Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không luôn là nỗi trăn trở và lo lắng của người bị bệnh này. Viêm loét dạ dày là một trong những căn bệnh thường gặp và gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày. Trong đó, phổ biến nhất là do vi khuẩn Helicobacter pylori. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân thường gặp như sử dụng một số nhóm thuốc kháng viêm NSAID lâu dài, lạm dụng rượu, căng thẳng trong công việc, ăn nhiều đồ chua cay nóng,…
Tuy nhiên, còn nhiều bệnh nhân chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh dai dẳng và không kém phần nguy hiểm này. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua mức độ nghiêm trọng của nó.
Tóm tắt nội dung
Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày hay còn gọi là loét dạ dày là tình trạng xuất hiện những vết loét gây đau đớn ở niêm mạc dạ dày. Loét dạ dày xảy ra khi lớp chất nhầy dày bảo vệ dạ dày khỏi dịch tiêu hóa bị suy giảm. Điều này cho phép các acid tiêu hóa ăn mòn các mô lót dạ dày, gây ra vết loét. Acid có thể tạo ra vết thương hở gây đau đớn và có thể chảy máu. Loét dạ dày tá tràng là bất kỳ vết loét nào ảnh hưởng đến cả dạ dày và ruột non.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Một số thủ phạm gây ra tình trạng viêm loét dạ dày:
- Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) thường sống trong lớp nhầy bao phủ và bảo vệ các mô lót dạ dày và ruột non. Thông thường, vi khuẩn H. pylori không gây ra vấn đề gì, nhưng nó có thể gây viêm lớp bên trong dạ dày, tạo ra vết loét. Không rõ nhiễm trùng H. pylori lây lan như thế nào. Nó có thể được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần, chẳng hạn như hôn, hoặc qua thức ăn và nước uống.
- Sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen có thể gây kích ứng hoặc làm viêm niêm mạc dạ dày và ruột non. Ngoài ra, dùng một số loại thuốc khác cùng với NSAID, chẳng hạn như steroid, thuốc chống đông máu, aspirin liều thấp, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), alendronate (Fosamax),…có thể làm tăng đáng kể khả năng phát triển vết loét.
- Hội chứng Zollinger-Ellison có thể gây loét dạ dày và ruột bằng cách tăng sản xuất acid của cơ thể (hiếm gặp)
Xem thêm: Dấu hiệu viêm loét dạ dày
Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, nhưng nổi bật nhất là:
- Hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày ở những người bị nhiễm H. pylori
- Uống rượu: Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, đồng thời làm tăng lượng acid dạ dày được sản xuất
- Căng thẳng về tinh thần: Căng thẳng kéo dài trong công việc hay trong cuộc sống không được điều trị sẽ làm tăng tiết acid dạ dày
- Ăn nhiều thức ăn chua, cay, nóng: Những thức ăn có nhiều vị chua, cay, nóng sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng nồng độ acid trong dạ dày dẫn đến tình trạng nóng rát thượng vị, ợ chua, ợ hơi và viêm dạ dày
- Ăn quá gần giờ ngủ: Việc ăn tối quá gần giờ ngủ (bình thường bữa ăn cuối cùng cần cách giờ ngủ ít nhất 3 giờ) bắt dạ dày phải làm việc, tiết nhiều acid để tiêu hóa thức ăn dẫn đến tình trạng dư acid vào ngày hôm sau, về lâu dài gây nên tình trạng trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày.
Những yếu tố này khi xuất hiện đơn độc thường không gây nên tình trạng loét nhưng chúng có thể làm tình trạng viêm loét có sẵn trở nên trầm trọng hơn.
Triệu chứng bị viêm loét dạ dày
Triệu chứng viêm loét dạ dày phổ biến nhất chính là cảm giác nóng rát hoặc đau ở vùng thượng vị (giữa hạ sườn trái và phải). Thông thường, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi dạ dày rỗng và có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác của loét bao gồm:
- Đau âm ỉ trong bụng
- Sụt cân
- Không muốn ăn vì đau
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đầy bụng
- Dễ cảm thấy no trong bữa ăn
- Ợ hơi hoặc ợ chua (trào ngược acid)
- Ợ nóng kèm cảm giác nóng rát ở ngực
- Cơn đau có thể cải thiện khi ăn, uống hoặc dùng thuốc kháng acid
- Thiếu máu (triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở hoặc da nhợt nhạt)
- Tiêu phân đen
- Chất nôn có máu hoặc giống như bã cà phê
Trong trường hợp có các triệu chứng sau đây cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Mặc dù sự khó chịu có thể nhẹ, nhưng các vết loét có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị. Loét chảy máu hay còn gọi là xuất huyết tiêu hóa có thể trở nên đe dọa tính mạng.
Bệnh viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị kịp thời, loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến:
- Xuất huyết tiêu hóa: Chảy máu có thể xảy ra do vết loét dẫn đến thiếu máu hoặc mất máu nghiêm trọng có thể phải nhập viện cầm máu và truyền máu. Mất máu nghiêm trọng có thể gây nôn ra máu hoặc tiêu phân đen hoặc có máu.
- Thủng thành dạ dày: Loét dạ dày có thể ăn một lỗ xuyên qua (thủng) thành dạ dày hoặc ruột non, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng trong khoang bụng hay còn gọi là viêm phúc mạc.
- Tắc nghẽn đường tiêu hóa: Loét dạ dày tá tràng có thể chặn thức ăn đi qua đường tiêu hóa, khiến bệnh nhân dễ no, nôn mửa và sụt cân do sưng tấy do viêm hoặc do sẹo trên thành dạ dày.
- Ung thư dạ dày: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị nhiễm H. pylori có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
Phòng ngừa viêm loét dạ dày
Để giảm nguy cơ bị loét dạ dày, bạn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà để điều trị loét.
- Bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng: Nguyên nhân lây vi khuẩn H.pylori thường không được xác định. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy nó có thể truyền từ người này sang người khác hoặc qua thức ăn và nước uống. Do đó, việc hạn chế ăn uống bên ngoài, tự chế biến thức ăn tại nhà là một trong những phương pháp hữu ích hạn chế nguy cơ mắc H.pylori qua đường ăn uống.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, ăn thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn.
- Thận trọng với thuốc giảm đau: Nếu phải thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, thực hiện các bước để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày. Ví dụ, uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn chính. Bạn hãy đến bác sĩ tư vấn để tìm ra liều thấp nhất mà vẫn giúp giảm đau hoặc dùng thêm các loại thuốc như thuốc kháng acid, thuốc ức chế bơm proton, thuốc làm tăng chất nhầy bảo vệ dạ dày.
- Hạn chế sử dụng bia rượu và cafein cũng có thể giúp giảm nguy cơ, vì cả hai thức uống này đều khiến cơ thể sản xuất nhiều acid dạ dày dẫn đến loét dạ dày.
- Không ăn thức ăn cay và chua trong khi vết loét đang lành: Thức ăn có vị chua, cay, nóng và nhiều dầu mỡ gây kích ứng các niêm mạc dạ dày tăng tiết acid, làm tăng nồng độ acid trong dạ dày khiến trầm trọng thêm tình trạng vết loét, và làm chậm quá trình phục hồi của các vết loét. Ngoài ra, thói quen ăn quá chua, cay dễ gây tình trạng nóng rát thượng vị và trào ngược dạ dày vì dư acid.
- Chế độ ăn kiêng với nhiều trái cây, rau và chất xơ: Ăn nhiều loại trái cây và rau quả là chìa khóa để có niêm mạc đường tiêu hóa khỏe mạnh. Thực phẩm chứa chất xơ có thể giúp chống lại H. pylori hoặc tăng cường vi khuẩn có lợi cho cơ thể bao gồm: bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải và củ cải lá xanh, rau bina và cải xoăn, thực phẩm giàu men vi sinh, chẳng hạn như dưa, miso, sữa chua (đặc biệt là với lactobacillus và Saccharomyces), táo, quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây và quả mâm xôi, dầu ô liu,…
- Men tiêu hóa: Thực phẩm có chứa hàm lượng vi khuẩn hoạt động, chẳng hạn như sữa chua chứa men vi sinh, có thể giúp giảm nhiễm trùng Helicobacter pylori (H. pylori). Men tiêu hóa đã được chứng minh là cải thiện một chút các triệu chứng khó tiêu và tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
- Vitamin C: Chất chống oxy hóa mạnh mẽ này có thể có hiệu quả trong việc giúp tiêu diệt vi khuẩn H. pylori, đặc biệt là khi dùng với liều lượng nhỏ trong thời gian dài. Trái cây, các loại đậu và rau, chẳng hạn như cam và cà chua, chứa hàm lượng vitamin C cao.
- Không hút thuốc lá: Việc bỏ thuốc lá giúp giảm nguy cơ viêm loét dạ dày
- Tránh căng thẳng: Trong một số trường hợp bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân làm việc tại nhà hay giảm khối lượng công việc, tham gia các buổi trò chuyện để giải quyết những vấn đề tâm lý để giúp cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày.
Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không là câu hỏi được nhiều người thắc mắc nhất hiện nay. Viêm loét dạ dày hiện là một trong căn bệnh phổ biến cũng không kém phần nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày. Để có thể phòng ngừa căn bệnh này cần tránh các yếu tố nguy cơ và kịp thời tìm đến các bác sĩ có chuyên môn nếu phát hiện những triệu chứng sớm.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peptic-ulcer/symptoms-causes/syc-20354223
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/312045
- https://www.healthline.com/health/stomach-ulcer#home-remedies
- Li Y, Su Z, Li P, Li Y, Johnson N, Zhang Q, Du S, Zhao H, Li K, Zhang C, Ding X. Association of Symptoms with Eating Habits and Food Preferences in Chronic Gastritis Patients: A Cross-Sectional Study. Evid Based Complement Alternat Med. 2020 Jul 9;2020:5197201. doi: 10.1155/2020/5197201. PMID: 32695209; PMCID: PMC7368216.