Ngoại tâm thu là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Tình trạng này đặc trưng bởi những nhát bóp sớm hơn bình thường khiến tim đập không đều. Ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh có thể là lành tính nếu bạn có một trái tim khỏe mạnh, nhưng có thể là nguy hiểm nếu bạn có sẵn bệnh lý cấu trúc ở tim. Docosan mời bạn tham khảo bài viết này để tìm hiểu rõ hơn về bệnh ngoại tâm thu nhé.
Tóm tắt nội dung
Ngoại tâm thu là gì?
Quả tim gồm 4 buồng tim, hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Để tim có thể co bóp không ngừng nghỉ suốt cuộc đời bạn, bên trong những khối cơ tim tồn tại một hệ thống dẫn truyền thần kinh tự động. Điều này giải thích cho việc quả tim bạn vẫn hoạt động đều đặn ngay cả khi bạn ngủ.
Ở người bình thường, nhịp tim dao động từ 60 đến 100 lần trong một phút và được kiểm soát chặt chẽ bởi nút xoang, cấu trúc tạo nhịp của hệ thống dẫn truyền tự động trong tim. Nhiệm vụ của nút xoang là đảm bảo trình tự co bóp của tim luôn là nhĩ rồi đến thất, và khoảng cách giữa các nhịp luôn đều đặn nhau.
Khi có bất kỳ tổn thương nào trên đường đi của hệ thống dẫn truyền tự động này, một rối loạn nhịp sẽ xuất hiện. Ngoại tâm thu là một rối loạn nhịp tim đặc trưng bởi những nhịp đến sớm hơn bình thường và nằm ngoài sự kiểm soát của nút xoang.
Nguyên nhân là sự xuất hiện của một ổ tạo nhịp bất thường, thoát khỏi sự kiểm soát của nút xoang. Ổ phát xung này có thể nằm ở tâm nhĩ, tâm thất hoặc trên con đường dẫn truyền mà không phải nút xoang.
Phân loại ngoại tâm thu
Tùy vào vị trí xuất phát của nhịp đến sớm, người ta chia ngoại tâm thu thành hai nhóm lớn: ngoại tâm thu trên thất và ngoại tâm thu thất. Việc phân loại chính xác sẽ giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân và đưa ra cách điều trị phù hợp cho từng loại ngoại tâm thu. Bác sĩ sẽ dựa vào những bất thường quan sát được trên băng ghi điện tim (ECG) để phát hiện và phân loại ngoại tâm thu.
- Ngoại tâm thu trên thất: Ổ phát xung sớm nằm ở hai tâm nhĩ hoặc trên bó His, chốt chặn cuối cùng của hệ dẫn truyền tự động trước khi hệ này đi xuống hai tâm thất. Nhát bóp đến sớm làm hai buồng nhĩ có một khoảng nghỉ sau đó nhiều hơn bình thường.
- Ngoại tâm thu thất: Tương tự, ổ phát nhịp bất thường nằm ở thành cơ tâm thất gây ra một nhát bóp tống máu sớm hơn bình thường. Nhưng khác với rối loạn trên thất, ngoại tâm thu thất có thể gây hậu quả nặng hơn. Đó là vì thành cơ thất rất dày, phụ trách hầu hết nhiệm vụ tống máu khỏi tim nuôi cơ thể. Một nhát bóp sớm của thất đồng nghĩa lượng máu được tống đi ít hơn so với bình thường.
Nguyên nhân
Nhìn chung các nguyên nhân chung gây ra các loại rối loạn nhịp tim đều có thể gây ra ngoại tâm thu. Nhưng người ta thấy rằng ngoại tâm thu trên thất thường liên quan đến những nguyên nhân ngoài tim, bao gồm các thói quen và lối sống như: hút thuốc lá, sử dụng nhiều trà, cà phê, tình trạng lo lắng, mất ngủ kéo dài, trạng thái xúc động…
Trong khi đó, ngoại tâm thu thất liên quan nhiều hơn đến những bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng đến hệ tim mạch, bao gồm:
- Tổn thương tim liên quan các bệnh nhiễm khuẩn: thấp tim, thương hàn, bạch hầu…
- Các bệnh cơ tim: bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, lao, chấn thương,…
- Các bệnh tim bẩm sinh: thông liên thất, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot…
- Rối loạn điện giải: tăng hoặc giảm kali máu, magnesium máu, calci máu…
- Nhiễm độc một số thuốc: digitalis, quinidine, procainamid, chẹn beta giao cảm…
- Các bệnh toàn thân: cường giáp, đái tháo đường, dị ứng thuốc…
- Ngoài ra còn có thể do rối loạn thần kinh thực vật (khi xúc động hoặc khi gắng sức), do di truyền, do phẫu thuật.
Triệu chứng
Người khỏe mạnh với những nhịp ngoại tâm thu đơn lẻ và rời rạc thường không gây triệu chứng gì. Họ thường được phát hiện một cách tình cờ qua việc đo điện tim.
