Bệnh huyết áp: Hiểu rõ hơn về căn bệnh huyết áp thường gặp

Bệnh huyết áp đã và vẫn đang là vấn đề sức khỏe gây nhức nhối với cộng đồng. Các chỉ số “huyết áp” được theo dõi rất kĩ vì đó là một sinh hiệu quan trọng của con người. Điều đó cho thấy rằng bệnh huyết áp có tác động rất lớn đến đời sống người dân ngày nay. Vậy hãy cùng Docosan tham khảo một số thông tin bổ ích về bệnh huyết áp qua bài viết dưới đây nhé!

Huyết áp và bệnh huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của dòng máu cần thiết tác động lên thành động mạch có tác dụng đưa máu đi khắp cơ thể nhằm nuôi dưỡng các mô và tế bào trong cơ thể. Huyết áp chịu tác động của 2 yếu tố chính là lực co bóp của cơ tim và sức cản trở trên thành mạch.

bệnh huyết áp
Bệnh huyết áp: Hiểu rõ hơn về căn bệnh huyết áp thường gặp

Ở người bình thường, huyết áp ban ngày sẽ cao hơn ban đêm, huyết áp xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 – 10 giờ sáng.

Khi hoạt động thể lực, khi căng thẳng, stress hoặc khi xúc động mạnh đều sẽ làm tăng huyết áp lên. Và ngược lại, khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp sẽ lại hạ xuống.

Nếu thời tiết lạnh, khiến các mạch máu co lại, hoặc dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc tăng co bóp cơ tim, hoặc ăn mặn đều có thể gây huyết áp tăng. Ngược lại khi cơ thể nóng, ra nhiều mồ hôi, hoặc bị tiêu chảy hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.

Huyết áp được thể hiện bằng 2 chỉ số:

  • Huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu): bình thường từ 90 đến 139 mmHg.
  • Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương): bình thường từ 60 đến 89 mmHg.

Khi tim đập, huyết áp sẽ thay đổi từ cực đại (áp lực tâm thu) đến cực tiểu (áp lực tâm trương). Huyết áp sẽ giảm dần khi máu theo động mạch đi xa khỏi tim.

Bệnh huyết áo gồm 2 tình trạng là huyết áp cao và huyết áp thấp đều gây nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh.

  • Huyết áp tối ưu: Đối với người trưởng thành, khi các chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp tối ưu.
  • Tiền cao huyết áp: Là mức giá trị của các chỉ số huyết áp nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (Huyết áp tâm thu từ 120-139mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg).
  • Huyết áp cao: Khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHG và huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg thì được chẩn đoán là huyết áp cao.
  • Huyết áp thấp: Là khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc giảm 25mmHg so với bình thường.

Để chẩn đoán một người bị bệnh huyết áp hay không bác sĩ sẽ không chỉ dựa vào một lần đo huyết áp duy nhất mà cần phải căn cứ vào trị số huyết áp đo qua nhiều ngày, thường xuyên, và thậm chí là có khi phải đo nhiều lần trong ngày. Phải đo huyết áp cả hai tay sau 5 phút nằm nghỉ và sau tối thiểu 1 phút ở tư thế đứng.

Huyết áp tăng đột ngột có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có, khi huyết áp tăng đột ngột sẽ dẫn đến một trong 2 trường hợp sau:

  • Tăng huyết áp cấp cứu
  • Tăng huyết áp khẩn cấp
bệnh huyết áp
Bệnh huyết áp: Hiểu rõ hơn về căn bệnh huyết áp thường gặp

Tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp cấp cứu là tăng huyết áp nghiêm trọng, khi chỉ số huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên và có dấu hiệu tổn thương cơ quan đích thường là não, hệ tim mạch và thận. Đây là tình trạng nguy hiểm, rất cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

  • Các triệu chứng bất thường của hệ thần kinh trung ương sẽ diễn ra nhanh chóng như lẫn lộn, mất thị lực tạm thời, liệt nửa người, mất cảm giác, co giật, giảm tri giác, không đáp ứng kích thích, hôn mê, …
  • Các triệu chứng tim mạch bao gồm đau ngực và khó thở, tĩnh mạch cổ nổi, rale ẩm đáy phổi và tiếng tim thứ 3 gợi ý phù phổi, mạch yếu bất đối xứng giữa 2 tay gợi ý tách động mạch chủ.
  • Tổn thương thận có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc nếu tăng ure máu cao do suy thận tiến triển có thể biểu hiện bằng hôn mê hoặc buồn nôn.

Điều trị bắt buộc là phải hạ huyết áp ngay lập tức với các thuốc hạ áp đường tĩnh mạch như clevidipine, fenoldopam, nitroglycerin, nitroprusside, nicardipine, labetalol, esmolol, hydralazine.

Tăng huyết áp khẩn cấp

Tăng huyết áp khẩn cấp là khi huyết áp tăng cao đột biến với chỉ số từ 180/110 mmHg trở lên nhưng không có tổn thương cơ quan đích (ngoại trừ bệnh võng mạc: xơ hóa, xuất tiết xuất huyết dạng bông, hẹp tiểu động mạch, phù gai thị).

Vì không có biến chứng cấp tính, do đó hạ huyết áp ngay lập tức là không cần thiết. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được bắt đầu điều trị phối hợp 2 thuốc đường uống và tiếp tục theo dõi sát (đánh giá hiệu quả điều trị) ở cơ sở ngoại trú.

Huyết áp rất cao mà không có tổn thương cơ quan đích thường xảy ra ở những người bệnh có biểu hiện lo lắng quá độ hoặc những người có chất lượng giấc ngủ rất kém khoảng một tuần lễ.

Huyết áp người già khác biệt như thế nào so với người trẻ?

Xoang cảnh và tiểu thể cảnh tại động mạch cảnh là 2 trong số nhiều cơ chế giúp cân bằng áp lực trong thành mạch nhưng khi con người già đi, cơ thể dần dần lão hóa thì hai thụ thể trên cũng ít nhạy cảm hơn trước.

Chính vì vậy những người cao tuổi rất hay bị hạ huyết áp tư thế, khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng dậy thì huyết áp sẽ giảm đột ngột khiến người bệnh thấy chóng mặt, hoa mắt, choáng váng vì lưu lượng máu đến não cũng bị suy giảm tức thời. Nếu lượng máu đến não không hồi phục được nhanh chóng sẽ gây hậu quả nặng nề như nhồi máu não và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, khi già đi, thành động mạch cũng dần dày hơn, cứng hơn và kém linh hoạt hơn trước do sự thay đổi ở mô liên kết của thành mạch máu. Điều này không những làm cho huyết áp ở người già cao hơn (huyết áp bình thường của người già tâm thu tăng thêm 29 mmHg và tâm trương tăng thêm 8,6 mmHg so với lúc còn trẻ) mà còn khiến cho tim phải hoạt động nhiều hơn trước khiến cho cơ tim cũng ngày càng dày và hiện tượng thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất kì lúc nào. Khi huyết áp cao kéo dài sẽ khiến các thành mao mạch cũng dày lên, gây cản trở tốc độ trao đổi chất dinh dưỡng với các tế bào.

Khi chỉ số huyết áp tâm thu của người già tăng trên 160 mmHg và huyết áp tâm trương trên 95 mmHg thì cần được can thiệp sớm để giúp người bệnh hạ huyết áp xuống.

Huyết áp 190 có nguy hiểm không?

Câu trả lời chắc chắn là có vì đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe đang ở mức rất nguy hiểm, dễ rơi vào các biến chứng nguy hiểm. Huyết áp 190 mmHg là chỉ số huyết áp gợi ý cơn cao huyết áp khẩn cấp hoặc cơn cao huyết áp cấp cứu.

Huyết áp thấp có uống được hoa hòe không?

Hoa hòe là thực phẩm chứa rất nhiều vitamin P, và vitamin P lại là một thành phần rất tốt cho thành mạch máu, giúp thành mạch máu dãn ra, dẻo dai và bền hơn, tránh căng cứng, từ đó làm tăng sức chịu đựng của thành mạch máu khi áp lực máu tăng cao, tránh vỡ thành mạch.

Chính vì thế, câu trả lời cho câu hỏi trên là người huyết áp thấp KHÔNG NÊN hoa hòe. Hoa hòe chỉ sử dụng cho người bị huyết áp cao khi áp lực máu trong các mao mạch tăng cao thôi. Người có huyết áp thấp tuyệt đối không được sử dụng nhé.

Cách làm huyết áp ổn định

Có rất nhiều mẹo tự nhiên giúp giữ cho huyết áp ở mức ổn định:

Vận động, tập luyện thể dục thể thao

Tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30′ mỗi ngày và ít nhất 5 ngày/tuần không chỉ ngăn ngừa bệnh tật và giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể mà còn có thể giữ cho huyết áp của bạn cân bằng.

Giảm cân

Người thừa cân, béo phí thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Chính vì vậy giảm cân có thể giúp huyết áp trở về mức bình thường.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh cần bổ sung nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, gồm trái cây, rau quả cũng như ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và sữa ít béo, không chỉ giúp kiểm soát được lượng calo và chất béo đưa vào cơ thể mà còn giúp ổn định huyết áp không cần dùng thuốc.

Hạn chế ăn muối

Muối có tác động quan trọng đến huyết áp, do đó giảm lượng muối trong cơ thể khi huyết áp của tăng quá cao là cực kỳ quan trọng.

Bổ sung Kali

Bổ sung đủ chất dinh dưỡng Kali sẽ giúp ổn định huyết áp và rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. Các loại trái cây và rau quả đều chứa kali, nhưng khoai tây, khoai lang, chuối, rau lá xanh và bí chứa nhiều Kali hơn cả.

Bỏ hút thuốc lá

bệnh huyết áp
Bệnh huyết áp: Hiểu rõ hơn về căn bệnh huyết áp thường gặp

Hút thuốc ngoài làm tăng huyết áp, nó còn là yếu tố nguy cơ của vô số bệnh nguy hiểm khác. Vì vậy, hãy từ bỏ thói quen này để giữ huyết áp cân bằng.

Hạn chế rượu bia

Nếu mỗi ngày chỉ uống một lượng nhỏ rượu thì lại giúp hạ huyết áp, nhưng hầu như mọi người lại lạm dụng rượu quá nhiều, uống lượng lớn hàng ngày có thể khiến huyết áp tăng cao. Rượu còn cản trở hiệu quả của thuốc hạ áp. Chính vì vậy hãy cố gắng hạn chế rượu bia nhiều nhất có thể.

Nhìn chung việc giữ ổn định từ huyết áp 120, huyết áp 130 đến huyết áp 140 là vô cùng khó khăn. Việc thay đổi lối sống và chế độ ăn sẽ khiến nhiều người cảm thấy không quen nhưng hãy cố gắng lên nhé. Vì nếu để huyết áp 160 hoặc tăng lên huyết áp 180, huyết áp 200 thì các biến chứng ở các cơ quan đích như não, tiết niệu, tim mạch có nguy cơ xảy ra rất cao.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.