Bệnh mạch vành: dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Nếu như không thường xuyên xét nghiệm tầm soát bệnh tim mạch, người bệnh có thể không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào cho đến khi mạch vành bị tắc nghẽn đáng kể hoặc xuất hiện cơn đau tim bất thường.

Bệnh mạch vành là gì?

benh-mach-vanh
Bệnh mạch vành xuất hiện khi có sự hẹp tắc động mạch vành

Bệnh mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Các mảng xơ vữa chứa cholesterol trong lòng động mạch vành và tình trạng viêm nhiễm thường là nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành. Mảng xơ vữa được hình thành qua nhiều năm do lối sống thụ động cũng như việc sử dụng các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.

Các động mạch vành là nguồn cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng chính cho tim. Sự tích tụ của mảng xơ vữa có thể gây hẹp các động mạch này, làm giảm lưu lượng máu đến tim. Cuối cùng, lưu lượng máu giảm có thể gây ra đau ngực, khó thở hoặc các dấu hiệu và triệu chứng bệnh mạch vành khác. Sự tắc nghẽn hoàn toàn có thể gây ra nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây bệnh mạch vành

Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh mạch vành bắt đầu với tổn thương ở lớp áo trong của động mạch vành, đôi khi có thể xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ. Bệnh động mạch vành do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Tăng huyết áp.
  • Cholesterol trong máu cao.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2.
  • Lối sống ít vận động, cơ địa béo phì.

Một khi lớp áo trong của động mạch vành bị tổn thương, các chất béo làm từ cholesterol và chất thải tế bào khác có xu hướng tích tụ tại vị trí bị thương tạo nên mảng bám. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Nếu bề mặt mảng bám bị nứt gãy hoặc vỡ, các tế bào máu được gọi là tiểu cầu kết tụ lại với nhau tại vị trí để cố gắng sửa chữa động mạch. Khối đông máu này có thể làm tắc động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh mạch vành

Động mạch vành bị thu hẹp dẫn đến không thể cung cấp đủ máu giàu oxy cho tim – đặc biệt là khi tim đập nhanh, chẳng hạn như khi tập thể dục. Lúc đầu, lưu lượng máu giảm có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, đôi khi chỉ cảm thấy mệt, đuối sức. Tuy nhiên, khi mảng bám tiếp tục tích tụ trong động mạch vành ngày càng lớn hoặc gặp biến cố nứt vỡ, bạn có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau ngực: Là triệu chứng thường gặp nhất, người bệnh thường mô tả cảm giác đè nặng như thể ai đó đang đứng trên ngực, đôi khi còn được mô tả đau nhói như dao đâm. Vị trí đau thường ở giữa ngực hoặc thượng vị, có thể lan lên vai, cổ, cánh tay hoặc thậm chí ra sau lưng. Đau thắt ngực thường xuất hiện khi quá căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc. Cơn đau thường biến mất trong vòng vài phút sau khi hết căng thẳng. Ở môt số bệnh nhân đái tháo đường, phụ nữ, người lớn tuổi đôi khi không cảm thấy đau ngực.
  • Khó thở: Nếu tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, người bệnh có thể bị khó thở hoặc cực kỳ mệt mỏi khi hoạt động, thậm chí kể cả trong những hoạt động thường ngày.
  • Ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm như yếu, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, lo lắng, cảm giác sợ chết. Ở người lớn tuổi bệnh mạch vành có thể kèm theo tình trạng khó thở đột ngột, rối loạn tri giác, cảm giác yếu mệt, phù chân, hạ huyết áp.

Phụ nữ thường ít có các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của cơn đau tim hơn nam giới, chẳng hạn như đau cổ lan lên hàm và họ có thể có các triệu chứng khác như khó thở, mệt mỏi và buồn nôn. Đôi khi cơn đau tim xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào rõ ràng.

Chẩn đoán bệnh mạch vành

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử kết hợp với thăm khám sức khỏe và yêu cầu xét nghiệm máu định kỳ. Ngoài ra cũng có thể đề xuất một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện khi dòng điện đi qua tim của bạn. Điện tâm đồ thường có thể tiết lộ bằng chứng về một cơn đau tim trước đó hoặc một cơn đau tim đang diễn ra.
  • Xét nghiệm men tim: các xét nghiệm CKMB, troponin T, hs-troponin T thường được sử dụng để khảo sát mức độ tổn thương của tế bào cơ tim, góp phần vào chẩn đoán xác định.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Trong khi siêu âm tim, bác sĩ có thể kiểm tra hoạt động, cấu tạo tất cả các thành phần của tim.
  • Thử nghiệm căng thẳng tim: Nếu các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra thường xuyên nhất là khi tập thể dục, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe cố định trong quá trình đo điện tâm đồ.
  • Chụp CT ngực: Chụp CT ngực có thể giúp bác sĩ thấy canxi lắng đọng trong động mạch gây thu hẹp động mạch. Nếu một lượng canxi đáng kể được phát hiện, có thể mắc bệnh mạch vành.
  • Chụp mạch vành: người bệnh được tiêm thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch trong quá trình chụp CT, có thể tạo ra hình ảnh chi tiết của các động mạch vành từ đó chẩn đoán vị trí hẹp hoặc tắc nghẽn.

Điều trị bệnh mạch vành

Điều trị bệnh động mạch vành thường bao gồm thay đổi lối sống, nếu cần có thể dùng thuốc và một số thủ thuật y tế nhất định.

Thay đổi lối sống

Lối sống lành mạnh giúp cải thiện và điều trị bệnh mạch vành

Cam kết thực hiện những thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp ích cho việc cải thiện mạch vành trở nên khỏe mạnh hơn:

  • Ngưng hút thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động: Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh mạch vành và nhiều bệnh tim mạch, hô hấp khác. Chất nicotin trong thuốc lá đồng thời có thể kích thích các tế bào ung thư phát triển. Do đó người bệnh mạch vành cần ngưng hút thuốc lá và tránh việc hút thuốc lá thụ động từ những người xung quanh.
  • Chế độ ăn uống khoa học: Người bệnh mạch vành thường gặp trong nhiều trường hợp có lượng cholesterol máu cao, béo phì, ít vận động. Các mảng xơ vữa được tạo thành nhờ lượng cholesterol cao trong máu bám vào lớp áo trong của mạch vành. Do đó người bệnh không nên ăn nhiều đồ ăn chứa dầu mỡ thay vào đó có thể bổ sung các nhóm thực phẩm khác như đạm, tinh bột, chất xơ.
  • Luyện tập thể dục đều đặn: một nghiên cứu cho rằng việc tập thể dục 30 phút mỗi ngày với tần suất 2-3 lần/tuần có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngoài ra còn giúp người bệnh lấy được vóc dáng cân đối bởi béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ nghiêm trọng của bệnh tim mạch.
  • Giảm trọng lượng cơ thể: Người trưởng thành nên giữ trọng lượng cơ thể ở mức BMI từ 18,5-22,9 kg/m2. Nếu vượt quá ngưỡng trên của BMI chứng tỏ bạn bị thừa cân hoặc béo phì. Do đó giảm cân là rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh mạch vành.
  • Giảm căng thẳng: căng thẳng, lo âu, hồi hộp là một trong những yếu tố nguy cơ gây khởi phát triệu chứng của bệnh mạch vành. Người bệnh cần học cách kiểm soát, tránh căng thẳng quá mức.

Dùng thuốc điều trị bệnh mạch vành

Hiện nay có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị bệnh mạch vành như thuốc chẹn beta, thuốc tiêu sợi huyết, thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc điều trị mỡ máu. Người bệnh cần đến tham khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh việc dùng thuốc bên ngoài không rõ nguồn gốc có thể làm nặng thêm bệnh mạch vành.

Thủ thuật tái thông và cải thiện lưu lượng máu mạch vành

Điều trị bệnh mạch vành bằng kĩ thuật nong và đặt stent mạch vành qua da

Đôi khi bệnh mạch vành cần phải điều trị tích cực hơn, thường gặp trong các đợt cấp nhập viện của người bệnh. Dưới đây là một số thủ thuật:

  • Nong và đặt stent mạch vành qua da: Giúp mở rộng lòng động mạch vành nhằm cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim do mảng xơ vữa gây chít hẹp. Một stent thường được để lại như một giá đỡ trong mạch vành để giúp giữ cho động mạch mở. Hầu hết các stent hiện nay được phủ thuốc giải phóng từ từ để giúp giữ cho các động mạch luôn trong trạng thái mở.
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành:  Phương pháp này thường được chỉ định trên những động mạch vành bị hẹp nặng hoặc tắc mà không phù hợp cho đặt stent, cho phép máu lưu thông vòng qua vùng động mạch vành bị tắc hoặc hẹp. Bởi vì đòi hỏi phải phẫu thuật mở lồng ngực, thủ thuật này thường được dành cho những người có nhiều nhánh mạch vành bị tổn thương.

Lời khuyên từ bác sĩ

Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn trên thế giới và cả Việt Nam. Người bệnh cần tuân thủ các phương pháp điều trị từ bác sĩ để cải thiện chất lượng sống cũng như phòng ngừa bệnh mạch vành tiến triển có thể gây tử vong. Đưa ngay người nhà đến bệnh viện nếu bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng trên xuất hiện bất thường.

Bệnh viện, Phòng khám điều trị bệnh mạch vành