Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không và cách phòng ngừa

Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không? Đây là vấn đề khiến nhiều bệnh nhân quan tâm và lo lắng. Bài viết này của sẽ giúp bạn hiểu rõ về khả năng chữa trị, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh thiếu máu cơ tim hiệu quả để bảo vệ sức khỏe tim mạch nhé.

Thiếu máu cơ tim là gì?

Thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là thiếu máu tim hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ) là tình trạng cơ tim không nhận đủ lượng máu giàu oxy cần thiết để hoạt động bình thường. Tình trạng tim bị thiếu máu xảy ra thường xuyên nhất khi người bệnh cố gắng hoạt động quá sức hoặc cảm thấy phấn khích (lúc này tim yêu cầu lưu lượng máu lớn hơn).

Thiếu máu cơ tim là tình trạng tim không có đủ máu giàu oxy để hoạt động bình thường
Thiếu máu cơ tim là tình trạng tim không có đủ máu giàu oxy để hoạt động bình thường

Thiếu máu cơ tim có chữa được không?

Thiếu máu cơ tim không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát tình trạng bệnh và làm chậm diễn tiến của bệnh thông qua các biện pháp điều trị y tế cũng như thay đổi lối sống. Mục tiêu chính của việc điều trị là giảm các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng như nhồi máu cơ tim và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thay đổi lối sống

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol.
  • Tăng cường hoạt động thể chất với các bài tập nhẹ nhàng.
  • Kiểm soát căng thẳng và duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý.

Điều trị bằng thuốc Điều trị bằng thuốc là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh thiếu máu cơ tim. Thuốc giúp giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Việc sử dụng thuốc nên được theo dõi và điều chỉnh bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và an toàn tối đa. Can thiệp y tế Nếu điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát tình trạng thiếu máu cơ tim, bạn có thể sử dụng các biện pháp can thiệp y tế để cải thiện lưu thông máu đến cơ tim như:

  • Nong mạch vành và đặt stent: Dùng ống thông để mở rộng động mạch bị hẹp bằng cách bơm phồng bóng nhỏ, sau đó đặt lưới kim loại (stent) để giữ cho động mạch không bị hẹp lại.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Sử dụng đoạn mạch từ cơ thể để tạo đường dẫn mới cho máu, tránh đoạn động mạch bị tắc, giúp máu lưu thông qua “đường vòng”.
  • Điều trị đối xung động ngoại biên tăng cường (Enhanced external counterpulsation – EECP): Đây là phương pháp không xâm lấn, dùng túi hơi để tăng cường tuần hoàn máu về tim, giúp giảm đau thắt ngực và cải thiện khả năng vận động, đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc nong mạch.
Nong mạch vành và đặt stent để giữ cho động mạch không bị hẹp lại
Nong mạch vành và đặt stent để giữ cho động mạch không bị hẹp lại

Nguyên do gây bệnh

Nguyên nhân tức thời

Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu qua một hoặc nhiều động mạch vành bị giảm. Lưu lượng máu thấp làm giảm lượng oxy mà cơ tim nhận được. Thiếu máu cơ tim có thể diễn tiến chậm khi động mạch bị tắc nghẽn mạn tính hoặc có thể xảy ra nhanh khi động mạch bị tắc nghẽn đột ngột. Các tình trạng có thể gây ra thiếu máu cơ tim bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành (xơ vữa động mạch): Mảng bám tích tụ trong động mạch, làm hẹp lòng mạch và cản trở lưu thông máu đến tim.
  • Cục máu đông: Mảng bám bị vỡ kích hoạt hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn động mạch và dẫn đến thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Co thắt động mạch vành: Cơ trong thành động mạch co thắt đột ngột, làm hẹp động mạch và giảm lượng máu đến tim, thường do căng thẳng, lạnh, hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích.

Nguyên nhân gián tiếp

Có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim như:

  • Hút thuốc lá: Nicotine và Carbon Monoxide gây tổn thương động mạch, dẫn đến tích tụ mảng bám, hẹp động mạch và giảm lưu lượng máu đến cơ tim.
  • Đái tháo đườngNồng độ Glucose cao gây tổn thương mạch máu, làm hẹp và cứng động mạch, giảm cung cấp máu đến cơ tim và gây thiếu máu cục bộ.
  • Tăng huyết ápHuyết áp cao làm tổn thương và cứng động mạch, thúc đẩy hình thành mảng bám và hẹp động mạch vành.
  • Mức Cholesterol trong máu cao: Cholesterol LDL tích tụ trên thành động mạch tạo mảng bám, làm hẹp lòng động mạch và gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
  • Nồng độ Triglyceride trong máu cao: Triglyceride cao góp phần hình thành mảng bám, hẹp động mạch, hạn chế lưu lượng máu đến tim và não.
  • Lối sống ít vận động: Thiếu hoạt động thể chất làm giảm khả năng kiểm soát cân nặng, tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và giảm chức năng tim, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Mảng bám tích tụ làm hẹp lòng động mạch và gây xơ vữa động mạch
Mảng bám tích tụ làm hẹp lòng động mạch và gây xơ vữa động mạch

Biểu hiện của bệnh thiếu máu cơ tim

Biểu hiện của bệnh có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian diễn tiến tình trạng thiếu máu. Các triệu chứng và biểu hiện phổ biến của bệnh thiếu máu cơ tim gồm:

  • Đau thắt ngực: Cảm giác đau, nặng, ép hoặc chèn ép ở ngực. Đau có thể lan ra vai trái, lưng, cổ, hàm hoặc cánh tay. Cơn đau thường xảy ra khi hoạt động thể chất, căng thẳng tâm lý hoặc sau bữa ăn lớn, giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch như Nitroglycerin.
  • Khó thở: Cảm giác khó thở hoặc hụt hơi, đặc biệt là khi hoạt động thể chất hoặc khi nằm xuống.
  • Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi bất thường hoặc thiếu sức lực, thường xuất hiện ngay cả khi thực hiện các hoạt động nhẹ.
  • Hồi hộp hoặc đánh trống ngực: Cảm giác tim đập nhanh, mạnh hoặc không đều.
  • Đau ngực không đặc hiệu: Triệu chứng đau ngực có thể không rõ ràng. Có khi là đau âm ỉ, dai dẳng hoặc có khi chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.
  • Buồn nôn và nôn: Cảm giác buồn nôn hoặc nôn có thể xảy ra cùng với tình trạng đau ngực hoặc khó thở. Đây là triệu chứng không phổ biến nhưng có thể xuất hiện trong các trường hợp thiếu máu cơ tim nghiêm trọng.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu: Cảm giác chóng mặt hoặc ngất xỉu có thể xảy ra nếu cơ tim không đủ khả năng cung cấp máu cho não. Thường xuất hiện trong các trường hợp thiếu máu cơ tim nặng hoặc khi có sự giảm đột ngột trong lưu lượng máu.

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ thiếu máu cơ tim, đặc biệt là đau ngực hoặc khó thở, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cảm giác đau, nặng, ép hoặc chèn ép ở ngực
Cảm giác đau, nặng, ép hoặc chèn ép ở ngực

Các loại thuốc hỗ trợ điều trị thiếu máu cơ tim

Mục tiêu chính của việc sử dụng thuốc là giảm triệu chứng, cải thiện lưu thông máu đến cơ tim và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị thiếu máu cơ tim là:

  • Thuốc chống đông máu: Aspirin và Clopidogrel là hai thuốc chống đông máu phổ biến giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong động mạch, từ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Thuốc giãn mạch: Nitroglycerin giúp giãn nở các mạch máu, cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim và giảm cơn đau thắt ngực.
  • Thuốc chẹn Beta: Metoprolol, Atenolol và Propranolol giúp làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp, từ đó giảm tải cho cơ tim và hạn chế tình trạng thiếu máu cơ tim
  • Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin: Enalapril, Lisinopril giúp giảm huyết áp và giảm gánh nặng cho tim, ngăn ngừa biến chứng suy tim.
  • Thuốc chẹn kênh Canxi: Amlodipine, Diltiazem giúp giãn nở động mạch và giảm áp lực lên tim, từ đó cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim.
  • Thuốc hạ Cholesterol (Statins): Atorvastatin, Simvastatin giúp giảm mức Cholesterol trong máu, ngăn ngừa sự phát triển của mảng bám trong động mạch vành, từ đó làm giảm nguy cơ tắc nghẽn.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch, dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian điều trị, không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Liên hệ bệnh viện Đồng Nai để khám bệnh thiếu máu cơ tim ngay

Cách phòng bệnh thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim vô cùng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

  • Hạn chế chất béo xấu: Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa từ thịt đỏ, bơ, mỡ động vật, các sản phẩm từ sữa toàn phần,… Thay vào đó, chọn chất béo không bão hòa như dầu ô liu, dầu hạt cải và cá.
  • Ăn nhiều trái cây và rau xanh: Bổ sung vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ hệ tim mạch.
  • Tăng cường chất xơ: Chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh giúp giảm mức Cholesterol LDL (Cholesterol xấu) và hỗ trợ tiêu hóa.
  • Hạn chế muối: Giảm lượng muối trong chế độ ăn để giúp kiểm soát huyết áp.

Duy trì hoạt động thể chất đều đặn: Tập thể dục ít nhất 150 phút với cường độ vừa phải mỗi tuần (như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe) giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Kiểm soát huyết áp: Kiểm tra huyết áp thường xuyên và thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì huyết áp ở mức bình thường. Kiểm soát mức Cholesterol: Kiểm tra mức Cholesterol định kỳ và thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì mức Cholesterol HDL (Cholesterol tốt) cao và Cholesterol LDL (Cholesterol xấu) thấp. Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường: Nếu bạn đang mắc bệnh đái tháo đường hoặc có nguy cơ cao, hãy theo dõi và kiểm soát đường huyết bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng thuốc nếu cần. Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim. Do đó, ngừng hút thuốc là một trong những điều quan trọng nhất để giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim. Hạn chế tiêu thụ rượu bia: Rượu bia có thể làm tăng huyết áp và gây tổn thương cho động mạch, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim. Giảm căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Hãy áp dụng các phương pháp giảm stress như thiền, yoga và các hoạt động thư giãn khác. Theo dõi sức khỏe định kỳ: Hãy các kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn và điều trị kịp thời. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa này không chỉ giúp giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim mà còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể.

Ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe tim mạch
Ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe tim mạch

Xem thêm:

Thiếu máu cơ tim là một tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống tích cực và can thiệp y tế khi cần. Nếu bạn thấy thông tin này hữu ích, hãy chia sẻ với bạn bè và người thân để cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe tim mạch! Nguồn tham khảo:  1. Myocardial ischemia

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/myocardial-ischemia/symptoms-causes/syc-20375417
  • Ngày tham khảo: 25/08/2024

2. Myocardial ischemia

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17848-myocardial-ischemia
  • Ngày tham khảo: 25/08/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button