Một số cách tăng huyết áp cho người bị huyết áp thấp

Người bị huyết áp thấp có thể áp dụng những cách tăng huyết áp gì đơn giản và hiệu quả thực hiện được tại nhà? Hãy cùng Docosan tìm hiểu về huyết áp thấp và những vấn đề liên quan trong bài viết dưới đây nhé.

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, do đó huyết áp là một chỉ số thường dùng để đánh giá tình trạng sức khoẻ của cơ thể. Chỉ số huyết áp không phải luôn ổn định mà thường xuyên dao động do nhiều yếu tố như môi trường, nhiệt độ, hoạt động, thức ăn, nước uống, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe,… của chúng ta tại thời điểm đó.

Tuy nhiên bằng nhiều cơ chế khác nhau, cơ thể luôn phối hợp nhịp nhàng để giữ mức huyết áp ổn định. Bình thường huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 90-120 mmHg, nếu vì một lý do nào đó huyết áp tâm thu <90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương <60 mmHg nghĩa là bạn bị huyết áp thấp hoặc tụt huyết áp.

Tình trạng huyết áp thấp có thể gặp ở bất cứ ai nhưng thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, đặc biệt là người gầy. Nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thường xuyên thay đổi, nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh… khiến cơ thể thường xuyên dễ suy nhược, thiếu máu. Vì vậy đối tượng này nên hiểu biết về cách tăng huyết áp để bảo vệ sức khoẻ của mình.

Nhiều người cho rằng huyết áp cao nguy hiểm hơn huyết áp thấp nhiều bởi nó gây ra các biến chứng như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Tuy nhiên huyết áp thấp nguy hiểm không kém vì cũng có thể gây ra tai biến mạch máu não do thiếu máu não và nhiều triệu chứng tai hại khác. Triệu chứng của huyết áp thấp có thể gặp:

  • Mệt mỏi
  • Choáng váng
  • Chóng mặt
  • Mất khả năng tập trung
  • Hồi hộp
  • Tim đập nhanh
  • Lơ mơ
  • Lú lẫn
  • Ngất xỉu

Cách tăng huyết áp tại nhà

Người huyết áp thấp nếu chỉ gặp các triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, chóng mặt, chưa sử dụng thuốc được kê đơn để tăng huyết áp có thể áp dụng những cách tăng huyết áp sau đây để tự cải thiện huyết áp của mình:

Uống nước muối

Khi bị tụt huyết áp chỉ cần pha một lượng muối nhỏ với 200ml nước lọc để uống sẽ giúp huyếp áp tăng lên. Thậm chí cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc cũng có thể kích thích nhịp tim, nâng chỉ số huyết áp tạm thời. Lưu ý không dùng cách tăng huyết áp này thường xuyên vì cơ thể không nên hấp thu quá nhiều muối.

Uống cà phê, trà

Đây là cách để tăng huyết áp tạm thời do cafein trong trà và cà phê có tác dụng kích thích trạng thái hưng phấn của não làm tăng nhịp tim từ đó do đó làm tăng huyết áp. Cũng không nên lạm dụng quá nhiều trà và cà phê vì sẽ gây mất ngủ.

Uống nước chanh

Nước chanh tốt cho người cao huyết áp lần người huyết áp thấp do chứa nhiều vitamin và muối khoáng. Một ly nước chanh mỗi ngày giúp giữ huyết áp ổn định hơn, cách tăng huyết áp này còn giúp nâng cao sức đề kháng rất tốt.

Mang vớ ép y khoa 

Vớ ép y khoa là cách tăng huyết áp rất cực tốt nhờ việc làm giảm lượng máu bị dồn ứ xuống chân, thay vào đó sẽ tăng khả năng hồi lưu máu tĩnh mạch, giúp tham gia vòng tuần hoàn phần trên cơ thể một cách hiệu quả, đặc biệt là tim và não bộ. Vớ ép còn giúp cải thiện tình trạng đau và áp lực do chứng giãn tĩnh mạch.

Phòng tránh tụt huyết áp như thế nào?

Ngoài những cách tăng huyết áp tạm thời thì người huyết áp thấp nên thực hiện những việc làm sau đây để giảm bớt nguy cơ tụt huyết áp, tránh đột ngột ngất xỉu.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người huyết áp thấp

Nên ăn mặn hơn người bình thường, ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đa dạng các loại vitamin, đặc biệt là các loại thức ăn có nhiều chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín, đậu,… và các thực phẩm chứa nhiều acid béo omega 3 như cá hồi, cá thu. uống nhiều nước, giúp tăng thể tích máu và tránh sử dụng đồ uống có cồn như bia, rượu.

Chế độ sinh hoạt khoa học

Sinh hoạt điều độ như ngủ đủ giấc, làm việc vừa sức rất quan trọng cho người huyết áp thấp. Nếu phải thường xuyên ngồi một chỗ, nên mang vớ áp lực để tránh máu dồn ứ ở chân tạo thuận lợi cho máu trở về tim, lưu ý mỗi khi thay đổi tư thế tránh thay đổi quá đột ngột mà hãy từ từ. Vận động hợp lý bằng các môn thể thao nhẹ nhàng như bóng bàn, thiền, yoga,… giúp tăng huyết áp hiệu quả và còn giúp tinh thần thoải mái, thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Khám sức khoẻ định kỳ

Huyết áp thấp là tình trạng bệnh lý và cần sự tư vấn và điều trị, có thể phải kê đơn thuốc dưới hướng dẫn của bác sĩ. Do đó, nên đi khám bệnh khi phát hiện cơ thể mệt mỏi kéo dài hoặc các dấu hiệu khác của bệnh huyết áp thấp để được bác sĩ tư vấn cách tăng huyết áp hợp lý nhất cho mỗi người.

Tự theo dõi huyết áp tại nhà

Đo huyết áp tại nhà thường xuyên và ghi nhận là chỉ số huyết áp của mình và người thân sẽ giúp theo dõi, biết được tình trạng sức khỏe và có cách can thiệp kịp thời.

Biết cách xử trí tụt huyết áp

Bất cứ ai cũng có thể bị tụt huyết áp. Khi một người bị tụt huyết áp, cần biết được người đó có tiền sử bị bệnh tiểu đường không bằng cách hỏi họ hoặc những người xung quanh, nếu không có thì loại trừ khả năng người đó bị hạ đường huyết, tập trung sơ cứu hạ huyết áp bằng cách:

  • Từ từ đặt bệnh nhân ngồi hay nằm xuống bề mặt phẳng, thoáng khí.
  • Dùng các cách tăng huyết áp đã cập ở trên trên như cho người bệnh uống nước muối, nước trà, cà phê, nước chanh,… Nếu không tìm được những đồ uống như vậy thì cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc.
  • Nếu có thuốc điều trị huyết áp thấp do bác sĩ kê thì cho bệnh nhân uống.
  • Nếu bệnh nhân không thấy đỡ hơn cần nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế gần nhất để được khám và chữa kịp thời.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Một số cách tăng huyết áp cho người bị huyết áp thấp”. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về tình trạng này và chữa trị, phòng ngừa, xử trí khi bản thân hoặc người nhà mắc bệnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: CDC