Tắc ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tắc ruột là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa. Thông thường, các phân tử thức ăn phải đi qua hơn 7 mét chiều dài của đường ruột như một phần của quá trình tiêu hóa bình thường. Các sản phẩm tiêu hóa này di chuyển liên tục. Tuy nhiên, tắc ruột sẽ làm gián đoạn, cụ thể hơn là chặn đứng quá trình này lại. Các triệu chứng của bệnh rất điển hình, và hôm nay Docosan sẽ giúp bạn nhận biết các dấu hiệu gợi ý tắc ruột, nguyên nhân và phương pháp điều trị tắc ruột nhé?

Định nghĩa và cơ chế sinh lí bệnh tắc ruột

Tắc ruột là một hội chứng mà khi đó có sự ngưng trệ hoạt động lưu thông các chất chứa trong lòng ruột. Sự tắc nghẽn có thể là bán phần hay toàn phần, và khiến thức ăn, nước uống đã được tiêu hóa bị nghẽn lại không di chuyển được.

Tắc ruột được chia thành 2 nhóm chính:

  • Tắc ruột cơ năng hay còn gọi là liệt ruột (adynamic ileus) là khi có thương tổn thần kinh cơ dẫn đến giảm đáng kể hay mất nhu động ruột mặc dù lòng ruột vẫn còn thông suốt.
  • Tắc ruột cơ học (mechanical obstruction) hàm ý có yếu tố cản trở cơ học từ trong lòng ruột, trên thành ruột, hay từ ngoài tác động lên thành ruột làm cản trở sự lưu thông các chất trong lòng ruột.

Khi tắc ruột xảy ra, nước uống, thức ăn cùng với hơi và axit dạ dày sẽ tích tụ phía thượng nguồn của vị trí tắc nghẽn. Và trường hợp xấu nhất khi áp lực trong ống tiêu hóa ngày càng tăng, ruột của bạn có thể bị vỡ, làm rò rỉ các sản phẩm tiêu hóa trong ruột và vi khuẩn đi kèm vào ổ bụng của bạn. Đây là một tình trạng cấp cứu gọi là viêm phúc mạc, và nó đe dọa tính mạng của bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng của tắc ruột

tac-ruot
Các triệu chứng của tắc ruột

Triệu chứng của tắc ruột khiến bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu, ví dụ như:

  • Đau bụng từng cơn
  • Nôn ói
  • Bí trung đại tiện
  • Chướng bụng
  • Sốt.

Triệu chứng còn phụ thuộc vào vị trí và thời gian tắc nghẽn.

Trên các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể tìm thấy trên phim X-quang có các mức nước – hơi, hình chuỗi tràng hạt, CT scan thấy có hình ảnh chuyển tiếp giữa các đoạn ruột.

Ví dụ, nôn ói nhiều là một dấu hiệu ban đầu của tắc đoạn cao (tắc ruột non). Triệu chứng này cũng có thể xảy ra với tắc đoạn thấp (tắc ruột già) tiến triển. Trong tắc ruột bán phần bạn có thể bị tiêu chảy, còn tắc ruột toàn phần sẽ có triệu chứng bí cả trung tiện lẫn đại tiện.

Tắc ruột cũng có thể gây tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng và viêm phúc mạc (như đã đề cập ở trên). Tình trạng cấp cứu này xảy ra làm cho ruột của bạn bị vỡ. Triệu chứng kèm theo có thể là sốt và đau bụng ngày càng tăng. Viêm phúc mạc do tắc ruột là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng người bệnh, và phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất phải được tiến hành ngay.

Nguyên nhân tắc ruột

Nguyên nhân tắc ruột cơ học

Nguyên nhân từ bên ngoài thành ruột

  • Do dính ruột sau phẫu thuật (ở người lớn), tắc ruột do dính bẩm sinh (ở trẻ em).
  • Thoát vị: là tình trạng ruột không nằm trong ổ bụng mà bị đẩy ra ngoài qua một lỗ trên thành bụng, ví dụ như thoát vị bẹn, thoát vị rốn, thoát vị đùi…
  • Xoắn ruột.
  • Các khối u chèn ép từ bên ngoài như các khối u trong ổ bụng, ung thư, các khối abcess.

