Mỡ nội tạng: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Mỡ nội tạng có lẽ không được quan tâm đúng mực so với những nguy cơ mà nó có thể mang lại. Vậy mỡ nội tạng là gì, làm sao để biết mức độ mỡ nội tạng và làm cách nào để giảm mỡ nội tạng? Nếu bạn quan tâm những câu hỏi này, Docosan xin mời bạn tham khảo bài viết này để hiểu rõ hơn nhé.

Mỡ nội tạng là gì?

Mỡ nội tạng là một thành phần của mỡ cơ thể, lưu trữ ở sâu bên trong ổ bụng, và do đó được tích lũy xung quanh những cơ quan quan trọng như gan, lách, tụy, ruột.

Mỡ nội tạng đôi khi còn được gọi là “mỡ hoạt động”, vì các nghiên cứu cho thấy hình thức tích trữ mỡ này có thể ảnh hưởng đến cách vận hành của các hormone trong cơ thể theo một cách phức tạp. Và đây là tin xấu vì nó tiềm ẩn những mối nguy cho sức khỏe.

Cơ thể tích trữ mỡ dưới những dạng nào?

Mỡ được tích trữ trong cơ thể chủ yếu dưới hai dạng: mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Chúng khác nhau về nhiều phương diện, đặc biệt ở khía cạnh nguy cơ sức khỏe mà chúng mang lại. 

Do đó ta cần phân biệt hai khái niệm này. Mỡ dưới da là mô mỡ chúng ta tích lũy ngay dưới da và phân bố rộng khắp cơ thể, và dĩ nhiên bao gồm vùng bụng. 

Mỡ nội tạng (visceral fat) và mỡ dưới da (subcutaneous fat)

Như vậy tình trạng béo bụng là kết quả của sự tích lũy cả hai loại mỡ này. Lớp mỡ mà bạn cảm nhận được ngay dưới da bụng là mỡ dưới da, trong khi mỡ nội tạng khó phát hiện được nếu chỉ nhìn từ bên ngoài.

Tích lũy mỡ dưới da hầu như không đóng góp vào các nguy cơ bệnh tật. Trong khi sự tích lũy quá nhiều mỡ nội tạng có thể rất nguy hiểm vì có liên quan đến tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư.

Từ đây ta nên thừa nhận rằng mỡ nội tạng đáng quan tâm hơn. Một người ít mỡ dưới da nhưng nhiều mỡ tạng dù nhìn bề ngoài thể trạng không to lớn, nhưng nguy cơ sức khỏe có thể cao hơn một người khác tuy nhiều mỡ dưới da nhưng lại ít mỡ tạng.

Mỡ nội tạng nguy hiểm thế nào?

Tất cả chúng ta đều có mỡ tạng, nhưng những cá nhân với lượng mỡ tạng quá nhiều có thể tăng nguy cơ mắc phải một trong những vấn đề sức khỏe sau:

  • Đái tháo đường típ 2
  • Bệnh tim mạch
  • Ung thư vú
  • Ung thư đại trực tràng
  • Bệnh Alzheimer

Loại mỡ này bao quanh các tạng trong ổ bụng và dễ dàng được vận chuyển về gan theo tĩnh mạch cửa, hệ mạch máu thu nhận các chất từ các tạng. Tại gan, mỡ này được chuyển hóa thành cholesterol và được lưu thông đi khắp các mạch máu trong cơ thể. 

Cholesterol sẽ tích lũy dần trên thành của các mạch máu, gây xơ cứng thành mạch và hẹp dần lòng động mạch nuôi các cơ quan (gọi là bệnh xơ vữa động mạch). Đây là nguy cơ dẫn tới những tình huống bít tắc đột ngột động mạch nuôi tim, não, thận, ruột,…

Các bằng chứng khoa học cho thấy, một vòng eo lớn (hay tình trạng béo bụng) làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Để dễ hình dung, nó cũng có thể gây hại cho quả tim của bạn tương đương với bệnh tăng huyết và hút thuốc lá, hai yếu tố nguy cơ hàng đầu.

Mỡ tạng làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ (hay tai biến mạch máu não). Nó còn làm cho cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin trong máu (tình trạng đề kháng insulin), làm tiền đề cho bệnh đái tháo đường phát triển.

Ngoài ra, mỡ tạng sản xuất ra một số hormone, như leptin, giúp kiểm soát cơn đói. Người béo phì thường có nồng độ leptin trong máu tăng cao, làm cho họ mau đói hơn và nạp năng lượng nhiều hơn. Đây là một vòng xoáy bệnh lý.

mo-noi-tang
Quá nhiều mỡ nội tạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Làm sao để biết mình có nhiều mỡ tạng?

Không cách nào có thể biết được chính xác lượng mỡ nội tạng của bạn mà không dùng đến những công cụ chẩn đoán hình ảnh đắt tiền, như chụp phim cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp vi tính (CT scan). 

Nhưng bạn có thể không cần đến những công cụ này để ước lượng mỡ tạng của mình. Bạn chỉ cần dùng đến hai phương pháp đơn giản là đo vòng eo và tính chỉ số khối cơ thể (BMI) của mình.

  • Đo vòng eo: Dùng thước dây vòng quay eo ngang mức rốn, ghi nhận kết quả theo centimet. Ở nữ, vòng eo trên 88 cm là dấu hiệu có nhiều mỡ tạng; còn ở nam là 102 cm. Tuy nhiên, vòng eo có thể không phản ánh hoàn toàn chính xác lượng mỡ tạng vì còn tùy vào lượng mỡ dưới da nhiều hay ít.
  • Tính chỉ số khối cơ thể (BMI): Đây là chỉ số được tính dựa vào tương quan của khối lượng cơ thể và chiều cao của bạn. Bạn có thể dùng một công cụ tính trực tuyến. Đối với người Việt Nam, người có BMI từ 30 kg/m2 được đánh giá là béo phì. Đây có thể là dấu hiệu của quá nhiều mỡ tạng.

Cả hai phương pháp trên đều chỉ có thể ước lượng tình trạng mỡ tạng. Tuy nhiên, các tổ chức y khoa vẫn dùng khoảng giá trị bình thường của hai chỉ số này làm mục tiêu hướng đến cho những người thừa cân, béo phì hay nhiều mỡ tạng.

mo-noi-tang
Số đo vòng eo có thể giúp bạn biết mình có quá nhiều mỡ nội tạng hay không

Kiểm tra mỡ nội tạng ở đâu?

  • Bệnh viện Quốc tế City– Quận Bình Tân
  • Bệnh viên đa khoa Tân Hưng – Quận 7
  • Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn – Q. Bình Chánh

Phương pháp giảm mỡ nội tạng

Nghiên cứu của Đại học Harvard khẳng định rằng ăn kiêng và tập thể dục có hiệu quả giảm mỡ tạng rõ rệt hơn so với mỡ quanh vùng hông và đùi. Do vậy đừng cảm thấy thất vọng nếu ăn kiêng và tập thể dục không giúp bạn cải thiện nhanh chóng vẻ ngoài như mong muốn, vì những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp bởi những lợi ích không thể thay được từ bên trong cơ thể của mình.

Sau đây là một số khuyến cáo bạn có thể áp dụng để giảm mỡ tạng:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn uống điều độ, lành mạnh
  • Chăm sóc giấc ngủ
  • Giảm mức độ căng thẳng
  • Hạn chế tiêu thụ cồn
  • Cai hút thuốc lá, thuốc lá điện tử

Tổng kết

Hi vọng qua bài viết này, bạn có thể hiểu hơn về tầm quan trọng của việc quan tâm đúng mực đến các chỉ số mỡ nội tạng của mình. Hãy thiết lập cho mình một lối sống và chế độ ăn lành mạnh để bảo vệ sức khỏe.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.