Sa trực tràng và trĩ giống nhau, khác nhau như thế nào?

Sa trực tràng và trĩ là những bệnh lý thoạt nhìn có thể biểu hiện tương đối giống nhau. Tuy nhiên trên thực tế đây là hai bệnh lý rất khác nhau, cần phải phân biệt để chẩn đoán và điều trị phù hợp. Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số thông tin về sa trực tràng và trĩ trong bài viết dưới đây nhé!

Sa trực tràng và trĩ là những bệnh lý gì?

Sa trực tràng là bệnh lý xảy ra khi trực tràng mất đi vị trí giải phẫu vốn có bên trong cơ thể. Bình thường vị trí của nó là đoạn cuối của ruột già trước khi đổ vào ống hậu môn, ẩn sau bên trong và không thấy được bằng việc quan sát bên ngoài. Tuy nhiên khi bệnh nhân mắc phải bệnh lý sa trực tràng, nó sẽ chui ra ngoài qua lỗ ống hậu môn.

Bệnh lý này được xem là lành tính, khả năng để lại biến chứng nguy hiểm là khá thấp, tuy nhiên lại gây ra nhiều sự bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biến chứng nguy hiểm nhất là khi khối trực tràng sa ra ngoài bị kẹt bên ngoài, lâu dài có thể gâu nghẹt và đối mặt với nguy cơ hoại tử.

Trĩ là bệnh lý đặc trưng bởi sự dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở ống hậu môn dẫn đến hình thành các búi trĩ có kích thước to dần. Trĩ thường được phân thành 3 nhóm: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Việc phân chia này dựa vào vị trí giải phẫu của các búi trĩ.

Sa trực tràng và trĩ có thể bị nhầm lẫn với nhau do vị trí của chúng xảy ra ở vùng trực tràng và hậu môn giống nhau. Khi bị sa trực tràng thì phần trực tràng sẽ bị lồi ra bên ngoài hậu môn – tương đối giống với hiện tượng sa búi trĩ trong bệnh trĩ. Nếu không biết cách phân biệt bệnh sa trực tràng và trĩ sẽ gây chẩn đoán sai lầm, điều trị sai lầm, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, cụ thể:

  • Lựa chọn sai phương pháp điều trị và loại thuốc điều trị dẫn đến tốn kém nhưng không điều trị bệnh hiệu quả.
  • Tạo điều kiện giúp kéo dài thời gian ủ bệnh làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm khó lường.
  • Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các triệu chứng của sa trực tràng và trĩ.
  • Mất thời gian và tốn kém về mặt kinh tế.


Phân biệt sa trực tràng và trĩ có gì giống, khác nhau?

Phân biệt búi sa của sa trực tràng và trĩ

Búi sa trong bệnh sa trực tràng là một phần hay toàn bộ khối trực tràng, kích thước lớn hơn, dài hơn và tròn đều theo dạng hình tròn đồng tâm. Đặc biệt, khối sa này có thể tiết ra nhiều dịch nhầy ẩm ướt. Trong khi đó, búi sa của bệnh trĩ có bề mặt là lớp niêm mạc, khối sa thường có kích thước ngắn hơn, nhỏ hơn và được tạo thành tự một hay nhiều búi có kích thước không đồng đều.

Phân biệt hiện tượng chảy máu của sa trực tràng và trĩ

Đi tiêu ra máu là hiện tượng thường gặp của bệnh trĩ, lượng máu nhiều ít tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong giai đoạn đầu lượng máu thường ít, người bệnh phát hiện khi thấy máu dính trên phân hoặc dính trên giấy vệ sinh. Lúc này bệnh nhân chưa có cảm giác đau đớn khi đi vệ sinh, chảy máu do phân cạ vào làm rách búi trĩ đang căng phồng hoặc do rặn mạnh làm rách búi trĩ. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn, búi trĩ sưng to về kích thước và chảy máu nhiều hơn, có thể nhỏ giọt theo phân hoặc bắn thành tia.

Cách phòng ngừa bệnh sa trực tràng và trĩ

Phòng ngừa bệnh sa trực tràng

Để phòng ngừa bệnh sa trực tràng bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Thận trọng, cân nhắc khi dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm… vì chúng có thể gây rối loạn cho hệ tiêu hóa. Đồng thời, khi uống liên tục trong thời gian dài có thể gây các tình trạng táo bón, sa trực tràng,…
  • Khi bị táo bón không nên lạm dụng các loại thuốc nhuận tràng mà chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu lạm dụng sẽ làm các yếu các cơ hậu môn, thành hậu môn mỏng và có thể khiến bạn mắc phải sa trực tràng.
  • Không nên nhịn đi đại tiện kéo dài, tránh ăn các thức ăn có thể gây táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa.
  • Duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh,… Tránh lạm dụng những bài tập nặng như đẩy tạ, bê vác đồ nặng,…
  • Uống nhiều nước mỗi ngày giúp phân mềm hơn, bôi trơn đường ruột giúp giảm thiểu nguy cơ táo bón và sa trực tràng.
  • Bổ sung các loại hoa quả, rau xan giàu vitamin, chất xơ và chất khoáng.

Phòng ngừa bệnh trĩ

Không có quá nhiều sự khác biệt trong việc phòng ngừa bệnh sa trực tràng và trĩ. Yếu tố then chốt chính là giảm áp lực lên thành hậu môn, điều trị táo bón, duy trì chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh, khoa học.

  • Tăng cường các bài tập, vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội,… để giải tỏa các áp lực dồn lên hậu môn, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hơn.
  • Bổ sung các loại trái cây, rau củ giàu chất khoáng và vitamin.
  • Duy trì thói quen cung cấp lượng nước đủ cho cơ thể, giúp phân mềm không bị rắn, thành ruột được bôi trơn.
  • Tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định mỗi ngày.
  • Hạn chế việc nhịn đi đại tiện vì có khả năng gây rối loạn chức năng cơ vòng hậu môn.

Bệnh sa trực tràng và trĩ có một số điểm giống nhau nếu chỉ nhìn thoạt qua, tuy nhiên thực tế đây là hai bệnh lý khác nhau về nhiều phương diện. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh cần được thực hiện đúng cho từng bệnh vì phương pháp điều trị rất khác nhau. Bên cạnh đó, chúng ta nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hai bệnh lý này.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo