Tiêu chảy cấp tính ở người lớn và cách điều trị bạn cần biết

Tiêu chảy cấp tính ở người lớn là tình trạng tiêu chảy xảy ra đột ngột, nhiều lần trong ngày và có thể kéo dài gây mất nước. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu tiêu chảy cấp người lớn trong bài viết dưới đây nhé!

Tiêu chảy cấp tính ở người lớn là bệnh gì?

Tiêu chảy cấp tính ở người lớn là tình trạng tiêu chảy xảy ra đột ngột với triệu chứng đi ngoài phân lỏng ít nhất 3 lần trong 1 ngày và kéo dài không quá 14 ngày. Tiêu chảy cấp là triệu chứng phổ biến và thường gặp trong đời sống hằng ngày. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Tiêu chảy cấp là một tình trạng phổ biến nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh có thể nhầm lẫn tiêu chảy cấp với một rối loạn tiêu hóa mức độ nhẹ, dẫn đến việc chủ quan không thăm khám và điều trị, hậu quả có thể gây mất nước và những biến chứng kèm theo nguy hiểm.

  • Người bệnh có thể có các triệu chứng sau:
    Đi cầu phân lỏng ít nhất 3 lần/ngày, phân có thể toàn nước hoặc dạng sệt, lỏng
  • Đau bụng thành từng cơn, đau xung quanh rốn, cơn đau thường giảm sau khi đi ngoài xong
  • Người bệnh có thể nôn ra thức ăn, dịch dạ dày
  • Các dấu hiệu nghi ngờ mất nước khát nước liên tục, mắt trũng, mệt mỏi, tiểu ít, da khô, da niêm nhợt nhạt, tinh thần chậm chạp, li bì hoặc kích thích, thậm chí mức độ nặng có thể hôn mê.

Bệnh lý này thường được điều trị bởi các bác sĩ thuộc chuyên khoa Tiêu Hóa

Dấu hiệu nhận biết tiêu chảy cấp tính ở người lớn

Những dấu hiệu gợi ý bạn đang mắc phải tình trạng tiêu chảy cấp tính ở người lớn bao gồm đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn, nôn, nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài nhiều ngày có thể gây mất nước hoặc tiêu chảy nghiêm trọng diễn tiến cấp tính cũng có thể gây ra tình trạng mất nước.

Tiêu chảy

Các tác nhân gây tiêu chảy như vi trùng sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đến tế bào ruột non, ruột già, phát triển và phá hủy tế bào ruột. Hậu quả làm bong tế bào và gây phản ứng viêm. Các cơ chế gây tiêu chảy thường thấy là tăng áp lực thẩm thấu, tăng tiết/ giảm hấp thu, giảm thời gian/ diện tích tiếp xúc.

Tăng áp lực thẩm thấu khiến nước nằm ở ngoại bào nhiều hơn, ruột không thể hấp thu được nhiều chất trong ruột, những chất này giữ nước lại trong ruột. Bên cạnh đó, nếu ruột tiết ra nước nhiều hơn lượng nước mà nó hấp thu cũng có thể gây tiêu chảy. Thức ăn di chuyển nhanh trong ruột cũng làm giảm thời gian tiếp xúc khiến ruột không hấp thu kịp các chất.

Ruột vị viêm tăng tiết dịch bất thường đồng thời các độc tố của vi khuẩn cũng góp phần ảnh hưởng nặng nề chức năng của ruột khiến các quá trình hấp thu tái hấp thu tại ruột không đạt hiệu quả, hậu quả gây tiêu chảy. Hiện tượng này thường gặp sau 2 đến 7 giờ sau khi ăn phải thức ăn có nhiễm khuẩn.

Người bệnh sẽ đi ngoài ra phân lỏng, có thể chỉ toàn nước, hoặc dạng sệt, nhầy, có thể lẫn máu. Đi kèm có thể xuất hiện các triệu chứng như đan quặn bụng, tình trạng đau có thể thuyên giảm sau khi bệnh nhân đi đại tiện xong. Mỗi ngày người bệnh có thể tiêu chảy từ 3 lần trở lên.

Buồn nôn

Buồn nôn, nôn là triệu chứng thường thấy đi kèm với tiêu chảy cấp tính ở người lớn. Thông thường người bệnh có thể nôn ra thức ăn cũ hoặc dịch dạ dày. Thường nôn chỉ xảy ra trong ngày đầu tiên tuy nhiên cũng có thể kéo dài nếu kèm theo các rối loạn tiêu hóa khác.

Mất nước

Nước chiếm tỉ lệ lớn trong cơ thể chúng ta với 70% trọng lượng. Nước phân bố đều khắp cơ thể và là dung môi không thể thiếu trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu không cung cấp đủ nước thì các hoạt động sống của cơ thẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tình trạng tiêu chảy và nôn ói kéo dài có thể đưa người bệnh vào tình trạng mất nước với nhiều mức độ. Triệu chứng ban đầu có thể là mệt mỏi, khát nước, da niêm nhợt nhạt, mức độ nặng hơn có thể làm mắt trũng xuống, rối loạn ý thức, hôn mê,… Do đó bù nước bù dịch là cách điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn quan trọng.

Cách chữa bệnh tiêu chảy cấp ở người lớn

Bổ sung nước cho cơ thể

Cách điều trị tiêu chảy cấp tính ở người lớn quan trọng nhất đó chính là bổ sung nước cho cơ thể và bổ sung dung điện giải. Có thể bù bằng đường uống với oresol và trong trường hợp người bệnh không uống được như hôn mê cần phải sử dụng dịch truyền để bồi hoàn nước và điện giải.

Sử dụng men vi sinh

Tiêu chảy cấp tính ở người lớn có thể khiến hệ vi sinh tại đường ruột gặp ảnh hưởng do đó có thể bổ sung men tiêu hóa, tăng cường các lợi khuẩn cho niêm mạc ruột để bảo vệ niêm mạc ruột khỏi sự tấn công. Các thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn chúng ta nên bổ sung trong bữa ăn như sữa chua, men vi sinh dạng gói,…

Sử dụng thuốc

Tùy từng tình trạng tiêu chảy cấp tính ở người lớn với những nguyên nhân khác nhau mà người bệnh sẽ được chỉ định thuốc uống hay không. Lưu ý người bệnh không nên tự ý mua thuốc ở ngoài để tự điều trị, đặc biệt là các loại kháng sinh vì có thể gây kháng kháng sinh, điều trị quá liều,… gây hậu quả về lâu dài.

Do đó ngay khi phát hiện bản thân hoặc người nhà mắc tiêu chảy cấp người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị đúng cách, giúp tình trạng bệnh cải thiện mà không ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Thuốc sử dụng trong các trường hợp tiêu chảy có thể gặp như hạ sốt, giảm đau, kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy….

Hiện nay theo các khuyến cáo cho rằng người bệnh không nên sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, tuy nhiên trong một số trường hợp tiêu chảy quá nhiều lần, có khả năng gây mất nước ở người bệnh thì các thuốc cầm tiêu chảy như Loperamid có thể được chỉ định để giảm nhu động ruột, tăng hấp thu nước và điện giải.

Tiêu chảy cấp tính ở người lớn là tình trạng thường gặp tuy nhiên cần phải theo dõi và điều trị đúng cách để tránh gây những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo