Bệnh thiếu máu cơ tim: biểu hiện, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bệnh thiếu máu cơ tim xảy ra khi lượng máu đến tim của bạn bị giảm, khiến lượng oxy cung cấp không đủ cho cơ tim. Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim rất đa dạng, và triệu chứng của bệnh thì điển hình, dễ dàng nhận biết. Tuy nhiên nếu bệnh thiếu máu cơ tim không được điều trị thì có thể dẫn đến biến chứng đe dọa tính mạng. Vì vậy hôm nay Docosan mời bạn cùng tìm hiểu xem bệnh thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không, và cách chẩn đoán điều trị bệnh lý này như thế nào nhé!

Tổng quát về bệnh thiếu máu cơ tim

bệnh thiếu máu cơ tim
Tổng quát về bệnh thiếu máu cơ tim

Thông thường tim bơm máu đi nuôi toàn bộ cơ thể qua động mạch chủ, và một phần nhỏ lượng máu ấy sẽ tách ra, đi vào động mạch vành để nuôi dưỡng và cung cấp oxy cho toàn bộ cơ tim. Bệnh thiếu máu cơ tim thường là kết quả của sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành, khiến cho lượng máu nuôi tim giảm đáng kể.

Bệnh thiếu máu cơ tim làm giảm đáng kể khả năng co bóp để bơm máu của cơ tim. Nếu một trong những nhánh của động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, thiếu máu cơ tim cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim.

Điều trị bệnh thiếu máu cơ tim sẽ tập trung vào mục tiêu cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim. Điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, thủ thuật để nong các động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc phẫu thuật bắc cầu.

Nhưng trên hết, việc lựa chọn lối sống lành mạnh cho tim là điều quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh thiếu máu cơ tim.

Triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thiếu máu cơ tim là cơn đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực là một cảm giác khó chịu, tức nặng ở ngực, hoặc cảm giác ngực bị đè ép. Bệnh nhân cũng có thể có cảm giác khó tiêu hoặc ợ nóng, ợ chua.

Cơn đau thắt ngực bao gồm: đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Cơn đau thắt ngực ổn định thường thuyên giảm hoặc biến mất khi bạn sử dụng thuốc giảm đau hoặc nghỉ ngơi. Ngược lại, cơn đau thắt ngực không ổn định có thể đột ngột xảy ra, kể cả khi bạn đang nghỉ ngơi hay n, và cơn đau không biến mất khi sử dụng thuốc giảm đau.

Các triệu chứng của thiếu máu cục bộ cơ tim cũng có thể bao gồm:

  • Vã mồ hôi.
  • Đau thắt ngực (thường nhiều hơn bên trái) lan lên phần trên cơ thể, bao gồm cổ, hàm, cánh tay, vai trái, hoặc thậm chí lan ra sau lưng. Đôi khi có thể đau ở vùng trên của bụng (thượng vị).
  • Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, hoặc thở gấp, thở nhanh hơn bình thường.
  • Cảm thấy đầy bụng, khó tiêu hoặc cảm giác nghẹt thở (có thể cảm thấy như ợ chua)
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Cảm giác sợ chết
  • Nhịp tim nhanh, không đều

Khi cơn đau thắt ngực hoặc bất kỳ triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim nào được liệt kê ở trên kéo dài hơn 5 phút, hãy liên hệ cấp cứu ngay lập tức. Bạn có thể đang bị nhồi máu cơ tim (tình trạng động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn).

Đôi khi bạn có thể bị bệnh thiếu máu cơ tim─ hoặc thậm chí nhồi máu cơ tim ─ mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Đây được gọi là bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng. Tình trạng phổ biến nhất ở những người bị đái tháo đường, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nó không xảy ra với những người không mắc đái tháo đường.

Nguyên nhân của bệnh thiếu máu cơ tim:

Bệnh thiếu máu cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu qua một hoặc nhiều nhánh động mạch vành của bạn bị giảm. Lượng máu thấp làm giảm lượng oxy cung cấp cho hoạt động cơ tim của bạn.

Thiếu máu cơ tim có thể diễn tiến chậm do các động mạch bị tắc nghẽn từ từ theo thời gian. Hoặc nó có tiến triển nhanh chóng khi động mạch vành đột ngột bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Các nguyên nhân có thể gây ra thiếu máu cơ tim bao gồm:

  • Bệnh lý mạch vành (xơ vữa động mạch vành): Các mảng xơ vữa chủ yếu là cholesterol tích tụ dần dần lâu ngày trên thành mạch và hạn chế lượng máu lưu thông trong lòng mạch. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh thiếu máu cơ tim.
  • Huyết khối: Các mảng xơ vữa lắng đọng trong động mạch có thể bị nứt vỡ, gây ra huyết khối. Nó có thể theo dòng máu làm tắc nghẽn các nhánh khác của động mạch vành và dẫn đến thiếu máu cơ tim đột ngột, nghiêm trọng, dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hiếm khi huyết khối ở mạch vành có nguồn gốc từ nơi khác của cơ thể.
  • Co thắt mạch vành: Sự co thắt tạm thời của lớp cơ trơn trong thành mạch có thể làm hạn chế hoặc thậm chí ngăn cản lượng máu đến một bộ phận của cơ tim trong một thời gian ngắn. Co thắt mạch vành là một nguyên nhân hiếm gặp của thiếu máu cơ tim, tuy nhiên nó vẫn có thể xảy ra.

Cơn đau thắt ngực liên quan đến bệnh thiếu máu cơ tim có thể được thúc đẩy các tình trạng sức khỏe sau:

  • Vận động gắng sức
  • Thời tiết lạnh
  • Căng thẳng
  • Sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện (cocaine).
  • Ăn quá nhiều thức ăn trong 1 bữa ăn
  • Quan hệ tình dục

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu cơ tim

Các yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc bệnh thiếu máu cơ tim bao gồm:

  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường type 1 và 2 có làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và các vấn đề về tim mạch khác.
  • Tăng huyết áp: Theo thời gian, tăng huyết áp có thể đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim.
  • Rối loạn lipid máu: Cholesterol là một phần chính của các mảng xơ vữa lắng đọng gây thu hẹp lòng mạch vành của bạn. Mức độ cao của cholesterol “xấu” (LDL) trong máu của bạn có thể là di truyền hoặc chế độ ăn nhiều cholesterol và chất béo bão hòa.
  • Thừa cân béo phì: người bị béo phì có thường dễ bị mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu hơn người khác.
  • Chu vi vòng eo: Số  chu vi vòng eo trên 89 cm đối với nữ và 102 cm ở nam sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim hơn người khác.
  • Khói thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc lâu dài với khói thuốc có thể làm tổn thương lớp nội mạc của thành mạch. Tổn thương có thể giúp cholesterol dễ dàng bám vào thành mạch hơn, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành mảng xơ vữa và làm hạn chế lượng máu lưu thông trong mạch vành. Hút thuốc lá cũng có thể làm co thắt mạch vành và cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Lười hoạt động thể chất: ít vận động thể dục thể thao góp phần làm tăng nguy cơ béo phì và có liên quan đến tình trạng rối loạn lipid máu. Những người thường xuyên tập thể dục đa số có sức khỏe tim mạch tốt hơn, điều này liên quan gián tiếp đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim. Thường xuyên vận động thể dục cũng làm nguy cơ bị tăng huyết áp.

Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim

Đầu tiên, nếu bạn là không phải là trường hợp khẩn cấp (bạn đang bị đau tim hoặc đột quỵ), bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, đánh giá về bệnh sử và yếu tố nguy cơ để thực hiện khám sức khỏe.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:

  • Đo điện tâm đồ lúc nghỉ: Xét nghiệm này ghi lại hoạt động điện của tim. Có thể phát hiện đau tim, thiếu máu cục bộ và các vấn đề về nhịp tim.
  • Đo điện tâm đồ lúc gắng sức: Đây là xét nghiệm thực hiện trên máy chạy bộ để đánh giá tim của bạn hoạt động tốt như thế nào khi nó hoạt động dưới cường độ cao nhất. Có thể phát hiện cơn đau thắt ngực và tắc nghẽn mạch vành.
  • Siêu âm tim: Xét nghiệm này nhằm đánh giá cấu trúc của tim hoạt động tốt như thế nào và chức năng tổng thể của tim.
  • Xét nghiệm máu: Nhiều xét nghiệm máu được chỉ định để tìm các yếu tố ảnh hưởng đến động mạch vành, chẳng hạn như hàm lượng các loại cholesteol máu, CRP, đường huyết, HbA1c (một biện pháp kiểm soát bệnh tiểu đường) và các xét nghiệm khác.
  • Thông tim: Thử nghiệm này bao gồm việc đưa các ống nhỏ vào mạch máu của tim để đánh giá chức năng tim bao gồm cả sự hiện diện của bệnh động mạch vành.

