Cao huyết áp vô căn: Chẩn đoán, biến chứng và điều trị

Cao huyết áp vô căn (còn gọi tăng huyết áp vô căn nguyên phát) là loại cao huyết áp rất phổ biến. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương các cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Tổng quan cao huyết áp vô căn

Huyết áp là lực áp suất của lượng máu tuần hoàn tác động đến thành động mạch, do tim tạo ra để thắng sức cản của mạch máu và vận chuyển máu đi khắp cơ thể. Cao huyết áp là tình trạng xảy ra khi một người có giá trị lực cường độ áp suất máu mạnh hơn mức bình thường.

Bệnh cao huyết áp vô căn hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn nguyên phát là một dạng cao huyết áp mà không thể xác định rõ nguyên nhân (vô căn). Đa phần các trường hợp người bị cao huyết áp đều thuộc loại là cao huyết áp vô căn. Một loại cao huyết áp khác nữa là cao huyết áp thứ phát, tức nguyên nhân gây ra tình trạng cao huyết áp được xác định rõ, chẳng hạn như bị bệnh thận mạn.

Chẩn đoán tăng huyết áp vô căn

Một người kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để theo dõi sát tình trạng huyết áp của mình và phát hiện sớm nhất tình trạng cao huyết áp vô căn. Chỉ số huyết áp sẽ được viết dưới dạng phân số, chẳng hạn như 120/80 mmHg (trong đó mmHg là đơn vị đo chỉ số huyết áp). Cách đọc chỉ số huyết áp sau khi đo sẽ bao gồm:

  • Số đầu tiên là huyết áp tâm thu, dùng để đo áp suất lớn nhất của máu lên thành động mạch khi tim thực hiện lần bơm máu đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể.
  • Số thứ hai (thường nằm phía dưới) là áp suất tâm trương, dùng để đo áp suất của máu lên thành động mạch khi cơ tim giãn ra trong chu kỳ co bóp.
Cao huyết áp vô căn
Một người kiểm tra huyết áp thường xuyên là cách phát hiện sớm nhất tình trạng cao huyết áp vô căn.

Chỉ số huyết áp của một người bình thường có thể dao động lên xuống nhiều lần trong cùng một ngày. Và thường thay đổi nhiều sau khi tập thể dục, lúc bị cơn đau nào đó và khi bạn căng thẳng hoặc tức giận. Thỉnh thoảng chỉ số huyết áp tăng cao nhưng không có nghĩa là bạn bị cao huyết áp vô căn. Bạn chỉ được chẩn đoán bị cao huyết áp nếu kết quả đo từ 2 – 3 lần đều vượt chỉ số bình thường. 

Việc đo huyết áp thường được áp dụng tại các phòng khám và cần thực hiện đúng quy trình trước khi xác định một người có bị cao huyết áp không. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm thêm các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát, bao gồm: Xét nghiệm máu các chỉ số đường huyết, lipid máu, số lượng tế bào máu ngoại vi; Chụp X-quang phổi; Tổng phân tích nước tiểu; Điện giải đồ; … 

Xem thêm: Huyết áp trung bình

Biến chứng khi bị cao huyết áp vô căn

Cao huyết áp vô căn nói riêng và cao huyết áp nói chung nếu không được điều trị phù hợp sẽ để lại rất nhiều biến chứng nặng nề và thậm chí gây tử vong. Các biến chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp vô căn nguyên phát bao gồm: 

Tổn thương mạch máu

Những động mạch khỏe mạnh và đàn hồi tốt sẽ giúp máu lưu thông tốt mà không bị cản trở. Nếu bị cao huyết áp lâu dài sẽ khiến động mạch bị tổn thương xơ hóa cứng hơn và ít co giãn. Đồng thời, chất béo trong máu cũng dễ dàng bị tích tụ trên thành mạch máu, dần gây hẹp lòng mạch và hạn chế lưu lượng máu, gây tắc nghẽn, nghiêm trọng sẽ hình thành các cơn đau tim và đột quỵ.

Cao huyết áp vô căn
Biến chứng tổn thương mạch máu khi bị cao huyết áp vô căn

Biến chứng tại tim 

Cao huyết áp thường xuyên khiến quả tim của bạn phải hoạt động quá sức với áp lực mạch máu càng cao thì cơ tim càng phải co bóp nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài dần, tim sẽ bị giãn nở và đến một mức nào đó sẽ có nguy cơ rối loạn nhịp tim, suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, đau thắt tim, đột tử do tim,…

Biến chứng về não bộ

Não bộ cũng như các cơ quan khác trong cơ thể muốn hoạt động đều cần được tưới máu giàu oxy do tim bơm. Cao huyết áp vô căn sẽ làm giảm lưu lượng máu cung cấp đến não và thần kinh, gây ra những cơn thiếu máu não thoáng qua (TIAs). Nếu dòng máu bị tắc nghẽn đáng kể thì khả năng cao khiến tế bào não chết, đột quỵ.

Biến chứng đa cơ quan khác

  • Khi huyết áp tăng cao sẽ dẫn đến tăng áp lực lọc lên tổ chức cầu và ống thận, lâu dần gây suy thận tiến triển. 
  • Tại mắt gây biến chứng phù đáy mắt, xuất huyết đáy mắt, giảm thị lực, mù mắt vĩnh viễn. 
  • Cao huyết áp vô căn không kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ, giao tiếp và suy đoán, từ đó ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. 
Cao huyết áp vô căn
Biến chứng đa cơ quan khi bị cao huyết áp vô căn

Điều trị cao huyết áp vô căn

Do bệnh tăng huyết áp vô căn không xác định được chính xác nguyên nhân nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, đôi khi chỉ có thể khắc phục triệu chứng mà không giải quyết được triệt để tình trạng biến chứng. Người bệnh tăng huyết áp vô căn cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe và có liệu pháp điều trị phù hợp cho từng cá thể.

Điều trị cao huyết áp vô căn nhẹ

  • Có thể không điều trị bằng thuốc, bạn sẽ được bác sĩ đưa ra những gợi ý thay đổi lối sống và tư vấn cách phòng ngừa tăng huyết áp đột ngột, từ đó hạn chế nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
  • Khi bị cao huyết áp vô căn, người bệnh nên hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích, bia, rượu, thuốc lá, …
  • Tập thể dục 30 phút mỗi ngày và duy trì ít nhất 5 ngày mỗi tuần cũng giúp kiểm soát chỉ số huyết áp hiệu quả.
  • Tránh ăn lượng muối vào cơ thể quá nhiều, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, ăn mỡ thực vật thay vì mỡ động vật, hạn chế đồ cay nóng, …
Cao huyết áp vô căn
Người bệnh cao huyết áp vô căn bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, ăn mỡ thực vật thay vì mỡ động vật

Điều trị cao huyết áp vô căn nặng

  • Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ phát triển thành bệnh tim mạch trong 10 năm tới trên 20%. Tỷ lệ này khá cao nên việc sử dụng thuốc điều trị, khắc phục và phòng ngừa biến chứng là rất cần thiết.
  • Mục tiêu điều trị bệnh thường kết hợp giữa thuốc và thay đổi lối sống.
  • Một số nhóm thuốc thường dùng trong bệnh cao huyết áp vô căn gồm nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc ức chế canxi, nhóm thuốc chẹn beta, nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương, nhóm thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin.

Điều trị cao huyết áp vô căn trầm trọng

Nếu bạn bị cao huyết áp trầm trọng, huyết áp đạt ở mức 180/110mmHg hoặc hơn là báo hiệu vô cùng nguy hiểm, bệnh nhân cần được điều trị hạ huyết áp nhanh chóng tại chuyên khoa càng sớm càng tốt, giảm tối đa những biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm: Huyết áp cao nên uống gì?


Bài viết đã giới thiệu về việc chẩn đoán, biến chứng và điều trị bệnh cao huyết áp vô căn. Khi bạn phát hiện những dấu hiệu của cao huyết áp, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để xác định chính xác nguyên nhân và chẩn đoán bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm tim mạch có tại Docosan

Nguồn tham khảo: healthline.com

Contact Me on Zalo