Thủ thuật đặt stent mạch vành là gì? Quy trình diễn ra như thế nào?

Đặt stent mạch vành là một biện pháp điều trị nhồi máu cơ tim, giải quyết tình trạng tắc nghẽn hoặc hẹp mạch máu nuôi tim. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp đặt stent mạch vành và quy trình đặt stent trong bài viết dưới đây nhé!

Đặt stent mạch vành là gì?

Đặt stent mạch vành là thủ thuật được sử dụng để đưa một dụng cụ lưới làm bằng kim loại vào trong mạch máu nuôi cơ tim (động mạch vành). Thủ thuật này được sử dụng trong trường hợp mạch máu nuôi tim bị hẹp, tắc nghẽn do huyết khối, do mảng xơ vữa bong tróc, làm cho động mạch cấp máu nuôi cho vùng cơ tim đó bị tắc nghẽn. Hậu quả của tình trạng trên là vùng cơ tim này sẽ bị thiếu máu nuôi, có thể dẫn đến hoại tử, từ đó gây nên nhồi máu cơ tim cấp tính. Chi phí cho một lần thực hiện đặt stent mạch vành dao động trong khoảng 40 đến 100 triệu đồng cho một stent, tùy thuộc vào việc người bệnh có bảo hiểm y tế hay không.

Chi phí đặt stent đặt stent mạch vành rơi vào khoảng 40 đến 50 triệu đồng cho một stent.
Chi phí đặt stent đặt stent mạch vành rơi vào khoảng 40 đến 50 triệu đồng cho một stent

Các loại stent mạch vành phổ biến

Hiện nay, các khoa, phòng thực hiện thủ thuật đặt stent mạch vành sử dụng nhiều loại stent khác cho từng trường hợp bệnh. Trong đó, có 2 loại stent phổ biến thường thấy trên thị trường hiện nay có thể kể đến là:

  • Stent kim loại không phủ thuốc (BMS, bare-metal stent): được chế tạo từ hợp kim niken-titan hoặc thép không gỉ hoặc cobalt-chromium. Hiện nay loại stent này không được sử dụng nhiều vì khả năng tái hẹp trong stent, nhồi máu cơ tim tái phát…
  • Stent phủ thuốc (DES, drug-eluting stent): hợp kim chế tạo trong loại stent này có phủ một lớp thuốc bên ngoài để hạn chế tình trạng tái hẹp, hạn chế mô sẹo phát triển trong stent, đồng thời giúp giảm nguy cơ hẹp động mạch vành trong tương lai. Hiện nay hầu hết các trường hợp can thiệp mạch vành đều sử dụng DES làm công cụ can thiệp.
Loại stent được sử dụng thường xuyên tại các cơ sở y tế hiện nay là stent phủ thuốc (DES).
Loại stent được sử dụng thường xuyên tại các cơ sở y tế hiện nay là stent phủ thuốc (DES)

Đặt stent có chữa khỏi hoàn toàn bệnh mạch vành?

Đặt stent không phải là biện pháp để chữa khỏi hoàn toàn bệnh mạch vành. Bởi vì đặt stent là biện pháp can thiệp nhằm giải quyết tình trạng hẹp lòng động mạch vành – hậu quả của một tiến trình bệnh lý dài lâu. Sau khi đặt stent người bệnh vẫn phải tiếp tục các biện pháp thay đổi lối sống, sử dụng thuốc chống huyết khối như thuốc kháng kết tập tiểu cầu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần dùng thêm thuốc kháng đông để tránh tái hẹp trong stent đồng thời giảm nguy cơ hình thành huyết khối, thuốc làm giảm mỡ máu,…

Chỉ định đặt stent mạch vành trong trường hợp nào?

Đặt stent mạch vành được chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Hẹp động mạch vành có biểu hiện triệu chứng: bệnh nhân hẹp động mạch vành có các triệu chứng đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định nhưng không đáp ứng với điều trị bằng thuốc uống, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống cần can thiệp mạch vành để giải quyết tắc nghẽn.
  • Nhồi máu cơ tim cấp: đặt stent mạch vành cấp cứu được thực hiện nhằm tái thông mạch máu bị tắc trong bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp tính, giúp cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tổn thương trên cơ tim.
  • Tắc nghẽn nghiêm trọng mạch vành: khi mạch vành bị hẹp nặng – rất nặng, đặc biệt trường hợp các động mạch vành lớn – có vai trò quan trọng trong việc cung cấp máu nuôi cơ tim bị tắc cần phải can thiệp đặt stent.
  • Tái hẹp trong stent hoặc tái hẹp mạch vành: bệnh nhân đã được đặc stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG) nhưng mạch máu bị tái hẹp có thể cần phải được đặt stent để cải thiện tình trạng tưới máu cơ tim.
Đặt stent mạch vành cấp cứu được chỉ định trong trường hợp nhồi máu cơ tim cấp tính.
Đặt stent mạch vành cấp cứu được chỉ định trong trường hợp nhồi máu cơ tim cấp tính

Quy trình đặt stent diễn ra như thế nào?

Trước khi đặt stent, bệnh nhân và người nhà sẽ được giải thích giải thích về lợi ích của việc điều trị bệnh, nguy cơ trong và sau khi đặt stent, chi phí của thủ thuật đặt stent mạch vành. Nếu bệnh nhân và người nhà đồng ý sẽ tiến hành đặt . Tùy trường hợp khác nhau mà bác sĩ sẽ can thiệp cấp cứu hoặc can thiệp sớm (trong vòng 24 giờ) hoặc can thiệp chương trình. Sau khi đã đồng ý thủ thuật, người bệnh sẽ được kiểm tra một số thông số sức khỏe cơ bản trước thủ thuật, đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình thực hiện thủ thuật để áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp như thuốc chống huyết khối, thuốc cản quang,.. Sau khi các thủ tục trước đặt stent (vệ sinh vô khuẩn, cạo lông,…) được hoàn tất, người bệnh sẽ được chuyển lên bàn can thiệp. Bác sĩ can thiệp mạch máu sẽ đưa các dụng cụ, dây dẫn vào trong mạch máu để khảo sát tình trạng tưới máu của động mạch vành, kiểm tra các vị trí hẹp tắc. Trong trường hợp người bệnh cần được đặt stent, bác sĩ sẽ giải thích tình hình cho người nhà, nếu đồng ý sẽ tiến hành đặt stent. Stent được đặt vào trong mạch vành sẽ được cố định lại như một giá đỡ bên trong lòng mạch. Sau thủ thuật, vị trí can thiệp sẽ được tiến hành băng ép, cố định trong khoảng 6 giờ – 12 giờ. Vùng can thiệp sẽ được theo dõi kĩ để hạn chế tối đa các biến chứng sau can thiệp.

Quy trình đặt stent được chia thành trước, trong và sau can thiệp.
Quy trình đặt stent được chia thành trước, trong và sau can thiệp

Đặt stent mạch vành có nguy hiểm không?

Trước khi thủ thuật bác sĩ can thiệp sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân và người bệnh các biến chứng, với tỷ lệ dao động từ 0,9-9,3%. Người bệnh và thân nhân sẽ được thông tin một cách chính xác về các biến chứng trong quá trình đặt stent. Đặt stent mạch vành giúp tái thông mạch máu nuôi tim, cải thiện tình trạng tưới máu cơ tim, cứu vùng cơ tim bị tổn thương, hoại tử, đặc biệt ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim do hẹp – tắc động mạch vành cần phải can thiệp mạch vành cấp cứu. Sau khi đặt stent, người bệnh sẽ cải thiện được các triệu chứng đau ngực, khó thở, chóng mặt,…

Stent mạch vành ra đời với vai trò giải quyết tắc nghẽn, lưu thông mạch máu
Stent mạch vành ra đời với vai trò giải quyết tắc nghẽn, lưu thông mạch máu

Rủi ro trong quá trình nong mạch đặt stent

Một số biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi đặt stent:

  • Tái hẹp trong stent có thể do ngừng thuốc đột ngột hoặc mảng xơ vữa mới hình thành.
  • Dị ứng với lớp thuốc phủ trên stent.
  • Chảy máu ra ngoài lòng mạch (hematoma) tại vị trí can thiệp, đặc biệt xảy ra nhiều hơn ở người bệnh bị rối loạn đông máu.
  • Nhiễm trùng sau thủ thuật là một biến chứng ít gặp.
  • Shock tim (choáng tim) là một trong những biến chứng ít gặp nhưng cần xử trí cấp cứu ngay tại bàn can thiệp.
  • Một số rối loạn nhịp tim có thể gặp trong quá trình can thiệp như ngoại tâm thu thất, loạn nhịp xoang, chậm nhịp xoang,…
Chảy máu ra ngoài lòng mạch là biến chứng sau đặt can thiệp đặt stent, do mạch máu thoát ra ngoài lòng mạch
Chảy máu ra ngoài lòng mạch là biến chứng sau đặt can thiệp đặt stent, do mạch máu thoát ra ngoài lòng mạch

Cách chăm sóc người bệnh sau khi đặt stent

Sau khi đặt stent người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn, dặn dò và điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đầy đủ, đúng liều lượng, đặc biệt không được tự ý ngưng thuốc. Người bệnh cần phải thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh lối sống thụ động, hạn chế ăn dầu mỡ, bổ sung các thực phẩm giàu omega-3, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế ăn dầu mỡ. Ngoài ra, người bệnh cần phải thăm khám định kỳ để được kiểm tra, điều chỉnh thuốc, tránh tự ý ngưng thuốc sẽ làm nguy cơ tái hẹp trong stent cao, gây nhồi máu cơ tim. Lúc này nguy cơ tử vong sẽ lên đến 50% nếu không can thiệp kịp thời. Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường nào sau khi đặt stent như đau ngực, khó thở, người bệnh cũng cần đi tái khám ngay.

Người bệnh vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc sau khi đặt stent.
Người bệnh vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc sau khi đặt stent

Đặt stent mạch vành ở đâu uy tín?

Hiện tại, các bệnh viện lớn và bệnh viện chuyên khoa đều có thể can thiệp đặt stent động mạch vành, bạn có thể tham khảo danh sách sau:

Ngoài ra, mời bạn tham khảo một số phòng khám nội tiết hoặc phòng khám đa khoa tại Docosan để chủ động đặt hẹn lịch khám nhé!

Xem thêm:

Bài viết đã cung cấp các thông tin về chỉ định, quy trình và nguy cơ của thủ thuật đặt stent động mạch vành. Hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân những thông tin bổ ích từ bài viết bạn nhé! Nguồn tham khảo: 1. Coronary angioplasty and stents- Mayo Clinic

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/coronary-angioplasty/about/pac-20384761
  • Ngày tham khảo: 25/08/2024

2. Stent – Cleveland Clinic

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/22486-stent
  • Ngày tham khảo: 25/08/2024

3. Treatment tests and therapies: angioplasty and stent placement for the heart – Hopskin Medicine

  • Link tham khảo: https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/angioplasty-and-stent-placement-for-the-heart
  • Ngày tham khảo: 5/08/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button