Trĩ nội độ 2 và thông tin điều trị quan trọng bạn cần biết

Trĩ nội độ 2 là một cấp độ trĩ nặng hơn mức độ 1, phương pháp điều trị có thể bảo tồn thông qua nội khoa hoặc phẫu thuật. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về trĩ độ 2 trong bài viết dưới đây nhé!

Trĩ nội độ 2 là gì?

Bệnh trĩ là gây ra bởi sự phồng lớn của hệ tĩnh mạch trĩ ở hậu môn trực tràng do hệ tĩnh mạch bị suy yếu, tạo thành các búi trĩ. Bệnh trĩ ở giai đoạn sớm khó phát hiện nếu không sa ra ngoài, nhưng có thể nhận biết qua các triệu chứng khác như xuất huyết tiêu hóa như phân lẫn máu, tiêu phân đen, giấy vệ sinh có máu.

Bệnh trĩ có nhiều yếu tố nguy cơ như táo bón lâu ngày, công việc khuân vác nặng hay phải đứng/ ngồi quá lâu, thường xuyên gồng mình, làm việc gắng sức, phụ nữ có thai, bệnh lý như u tiểu khung hay các bệnh mạn tính như viêm phế quản mạn tính ho nhiều tạo áp lực lên thành bụng.

Bệnh trĩ chia ra làm các loại chính là trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Trong đó trĩ nội là sự phình to đám rối tĩnh mạch phía trên đường lược do suy yếu, căng giãn. Giai đoạn sớm của bệnh búi trĩ còn nằm trong hậu môn (trĩ cấp 1), giai đoạn sau có thể thấy búi trĩ thập thò và về sau sẽ lòi ra khỏi hậu môn nếu không kịp điều trị.

Bộ Y tế hiện phân độ trĩ nội dựa vào đặc điểm diễn tiến của bệnh.

  • Độ 1: búi trĩ mới hình thành, chảy máu là triệu chứng chính, không quan sát thấy trĩ sa ra ngoài
  • Độ 2: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu nhưng tự co hồi về vị trí ban đầu
  • Độ 3: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu và dùng tay phải đẩy mới lên trở về bên trong
  • Độ 4: búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên và có thể bị thắt nghẹt làm hoại tử búi trĩ

Như vậy, dựa theo phân độ trĩ nội của bộ Y tế, trĩ nội độ 2 là tình trạng búi trĩ sa ra ngoài khi đi đại tiện nhưng tự co hồi về vị trí ban đầu.

Nguyên nhân và triệu chứng của trĩ cấp độ 2

Nguyên nhân gây trĩ nội độ 2 thường gặp:

  • Hậu môn, trực tràng gặp các kích thích nóng, lạnh quá mức hoặc do tiêu chảy, táo bón… kéo dài dẫn tới phình to mạng lưới mạch trĩ.
  • Bất thường và rối loạn hệ tiêu hóa như giảm nhu động ruột, đi ngoài chậm làm tăng áp lực lên thành chậu, suy yếu thành chậu.
  • Do sự gia tăng áp lực kéo dài ở bụng như phụ nữ mang thai, bệnh lý u trong ổ bụng, bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt…
  • Lối sống chưa được lành mạnh như ăn uống quá no, thói quen nhịn đi vệ sinh, thói quen ngồi xổm thường xuyên.

Cũng tương tự như các phân độ trĩ khác, trĩ nội độ 2 có 2 triệu chứng chính trên lâm sàng:

  • Xuất huyết tiêu hóa dưới: Triệu chứng sớm và thường gặp là chảy máu. Máu có thể chảy nhỏ giọt, tạo vệt bám theo phân hoặc là đi tiêu thấy phân đen. Máu cũng có thể chảy thành tia khi bệnh nhân đi vệ sinh, máu tươi hoặc máu cục.
  • Sa búi trĩ: thường xuất hiện ở giai đoạn sau của bệnh sau khi có hiện tượng xuất huyết. Ở trĩ độ 2, búi trĩ sa xuống có thể tự co hồi về vị trí ban đầu. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì búi trĩ càng sa xuống và không thể tự co về được (trĩ nội độ 4).
  • Ngoài ra bệnh nhân còn có thể cảm thấy đau rát khi đi vệ sinh, có thể kèm theo táo bón, ngứa hậu môn.

Vậy trĩ nội độ 2 có nguy hiểm không? Trĩ nội độ 2 không phải là không thể điều trị được, đặc biệt nếu bệnh được phát hiện trong giai đoạn sớm vẫn có thể điều trị tận gốc và khỏi bệnh hoàn toàn đồng thời hạn chế tối đa các biến chứng có hại về sau. Tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển, điều trị chậm trễ thì hậu quả có thể rất nguy hiểm.

Cách chữa bệnh trĩ cấp độ 2

Điều trị trĩ nội độ 2 bằng biện pháp nội khoa

  • Dùng thuốc: thuốc có tác nhân giúp co các búi tĩnh mạch, có thể sử dụng dẫn xuất từ flavonoid: giúp gia tăng trương lực tĩnh mạch, giảm sự giãn quá mức, bảo vệ hệ thống vi tuần hoàn, kháng viêm giảm phù nề, hạn chế biến chứngnhiễm trùng.
  • Sử dụng thuốc bôi tại chỗ: như thuốc mỡ pommade, viên đạn dược – suppositoire có vài trò kháng viêm, vô cảm tại chỗ giúp giảm đau và tăng dẫn xuất hỗ trợ điều trị yếu tố tĩnh mạch.

Điều trị trĩ nội độ 2 bằng biện pháp ngoại khoa

Phẫu thuật Longo

Cơ chế khâu vòng trên đường lược bằng máy bấm khâu tự động, giúp hạn chế lượng máu đến đám rối tĩnh mạch làm nhỏ kích thước búi trĩ và treo búi trĩ vào trong hậu môn.

Ưu điểm của phương pháp này:

  • Không mất nhiều thời gian của bệnh nhân.
  • Hiệu quả tốt trong việc điều trị sa trực tràng và trĩ nội.
  • Sử dụng chỉ tự tiêu đảm bảo về mặt thẩm mỹ và hạn chế nhiễm trùng vết mổ
  • Bệnh nhân có thể sinh hoạt, lao động trở lại bình thường sau một thời gian ngắn.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao.
  • Tỉ lệ tái phát cao
  • Biến chứng thủ thuật: chảy máu, nhiễm trùng, thùng trực tràng,…

Phương pháp chích xơ

Chích xơ là phương pháp điều trị chỉ dùng cho trĩ độ 1 và độ 2. Bác sĩ sử dụng thuốc bơm trực tiếp vào gốc búi trĩ để giảm lượng máu đến búi trĩ, tạo một mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới niêm mạc để giúp hạn chế xuất huyết.

Đây là một phương pháp đơn giản, không mất nhiều thời gian và có phần an toàn hơn so với các phẫu thuật xâm lấn. Tuy nhiên chích xơ đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có kinh nghiệm để có độ chính xác cao và cũng có thể xảy ra biến chứng trong quá trình thủ thuật như xuất huyết, viêm tuyến tiền liệt, rò hậu môn âm đạo do ảnh hưởng của thuốc khi bơm lệch vị trí.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Trĩ nội độ 2 và thông tin điều trị quan trọng bạn cần biết”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về bệnh trĩ cấp độ 2.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS