Chế độ ăn cho người tăng huyết áp: Ăn gì và kiêng gì?

Chế độ ăn cho người tăng huyết áp góp phần không hề nhỏ trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh. Một chế độ ăn lành mạnh, phù hợp cùng với việc tăng cường vận động, thể dục là khuyến cáo hàng đầu cho tất cả bệnh nhân tăng huyết áp. Ở bài viết này Docosan sẽ liệt kê một các thực phẩm nên ăn và nên kiêng cho người bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Được mệnh danh là căn bệnh giết người thầm lặng, tăng huyết áp thường không có biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo rõ ràng ở giai đoạn đầu. Đa số người bệnh còn không biết mình bị bệnh. Có người vô tình kiểm tra sức khoẻ được chẩn đoán ra bệnh; có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt đi khám phát hiện mắc bệnh; cũng có người gặp các biến chứng ở tim, mắt, thận, mạch máu não,.. mới biết mình mang bệnh.

Tăng huyết áp không chừa một ai, bệnh thường gặp ở người già nhưng người trẻ hay trẻ em cũng có thể mắc bệnh. 90% tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát, chỉ 10% bệnh nhân có tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp do bệnh thận, thay đổi nội tiết, do thuốc,…). Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp:

  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ tăng huyết áp càng cao.
  • Hút thuốc lá: yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây nên các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, tăng huyết áp.
  • Uống nhiều rượu bia: người lạm dụng rượu bia dễ mắc bệnh huyết áp cao, bệnh tim mạch.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Chỉ số BMI của bạn càng cao, cơ thể càng cần nhiều máu để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô. Khi thể tích máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên, áp lực lên thành động mạch cũng tăng theo.
  • Không hoạt động thể lực: Những người ít vận động thường có nhịp tim cao hơn. Nhịp tim càng cao, tim càng phải hoạt động mạnh với mỗi cơn co thắt và lực tác động lên động mạch càng mạnh.
  • Chế độ dinh dưỡng không cân đối: chế độ ăn quá mặn, ăn nhiều muối hay nhiều dầu mỡ góp phần không nhỏ vào bệnh tăng huyết áp.
  • Tiền sử gia đình: Huyết áp cao có xu hướng di truyền, người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị cao huyết áp có khả năng mắc bệnh cao hơn những người không có.
  • Stress: Thường xuyên căng thẳng là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp tạm thời.
  • Một số bệnh mạn tính: bệnh thận mạn, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, béo phì…
  • Sử dụng một số loại thuốc: thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm,…

Cải thiện lối sống bao gồm chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tăng huyết áp. Chế độ ăn cho người tăng huyết áp có nhiều sự thay đổi so với người bình thường.

Chế độ ăn cho người tăng huyết áp nên bao gồm những gì?

Chế độ ăn cho người tăng huyết áp nên bao gồm nhiều trái cây, rau xanh, hạt, đậu, cá, hải sản và các thực phẩm ít béo. Những loại rau xanh, củ quả nên ăn như:

  • Rau muống: Chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường, đồng thời giá thành khá rẻ, rất được khuyến khích trong chế độ ăn cho người tăng huyết áp.
  • Cần tây: Nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp.
  • Cải cúc: Là loại rau thông dụng, chứa nhiều acid amin có lợi.
  • Măng tây: Nghiên cứu cho thấy măng lau có khả năng tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể lực, làm giãn mạch, cường tim, lợi niệu, giáng áp và phòng chống ung thư, là thức ăn rất thích hợp cho người bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
  • Cà chua: Loại thực phẩm rất giàu vitamin C và, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1 quả cà chua sống sẽ có khả năng cải thiện cao huyết áp, tăng cường sức đề kháng.
  • Cà rốt: Cải thiện rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Dùng nước ép hoặc ăn sống sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
  • Bông cải xanh: Bông cải xanh được biết đến là một thực phẩm có nhiều lợi ích đối với cơ thể và có thể làm hạ huyết áp như canxi, kali, magiê, và vitamin C. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều bông cải xanh giúp giảm mức độ bệnh tim mạch và kéo dài tuổi thọ.

Trái cây người tăng huyết áp nên ăn là những loại trái cây có nhiều múi như cam, quýt, bưởi, chanh,… chứa nhiều vitamin như vitamin C, E; việt quất, dâu tây, mâm xôi… chứa nhiều oxit nitric, một loại khí giúp giãn mạch máu, thúc đẩy lưu thông máu, do đó làm giảm huyết áp, có lợi cho bệnh tim mạch.

Bổ sung các loại hạt và đậu. Ví dụ hạt bí ngô, hạt hạnh nhân, hạt dẻ,… rất giàu magiê, kẽm, vitamin làm giảm huyết áp, tăng cường sức khoẻ đường ruột; trong khi đậu lăng, đậu hà lan,… rất giàu dinh dưỡng, chất xơ và protein có lợi.

Ăn nhiều cá, hải sản: Acid béo omega-3 trong cá và hải sản có tác dụng làm hạ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt và giảm nguy cơ máu đông.

Chế độ ăn cho người tăng huyết áp nên hạn chế những gì?

Điều tiên quyết cần thay đổi trong chế độ ăn cho người tăng huyết áp là giảm muối trong bữa ăn mỗi ngày, ăn nhạt. Ăn hạn chế muối <5 gam mỗi ngày: Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm 5g muối tức là một thìa cà phê muối ăn/ngày hoặc ít hơn là đủ.

Bên cạnh đó nhưng loại thực phẩm nên tránh như:

  • Hạn chế ăn những thức ăn giàu chất béo, đặc biệt là chất béo động vật như thịt mỡ, đồ ăn chiên, rán.
  • Hạn chế những thức ăn giàu cholesterol như nội tạng động vật.
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt, ăn bánh, kẹo ngọt, các loại siro ngọt, hoa quả sấy, mứt… để giảm đường máu.
  • Tránh uống nhiều cà phê và trà.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Chế độ ăn cho người tăng huyết áp: ăn gì và kiêng gì?”. Mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin bổ ích, thiết thực cho bạn và người thân. Hãy cố gắng kiểm soát chế độ ăn lành mạnh để có huyết áp bình thường nói riêng và sức khoẻ tốt nói chung bạn nhé.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: CDC