Viêm loét dạ dày là bệnh lý rất thường gặp và có tỷ lệ mắc mới hàng năm trên thế giới khoảng 0,1-0,3% và nguy cơ mắc bệnh trong suốt cuộc đời của một người là khoảng 5-10%. Dễ dàng nhận ra, viêm loét dạ dày rất phổ biến và có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Không những thế, bệnh còn gây ra những đau đớn khó chịu cho người bệnh, thậm chí là có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Do đó, việc hiểu rõ về căn bệnh viêm loét dạ dày là thực sự hữu ích trong phòng bệnh và chữa trị hiệu quả hơn. Và trong bài viết này, Doctor có sẵn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh lý này.
Tóm tắt nội dung
- 1 Viêm loét dạ dày là gì?
- 2 Có nguy hiểm không?
- 3 Các loại viêm loét dạ dày
- 4 Tại sao bị viêm loét dạ dày?
- 5 Đối tượng có nguy cơ mắc viêm loét dạ dày
- 6 Câu hỏi thường gặp
- 6.0.1 Cách trị viêm loét dạ dày tại nhà
- 6.0.2 Viêm loét dạ dày bao lâu khỏi?
- 6.0.3 Viêm loét dạ dày có phải mổ không?
- 6.0.4 Viêm loét dạ dày có mấy cấp độ?
- 6.0.5 Ăn gì tốt cho viêm loét dạ dày?
- 6.0.6 Siêu âm có biết viêm loét dạ dày không?
- 6.0.7 Tại sao dạ dày có thể bị viêm loét?
- 6.0.8 Bà bầu bị viêm loét dạ dày có sao không?
Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, sau đó vị trí bị tổn thương trở nên viêm sưng rồi theo thời gian hình thành các vết loét.
Có nguy hiểm không?
Rất nhiều trường hợp Viêm loét dạ dày có thể chữa được triệt để nếu như được phát hiện sớm. Tuy nhiên, do còn có nhiều trường hợp bệnh chủ quan không được chữa trị kịp thời, những vết loét ngày càng trở sâu và nhiều hơn. Bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như là:
– Hẹp môn vị
– Thủng dạ dày
– Xuất huyết tiêu hóa
– Ung thư dạ dày
Xem thêm: Dấu hiệu viêm loét dạ dày
Các loại viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày cấp tính
Tình trạng viêm loét dạ dày cấp tính xuất hiện những cơn đau đột ngột, tuy nhiên các triệu chứng rất rõ ràng và diễn ra trong một thời gian ngắn. Đây là giai đoạn bệnh có thể điều trị triệt để. Nhưng đa số người bệnh thường không đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế hợp pháp để thăm khám, mà lại mặc kệ những triệu chứng hoặc tự chữa trị tại nhà dẫn đến bệnh trở nên phức tạp hơn, kỳ vọng khỏi bệnh hoàn toàn giảm xuống.
Viêm loét dạ dày mạn tính
Bệnh lý này xuất phát từ tình trạng viêm loét dạ dày cấp tính nếu không được điều trị sẽ gây ra viêm mưng mủ kéo dài, và theo thời gian bệnh chuyển thành mãn tính. Trong giai đoạn này các tổn thương sẽ lan rộng, các vết loét sẽ không còn nông như giai đoạn cấp tính, các cơn đau trở nên dữ dội hơn. Bệnh sẽ trở nên khó điều trị hơn và dẫn đến hàng loạt những biến chứng nguy hiểm và còn làm suy giảm chức năng của các hệ cơ quan khác trong cơ thể.
Tại sao bị viêm loét dạ dày?
Nhiễm xoắn khuẩn Helicobacter Pylori (H.pylori)
Đây luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm loét dạ dày cấp tính. Do môi trường sống trở nên đông đúc và thiếu vệ sinh mà nguy cơ lây nhiễm H.pylori rất phổ biến trong cộng đồng.
Sau khi đi vào cơ thể chúng sống sót được trong môi trường acid dạ dày nhờ men urease rồi từ từ di chuyển về bề mặt tế bào biểu mô dạ dày do có những tiêm mao rồi chúng bám lên các thụ thể do có các yếu tố bám dính. Khi đã thực hiện xong những bước trên H.pylori sẽ tiết ra các độc tố gây bệnh.
Dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Các loại thuốc trong nhóm NSAID thường được sử dụng rất phổ biến cho điều trị giảm đau hạ sốt thường ngày. Qua thời gian dài sử dụng sẽ khiến lớp niêm mạc của dạ dày bị tổn thương do các thuốc này ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin giảm khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc bị viêm loét.
Các nguyên nhân khác gây viêm loét dạ dày
Tình trạng làm việc căng thẳng, lo lắng cũng khiến cho acid dạ dày tiết ra nhiều hơn, tính trạng này cứ kéo dài làm tăng nguy cơ hình thành những vết loét.
Sử dụng thường xuyên thuốc lá, các loại bia rượu và thức uống có cồn khác làm những cơ chế bảo vệ dạ dày trở nên suy yếu, tổn thương. Khi các vết loét xuất hiện và chưa được chữa lành thì các chất kích thích này lại làm cho vết loét trở nên sâu hơn, bên cạnh đó chúng cũng thúc đẩy quá trình hình thành các vết loét mới.
Đối tượng có nguy cơ mắc viêm loét dạ dày
Những người sống tại nơi tiềm ẩn có nhiều vi khuẩn H.pylori như nơi có điều kiện vệ sinh kém như cống rãnh, giếng nước,…thường dễ có nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày. Nếu một gia đình có người bị nhiễm H.pylori thì khả năng những thành viên còn lại bị nhiễm là rất cao. Cũng có nhiều trường hợp mắc phải H.pylori là do khi đi nội soi sử dụng phải các ống nội soi chưa được vô khuẩn tốt.
Những người thường xuyên phải sử dụng thuốc dụng thuốc giảm đau không steroid như người lớn tuổi điều trị các bệnh lý về đau xương khớp sẽ có nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày.
Có thể nói rượu bia, thuốc lá không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra viêm loét dạ dày nhưng đây là một tác nhân làm cho tình trạng viêm loét trở nên trầm trọng hơn.
Đối với người bị căng thẳng thần kinh kéo dài tiết ra nhiều acid hơn từ đó dễ hình thành các vết loét ở niêm mạc dạ dày.
Chế độ ăn uống không điều độ, kèm lối sống không lành mạnh sẽ gây ra những rối loạn trong tiết dạ dày. Khi dạ dày trống không có thức ăn để acid làm việc, nồng độ acid tăng cao chúng sẽ tác động đến lớp chất nhầy ở niêm mạc gây ra những vết loét.
Câu hỏi thường gặp
Cách trị viêm loét dạ dày tại nhà
Thay đổi lối sống ngoài khả năng có thể cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày còn có thể phòng ngừa bệnh. Người bệnh cần thường xuyên vận động và luyện tập thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức đề kháng.
Thêm vào đó, một chế độ ăn uống đúng giờ và đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ hỗ trợ điều hòa lượng acid dịch vị và các hoạt động co bóp của dạ dày.
Ngoài ra cần lưu ý: không ăn quá nhiều trong một bữa ăn để tránh trường hợp dạ dày làm việc quá tải trong một thời điểm mà thay vào đó nên chia nhỏ bữa ăn giúp dạ dày không rỗng để acid luôn hoạt động đúng mục đích của nó mà không tấn công lên lớp chất nhầy ở niêm mạc. Khi ăn xong không nằm ngay để tránh tình trạng dạ dày nằm ngang làm acid có thể trào ngược lên thực quản gây ra những khó chịu trong đời sống. Luôn luôn uống đủ nước vì nước cũng có giúp cho acid dạ dày không ở một nồng độ quá đậm đặc để không bào mòn lớp nhầy trong dạ dày.
Ngoài sức khỏe về thể chất, người bệnh cũng cần bảo vệ sức khỏe về tinh thần của bản thân. Hạn chế thức khuya, nên duy trì ngủ sớm. Cần có những biện pháp giải tỏa tâm lý để tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan giúp sự liên kết giữa hệ thần kinh và hệ tiêu hóa ngày càng được cải thiện hơn.
Viêm loét dạ dày bao lâu khỏi?
Để có thể xác định một khoảng thời gian chính xác để người bệnh viêm loét dạ dày bình phục là hoàn toàn không thể. Mỗi trường hợp sẽ có những thời gian chữa trị bệnh khác nhau. Thông thường bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị tốt sẽ bình phục từ 1-2 tháng.
Cần lưu ý: trong thời gian được điều trị các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc bệnh đã được chữa lành hoàn toàn nên việc đi tái khám sau thời gian điều trị là việc rất cần thiết. Đối với người có tình trạng viêm loét nặng thì thời gian điều trị có thể từ nửa năm đến vài năm bao gồm nhiều phác đồ kết hợp lại với nhau, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ và nhân viên y tế để có thể sớm bình phục.
Viêm loét dạ dày có phải mổ không?
Trường hợp được chỉ định phẫu thuật là viêm loét dạ dày không còn đáp ứng điều trị với thuốc hoặc viêm loét dạ dày đã có những biến chứng như thủng, hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hóa đã điều trị nội khoa thất bại hoặc tái phát, ung thư,…
Điều trị viêm loét dạ dày bằng phương pháp ngoại khoa chỉ được thực hiện khi bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ. Trong phẫu thuật cả dạ dày nội soi hay kinh điển thì khối lượng được cắt bỏ thường là ⅔ dạ dày để bỏ đi những phần bị tổn thương sau đó bác sĩ sẽ nối lành đường tiêu hóa. Sau 5-7 ngày, bệnh nhân đã có thể xuất viện.
Viêm loét dạ dày có mấy cấp độ?
Có 4 cấp độ của viêm loét dạ dày:
Cấp độ 1: viêm xung huyết/trợt dạ dày.
Xuất hiện các vết đỏ do các mạch máu đang bị giãn nở, sau đó một thời gian, niêm mạc sẽ hình thành các vết xước còn được gọi là vết trợt. Ở mức độ này các cơn đau ở mức nhẹ và bệnh nhân vẫn có thể chịu được, bên cạnh những cơn đau còn xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, khó tiêu và đầy hơi.
Cấp độ 2: Loét nông.
Các vết loét ăn mòn dần vào thành dạ dày nhưng chưa đi qua được khỏi lớp niêm mạc, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau tăng dần và xảy ra thường xuyên hơn, cơn đau bùng phát khi đói, căng thẳng mạnh hơn, dữ dội hơn. Thêm vào những triệu chứng ở cấp độ 1 thì bệnh nhân sẽ có xu hướng nôn ói sau khi ăn, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên bệnh nhân có thể bị suy nhược sức khỏe.
Cấp độ 3: Loét dạ dày/tá tràng.
Vết loét ở tại thời điểm này đã làm hư toàn bộ lớp niêm mạc và lộ lớp cơ của dạ dày. Triệu chứng diễn ra với tần suất thường xuyên và dày đặc. Đi kèm với tình trạng nôn ói bệnh nhân thường xuyên mất ngủ do các cơn đau, làm sức khỏe về thể chất và tinh thần của bệnh trở nên tồi tệ hơn làm tình trạng bệnh trở nên tệ đi nhanh chóng.
Cấp 4: Loét sâu đi kèm với những biến chứng.
Các vết loét tiến triển sâu hơn và ngày càng ăn mòn lớp cơ của dạ dày, tình trạng này nếu không kịp thời điều trị có thể gây ra tình trạng xuất huyết hoặc thủng dạ dày. Những cơn đau có thể bùng phát lên bất kỳ lúc nào và rất khó kiểm soát bằng những biện pháp thông thường.
Ăn gì tốt cho viêm loét dạ dày?
Bên cạnh một chế độ ăn đúng giờ và đủ bữa thì dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cũng đóng một vai trò lớn trong việc phòng và điều trị bệnh viêm loét dạ dày.
Trà xanh, rau củ và các loại trái cây tươi đều chứa chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa tổn thương các tế bào do tác dụng với các gốc tự do có trong cơ thể. Nghệ, một loại gia vị từ lâu đã được biết đến trong cacs bệnh lý về dạ dày, chúng có những đặc tính chống viêm tuyệt vời có thể giúp nhanh chóng làm lành vết thương, giảm viêm mưng mủ.
Sữa chua có chứa các vi sinh vật lợi khuẩn khi sử dụng trong các phác đồ điều trị H.pylori sẽ giúp giảm đi các tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh từ đó giúp tăng đáp ứng điều trị.
Siêu âm có biết viêm loét dạ dày không?
Nếu bệnh nhân có những triệu chứng đau ở vùng dạ dày, các bác sĩ có thể chẩn đoán dùng siêu âm để phát hiện những vấn đề ở vùng bụng vì kỹ thuật này dùng sóng siêu âm mà không phải dùng các bức xạ ion hóa nên rất nhanh chóng an toàn và hoàn toàn không gây bất kỳ đau đớn gì cho bệnh nhân.
Bên cạnh những ưu điểm mà siêu âm mang lại thì đây không phải là biện pháp tối ưu nhất dùng để chẩn đoán bệnh đau dạ dày vì không thể trực tiếp quan sát được niêm mạc dạ dày, và những góc khuất. Một bệnh nhân có cân nặng lớn với lớp mỡ dày cũng có thể gây ra những cản trở trong quan sát. Nếu muốn xác định rõ hơn về tình trạng bệnh thì cần nội soi và tiến hành nhiều xét nghiệm.
Tại sao dạ dày có thể bị viêm loét?
Cấu tạo dạ dày gồm có 5 lớp theo thứ tự như sau:
Lớp thanh mạc: là lớp phúc mạc tạng giúp che phủ và bao bọc dạ dày.
Lớp tấm dưới thanh mạc.
Lớp cơ: gồm có lớp cơ dọc, cơ vòng, cơ chéo xếp theo thứ tự từ ngoài vào trong.
Lớp tấm dưới niêm mạc.
Lớp niêm mạc: là nơi chứa các tuyến quan trọng của dạ dày. Những lớp tuyến này có chức năng tiêu hóa.
Toàn bộ lớp niêm mạc của dạ dày sẽ phủ bởi các biểu mô trụ đơn tiết nhầy, trong mô đệm có chứa các tuyến dạ dày khác nhau tùy vùng gồm có 3 loại tuyến khác nhau là tuyến tâm vị và tuyến hang- môn vị tiết nhầy, tuyến vị phân bố trong vùng đáy và thân vị, cấu tạo gồm tế bào chính và tế bào viền, sản xuất ra pepsin và HCl đây là thành phần chính của dịch vị. Toàn bộ chất nhầy sẽ tạo ra một hàng rào bảo vệ niêm mạc chống lại những tác động của dịch vị.
Các tác nhân như vi khuẩn, thuốc kháng viêm không steroid, hay nồng độ acid tăng cao sẽ làm lớp nhầy này bị giảm đi làm lộ ra các lớp niêm mạc gây rồi từ từ dẫn đến viêm sưng, lâu dần sẽ hình thành vết trợt loét.
Bà bầu bị viêm loét dạ dày có sao không?
Đau dạ dày khi mang thai là tình trạng rất phổ biến ở thai phụ xuất hiện do thay đổi nội tiết tố (hormone progesterone tăng cao làm giảm nhu động ruột và tăng áp lực ở ổ bụng kích thích ổ bụng làm tăng tiết dịch vị), sự giãn nở của tử cung gây ra sự chèn ép lên các cơ quan nội tạng khác gây ra kích thích dạ dày. Vì trong quá trình mang thai có những lo lắng và thói quen sinh hoạt thay đổi cũng dẫn đến tăng tiết dịch vị.
Hầu hết các trường hợp bị đau dạ dày khi mang thai không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của thai nhưng nếu triệu chứng kéo dài và diễn ra trầm trọng hơn thì tốt nhất thai phụ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có đưa ra những giải pháp phù hợp.
Hi vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về viêm loét dạ dày là gì và các nguyên nhân dẫn đến bệnh lý trên. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu trên, xin vui lòng đặt lịch khám với chuyên gia hoặc bác sĩ trên Docosan.com.
https://www.webmd.com/digestive-disorders/peptic-ulcer-overview https://www.medicalnewstoday.com/articles/312045#_noHeaderPrefixedContent https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534792/
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peptic-ulcer/symptoms-causes/syc-20354223