Nguyên nhân ở trên thành ruột

  • Các khối u lành tính hay ác tính ở ngay trên thành ruột
  • Lồng ruột: thường gặp ở trẻ nhỏ. Lồng ruột hiếm khi gặp ở người lớn, nếu có thì thường có polyp hay khối u ở ruột đi kèm.
  • Bệnh ruột viêm: lao ruột, túi thừa đại tràng tạo thương tổn giả u gây tắc, bệnh Crohn, bệnh viêm ruột tăng bạch cầu ái toan.
  • Hẹp thành ruột do thiếu máu mạc treo, tia xạ, bất sản thành ruột bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
  • Khối máu tụ tự hình thành trong thành ruột ở những bệnh nhân dùng thuốc kháng đông.

Nguyên nhân nằm trong lòng ruột

  • Búi giun đũa ở trẻ lớn, phân su ở trẻ sơ sinh, khối phân cứng ở người lớn tuổi hay người nằm một chỗ gây tắc ruột già, bã thức ăn ở người đã cắt dạ dày hay mất khả năng nhai, thuốc cản quang đóng cục, …
  • Dị vật đường tiêu hóa.
  • Sỏi mật: một viên sỏi lớn túi mật có thể đi vào ruột qua lỗ rò túi mật – tá tràng để gây nên tắc ruột đơn thuần ở ruột non.

Nguyên nhân tắc ruột cơ năng

Tắc ruột cơ năng hay còn gọi là liệt ruột chiếm khoảng 5 – 10 % các trường hợp tắc ruột, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Tất cả các nguyên nhân gây viêm phúc mạc như thủng tạng rỗng, viêm tuỵ cấp, viêm ruột thừa vỡ…
  • Liệt ruột phản xạ có thể gặp trong cơn đau quặn thận, chấn thương cột sống, chấn thương hệ niệu, tụ máu sau phúc mạc, vỡ xương chậu,.
  • Huyết khối mạch máu mạc treo và thiếu máu cấp.
  • Rối loạn chuyển hoá nội tiết: giảm kali máu, tăng canxi máu, toan chuyển hoá, đái tháo đường, suy chức năng tuyến giáp.
  • Một số thuốc gây liệt ruột: kháng cholinergic, dẫn chất của thuốc phiện …
  • Một số bệnh toàn thân: rối loạn chuyển hóa porfirin, xơ cứng bì.
  • Bệnh phình đại tràng bẩm sinh trẻ em (Hirschsprung) với biểu hiện tổn thương các hạch thần kinh ở thành đại tràng.
  • Các tổn thương thần kinh cơ lan toả gọi chung là giả tắc ruột không rõ nguyên nhân. Ví dụ như hội chứng Ogilvie.

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?

Bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay khi bạn có các triệu chứng của tắc ruột nêu trên, đặc biệt nếu bạn đã từng trải qua phẫu thuật ổ bụng (bao gồm cả mổ hở và mổ nội soi). Nếu bạn bị chướng bụng, bí trung đại tiện, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Chẩn đoán tắc ruột như thế nào?

Bước đầu tiên để chẩn đoán tắc ruột là khám bụng. Bác sĩ sẽ ấn khắp bụng của bạn để đánh giá tổng quan (điều này có thể hơi khó chịu). Sau đó, họ sử dụng ống nghe xem nhu động ruột còn hay mất để phân loại tắc ruột. Sự hiện diện của một khối gồ cứng, những quai ruột nổi lên thành bụng, và tình trạng mất nhu động ruột là các nhóm dấu hiệu khá điển hình cho 1 tình trạng tắc ruột cơ năng.

Hình ảnh tắc ruột trên phim X-quang
Hình ảnh X-quang tắc ruột

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành 1 loạt các xét nghiệm để xác định tắc ruột như sau:

  • Xét nghiệm máu.
  • Chụp Xquang bụng không tiêm thuốc cản quang/ có tiêm thuốc cản quang.
  • Chụp CT ổ bụng.
  • Nội soi ruột già.

Các biến chứng của tắc ruột

  • Nhiễm trùng huyết.
  • Sốc giảm thể tích, nhiễm trùng nhiễm độc.
  • Suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy đa cơ quan.
  • Hội chứng ruột ngắn sau khi cắt đoạn dài ruột non do xoắn ruột.
  • Hoại tử ruột, thủng ruột gây viêm phúc mạc.

