Huyết áp thấp và những thông tin bạn cần biết

Huyết áp thấp là thuật ngữ y khoa nhưng lại rất thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Sau đây là một số thông tin cần thiết cho bạn để bạn hiểu rõ hơn về tình trạng huyết áp thấp này.

Huyết áp thấp là bao nhiêu ?

Huyết áp là áp lực máu lưu thông tác động lên thành mạch, là áp lực tác động vào một đơn vị diện tích thành mạch. 

Huyết áp phụ thuộc vào cung lượng tim và sức cản ngoại vi: Huyết áp = cung lượng tim x sức cản ngoại vi

Trong đó, cung lượng tim bằng tần số tim nhân với thể tích mỗi nhát bóp, sức cản ngoại vi phụ thuộc vào chiều dài động mạch, độ quánh của máu và bán kinh động mạch.

Huyết áp gồm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương (thể hiện trên máy đo huyết áp điện tử là số trên – huyết áp tâm thu và số dưới – huyết áp tâm trương), mức tối ưu của 2 chỉ số này theo ESC 2018 lần lượt là 90-120 mmHg và 60-80 mmHg. 

Vậy huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu giảm dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương giảm dưới 60mmHg. 

huyết áp thấp là gì
Huyết áp thấp có nguy hiểm không ? – Ảnh minh họa

Huyết áp thấp có nguy hiểm không ?

Nếu một thanh niên khỏe mạnh bình thường, không có tiền căn bệnh lý gì trước đây, đo huyết áp thấp thường không có triệu chứng gì và không cần điều trị bởi nó không phải là bệnh. 

Tuy nhiên, đối với những trường hợp sau thì huyết áp thấp nên được quan tâm điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do máu không đến đủ tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể, rất nguy hiểm vì huyết áp thấp thường dẫn đến 3 hậu quả nghiêm trọng có thể gây tử vong là trụy mạch, ngất và sốc:

  • Những người lớn tuổi, 
  • Người có bệnh mạn tính nếu đo huyết áp ở mức thấp nên được quan tâm điều trị, bởi điều này có thể gây nguy hiểm do máu không đến đủ tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Phụ nữ mang thai. 
  • Người mắc bệnh nội tiết như suy tuyến giáp, bệnh tiểu đường. 
  • Do thuốc, một số loại thuốc gây hạ huyết áp như thuốc trị bệnh cao huyết áp, trầm cảm hoặc bệnh Parkinson. 
  • Do rối loạn nhịp tim. 
  • Kiệt sức vì nóng hoặc đột quỵ do nắng nóng gây hạ huyết áp. 
  • Người mắc bệnh gan.
  • Người bị nhiễm lạnh
  • Căng thẳng tinh thần kéo dài

Triệu chứng tụt huyết áp

Tụt huyết áp bệnh lý thường biểu hiện dưới 3 dạng bệnh sau:

Trụy mạch

Đây là tình trạng không có máu, hay rất ít máu chảy trong mạch, khiến huyết áp tụt đột ngột, có thể xuống bằng không, khi đó không có máu về tim và cũng không có máu tống vào động mạch đến các cơ quan và tử vong. 

  • Nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hoặc do thay đổi tư thế đột ngột từ nằm chuyển sang đứng ở những người bệnh nặng, cơ thể yếu, nằm lâu, phản ứng thần kinh chậm
  • Triệu chứng: xẩm mặt mày, tối mắt, hoa mắt, chóng mặt

Ngất

Đây là tình trạng người bệnh bị mất tri giác đột ngột trong một thời gian ngắn nhưng thường tự hồi phục, ngất thường do chậm nhịp tim và giãn mạch ngoại biên làm máu không lên tới não, làm não thiếu oxy và máu đột ngột gây mất tri giác và rối loạn nhiều trung tâm như hô hấp, tim mạch và thần kinh thực vật. 

  • Nguyên nhân: ngất do tim (rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, loạn nhịp tim nhanh, rung tim, nhịp tim chậm, do gắng sức, …) hoặc ngất do ngoài tim (do xúc cảm, do thay đổi tư thế, do máu từ tim lên não bị cản trở gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, phình động mạch não, …)
  • Triệu chứng: mệt mỏi, choáng váng, đau đầu dữ dội, xây xẩm mặt mày, chân tay rã rời, vã mồ hôi, đau ở ngực hay vùng thượng vị, buồn nôn rồi ngã vật xuống, bất tỉnh, mặt tái nhợt, đồng tử giãn, thở chậm… Sau một thời gian nằm yên, bệnh nhân sẽ phục hồi tri giác trở lại

Sốc

Đây là một hội chứng suy tim mạch cấp, dẫn đến tưới máu không đủ cho các cơ quan nhất là tim, não và thận gây nên những rối loạn trầm trọng

  • Nguyên nhân: sốc do giảm thể tích máu, sốc do sự phân phối máu, sốc do tim. 
  • Triệu chứng: không diễn biến đột ngột, giảm tập trung, mệt mỏi, mạch nhanh, da xanh, nhợt nhạt, người lạnh, ẩm, khát nước, thở nhanh nông

Chữa huyết áp thấp như thế nào ?

