Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em: Nguyên nhân và điều trị

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Nguyễn Phan Hồng Sương, chuyên Nhi khoa, hiện đang công tác tại Phòng khám Nhi khoa Mianca.

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em là tình trạng chảy máu ở đường tiêu hóa của trẻ, biểu hiện bằng triệu chứng nôn ra máu hay đi cầu phân đen,… Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về hội chứng này và cách điều trị trong bài viết dưới đây nhé!

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em là gì?

Xuất huyết tiêu hoá là một bệnh cảnh tiêu hoá thường xảy ra ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp có thể lành tính và có xu hướng tự khỏi nhưng đôi khi cần đến can thiệp cấp cứu kịp thời để tránh tử vong. Căn nguyên của tình trạng xuất huyết tiêu hóa rất đa dạng và có thay đổi theo từng độ tuổi. Các phương tiện chẩn đoán nguyên nhân còn gặp nhiều khó khăn và điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

Phân biệt nôn ra máu và ho ra máu, đối với nôn ra máu máu thường đỏ tươi, không có lẫn bọt và máu đỏ tươi. Trường hợp ho ra máu thường là ho ra bọt hồng, hoặc máu có lẫn bọt.

  • Lượng máu: số lượng có thể nhiều hoặc ít, có thể ẩn trong phân không thấy bằng mắt thường. Màu đỏ tươi hoặc đỏ sậm hay có màu nâu, đen..
  • Hình thái xuất huyết: nôn ra máu, đi cầu ra máu hoặc đi cầu phân đen
  • Vị trí xuất huyết: bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hoá, không phải lúc nào cũng có thể xác minh được vị trí xuất huyết. Vị trí xuất huyết khó xác định nhất là ruột non do khó tiếp cận.  Khi xuất huyết tại các vị trí như thực quản, dạ dày hay tá tràng triệu chứng thường là nôn ra máu.
  • Bệnh lý gây xuất huyết tiêu hoá: thường gặp do loét niêm mạc ống tiêu hóa; hiếm gặp hơn là vỡ giãn tĩnh mạch trong hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa (thường xảy ra ở người lớn nhiều hơn trẻ em) và rất hiếm do các nguyên nhân dị tật bẩm sinh.
  • Tầm quan trọng: Xuất huyết tiêu hoá là một cấp cứu liên quan đến cả nội và ngoại khoa, lúc đầu có thể ít nhưng sau đó nếu trong nhiều ngày không phát hiện và điều trị nguyên nhân có thể dẫn tới xuất huyết ồ ạt đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em

Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em có sự thay đổi dựa vào nhóm tuổi và đây cũng là cách phân chia thường gặp nhất ở trẻ.

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em sơ sinh

  • Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh: Hay gặp ở trẻ đẻ non, bị ngạt thở trong thời kỳ chu sinh, mắc các biến chứng suy hô hấp, bệnh tim bẩm sinh hoặc cho ăn quá sớm. Bệnh xảy ra do thiếu máu cục bộ ở ruột, làm tăng độ quánh của máu hoặc một đợt nhiễm trùng nặng sẽ dẫn đến hoại tử ruột. Bệnh thường xảy ra trong tuần lễ đầu sau sinh: bỏ bú, nôn trớ, chướng bụng, đi tiêu máu.
  • U máu: hiếm gặp, 50% có u máu da, 50% còn lại xảy ra ở ruột già.
  • Bệnh ruột gấp đôi: rất hiếm gặp, cần can thiệp ngoại khoa

Xuất huyết tiêu hoá ở trẻ em dưới 2 tuổi

  • Viêm ruột non – ruột già cấp: các tác nhân gây bệnh thường gặp bao gồm Shigella (chiếm 60% các trường hợp đi tiêu ra máu), Campylobacter jejuni, Salmonella và E. coli xâm nhập (EIEC).
  • Lồng ruột: gây nên xuất huyết tiêu hoá ở trẻ em từ độ tuổi 6 đến 9 tháng. Dấu hiệu giúp phụ huynh chú ý tới bệnh lý này: bé la khóc từng cơn, sôi bụng, nôn và sau đó có đi phân lẫn máu. Bé có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời, tiên lượng tốt hơn nếu tiến hành tháo lồng trong 24 giờ đầu của bệnh. 3 dấu chứng cần nghĩ tới lồng ruột: nôn, khóc thét và đi tiêu ra máu.
  • Chảy máu túi thừa Meckel: thường gặp ở trẻ < 2 tuổi, xuất huyết thường gặp ở trẻ trai. Bé thường đi cầu phân đen và thường không có triệu chứng đau bụng. Toàn thân có biểu hiện thiếu máu nặng. Bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
  • U máu: thường gặp ở trực tràng, hậu môn.
  • Vết nứt hậu môn có thể gây táo bón và ngược lại: Đây là vòng lặp bệnh lý, ba mẹ cần cho bé ăn đầy đủ các nhóm chất, bao gồm các nhóm giúp nhuận tràng tránh tình trạng táo bón làm nứt hậu môn.
  • Trĩ nội: là một tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em rất hiếm gặp.

Xuất huyết tiêu hoá ở trẻ em trên 2 tuổi

  • Viêm dạ dày – ruột cấp
  • Viêm ruột hoại tử ở trẻ lớn
  • Loét dạ dày – tá tràng: can thiệp điều trị nguyên nhân này cho bé vì bệnh dễ tái phát, đặc biệt là thói quen ăn uống.
  • Viêm hồi tràng từng vùng hay bệnh Crohn: hiếm gặp ở trẻ em. Bệnh nếu tiến triển kéo dài có thể dẫn đến áp-xe thành ruột,  lỗ dò hậu môn, bán tắc hoặc tắc ruột.
  • Polyp ruột: gồm polyp ruột già lành tính (juvenile colonic polyp) bệnh nhi đi phân có máu tươi hoặc phân đen tái đi tái lại nhiều lần  không kèm đau bụng hoặc mót rặn và loại còn lại polyp có yếu tố gia đình như Hội chứng Puetz – Jeghers
  • Trĩ: thường do tăng áp lực tĩnh mạch cửa (cửa-chủ dưới).
  • Vỡ tĩnh mạch thực quản bắt nguồn từ hội chứng Mallory – Weiss: bệnh sử bé nôn nhiều do bất kỳ nguyên nhân nào đó, có hiện tượng rách các mạch máu ở dạ dày và thực quản gây xuất huyết.
  • Thoát vị qua lỗ thực quản: bệnh nhi có triệu chứng nôn ra máu và đi tiêu phân đen từng đợt.

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?

Thông thường, ỏ chẩn đoán lâm sàng bác sĩ sẽ phân ra nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên và dưới để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Dựa vào kết quả của việc thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp tùy vào mục tiêu điều trị, triệu chứng cũng như mức độ bệnh lý. Đa phần, xuất huyết tiêu hóa ỏ trẻ em quan trọng là nhịn ăn, truyền dịch trong lúc tìm ra nguyên nhân kết hợp theo dõi diễn tiến.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em như thế nào?

Cha mẹ cần xác định lại bé thực sự có tình trạng xuất huyết không. Nếu có cần đưa bé đi khám ngay để được tìm xem vị trí xuất huyết ở đâu. Người chăm sóc bé cần cung cấp bệnh sử của bé một cách chính xác cho bác sĩ điều trị.

Để tiến hành điều trị cho bé cần đánh giá tương đối lượng máu mất của bé và các dấu hiệu của bé có cần cấp cứu khẩn cấp không. Xem xét chỉ định truyền máu của bé, nếu có chỉ định thì hiến hành truyền máu theo nhóm máu của bé đồng thời tìm nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết để tiến hành điều trị cầm máu.

Bồi hoàn nước, điện giải và máu: tiến hành thiết lập đường truyền tĩnh mạch ngoại biên với kim lớn. Trước khi truyền máu theo chỉ định cần phải truyền ngay dung dịch nước muối sinh lý cho bé. Đồng thời căn dặn người nhà kiểm tra và theo dõi lượng nước tiểu của bé để đánh giá đáp ứng của việc truyền dịch.

Điều trị nhờ nội soi: nội soi là một trong những biện pháp chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị thường được sử dụng trong bệnh lý xuất huyết tiêu hóa. Điều trị cầm chảy máu bằng phương pháp đốt quang học như tia laser hay tiêm ethanol hay dung dịch ưu trương. Một số trường hợp có thể tiến hành bơm adrenaline vào dạ dày để cầm máu.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em: nguyên nhân và điều trị”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về vấn đề xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS