polyp trực tràng bao gồm: người cao tuổi, tiền sử gia đình có người thân mắc polyp hoặc ung thư đại trực trạng, chế độ ăn ít chất xơ, giàu chất béo, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn,…

Phương pháp điều trị chính cho polyp trực tràng là nội soi và cắt bỏ. Đối với những người có nguy cơ cao, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra dấu hiệu ung thư và kiểm tra định kỳ để theo dõi và phát hiện sớm polyp mới.

Polyp đại tràng có thể dẫn đến đi vệ sinh ra máu tươi
Polyp đại tràng có thể dẫn đến đi vệ sinh ra máu tươi

Viêm đại trực tràng

Viêm đại trực tràng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc của đại tràng và trực tràng, dẫn đến các triệu chứng đau đớn và khó chịu. Đây có thể là một phần của các bệnh lý viêm ruột mạn tính như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, hoặc có thể là hậu quả của nhiễm trùng, phản ứng dị ứng hoặc các nguyên nhân khác.

Viêm đại trực tràng thường không có triệu chứng đặc trưng. Bệnh nhân có thể đi vệ sinh ra máu tươi, thường kèm với nhầy hoặc mủ, đôi khi đau bụng, cảm giác đi không hết, tiêu chảy và táo bón xen kẽ,… Các trường hợp nhiễm trùng hoặc viêm nặng có thể gây sốt và cảm giác mệt mỏi, suy nhược.

Về cách điều trị bệnh viêm đại trực tràng, bác sĩ sẽ dựa trên nguyên nhân cụ thể để xử trí. Ngoài ra, có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng táo bón hoặc tiêu chảy nếu có và thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng bị viêm trong những trường hợp cần thiết như viêm ruột hoại tử, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, IBD,…

Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là một loại ung thư bắt nguồn từ niêm mạc của đại tràng hoặc trực tràng. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhưng lại nguy hiểm nhất, đặc biệt khi phát hiện muộn. Dấu hiệu của ung thư đại trực tràng cũng chỉ giống như các rối loạn tiêu hóa khác nên có thể bị người bệnh bỏ qua, bao gồm:

  • Đi tiêu ra máu: Bệnh nhân có thể đi vệ sinh ra máu tươi hoặc màu đen tùy thuộc vào vị trí của khối u trong đại tràng.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu: Bao gồm táo bón, tiêu chảy, phân dẹt hoặc cảm giác đi tiêu không hết.
  • Đau bụng: Cảm giác đau bụng, đặc biệt là ở vùng bụng dưới hoặc giữa bụng.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân: Sự sụt cân có thể xảy ra mà không có thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc mức độ hoạt động.
  • Mệt mỏi và suy nhược: Tình trạng thiếu máu do mất máu từ khối u có thể gây mệt mỏi và suy nhược ở bệnh nhân.

Ung thư đại trực tràng là một bệnh lý nguy hiểm cần được can thiệp y khoa sớm bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hay các liệu pháp trúng đích mới. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng để ngăn chặn ung thư lan rộng và cải thiện cơ hội sống sót cho bệnh nhân.

Đi vệ sinh ra máu tươi kéo dài có thể là dấu hiệu ung thư đại tràng
Đi vệ sinh ra máu tươi kéo dài có thể là dấu hiệu ung thư đại tràng

Nhiễm trùng ruột

Nhiễm trùng ruột là tình trạng viêm nhiễm đường ruột do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra. Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt ở những vùng có điều kiện vệ sinh kém hoặc ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Người bị nhiễm trùng ruột thường có biểu hiện tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, sốt và mất nước. 

Nếu nhiễm trùng gây ra loét hoặc phá vỡ các mạch máu trong ruột, người bệnh có thể đi vệ sinh ra máu tươi. Đây là một triệu chứng nghiêm trọng và cần được theo dõi chặt chẽ.

Về điều trị, bệnh nhân cần được bù nước và điện giải, sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng ký sinh trùng tùy theo nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn hay ký sinh trùng. Bên cạnh đó, người bệnh nên tránh ăn thực phẩm khó tiêu, nhiều chất béo hoặc cay nóng và tập trung vào các loại thực phẩm dễ tiêu, nhẹ bụng như cháo, súp. 

Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu trong dạ dày do tổn thương niêm mạc, thường liên quan đến các vấn đề tiêu hóa như loét dạ dày, viêm dạ dày, hoặc các tác động từ thuốc và lối sống.

Xuất huyết dạ dày có thể xảy ra ở mức độ nhẹ gây ra máu ẩn trong phân. Nặng hơn, người bệnh có thể thấy máu xuất hiện dưới dạng phân đen có mùi hắc ín. Nếu phần xuất huyết nghiêm trọng và nằm gần đường tiêu hóa dưới thì bệnh nhân có thể đi vệ sinh ra máu tươi. Đây là một cấp cứu y tế nghiêm trọng, cần được xử lý kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Các dấu hiệu khác của xuất huyết tiêu hóa bao gồm:

  • Nôn ra máu: Máu có thể có màu đỏ tươi hoặc màu đen như bã cà phê, tùy thuộc vào thời gian máu đã tiếp xúc với acid dạ dày.
  • Đau bụng dữ dội: Đặc biệt là đau ở vùng thượng vị (trên rốn), có thể kèm theo cảm giác đầy bụng, buồn nôn.
  • Chóng mặt, mệt mỏi: Do mất máu, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao, huyết áp tụt.
  • Khó thở: Xuất huyết nặng có thể dẫn đến thiếu máu, gây ra khó thở, đặc biệt khi vận động.

Bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs)

Một số STDs, đặc biệt là bệnh lậu, Chlamydia hoặc lây nhiễm herpes sinh dục (mụn rộp sinh dục), giang mai qua quan hệ bằng đường hậu môn có thể gây viêm hoặc loét niêm mạc hậu môn, dẫn đến chảy máu khi đi tiêu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đi vệ sinh ra máu tươi.

Triệu chứng của STDs có thể rất đa dạng và đôi khi không xuất hiện rõ ràng. Tuy nhiên, một số dấu hiệu chung bao gồm:

  • Đau khi tiểu tiện.
  • Phát ban hoặc lở loét vùng sinh dục.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Sưng đau tinh hoàn hoặc âm đạo.
  • Ngứa ngáy và kích ứng vùng sinh dục, có thể đi kèm với tiết dịch có mùi hôi.

Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh

Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn. Thông tin cần thiết bao gồm thời điểm máu chảy đầu tiên, màu sắc, thể tích chảy, số lần tái phát và các triệu chứng đi kèm mà bạn đang gặp phải.

Tiếp theo bác sĩ sẽ nhìn và khám bằng tay để kiểm tra xem có thực sự là đi cầu ra máu hay không. Điều này được tiến hành bằng việc đưa ngón tay trỏ đeo đã đeo găng tay, kèm gel bôi trơn vào hậu môn để kiểm tra các bất thường, chẳng hạn như bệnh trĩ.

Các xét nghiệm khác sẽ tiếp tục được tiến hành bao gồm:

  • Nội soi: Một ống soi mỏng, linh hoạt có gắn camera được đưa vào trong hậu môn, giúp bác sĩ quan sát tình trạng bên trong ống tiêu hóa
  • Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn phần có thể giúp đánh giá mức độ chảy máu và gợi ý có bị thiếu máu không.
  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân: Chúng có thể cho thấy nếu có chảy máu lượng rất ít mà không nhìn thấy được bằng mắt thường.
  • Rửa dạ dày: Nếu bác sĩ nghi ngờ vấn đề chảy máu ở dạ dày, họ có thể đưa một ống thông qua mũi vào dạ dày để tháo rửa các chất bên trong và để trống trải cho việc xác định vị trí chảy máu.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang bụng với chất cản quang hoặc chụp CT-scan để phát hiện những bất thường bên trong đường tiêu hóa.

Các biện pháp phòng ngừa đi vệ sinh ra máu

Để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng đi vệ sinh ra máu tươi, bạn nên duy trì chế độ sống lành mạnh để hạn chế táo bón, trĩ, nứt kẽ hậu môn,… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Sử dụng thuốc làm mềm phân.
  • Thường xuyên tập thể dục.
  • Vệ sinh đúng cách vùng hậu môn trực tràng.
  • Uống đủ nước.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu bất thường

Dưới đây là các dấu hiệu bất thường mà bạn cần lưu ý:

  • Đi vệ sinh ra máu tươi chưa từng được phát hiện và chẩn đoán trước đây.
  • Đau bụng hoặc đau rát hậu môn khi đi tiêu.
  • Chảy máu nặng hoặc thường xuyên khi đi tiêu.
  • Đi vệ sinh ra máu tươi kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn. 

Các bệnh viện chuyên khoa uy tín

Việc đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân gây đi vệ sinh ra máu tươi là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nặng hơn. Hãy tìm đến các bệnh viện chuyên khoa tiêu hóa uy tín khi có các dấu hiệu bất thường. Dưới đây là một số gợi ý của Docosan:

Xem thêm:

Trên đây là các nguyên nhân thường gặp khiến bạn đi vệ sinh ra máu tươi mà Docosan muốn đem đến cho bạn. Hãy trang bị những kiến thức này để không hoảng sợ cũng như không chủ quan khi gặp tình huống trên. Nếu bạn thấy bài viết này có ích, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Rectal Bleeding

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/14612-rectal-bleeding
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

2. Gastrointestinal bleeding

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastrointestinal-bleeding/symptoms-causes/syc-20372729
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

3. Colitis

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23384-colitis
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

4. Colorectal (Colon) Cancer

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14501-colorectal-colon-cancer
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

5. Colon polyps

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-polyps/symptoms-causes/syc-20352875
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

6. Hemorrhoids

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/symptoms-causes/syc-20360268
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

7. Rectal prolapse

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rectal-prolapse/symptoms-causes/syc-20352837
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

8. Constipation

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/constipation/symptoms-causes/syc-20354253
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024
Contact Me on Zalo