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác có thể bao gồm:

  • Chụp xạ hình tim: Thử nghiệm này tạo ra hình ảnh của tim sau khi sử dụng chất đánh dấu phóng xạ.
  • Chụp CT scan có cản quang: đánh giá được toàn bộ động mạch vành và các nhánh có nó để phát hiện tắc nghẽn.

Các biến chứng của bệnh thiếu máu cơ tim

Bệnh thiếu máu cơ tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đôi khi đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim. Khi mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, tình trạng thiếu máu và oxy nuôi cơ tim có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim gây chết một phần cơ tim. Tình trạng này tiến triển sẽ cực kì nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong.
  • Rối loạn nhịp tim. Bệnh thiếu máu cơ tim có thể làm ảnh hưởng đến sự điều hòa bình thường nhịp tim của bạn, gây ra các tình trạng loạn nhịp tim và đôi khi có thể đe dọa tính mạng.
  • Suy tim: các đợt thiếu máu cơ tim tái diễn có thể dẫn đến biến chứng suy tim.
  • Đột tử do tim.

Điều trị bệnh thiếu máu cơ tim

Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn. Mục tiêu điều trị nhằm giảm nguy cơ bệnh thiếu máu cơ tim có thể tiến triển thành có thể do bệnh mạch vành, như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Thay đổi lối sống

Bước đầu tiên trong điều trị bệnh mạch vành là giảm các yếu tố nguy cơ của bạn. Điều này liên quan đến việc thay đổi lối sống của bạn, và chúng có thế tiến hành qua các phương pháp sau đây:

  • Ngưng hút thuốc.
  • Kiểm soát các vấn đề sức khỏe như cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia.
  • Tăng cường vận động thể thao (bạn có thể bắt đầu bằng việc đi bộ).

Bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn gì?

Bạn nên hướng đến một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Nói chuyện với bác sĩ hoặc một chuyên gia dinh dưỡng về các cách thay đổi chế độ ăn uống của bạn để giảm nguy cơ làm bệnh tim của bạn tiến triển xấu hơn. Các lựa chọn ăn kiêng tốt bao gồm chế độ ăn Địa Trung Hải và DASH.

Sử dụng thuốc:

Bác sĩ sẽ giới thiệu các loại thuốc để kiểm soát tốt nhất các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim của bạn. Các loại thuốc liên quan đến bệnh thiếu máu cơ tim bao gồm:

  • Thuốc để giảm mức cholesterol của bạn.
  • Thuốc để hạ huyết áp.
  • Thuốc để giảm đau thắt ngực.
  • Thuốc kháng đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu.
  • Nếu bạn bị đái tháo đường cùng với bệnh thiếu máu cơ tim, bạn sẽ được kê đơn thuốc để giảm lượng đường trong máu.

Điều quan trọng là tuân thủ điều trị (đúng cử, đúng liều) những loại thuốc dành cho bệnh tim và tất cả các tình trạng sức khỏe khác.

Phẫu thuật, thủ thuật:

Các thủ thuật can thiệp là phương pháp điều trị không phẫu thuật để loại bỏ mảng xơ vữa tích tụ trong mạch vành và ngăn ngừa sự tắc nghẽn. Các thủ thuật thường gặp là đặt stent và nong động mạch vành bằng bóng.

Phẫu thuật ghép nối động mạch vành (CABG) liên quan đến việc tạo ra một con đường mới cho máu lưu thông khi có tắc nghẽn trong động mạch vành. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các mạch máu từ ngực, cánh tay hoặc chân của bạn, và tạo một con đường mới để cung cấp máu giàu oxy đến tim.

Kết luận:

Tóm lại, bệnh thiếu máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng khi nó tiến triểu thành nhồi máu cơ tim, hoặc đột tử do tim. Trước hết, với xã hội ngày nay đầy rẫy các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, thì việc thay đổi một lối sống cùng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp hạn chế rất nhiều nguy cơ bị thiếu máu cơ tim.

Ngay khi bạn nhận ra mình có những triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời và phù hợp với tình trạng bệnh của mình. Xin đừng chậm trễ trong điều trị bệnh lý này bởi nguyên tắc điều trị nó luôn được khẳng định: “Thời gian là sự sống còn của cơ tim”. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và tham khảo bài viết của Docosan, hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho bạn!

Tài liệu tham khảo: