Hệ tiêu hóa là hệ cơ quan có vai trò sống còn đối với cơ thể. Khi gặp phải vấn đề liên quan hệ tiêu hóa ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe chung. Vì vậy việc hiểu rõ cấu tạo, chức năng của những cơ quan cũng như biết được cách bảo vệ, chăm sóc hệ tiêu hóa là vô cùng quan trọng. Qua bài viết sau đây, Doctor có sẵn sẽ mô tả cụ thể hơn về tổng quan hệ tiêu hóa ở người, mời các bạn cùng đọc.
Tóm tắt nội dung
- 1 Hệ tiêu hóa là gì?
- 2 Cấu tạo hệ tiêu hóa
- 3 Vai trò của hệ tiêu hóa người
- 4 Hệ tiêu hóa cung cấp chất dinh dưỡng như thế nào?
- 5 Cơ quan tiêu hóa hoạt động như thế nào?
- 6 Làm thế nào để hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh?
- 7 Các tác nhân gây hại cho hệ tiêu hóa
- 8 Những triệu chứng bệnh lý tiêu hoá
- 9 Câu hỏi thường gặp
Hệ tiêu hóa là gì?
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết hệ tiêu hóa là gì? Tuy nhiên để kể ra tường tận những cấu tạo hệ tiêu hóa, chức năng của từng cơ quan hay những phương pháp nào để giữ gìn hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì không phải ai cũng trả lời được.
Hệ tiêu hóa là tập hợp nhiều cơ quan có chức năng tiếp nhận, phân giải thức ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng đưa vào máu và đào thải những chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
Cấu tạo hệ tiêu hóa
Cấu tạo hệ tiêu hóa bao gồm ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa. Trong đó ống tiêu hóa có nhiều cơ quan với chức năng khác nhau, cùng hỗ trợ cho nhau để quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra hiệu quả. Tính từ trên xuống dưới, hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng, đến hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng và cuối cùng là hậu môn.
Quá trình tiêu hóa xảy ra trong con đường tiêu hóa trải dài từ miệng đến hậu môn. Trong đó, cấu trúc của ruột non là sự thông nối giữa ba thành phần: tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.
Đối với đại tràng, chúng ta chia thành năm phần với tên gọi: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng xích ma. Khi thức ăn đi bên trong ruột, chức năng tiêu hóa còn được bổ trợ bởi ba cơ quan khác là: gan, tụy và túi mật.
Mỗi phần, mỗi cấu tạo của hệ tiêu hóa đều có chức năng chuyên biệt nhưng tất cả đều được cấu tạo bằng cùng những lớp mô cơ bản gần như giống nhau. Thành của ống từ trong ra ngoài là:
- Lớp niêm mạc: có nhiệm vụ bài tiết và hấp thu chất dinh dưỡng;
- Lớp dưới niêm mạc: đây là lớp chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh nên có nhiệm vụ nuôi các mô và vận chuyển các chất được hấp thu;
- Lớp cơ: chịu trách nhiệm về hoạt động cơ học của ruột, gồm có 2 lớp cơ dọc ở ngoài và cơ vòng ở trong;
- Lớp thanh mạc: có nhiệm vụ bảo vệ các mô bên dưới và làm giảm ma sát trong ổ bụng khi ruột co bóp nhờ tiết thanh dịch.
Trong tuyến tiêu hóa có tuyến nước bọt, tuyến tụy ngoại tiết, gan bài tiết và túi mật.
Vai trò của hệ tiêu hóa người
Hệ tiêu hóa là một trong những bộ phận quan trọng của cơ thể con người, hệ tiêu hóa tốt thì các hệ cơ quan còn lại mới có năng lượng để hoạt động tốt, nuôi dưỡng cơ thể tốt. Hệ tiêu hóa giúp tiếp nhận, hấp thu và tiêu hóa, thải các chất không cần thiết ra ngoài, là nơi biến thức ăn thành chất dinh dưỡng có ích cho ở thể người.
