Nội soi ổ bụng là một thủ thuật ngoại khoa cho phép bác sĩ phẫu thuật tiếp cận bên trong bụng và xương chậu thông qua các vết rạch nhỏ. Nội soi ổ bụng có nhiều lợi ích như giảm đau sau phẫu thuật, sớm hồi phục sau phẫu thuật và ít biến chứng sau phẫu thuật hơn so với mổ hở.
Tuy phẫu thuật nội soi có rất nhiều ưu điểm và ứng dụng rộng rãi trong quá trình khám và điều trị bệnh nhưng liệu bạn có hiểu rõ về nội soi ổ bụng, chỉ định và những biến chứng của thủ thuật này? Đó là những câu hỏi mà Doctor có sẵn sẽ giải thích trong bài viết này.
Tóm tắt nội dung
Nội soi ổ bụng là gì?
Phẫu thuật nội soi ổ bụng là một thủ thuật ngoại khoa xâm lấn tối thiểu được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật để quan sát các cấu trúc bên trong khoang bụng thông qua một vết rạch nhỏ. Bác sĩ sẽ đưa ống soi có gắn camera và nguồn sáng thông qua vết rạch nhỏ sau khi làm căng khoang bụng bằng khí để quan sát chẩn đoán hoặc thực hiện các phẫu thuật bên trong ổ bụng.
Ưu điểm của phương pháp này bao gồm vết sẹo nhỏ, giảm đau đớn sau mổ, thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe ngắn hơn so với mổ hở. Đối với một số phẫu thuật, nội soi ổ bụng có ưu điểm ít chảy máu, ít biến chứng và thời gian phẫu thuật ngắn hơn.
Trước khi thực hiện nội soi ổ bụng, bệnh nhân đã được gây mê toàn thân, do đó bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Sau khi hết tác dụng của thuốc mê, bệnh nhân tỉnh lại có thể cảm thấy mệt mỏi và có một cảm giác đau tại vết mổ. Tuỳ vào mức độ đau, bệnh nhân có thể được cho sử dụng thuốc giảm đau. Cảm giác đau sẽ biến mất sau vài ngày.
Phương pháp thường bị nhầm lẫn là siêu âm nội soi ổ bụng. Cần phân biệt rõ siêu âm ổ bụng và nội soi ổ bụng. Theo quy định của Bộ Y tế, chi phí nội soi ổ bụng giao động từ 825.000 – 2.966.000 VND.
Khi nào cần nội soi ổ bụng?
Nội soi ổ bụng được chỉ định để chẩn đoán và phẫu thuật
Nội soi ổ bụng chẩn đoán
Đối với một số trường hợp bệnh lý, chụp X-quang, siêu âm không thể xác định chính xác tình trạng, vị trí, nguyên nhân tổn thương, bác sĩ cần nội soi ổ bụng để quan sát trực tiếp bên trong vùng bụng và vùng chậu.
Bên cạnh đó, nội soi ổ bụng còn được sử dụng để lấy mẫu để sinh thiết ở các tạng như gan, tụy, thận, lách và ruột. Đối với các bệnh ung thư, bác sĩ có thể chẩn đoán và phân loại mức độ ác tính, nguyên phát hoặc di căn thông qua nội soi ổ bụng. Nhờ phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương di căn nhỏ, di căn phúc mạc hoặc ở các cơ quan khác mà các kỹ thuật chẩn đoán khác khó phát hiện.
Nội soi ổ bụng phẫu thuật
Nội soi ổ bụng có thể ứng dụng trong một số phẫu thuật:
- Trào ngược thực quản dạ dày, thoát vị hoành
- Các phẫu thuật dạ dày (cắt toàn bộ hoặc bán phần dạ dày, mổ thông dạ dày, nối vị tràng)
- Thủng ổ loét dạ dày hoặc tá tràng
- Phẫu thuật điều trị béo phì (đặt vòng thắt dạ dày)
- Các phẫu thuật gan, mật (phẫu thuật cắt túi mật, phẫu thuật lấy sỏi đường mật và ống mật chủ, phẫu thuật cắt gan, phẫu thuật nối mật ruột)
- Phẫu thuật cắt ruột thừa, điều trị áp xe ruột thừa
- Phẫu thuật điều trị tắc ruột non hoặc ruột kết
- Chấn thương ổ bụng như tổn gan, lách hoặc ruột
- Viêm phúc mạc do thủng cơ quan nội tạng
- Các phẫu thuật tụy và lách như phẫu thuật cắt lách toàn và bán phần.
