Rối loạn thần kinh tim là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy khả năng xuất hiện biến chứng nguy hiểm của bệnh là rất thấp, nhưng rối loạn thần kinh tim thường gây nên cảm giác lo âu, hồi hộp gây giảm chất lượng cuộc sống. Người bệnh cần phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để giảm thiểu tối đa triệu chứng mà chứng rối loạn thần kinh tim mang lại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Rối loạn thần kinh tim là gì?
Thần kinh tim hay còn gọi là hệ thần thần kinh thực vật bao gồm hai nhóm chính đối lập nhau là giao cảm và đối giao cảm. Hệ thần kinh thực vật là một phần của hệ thần kinh, có nhiệm vụ điều khiển hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể một cách tự động, không thể tự ý điều chỉnh như bàng quang, dạ dày, ruột, tuyến mồ hôi, tuyển nước bọt, đồng tử,… và cả quả tim.
Hai nhóm giao cảm và đối giao cảm hoạt động đối lập và bổ trợ cho nhau để duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể. Khi có các yếu tố tác động lên 2 nhóm này của hệ thần kinh thực vật sẽ gây ra hiện tượng rối loạn thần kinh thực vật, biển hiện bằng các triệu chứng ở những cơ quan mà thần kinh thực vật chi phối như tiêu tiểu không tự chủ, rối loạn co bóp dạ dày ruột, rối loạn nhịp tim.
Rối loạn thần kinh tim là tên gọi chung của các hiện tượng rối loạn không rõ nguyên nhân, tác động lên hai nhóm giao cảm hoặc đối giao cảm gây thay đổi nhịp tim. Tuy nhiên đây không phải là một bệnh tim thực thể, có nghĩa trái tim của người bệnh vẫn khỏe mạnh không có bất kỳ tổn thương nào.
Nguyên nhân rối loạn thần kinh tim
Nguyên nhân rối loạn thần kinh tim hiện nay vẫn chưa rõ, nhưng người nghiên cứu và chỉ ra rằng rối loạn thần kinh tim có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần làm gia tăng tần suất xuất hiện của bệnh, bao gồm:
- Căng thẳng, sang chấn tâm lý, áp lực, cuộc sống gia đình không như ý muốn, thay đổi cảm xúc đặc biệt là cảm xúc tiêu cực như giận dữ, buồn bã là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn thần kinh tim
- Lối sống không lành mạnh, ít tập luyện thể thao, chế độ sinh hoạt làm việc và nghỉ ngơi không điều độ cũng là nguyên nhân gây rối loạn thần kinh tim.
- Hút thuốc lá, rượu bia, uống quá nhiều cà phê, trà đặc cũng có thể gây bệnh rối loạn thần kinh tim.
- Tác động của khói bụi, môi trường ô nhiễm, ô nhiễm tiếng ồn đô thị, công việc có thể gây stress dẫn đến rối loạn thần kinh tim.
Triệu chứng rối loạn thần kinh tim
Rối loạn thần kinh tim ngoài các triệu chứng do việc thay đổi nhịp tim gây ra mà còn do việc rối loạn thần kinh thực vật kèm theo, một số triệu chứng rối loạn thần kinh tim thường gặp như:
- Lo âu, dễ hồi hộp, tay chân run, đổ mồ hôi.
- Đánh trống ngực xuất hiện khi nhịp tim tăng do chứng rối loạn thần kinh tim người bệnh thường mô tả cảm giác như có đánh trống trong lồng ngực, gây hồi hộp, lo lắng, bồn chồn. Đôi khi bệnh nhân có thể mô tả có cảm giác đau vùng ngực.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn xảy ra khi nhịp tim tăng làm thay đổi huyết áp dẫn đến thiếu máu lên não.
- Cảm giác mệt mỏi, khó thở, kiệt sức, không đủ khả năng làm các công việc thường ngày, thường phải nghỉ ngơi mới tiếp tục được do rối loạn thần kinh tim ngoài tác động đến hệ tinh mạch còn ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp.
- Ngất là tình trạng dễ xảy ra ở người cao tuổi bị rối loạn thần kinh tim, thường gặp khi người bệnh mới ngủ dậy hoặc đứng lên đột ngột lúc đang ngồi, kèm theo đó là chóng mặt choáng váng, đầu óc quay cuồng.
Các triệu chứng của rối loạn thần kinh tim không đặc hiệu, có thể chồng lấp với những dấu hiệu và bệnh lý nguy hiểm khác. Người bệnh nếu gặp những dấu hiệu và triệu chứng trên không nên chủ quan mà hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đưa ra lời khuyên hợp lý.
Chẩn đoán
Rối loạn thần kinh tim thường là chẩn đoán loại trừ sau khi đã kiểm tra hết các bệnh nguy hiểm có thể gặp gây nên triệu chứng của người bệnh. Điện tâm đồ và siêu âm tim sẽ không thể thấy được bất thường và các xét nghiệm khác cũng vậy.
Tuy nhiên, do triệu chứng chồng lấp, không rõ ràng của rối loạn thần kinh tim mà các bác sĩ sau khi thăm khám và đưa ra chẩn đoán ban đầu thường phải chỉ định đầy đủ các cận lâm sàng để khảo sát những nguyên nhân có thể nghĩ đến.
Điều quan trọng của chẩn đoán rối loạn thần kinh tim là phải khảo sát hết các bất thường khác của tim hoặc các cơ quan khác để loại trừ hết các nguyên nhân thực thể có thể gặp phải. Điều này cần kinh nghiệm của bác sĩ lâu năm trong lĩnh vực tim mạch.
Điều trị
Điều trị chủ yếu của bệnh rối loạn thần kinh tim là điều trị không dùng thuốc. Người bệnh cần thay đổi lối sống tích cực:
- Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, các bài tập như chạy bộ, bơi lội, đạp xe có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh, giúp tim trở nên ổn định hơn.
- Chế độ ăn uống phù hợp, ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để bổ sung đầy đủ nguồn dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là thực phẩm chứa vitamin C, vitamin B như cảm, quýt, rau xanh. Tránh các thực phẩm ảnh hưởng tới tim mạch như cải muối chua, cá muối, nước ngọt, đồ ăn dầu mỡ.
- Kiêng hoặc loại bỏ hoàn toàn các thói quen sống không lành mạnh như rượu bia, thuốc lá, sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc ngày 6-8 tiếng, tránh làm việc quá độ.
- Tập kiểm soát cảm xúc, tránh cảm xúc tiêu cực, hướng tới suy nghĩ vui vẻ, năng động. Giao tiếp và chia sẻ với mọi người xung quanh cũng là một cách để giảm stress hiệu quả.
Các thuốc điều trị rối loạn thần kinh tim phải được kê toa bởi bác sĩ, có thể được sử dụng nếu người bệnh đã cố gắng thay đổi lối sống nhưng không hữu dụng. Một số thuốc có thể được dùng trong trường này như thuốc chẹn beta, thuốc an thần. Việc tự ý dùng các loại thuốc này có thể mang lại tác dụng ngược làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm tim mạch.
Kết luận
Rối loạn thần kinh tim hay còn gọi là rối loạn thần kinh thực vật, là một bệnh lý không nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thay đổi lối sống lành mạnh, khoa học là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất của chứng rối loạn thần kinh tim. Khi gặp các triệu chứng kể trên, người bệnh không nên chủ quan mà hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.