Một hệ tiêu hóa khỏe là tiền đề cơ bản cho sự phát triển tốt cho cả trẻ em và người lớn. Tăng khả năng chữa lành khi có tế bào bị tổn thương. Đảm bảo ăn ngon, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật và kích thích hệ thần kinh phát triển tốt.
Hệ tiêu hóa cung cấp chất dinh dưỡng như thế nào?
Sau khi đưa thức ăn vào miệng, hệ tiêu hóa ở người sẽ thực hiện 3 chức năng sau để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể thông qua:
- Chức năng cơ học là hoạt động vận chuyển, nghiền nhỏ và trộn thức ăn với dịch tiêu hóa;
- Chức năng bài tiết và tiêu hóa thức ăn thông quá các tuyến tiêu hóa bài tiết các dịch giúp tiêu hóa thức ăn thành các dạng đơn giản nhất;
- Chức năng hấp thu là hoạt động đưa các chất cần thiết như nước, chất điện giải, vitamin và thức ăn đã tiêu hóa vòng tuần hoàn.
Trong từng giai đoạn của ống tiêu hóa, ba chức năng này phối hợp hoạt động với nhau để vận chuyển, tiêu hóa và hấp thu thức ăn.
Cơ quan tiêu hóa hoạt động như thế nào?
Có lẽ chúng ta trước giờ đều từng có một lần băn khoăn liệu không biết rằng “Hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào?”. Trên thực tế, đây là một quá trình rất phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cơ quan. Dưới đây Docosan sẽ mô tả sơ lược về quá trình này như sau:
Quá trình tiêu hóa đầu tiên được bắt đầu ở miệng. Thức ăn được răng cắt, xé và nghiền thành các miếng để dễ tiêu hóa hơn, trong khi đó nước bọt trộn lẫn để bắt đầu quá trình thủy phân các loại đường như maltose, glucose… Ngoài ra nước bọt cũng giúp làm mềm thức ăn để dễ nuốt hơn.
Từ miệng, thức ăn sẽ đi qua hầu, thực quản để xuống dạ dày. Tại thực quản, các cơ hỗ trợ tạo những nhu động giúp việc đẩy thức ăn đi xuống hiệu quả hơn. Giữa chỗ nối giữa thực quản và dạ dày, có một cấu trúc với tên gọi “cơ vòng thực quản dạ dày” đóng vai trò như một chiếc van không cho thức ăn và dịch dạ dày trào ngược lên trên thực quản.
Dạ dày là một cơ quan hình túi vô cùng chắc chắn. Khi thức ăn tới dạ dày, chúng sẽ tiếp tục được trộn, nghiền và tiêu hóa bởi các acid, men do dạ dày tiết ra. Sau khi kết thúc quá trình này, thức ăn sẽ chuyển thành dạng lỏng hoặc sệt và tiếp tục xuống ruột non.
Tại ruột non, cụ thể hơn là đoạn tá tràng, quá trình tiêu hóa thức ăn tiếp tục diễn ra bằng cách sử dụng các men của tuyến tụy và mật tiết ra từ gan. Trong khi đó hỗng tràng và hồi tràng chịu trách nhiệm chính trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng vào máu. Nhu động của ruột non là thành tố quan trọng trong việc đưa thức ăn tiếp tục di chuyển và trộn lẫn vào các men tiêu hóa.
- Gan: gan là cơ quan với nhiều chức năng quan trọng. Đối với tiêu hóa, hai trong số các chức năng chính là tạo và tiết mật, đồng thời lọc máu chứa các chất dinh dưỡng vừa được hấp thụ từ ruột non đưa về tim và phân phối cho cơ thể.
- Túi mật: là một túi nhỏ hình lê nằm dưới gan có chức năng dự trữ mật do gan tiết ra. Mật đóng vai trò hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo và đào thải các chất cặn bã ra khỏi máu.
- Tụy: về mặt tiêu hóa, tụy giúp tiết ra các men phân hủy protein, chất béo và carbohydrate từ thực phẩm chúng ta ăn.
Sau khi đi qua ruột non, thức ăn sau khi đã được hấp thu chất dinh dưỡng sẽ được nhu động đẩy xuống đại tràng. Tại đây đại tràng sẽ bắt đầu tái hấp thu nước, khiến thức ăn dưới dạng lỏng chuyển dần sang dạng khô và được lưu trữ trong đại tràng sigma cho đến khi có một khối lượng đủ lớn, đại tràng xích ma sẽ tống phân vào trực tràng với tần suất một hoặc hai lần một ngày.
Thành phần chính phân chính là mảnh vụn của thức ăn và vi khuẩn. Những loại vi khuẩn này đóng vai trò tổng hợp vitamin, giải quyết chất thải và cặn thức ăn, giúp bảo vệ cơ thể trước các vi khuẩn gây hại.
Nhiệm vụ của trực tràng là nhận phân từ đại tràng xích ma và kích thích những dây thần kinh truyền thông tin cho đại não báo hiệu cho bạn biết có phân cần được thải ra ngoài và giữ phân cho đến khi quá trình thoát phân xảy ra.
Cấu trúc của hậu môn bao gồm các cơ sàn chậu và hai cơ vòng hậu môn. Khi có nhu cầu đi vệ sinh, cơ vòng hậu môn sẽ giãn để phân đi ra ngoài, song song đó là tiết dịch nhầy bôi trơn giúp phân có thể di chuyển ra bên ngoài cơ thể nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Làm thế nào để hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh?
Để chăm sóc cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, hoạt động tốt hơn, mọi người nên tập trung chú ý vào việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tăng cường các thức ăn chứa nhiều chất xơ như rau, củ, quả, trái cây, các loại hạt… cũng như hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao. Bên cạnh chế độ ăn, các hoạt động thể dục thể thao hàng ngày cũng hỗ trợ rất nhiều cho hệ tiêu hóa.
Stress và một loại số thuốc có thể gây ra một số ảnh hưởng không tốt lên đường tiêu hóa. Vì vậy kiểm soát stress và nhờ bác sĩ tư vấn về các loại thuốc đang sử dụng để có những giải pháp hợp lý cũng là việc nên làm để cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa.
Cung cấp thêm lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa ở người. Lợi khuẩn có vai trò vô cùng quan trọng, chúng giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Các vi khuẩn tốt sẽ lấn át dần các vi khuẩn xấu giúp ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn xấu, gây nhiễm trùng hoặc viêm. Có thể bổ sung lợi khuẩn thông qua sữa chua hau qua thực phẩm như: chuối, táo, tỏi, măng tây, atiso,…
Các tác nhân gây hại cho hệ tiêu hóa
Có rất nhiều tác nhân xấu ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa ở người. Mức độ gây hại cũng phụ thuộc vào tác nhân và cơ đại của người bệnh.
Nếu trong hệ tiêu hóa số lượng vi khuẩn có hại nhiều hơn số lượng lợi khuẩn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa. Răng có thể bị hư hại nếu thức ăn thừa bị vi khuẩn sử dụng tạo môi trường acid và làm hư men răng. Hay vi khuẩn Helicobacter pylori ký sinh trong dạ dày gây viêm loét dạ dày. Hay đơn giản là có giun ký sinh trong ruột gây cản trở tiêu hóa và giảm hiệu quả của quá trình hấp thu chất dinh dưỡng.
Chế độ ăn không hợp lý có thể kể ra như ăn quá chua cay, ít ăn chất xơ, bỏ ăn, ăn sai giờ, hay ăn nhiều thức ăn có sẵn, ăn nhiều dầu mỡ,…
Việt ít vận động cơ thể làm giảm nhu động ruột và làm giảm tiết dịch tiêu hóa của dạ dày và ruột. Điều này khiến cho thức ăn nằm trong dạ dày lâu, gây đầy bụng, chướng hơi. Ngoài ra còn làm giảm chức năng của hậu môn, trực tràng nên nhiều người dễ bị trĩ do ít vận động.