Điều trị tắc ruột như thế nào?

Tắc ruột cơ học hoàn toàn phải được điều trị bằng phẫu thuật sau khi có sự chuẩn bị chu đáo. Biến chứng hoại tử ruột sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân.

Có những trường hợp ngoại lệ mà cần hết sức cân nhắc khi chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân tắc ruột. Đó là bán tắc ruột, tiền sử đã mổ tắc ruột do dính, tắc ruột ở hậu phẫu sau xạ trị, ung thư phúc mạc lan tỏa thứ phát, bệnh ruột viêm. Điều trị nội khoa có thể được tiến hành, bạn sẽ được đặt sonde dạ dày mà tốt nhất là qua tá tràng vào ruột non để giảm áp và theo dõi thêm.    

Bán tắc ruột non là 1 tình trạng không bắt buộc phẫu thuật và có thể được điều trị nội khoa bảo tồn bằng cách đặt sonde mũi dạ dày và chờ sự tái thông của phân và hơi qua ruột. Phẫu thuật là cần thiết khi sự tắc nghẽn kéo dài nhiều ngày, kể cả bán tắc. Bán tắc ruột non tái phát được chỉ định phẫu thuật khi gặp trở ngại với điều trị nội khoa bảo tồn.

Tắc ruột cơ năng hay còn gọi là liệt ruột không được điều trị bằng phẫu thuật, thay vào đó tập trung điều trị triệu chứng, tìm kiếm căn nguyên gây liệt ruột và điều trị bệnh lý căn nguyên đó. Khi điều trị nội khoa thất bại, lúc đó mới cân nhắc phẫu thuật đưa ống tiêu hóa ra da giải áp, hay cắt bỏ đoạn ruột khi nó có biến chứng hoại tử ruột.

Nếu bạn băn khoăn rằng bị tắc ruột nên ăn gì? Thì câu trả lời là bạn không nên ăn gì trước khi nhập viện, vì việc đó có thể khiến bạn bị buồn nôn, nôn mửa gây mất nước và điện giải. Việc ăn thêm cũng có thể khiến áp lực trong đường ruột ngày càng tăng, khiến bạn dễ có nguy cơ vỡ ruột hơn. Tốt nhất bạn nên nhập viện và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Hồi sức trước mổ

  • Bù nước – điện giải.
  • Đặt sonde mũi – dạ dày ngay khi bệnh nhân vừa nhập viện.
  • Có thể cần bù máu và huyết tương ở một số bệnh nhân.
  • Kháng sinh

Điều trị phẫu thuật

Mục tiêu chính của phẫu thuật là giải áp đoạn ruột bị tắc và tìm cách tái thông tiêu hóa theo hướng tốt nhất có thể, loại bỏ thương tổn gây tắc ruột, cắt bỏ đoạn ruột nếu nó đã hoại tử, kết hợp phục hồi khiếm khuyết thành bụng trong trường hợp tắc ruột do thoát vị nghẹt.

Phẫu thuật có thể được thực hiện khi đã bù đủ dịch và ổn định chức năng của các cơ quan quan trọng.

Chỉ định mổ hở hay mổ nội soi là tùy từng trường hợp. Mổ nội soi có thể được ưu tiên khi tình trạng bụng bệnh nhân không quá chướng. Nếu lựa chọn mổ hở, đường mổ phụ thuộc vào thương tổn dự kiến, và được điều chỉnh tùy vào vị trí vết mồ cũ lần trước. Đối với thoát vị bẹn hay thoát vị đùi nghẹt thì đường mổ hở ở trên nếp bẹn.

Kết luận

Khi tắc ruột không được điều trị kịp thời có thể làm chết các mô ở phần ruột bị ảnh hưởng, dẫn đến biến chứng thủng ruột của bạn, shock và nhiễm trùng nặng. Bên cạnh đó, tiên lượng về tình trạng của bạn tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ra nó. Hầu hết các trường hợp tắc ruột hoàn toàn đều có thể điều trị khỏi và bệnh nhần có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, với các trường hợp chẳng hạn như ung thư, viện điều trị và theo dõi lâu dài là hết sức quan trọng và cần thiết.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.