Viêm ruột thừa: Nguyên nhân và điều trị

Viêm ruột thừa là một trong các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa hay gặp nhất, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh tuy điều trị không khó nhưng việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy hãy cùng Docosan tìm hiểu về viêm ruột thừa, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh như thế nào.

Viêm ruột thừa là gì ?

Ruột thừa có hình ngón tay, dài 6-12cm, đường kính khoảng 6mm. Gốc ruột thừa thường dính vào mặt sau trong của manh tràng. Chức năng của ruột thừa hiện chưa rõ ràng. Một giả thuyết cho thấy ruột thừa có vai trò trong quá trình miễn dịch, tham gia tích cực vào sự chế tiết globulin miễn dịch, đặc biệt là IgA. Tuy nhiên, việc cắt ruột thừa không làm suy giảm miễn dịch hay làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở ruột thừa. Viêm ruột thừa có thể do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa, khiến vi khuẩn tăng lên nhanh chóng, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Ruột thừa bị viêm sẽ sung huyết, sinh mủ, phù nề, nếu không được điều trị kịp thời ruột thừa viêm có thể vỡ, làm viêm phúc mạc đi kèm.

ruột thừa bị viêm
Hình ảnh vị trí ruột thừa bị viêm

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa

Tắc nghẽn lòng ruột thừa là yếu tố gây bệnh nổi bật nhất trong viêm ruột thừa cấp. Có nhiều nguyên nhân có thể làm tắc nghẽn lòng ruột thừa, chẳng hạn như :

  • Cản trở dẫn lưu bạch huyết gây phù nề và sưng to ruột thừa
  • Tắc mạch : ruột thừa bị thiếu máu nuôi, nhồi máu và hoại tử.
  • Nhiễm khuẩn : Các chủng vi khuẩn hay gặp trong viêm ruột thừa là Bacteroides fragilis và E. coli, Streptococcus, Pseudomonas, Bacteroides splanchnicus và Lactobacillus. Nếu tình trạng viêm nhiễm có kèm với tắc nghẽn lòng ruột thừa, vi khuẩn sẽ tăng sinh nhanh và khiến cho tình trạng viêm nặng nề hơn. Cuối cùng, tình trạng viêm nhiễm quá mức sẽ gây thủng ruột thừa và viêm phúc mạc kèm theo.
  • Sỏi phân : sỏi phân có thể được hình thành từ các thức ăn có nhiều chất xơ, bã, các loại hạt không thể tiêu hoá… Sỏi phân ở miệng ruột thừa gây tắc nghẽn lòng ruột thừa, dễ dẫn đến viêm ruột thừa và thủng.

Triệu chứng viêm ruột thừa

Biểu hiện viêm ruột thừa thường sẽ có các triệu chứng sau:

  • Đau bụng:
    • Thường là triệu chứng xuất hiện đầu tiên của viêm ruột thừa. Đau thường âm ỉ, liên tục làm cho người bệnh khó chịu, không đứng thẳng người, đi lại lom khom hoặc không ngủ được. Mức độ đau cũng tăng dần lên trong vòng 6 -24 tiếng. Đau tăng lên khi xoay người, ho, hắt hơi, di chuyển hoặc tác động vào.
    • Triệu chứng đặc trưng của đau bụng do viêm ruột thừa là cơn đau bắt đầu xung quanh hoặc phía trên rốn. Cơn đau có thể nặng hoặc chỉ là cảm giác đau nhẹ và khó chịu, sau đó di chuyển đến khu trú vùng góc dưới bụng bên phải.
    • Tại hố chậu phải, cảm giác đau thường nhiều nhất ngay ở điểm đau Mac Burney hoặc gần với điểm Mac Burney (Điểm McBurney là hình chiếu của nơi nối giữa ruột thừa và đáy manh tràng, nằm ở chỗ nối ở 1/3 ngoài và 2/3 trong trên đường nối giữa gai chậu trước trên bên phải và rốn)
    • Trong trường hợp ruột thừa vỡ, gây viêm phúc mạc thì bệnh nhân sẽ bị đau bụng dữ dội, đau toàn bụng, liên tục, bệnh nhân không thể cử động.
  • Nôn, buồn nôn xảy ra trong khoảng 75% trường hợp nhưng không đặc hiệu, hầu hết người bệnh sẽ chỉ nôn 1-2 lần. 
  • Sốt: trên 38 độ C, hiếm khi trên 39,5 độ C. trừ khi biến chứng viêm phúc mạc ruột thừa.
  • Chán ăn. 
  • Tiêu chảy: thường gặp khoảng 5 -10% các trường hợp viêm ruột thừa
  • Người bệnh viêm ruột thừa thường nằm co gối, đặc biệt là bên phải, và hạn chế cử động. Tư thế này làm giảm căng cơ thành bụng, như vậy bệnh nhân sẽ giảm đau.
ruột thừa bị viêm
Hình ảnh so sánh ruột thừa bình thường và ruột thừa bị viêm

Viêm ruột thừa có thể nhầm lẫn với bệnh nào khác không ?

Viêm ruột thừa cũng có thể bị nhầm lẫn với những bệnh lý thường gặp sau:

  • Nhiễm trùng đường ruột: có đau bụng, nôn, sốt, tiêu chảy giống viêm ruột thừa nhưng khác ở chỗ bệnh này thường sốt cao, đau không khu trú vùng hố chậu phải.
  • Viêm thùy dưới phổi phải: chú ý đến tiền sử bệnh hô hấp, chụp X-Quang phổi
  • Áp xe cơ thắt lưng – chậu: đau hố chậu phải, sốt cao, có dấu kích thích cơ thắt lưng chậu (thẳng chân thì lưng ưỡn lên)
  • Túi thừa Meckel, bệnh Crohn, lao ruột thường được chẩn đoán sau mổ
  • Bệnh lý hệ sinh dục: viêm tai vòi, lạc nội mạc tử cung, thai ngoài tử cung ở nữ và xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn ở nam
  • Lồng ruột : thường gpajw ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Giữa những cơn đau bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
  • Bệnh lý hệ tiết niệu : nhiễm trùng tiểu, sỏi niệu quản

Do triệu chứng của viêm ruột thừa dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên bác sĩ cần sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Biến chứng của viêm ruột thừa là gì ?

Nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa có thể diễn tiến theo những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như :

  • Vỡ hoặc hoại tử ruột thừa gây ra viêm phúc mạc ổ bụng: Bệnh nhân có biểu hiện thở nhanh nông, đau bụng tăng nhiều, nôn thường xuyên hơn ra dịch vàng hoặc xanh, sốt cao, mạch nhanh, khắp bụng co cứng lại. Đây là tình trạng đe doạ tính mạng của bệnh nhân, đòi hỏi phẫu thuật cấp cứu để loại bỏ ruột thừa và rửa ổ bụng.
  • Tạo đám quánh ruột thừa : Các quai ruột và phúc mạc đến bao bọc ruột thừa bị viêm nhằm ngăn cản tình trạng viêm lan rộng. Bệnh nhân chỉ còn đau nhẹ và giảm sốt, không có phản ứng thành bụng. Bệnh nhân có đám quánh ruột thừa được chỉ định điều trị nội khoa bằng kháng sinh và theo dõi trong 3 đến 6 tháng sau cho đến khi đám quánh biến mất hoàn toàn, bác sĩ có thể tiến hành mổ cắt bỏ ruột thừa để ruột thừa không bị viêm trở lại.
  • Abcess ruột thừa : Ruột thừa vỡ nhưng được phúc mạc và các quai ruột xunqg quanh bao bọc nhằm ngăn cản mủ lan tràn trong ổ bụng. Trường hợp này bệnh nhân vẫn đau hố chậu phải và sốt cao.

Chẩn đoán viêm ruột thừa như thế nào ?

Bác sĩ sẽ thăm khám để chẩn đoán bạn có viêm ruột thừa hay không bằng cách tìm các triệu chứng sau:

  • Đau hố chậu phải
  • Phản ứng thành bụng ở hố chậu phải vẫn còn sau nhiều lần thăm khám
  • Loại trừ tất cả các nguyên nhân khác có thể nhầm lẫn với viêm ruột thừa như viêm phần phụ ở phụ nữ, rối loạn tiêu hoá…

Sau khi thăm khám, gợi ý chẩn đoán viêm ruột thừa, bác sĩ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm và cận lâm sàng khác để khẳng định chẩn đoán, chẳng hạn như :

  • Xét nghiệm công thức máu và định lượng CRP (C-reactive protein) để tìm dấu hiệu nhiễm trùng trong cơ thể
  • Siêu âm chẩn đoán : tỉ lệ phát hiện ruột thừa viêm rất cao (trên 90%), tuy nhiên siêu âm sẽ gặp khó khăn nếu bệnh nhân có lớp mỡ bụng quá dầy, bụng chướng hơi hoặc vị trí ruột thừa bất thường.
  • CT Scan : một số trường hợp ruột thừa có vị trí bất thường mà siêu âm không phát hiện được thì CT scan là một lựa chọn để tìm ruột thừa viêm.

Điều trị viêm ruột thừa như thế nào ?

Nếu có những biểu hiện nghi ngờ viêm ruột thừa thì tạm thời không nên ăn uống nhiều, không tự ý dùng thuốc giảm đau và nên đến bác sĩ hay bệnh viện để được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Khi đã được chẩn đoán viêm ruột thừa, bện nhân cần phải được điều trị phẫu thuật sớm kết hợp với điều trị kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Phương pháp phẫu thuật có thể là phẫu thuật hở, thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng, hoặc phẫu thuật thông qua một vài lỗ nhỏ ở bụng gọi là phẫu thuật nội soi. Thông thường, phẫu thuật nội soi giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Phương pháp phẫu thuật nội soi là lựa chọn tốt cho hầu hết bệnh nhân nếu không có chống chỉ định của nội soi như: bệnh lý tim mạch và bệnh lý hô hấp nặng. Một số trường hợp cần phải cân nhắc giữa phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở, chẳng hạn như có tình trạng dính ruột do phẫu thuật ổ bụng trước đây gây cản trở quá trình nội soi cắt ruột thừa, hoặc những trường hợp viêm phúc mạc ruột thừa, tăng sinh các ổ viêm thì nên phẫu thuật hở để rửa ổ bụng an toàn hơn phẫu thuật nội soi …

Một số biến chứng sau mổ viêm ruột thừa:

  • Chảy máu: ít gặp do kẹp bỏ sót hoặc tuột chỉ thắt động mạch ruột thừa
  • Nhiễm trùng: chú ý hội chứng “ngày thứ 5” – một hội chứng nhiễm trùng đặc biệt sau mổ viêm ruột thừa – bệnh nhân sốt cao đột ngột vào ngày thứ 5 sau mổ
  • Rò manh tràng: do sự tiếp xúc của ống dẫn lưu với mỏm ruột thừa
  • Tắc ruột: thường gặp do các quai ruột dính vào nhau sau mổ
  • Rò mủ vết mổ 

Một số bác sĩ khám và điều trị viêm ruột thừa

Kết luận

Viêm ruột thừa là một bệnh lý cần phải được phẫu thuật cấp cứu càng sớm càng tốt, nếu không sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi gặp những triệu chứng như đã nêu trong bài, người bệnh cần phải gặp các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa càng sớm càng tốt để được tư vấn và chữa trị kịp thời.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Tập bài giảng Viêm ruột thừa trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Contact Me on Zalo