Nhồi máu cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Đi khám bệnh tim và thực hiện tầm soát khi có một số dấu hiệu nghi ngờ là việc quan trọng cần làm. Chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng nhồi máu cơ tim giúp cứu sống người bệnh, sự chậm trễ trong việc tiếp cận hỗ trợ y tế khi bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong.

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim (MI – Myocardial Infarction) là tổn thương và hoại tử tế bào cơ tim do tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành, thường do một cục máu đông. Hệ thống động mạch vành là những mạch máu cung cấp dinh dưỡng và oxy cho cơ tim. Tắc nghẽn động mạch vành làm thiếu dưỡng chất và oxy nuôi dưỡng tế bào cơ tim, gây tổn thương và hoại tử cơ tim.

Thiếu máu cơ tim gây ra cảm giác đau thắt ngực và nặng ngực. Nếu lưu lượng máu đến cơ tim không được phục hồi trong vòng 20 đến 40 phút, cơ tim sẽ chết không thể phục hồi. Cơ tim tiếp tục chết trong sáu đến tám giờ khi cơn nhồi máu cơ tim đã qua. Cuối cùng, cơ tim chết được thay thế bằng mô sẹo.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Mặc dù đau hoặc tức ngực là triệu chứng phổ biến nhất của cơn nhồi máu cơ tim, nhưng bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có thể gặp nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm:

  • Cảm giác đau và tức ngực
  • Đau lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, một số trường hợp lan xuống thượng vị
  • Khó thở
  • Buồn nôn, nôn và / hoặc khó chịu vùng thượng vị
  • Vã mồ hôi
  • Ợ chua và / hoặc khó tiêu
  • Đau cánh tay (thường là cánh tay trái, nhưng có thể là cả hai cánh tay)
  • Tình trạng khó chịu mơ hồ
  • Không có triệu chứng (Khoảng một phần tư các cơn nhồi máu cơ tim im lặng, không đau ngực hoặc các triệu chứng mới. Các cơn nhồi máu cơ tim im lặng đặc biệt phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường.)

Mặc dù các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim đôi khi có thể mơ hồ và nhẹ, nhưng điều quan trọng cần nhớ là các cơn nhồi máu cơ tim không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ vẫn có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng như các cơn nhồi máu cơ tim gây đau ngực dữ dội.

Bệnh nhân thường nhầm rằng các triệu chứng đau tim là “khó tiêu”, “mệt mỏi” hoặc “căng thẳng” và do đó trì hoãn việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời. Tuy nhiên, chẩn đoán và can thiệp sớm giúp cứu sống người bệnh và sự chậm trễ trong việc tiếp cận hỗ trợ y tế có thể gây tử vong. Việc trì hoãn điều trị có thể dẫn đến suy giảm vĩnh viễn chức năng của tim do cơ tim bị tổn thương nhiều hơn, rối loạn nhịp tim như rung thất cũng có thể khiến người bệnh tử vong.

nhoi-mau-co-tim
Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Biến chứng nhồi máu cơ tim

  • Suy tim là hậu quả của những tổn thương của tế bào cơ tim dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc tống máu (suy tim tâm thu). Máu bị ứ lại ở ngoại vi, đặc biệt ở chân, làm giảm lượng máu toàn cơ thể. Các cơ quan trọng yếu bị thiếu máu sẽ tổn thương, chẳng hạn như thận và não.
  • Tổn thương cơ tim cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Rung nhĩ là rối loạn nhịp trên thất thường gặp nhất, chiếm 21% các trường hợp nhồi máu cơ tim. Tổn thương cơ tim còn có thể gây nhịp nhanh thất đa hình dạng hoặc nhanh thất thoái triển thành rung thất. Rung tâm thất xảy ra khi hoạt động điện bình thường của cơ tim bị thay thế bằng hoạt động điện hỗn loạn khiến tim không tạo ra nhát bóp hiệu quả, làm giảm lượng máu bơm lên não và các bộ phận khác của cơ thể.
  • Tổn thương não vĩnh viễn và tử vong có thể xảy ra trừ khi lưu lượng máu đến não được khôi phục trong vòng năm phút.

Hầu hết các trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim là do rối loạn nhịp xảy ra trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim trước khi họ có thể đến phòng cấp cứu. Những người được cấp cứu kịp thời hầu hết có tiên lượng tốt; tỷ lệ sống sót sau cơn đau tim với phương pháp điều trị hiện đại trên 90%. Bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện đã bị tổn thương cơ tim ban đầu hoặc tổn thương thêm khi cơn nhồi máu cơ tim diễn ra.

Yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim bao gồm

  • Tuổi : nam > 45 tuổi và nữ > 55 tuổi
  • Thừa cân, béo phì
  • Ít vận động thể lực
  • Hút thuốc lá
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn lipid máu
  • Đái tháo đường
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch vành.
  • Stress

Trong hơn 50% các trường hợp, bệnh nhân sẽ có một yếu tố thúc đẩy xảy ra trước cơn nhồi máu như: vận động gắng sức, stress tâm lý, phẫu thuật, có bệnh lý nội khoa nặng. Nhồi máu cơ tim có tần suất xảy ra cao vào buổi sáng (từ 6 giờ đến 11 giờ), đặc biệt là trong vòng 3 giờ đầu tiên sau khi ngủ dậy.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Tình trạng nhồi máu cơ tim xuất hiện do có sự giảm hoặc ngưng dòng chảy trong một hoặc nhiều nhánh động mạch vành, thường do mảng xơ vữa trong lòng động mạch hoặc huyết khối gây ra. Một số trường hợp khác gây tắc động mạch vành như: bất thường động mạch vành bẩm sinh, viêm động mạch vành, co thắt động mạch vành, tắc lỗ xuất phát của động mạch vành trong bệnh cảnh bóc tách gốc động mạch chủ.

  • Xơ vữa động mạch là một quá trình diễn ra từ từ trong đó các mảng lắng đọng mỡ và các tế bào tại lớp bao trong thành động mạch gọi là mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này làm xơ cứng thành động mạch và thu hẹp lòng mạch. Các động mạch bị thu hẹp do mảng xơ vữa sẽ không thể cung cấp đủ máu để duy trì chức năng bình thường của các bộ phận trong cơ thể.
  • Bệnh động mạch vành là những bệnh lý liên quan đến hệ thống mạch máu cung cấp dưỡng chất và oxy cho tế bào cơ tim. Khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị xơ vữa hoặc tắc nghẽn do huyết khối, co thắt bất thường… sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ. Thiếu máu kéo dài khiến cơ tim tổn thương không hồi phục, có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim.
  • Cục máu đông chặn dòng chảy của máu qua động mạch và dẫn đến một cơn đau tim. Cục máu đông có thể hình thành từ việc nứt vỡ các mảng xơ vữa hoặc do tình trạng rối loạn đông máu trong cơ thể bệnh nhân. Các yếu tố thúc đẩy sự hình thành cục máu đông có thể bao gồm hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động, tăng cholesterol LDL, tăng adrenaline, huyết áp cao, và các kích thích cơ học và sinh hóa khác.
  • Thời điểm trong ngày: Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng theo thống kê cơn đau tim xảy ra hơn trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 11 giờ vì lượng adrenaline trong máu được giải phóng từ tuyến thượng thận cao hơn trong những giờ buổi sáng. Tăng adrenaline, có thể góp phần làm vỡ các mảng cholesterol, tạo huyết khối, gây nhồi máu cơ tim.

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Đau ngực là triệu chứng thường gặp nhất của một bệnh nhân nhồi máu cơ tim, với kiểu đau khá điển hình như đau sau xương ức, kiểu đè nặng bóp nghẹt và thường lan lên cổ, hàm dưới và vai trái. Khi bị đau ngực dữ dội, nếu nghi ngờ đó là một cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và thực hiện xét nghiệm một cách nhanh chóng để xác nhận tình trạng nhồi máu cơ tim.

Các xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán sự diễn ra của nhồi máu cơ tim là:

  • Điện tâm đồ (ECG) là một bản ghi lại hoạt động điện của tim. Các bất thường trong hoạt động điện thường xảy ra với các cơn đau tim và có thể xác định các vùng cơ tim bị thiếu oxy và / hoặc các vùng cơ tim đã chết.
  • Xét nghiệm men tim: Enzyme tim là các protein được giải phóng vào máu bởi các tế bào cơ tim đang chết. Troponin I và troponin T là hai men đặc hiệu cho tim, tăng từ giờ thứ 3 của nhồi máu, đạt nồng độ đỉnh sau 24 – 48 giờ và trở về bình thường sau 7 – 10 ngày với Troponin I, 10 – 14 ngày với Troponin T. CK-MB, một loại men tim nhưng không đặc hiệu cho tim, tăng 4 – 8 giờ sau nhồi máu, trở về bình thường sau 48 – 72 giờ. Trong giai đoạn cấp, để chẩn đoán xác định nhồi máu, chỉ cần thử Troponin. CK-MB được dùng để chẩn đoán NMCT tái phát trong giai đoạn bán cấp của NMCT vì trong giai đoạn này Troponin vẫn còn tăng.
  • Siêu âm tim : giúp chẩn đoán qua hình ảnh rối loạn vận động vùng, đánh giá chức năng cơ tim cũng như các biến chứng cơ học do nhồi máu cơ tim gây ra (thủng vách liên thất, tràn dịch màng ngoài tim…)

Điều trị nhồi máu cơ tim

Tái tưới máu mạch vành là mục tiêu quan trọng và cần thực hiện sớm nhất có thể, song song với việc điều trị giảm triệu chứng cho bệnh nhân như oxy liệu pháp và giảm đau thắt ngực.

Hai phương pháp chính thường được dùng để tái tưới máu mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim là nong mạch vành hay còn gọi là can thiệp mạch vành qua da (PCI – Percutaneous Coronary Intervention) và thuốc tiêu sợi huyết. Một số trường hợp bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành để giúp máu lưu thông vòng qua chỗ tắc.

nhoi-mau-co-tim
Điều trị nhồi máu cơ tim bằng cách đặt stent

Nhồi máu cơ tim có thể được kiểm soát nếu bạn thận trọng với các dấu hiệu cảnh báo. Nếu thuộc diện nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, bạn nên tầm soát bệnh tim mạch định kì để dự phòng những cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng.

Các phòng khám có gói tầm soát nhồi máu cơ tim

Bệnh viện Quốc tế City – Tầm soát tim mạch trong gói khám tổng quát giá chỉ từ 1.650.000

Phòng khám tim mạch OCA – Tầm soát bệnh tim mạch giá chỉ 400.000

Phòng khám Đa khoa Olympus Gia Mỹ – Tầm soát tim mạch giá chỉ 1.465.000


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.