Quá trình sơ cứu cho người có huyết áp thấp cần thực hiện theo các bước sau:

  • Cho bệnh nhân ngồi ở nơi thoáng mát hoặc nằm xuống bề mặt phẳng, dùng gối kê đầu và chân, nhưng nên giữ đầu thấp hơi thấp và kê hai chân cao hơn so với đầu.
  • Cho bệnh nhân uống hai ly nước khoảng 480ml hoặc một cốc nước sâm, trà gừng, cafe, chè đặc,… hoặc thức ăn đậm muối sẽ giúp điều hòa huyết áp và cơ thể dễ chịu trở lại. 
  • Có thể cho bệnh nhân ăn một chút socola, giúp bảo vệ thành mạch máu, giữ huyết áp ổn định hơn (theo nghiên cứu của Đại học Harvard thì socola là vị thuốc cấp cứu bỏ túi cho những người bị tụt huyết áp).
  • Người có bệnh huyết áp nên lưu ý mang theo thuốc điều trị huyết áp thấp do bác sĩ kê như heptamyl, coramin, … để sử dụng khi cần thiết
  • Nếu bệnh nhân không thấy đỡ hơn cần nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa kịp thời.

Huyết áp thấp nên ăn gì ?

  • Uống nhiều nước: uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, chú ý khi vận động thể thao hoặc trong thời tiết nóng bức thì nên uống nhiều nước hơn nữa
  • Ăn mặn: thức ăn mặn có thể khiến huyết áp tăng lên nhưng chỉ nên sử dụng những nguồn thức ăn mặn tốt như olive, phô mát, súp hoặc cá ngừ đóng hộp
  • Dùng thực phẩm có caffeine: caffeine trong cà phê, chocolate nóng, chè đặc cũng có tác dụng làm tăng huyết áp 
  • Dùng thực phẩm bổ sung vitamin B12: vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu, thiếu vitamin B12 này sẽ dẫn đến thiếu máu và gây huyết áp thấp và nhiều tổn thương khác. Những thực phẩm giàu vitamin B12 gồm trứng, thịt gà, cá hồi, cá ngừ và các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Dùng thực phẩm bổ sung vitamin B9 (folate): tương tự như vitamin B12, thiếu vitamin B9 này sẽ dẫn đến thiếu máu và gây tụt huyết áp thường thấy trong các loại thực phẩm như măng tây, bông cải, gan và các loại đậu

Huyết áp thấp kiêng ăn gì ?

  • Thực phẩm giàu carbohydrate: Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, đặc biệt là đường đã qua chế biến, có xu hướng tiêu hóa rất nhanh so với các thực phẩm khác. Điều này có thể dẫn đến giảm huyết áp đột ngột.
  • Khẩu phần ăn lớn: Khi bạn ăn một bữa ăn lớn, cơ thể bạn cần nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa nó, điều này có thể khiến huyết áp của bạn giảm xuống. Thường gặp ở những người hay bỏ bữa sáng và nhịn ăn liên tục – bỏ bữa thường xuyên rồi lại ăn quá nhiều sau đó để hết đói. Việc ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ tốt hơn cho cả quá trình tiêu hóa và lưu lượng máu của bạn.
  • Uống rượu bia: Trong số nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, uống rượu làm bạn mất nước, làm tụt huyết áp bằng cách giảm thể tích máu. Hãy cố gắng uống một cốc nước sau mỗi lần uống đồ uống có cồn để tránh bị mất nước.

Các bác sĩ và phòng khám chữa huyết áp thấp

Kết luận

Huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu giảm dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương giảm dưới 60mmHg, có thể gây nguy hiểm với 3 hậu quả nghiêm trọng có thể gây tử vong là trụy mạch, ngất và sốc với triệu chứng khác nhau. Chính vì vậy việc điều trị cho bệnh nhân huyết áp thấp, chế độ ăn uống của bệnh nhân cũng rất quan trọng và nên được người thân chú ý nếu không muốn tình trạng bệnh trở nặng.


Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com