- Phẫu thuật đại tràng, trực tràng; phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ đại tràng qua nội soi
- Phẫu thuật thoát vị bẹn và thoát vị thành bụng khác có đặt lưới qua mổ mở hoặc nội soi
- Các phẫu thuật trực tràng (trĩ, rò hậu môn, nứt kẽ hậu môn, áp xe nang lông sau xương cùng cụt,…)
Chống chỉ định nội soi ổ bụng
Chống chỉ định của phẫu thuật nội soi ổ bụng bao gồm:
- Tiền sử mổ viêm phúc mạc, tắc ruột
- Cổ chướng
- Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn
- Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng
- Bệnh lý rối loạn đông máu
Chống chỉ định bơm hơi phúc mạc vào thành bụng trước phẫu thuật nội soi: bệnh mạch vành, van tim, tâm phế mạn
Quy trình thực hiện nội soi ổ bụng
Chuẩn bị
Tuỳ thuộc vào loại nội soi ổ bụng được chỉ định, bệnh nhân sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 6 – 12 giờ và ngừng sử dụng thuốc chống đông máu vài ngày trước khi thực hiện thủ thuật. Trước khi phẫu thuật nội soi ổ bụng, bệnh nhân được gây mê toàn thân, mất hoàn toàn cảm giác trong quá trình nội soi.
Phẫu thuật nội soi ổ bụng phải được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật nội soi và bác sĩ gây mê hồi sức có kinh nghiệm.
Quy trình tiến hành
Trong quá trình nội soi, bác sĩ phẫu thuật rạch một vết mổ nhỏ trên thành bụng bệnh nhân có kích thước khoảng 1 đến 1,5cm, thường ở gần rốn của bệnh nhân.
Bác sĩ bơm khí carbon dioxide thông qua vết rạch để làm vùng bụng của bệnh nhân phình lên. Việc này cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát rõ các cơ quan của bệnh nhân và tạo nhiều không gian để thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Sau đó, bác sĩ sử dụng một trocar chọc qua vết rạch để tạo đường dẫn chó ống nội soi có đèn chiếu sáng và một máy quay video nhỏ ở đầu ống soi đi qua ống này. Máy quay video chuyển hình ảnh đến màn hình tivi trong phòng mổ, giúp bác sĩ phẫu thuật quan sát rõ ràng về toàn bộ phía trong vùng bụng và vùng chậu.
- Nếu nội soi ổ bụng được sử dụng để chẩn đoán tình trạng, quy trình này thường mất 30 – 60 phút. Bác sĩ tiến hành quan sát các vị trí và mức độ tổn thương để chẩn đoán bệnh.
- Nếu nội soi ổ bụng được sử dụng để tiến hành phẫu thuật, chẳng hạn như cắt bỏ ruột thừa, bác sĩ sẽ thực hiện tiếp các thủ thuật. Các dụng cụ phẫu thuật nhỏ có thể được đưa vào qua trocar và bác sĩ phẫu thuật điều khiển chúng đến đúng vị trí cần thực hiện và tiến thành thủ thuật cần thiết.
Sau phẫu thuật nội soi ổ bụng, khí carbon dioxide sẽ được thải ra khỏi bụng của bệnh nhân, bác sĩ tiến hành khâu các vết rạch.
Theo dõi
Bệnh nhân được theo dõi như sau:
- Theo dõi gây mê hồi sức, hồi tỉnh và chống đau.
- Nuôi dưỡng người bệnh bằng đường tĩnh mạch đến khi có dấu hiệu an toàn phẫu thuật và phục hồi tiêu hóa.
- Theo dõi các biến chứng phẫu thuật: Chảy máu trong, rò bục, nhiễm trùng sau mổ, tắc ruột sớm,…
Các biến chứng có thể gặp khi nội soi ổ bụng
Nhìn chung, tỷ lệ biến chứng khi thực hiện nội soi ổ bụng tương đối thấp. Các biến chứng nghiêm trọng của nội soi ổ bụng như tổn thương mạch máu và đường tiêu hoá là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến biến chứng khi thực hiện nội soi ổ bụng:
- Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng hoặc vùng chậu.
- Độ phức tạp của phẫu thuật: Các tình trạng chướng bụng quá mức, khối u rất lớn ở vùng bụng hoặc vùng chậu, thoát vị cơ hoành có thể làm tăng tỷ lệ biến chứng.
- Bệnh mắc kèm: Bệnh nhân có dự trữ tim phổi kém cần thận trọng khi thực hiện thủ thuật.
- Kinh nghiệm phẫu thuật của bác sĩ.
Một số các biến chứng khi thực hiện phẫu thuật nội soi:
- Nhiễm trùng vết mổ: Là một trong các biến chứng thường gặp nhất trong bất kỳ phẫu thuật nào. Trong phẫu thuật nội soi, tỷ lệ nhiễm trùng thấp hơn mổ hở nhưng nhiều nghiên cứu thống kê cho thấy rằng nhiễm trùng vẫn là biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật nội soi ổ bụng. Biến chứng này đôi khi không liên quan đến các kỹ thuật, nhưng phụ thuộc vào việc khử trùng môi trường phòng mổ của bệnh viện.
- Tổn thương ruột và các cơ quan xung quanh: Không cẩn thận khi đưa trocar và kim Veress vào trong ổ bụng là một trong những nguyên nhân gây thủng ruột và tổn thương các cơ quan lân cận. Sự tổn thương này có thể gây tràn máu hoặc dịch ruột ra ổ bụng, gây nhiễm trùng hoặc mất máu cấp, nguy cơ tử vong rất cao.