Những triệu chứng bệnh lý tiêu hoá
Nhiều người thỉnh thoảng vẫn bị đau bụng, ợ chua hoặc các vấn đề tiêu hóa khác. Tuy nhiên cần lưu ý một số triệu chứng nên đến bác sĩ để được kiểm tra. Chúng có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hoặc dẫn đến các vấn đề lớn hơn nếu không được điều trị.
- Ợ chua, ợ nóng: nhiều lần, tính chất ngày càng trầm trọng hơn, gây nôn ói hoặc khiến bạn cần phải dùng thuốc hơn vài tuần để giảm bớt;
- Cảm giác thức ăn nghẹn lại ở cổ hay ngực;
- Đau bụng bất thường hoặc dai dẳng;
- Sụt hơn 10kg trong vòng 1 năm;
- Đau khi nuốt hay gặp vấn đề về nuốt;
- Đi cầu phân máu hay phân đen;
- Khàn tiếng dai dẳng hoặc đau họng;
- Tiêu chảy không cầm được;
- Táo bón dai dẳng.
Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng bất thường mới, hoặc Ngoài ra, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng bất thường mới, hoặc khi các triệu chứng hiện tại trở nên trầm trọng hơn hoặc thường xuyên hơn.
Bài viết trên đây mong rằng đã gửi đến các bạn những thông tin thú vị về hệ tiêu hóa.
Hệ tiêu hóa là hệ cơ quan đóng vai trò sống còn của cơ thể. Vì vậy việc quan tâm, chăm sóc để hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh là cực kỳ quan trọng. Nếu bạn xuất hiện những triệu chứng tiêu hóa trong bài viết nêu trên, hãy nhanh tay liên hệ với Docosan.com, đội ngũ bác sĩ chúng tôi sẽ đưa đến bạn những tư vấn và điều trị kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Cải thiện hệ tiêu hóa cho người gầy?
Người gầy cần thanh lọc cơ thể thường xuyên, việc này giúp cho cơ thể có thể hấp thu tốt hơn. Ăn nhiều chất cơ, ăn chậm nhai kỹ, tập thể dục, có thể sử dụng thêm các loại sữa tăng cân, bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho hệ vi sinh đường ruột như: sữa chưa,…
Các tác nhân gây hại cho hệ tiêu hóa?
Các tác nhân gây hại cho hệ tiêu hóa là chế độ ăn uống chưa hợp lý, sử dụng nhiều thức uống có cồn, hệ vi khuẩn đường ruột bị thay đổi, trạng thái stress kéo dài, sử dụng nhiều chất kích thích,..
Cách giúp hệ tiêu hóa hấp thu tốt?
Để hấp thu tốt thức ăn, bạn cần bổ sung nhiều chất xơ, chất béo lành mạnh. uống đủ nước và hạn chế ăn thực phẩm đóng hộp. Ngoài thức ăn, bạn cần tập trung khi ăn, ăn chậm nhai kỹ, tích cực vận động thể chất, đặc biệt cần giữ cho tinh thần được thoải mái và cần bỏ những thói quen sinh hoạt xấu như thức khuya, ăn đêm hay bỏ ăn.
Hệ tiêu hóa gồm các cơ quan nào?
Cấu tạo của hệ tiêu hóa gồm có ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa.
Ống tiêu hóa gồm những bộ phận nào?
Ống tiêu hóa xuất phát từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và hậu môn.
Chức năng của gan trong hệ tiêu hóa?
Gan có chức năng tiết mật chứa lượng lớn các acid mật, cholesterol và các thành phần hữu cơ khác có tác dụng nhũ hóa mỡ, đảm bảo cho việc hấp thu mỡ ở hỗng tràng.
Xem thêm:
- Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị
- Ăn không tiêu là bệnh gì ? Cách điều trị ra sao
- 4 dấu hiệu rối loạn tiêu hóa quan trọng và cách phòng ngừa
- Rối loạn tiêu hóa: Biểu hiện, nguyên nhân và điều trị
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.