Những trường hợp tần suất của ngoại tâm thu dày đặc hơn có thể cảm nhận một số triệu chứng, đặc biệt là ở người có bệnh lý tim mạch sẵn. Thường sẽ khó phân biệt rạch ròi những triệu chứng của ngoại tâm thu trên thất và tại thất. Bạn có thể cảm thấy một số triệu chứng sau:
- Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập thình thịch, bồn chồn
- Cảm giác mơ hồ là tim không đều
- Đau ngực, khó thở, cảm giác hụt hơi
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Mệt mỏi nhiều sau khi tập thể dục, vận động
- Bắt mạch thấy không đều
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy đến tìm sự tư vấn từ bác sĩ của bạn. Đặc biệt nếu bạn có bệnh lý tim mạch sẵn, đi khám để được chẩn đoán và điều trị lại càng cần thiết. Vì theo nhiều nghiên cứu, ngoại tâm thu có liên quan đến tăng nguy cơ đột tử ở người có sẵn bệnh lý tim mạch.
Chẩn đoán
Bạn có thể được phát hiện ngoại tâm thu một cách tình cờ hoặc nhờ những triệu chứng làm bạn phải đi khám. Ở một số người khỏe mạnh, ngoại tâm thu có thể chỉ là một hiện tượng sinh lý. Bạn có thể hoàn toàn cảm thấy bình thường và không biết đến tình trạng này cho đến khi được phát hiện tình cờ qua đo điện tim khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi kiểm tra một vấn đề nào đó khác.
Khi bạn đến gặp bác sĩ vì những triệu chứng của ngoại tâm thu, bác sĩ sẽ hỏi thêm về đặc điểm của những triệu chứng này như thời điểm, tần suất xuất hiện, xảy ra lúc nghỉ hay khi vận động,… Bác sĩ cũng cần thông tin về những bệnh bạn đang mắc và đang điều trị, nên mang theo sổ khám bệnh có thể sẽ cần thiết. Bạn sẽ được khám tổng quát sức khỏe, bác sĩ có thể chú trọng vào khám tim mạch như bắt mạch, nghe tim để tìm tiếng tim bất thường.
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ cần đo điện tim (ECG) cho bạn. Đây là công cụ chính giúp phân tích các rối loạn nhịp tim, nhất là khi ghi cùng lúc với triệu chứng đang diễn ra. Kết quả của điện tâm đồ sẽ giúp xác định bạn mắc ngoại tâm thu hay một rối loạn nhịp khác cũng có các triệu chứng tương tự.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà một số công cụ chẩn đoán khác có thể được sử dụng:
- Siêu âm tim
- Điện tâm đồ gắng sức
- Điện tâm đồ liên tục 24 giờ
- Các xét nghiệm khác như cholesterol máu, đường huyết, acid uric, điện giải đồ (kali, magnesi, calci)
Điều trị
Để điều trị hiệu quả các bệnh tim mạch nói chung và ngoại tâm thu nói riêng, đòi hỏi có sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và điều trị y khoa. Những thói quen lối sống có thể thay đổi để cải thiện tình trạng của mình (hoặc phòng ngừa trong trường hợp chưa mắc bệnh) bao gồm:
- Tránh hoặc hạn chế dùng các loại chất kích thích có hại cho sự co bóp của tim như: thuốc lá, rượu bia, cà phê, trà đậm,…
- Chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc
- Tập thói quen rèn luyện thể chất cường độ vừa phải khoảng 30 phút mỗi ngày
- Giải tỏa căng thẳng, stress và luôn tìm cách thư giãn, giải trí, giao lưu với gia đình, bạn bè…
Tùy mức độ nặng của ngoại tâm thu mà bệnh nhân có thể được điều trị thuốc hoặc thủ thuật, cụ thể:
- Thuốc chống loạn nhịp
- Điện sinh lý
- Triệt đốt ngoại tâm thu bằng năng lượng sóng tần số radio qua ống thông
Phương thức và hiệu quả điều trị sẽ được quyết định và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Nếu tìm được nguyên nhân thì cần điều trị hoặc giải quyết nguyên nhân đó. Việc dùng thuốc chống loạn nhịp kéo dài và tăng dần liều có thể gây ra một số tác dụng phụ. Do đó người bệnh cần tái khám định kỳ đúng hẹn của bác sĩ.
Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm tim mạch.
Tổng kết
Hi vọng qua bài viết này bạn sẽ có được nhiều thông tin hữu ích về bệnh ngoại tâm thu. Docosan khuyên bạn hãy đến gặp bác sĩ của mình nếu có bất kỳ triệu chứng của ngoại tâm thu để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Nơi khám và điều trị ngoại tâm thu
Bệnh viện Quốc tế City – Tầm soát tim mạch trong gói khám tổng quát giá chỉ từ 1.650.000
Phòng khám tim mạch OCA – Tầm soát bệnh tim mạch giá chỉ 400.000
Phòng khám Đa khoa Olympus Gia Mỹ – Tầm soát tim mạch giá chỉ 1.465.000