- Chấn thương mạch máu: Bao gồm thủng của động mạch chủ và các động mạch chậu được báo cáo lên đến 0,6% các trường hợp, 10% trong số đó là nghiêm trọng. Trocar gây thủng mạch máu là nguyên nhân thường gặp nhất ở biến chứng này. Không giống như mổ mở tổn thương mạch máu ngay lập tức được phát hiện, trong phẫu thuật nội soi, chấn thương mạch máu có thể không được phát hiện cho đến khi bệnh nhân bị sốc.
- Biến chứng tim mạch: Carbon dioxide được bơm vào vùng bụng để giúp bác sĩ quan sát rõ các cơ quan trong vùng bụng. Việc sử dụng khí carbon dioxide có thể dẫn đến tăng áp lực bên trong bụng. Áp lực gia tăng này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, có xu hướng tạo thành cục máu đông. Ngoài ra, khi bơm khí carbon dioxide với số lượng quá nhiều có thể kích thích yếu tố căng thẳng.
- Tác dụng phụ của thuốc mê: Trước khi phẫu thuật nội soi ổ bụng, bệnh nhân được gây mê toàn thân để làm giãn các cơ thành bụng, giúp dễ dàng thực hiện các thủ thuật. Biến chứng nghiêm trọng từ gây mê toàn thân có thể bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này xảy ra khá thấp. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn và ói mửa. Một phản ứng dị ứng có thể xảy ra khi gây mê toàn thân.
Một số lưu ý khi nội soi ổ bụng
Trước khi phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu dừng thuốc chống đông (bao gồm aspirin) từ nhiều ngày trước khi nội soi và không ăn uống bất cứ thứ gì trước khi nội soi nhiều giờ.
Sau khi phẫu thuật
Sau phẫu thuật nội soi ổ bụng, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Khi tỉnh lại sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể có cảm giác chếnh choáng, mất phương hướng, buồn nôn và nôn trong vài giờ. Bệnh nhân sẽ không được ăn, uống cho tới khi hết cảm giác tê cứng ở miệng và cổ họng.
Khi hết cảm giác tê cứng, bệnh nhân có thể sẽ bị đau họng, ho và khàn tiếng trong 1 vài ngày tiếp theo. Bệnh nhân có thể bị đau hoặc cảm giác tê bì tại vị trí rạch da. Đau bụng hoặc đau vai là một vài triệu chứng do khí thừa còn lại. Các triệu chứng này sẽ biến mất sau vài giờ cho tới vài ngày.
Sau khi phẫu thuật nội soi ổ bụng, bệnh nhân nên tập đứng dậy và đi lại để tránh bị dính ruột và dễ trung tiện.
Sau khi xuất viện trở về nhà, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và tiến hành vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể lực nặng. Nếu thấy vết mổ hoặc sức khỏe bản thân có dấu hiệu bất thường thì cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.
Câu hỏi thường gặp
Nội soi ổ bụng hết bao nhiêu tiền?
Theo Thông tư 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023, u003cstrongu003echi phí nội soi ổ bụng giao động từ 825.000 – 2.966.000 VNĐu003c/strongu003e. Bên cạnh đó, giá dịch vụ nội soi ổ bụng còn phụ thuộc vào gói dịch vụ lựa chọn và bệnh viện mà người bệnh thăm khám.
Nội soi ổ bụng có đau không?
Trước khi thực hiện nội soi ổ bụng, bệnh nhân đã được gây mê toàn thân, do đó bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Sau khi hết tác dụng của thuốc mê, bệnh nhân tỉnh lại có thể cảm thấy mệt mỏi và có một cảm giác đau tại vết mổ. Tuy nhiên, những khó chịu này sẽ biến mất sau vài giờ đến vài ngày thực hiện phẫu thuật.
Nội soi ổ bụng để làm gì?
Nội soi ổ bụng được chỉ định để quan sát tổn thương bên trong vùng bụng và/hoặc lấy mẫu để thực hiện sinh thiết một số bộ phận như gan, tụy, thận, lách để đưa ra các chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để thực hiện một số phẫu thuật như liên quan đến dạ dày, gan, mật,…
Nội soi ổ bụng như thế nào?
Phẫu thuật nội soi ổ bụng là một thủ thuật ngoại khoa xâm lấn tối thiểu được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật để quan sát các cấu trúc bên trong khoang bụng thông qua một vết rạch nhỏ.
Quy trình nội soi ổ bụng chẩn đoán?
Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân trước khi bác sĩ thực hiện nội soi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành bơm khí carbon dioxide vào vùng bụng, sau đó luồn dụng cụ phẫu thuật và ống nội soi để quan sát phía trong vùng bụng hoặc tiến hành phẫu thuật theo như chẩn đoán của bệnh nhân.
Chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng?
Nội soi ổ bụng được chỉ định để quan sát tổn thương bên trong vùng bụng và/hoặc lấy mẫu để thực hiện sinh thiết một số bộ phận như gan, tụy, thận, lách để đưa ra các chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để thực hiện một số phẫu thuật như liên quan đến dạ dày, gan, mật,..
Hi vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về nội soi ổ bụng. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có nhu cầu tư vấn về nội soi ổ bụng, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên docosan.com.