Van 2 lá: Những điều bạn cần biết!

Bệnh van 2 lá là bệnh lý van tim thường gặp nhất, đa số nguyên nhân ảnh hưởng đến van 2 lá do thấp tim (RF – Rheumatic Fever). Bệnh van 2 lá được phân làm hai nhóm: bệnh hở van 2 lá và bệnh hẹp van 2 lá. Đôi khi có thể phối hợp cả hẹp và hở van 2 lá trên cùng một bệnh nhân. Khi đó sẽ xuất hiện những dòng chảy bất thường khi tim hoạt động co bóp tống máu đi nuôi cơ thể, lâu dài dẫn đến suy tim. Mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu về bệnh lý van 2 lá thông qua bài viêt sau đây.

Bệnh van 2 lá là gì?

Bệnh hẹp van 2 lá

Trước khi tìm hiểu bệnh liên quan đến van 2 lá chúng ta sẽ bắt đầu với vị trí, cấu trúc, giải phẫu cũng như chức năng của quả tim nói chung và van 2 lá nói riêng. Quả tim nằm ở khoang trung thất giữa trong lồng ngực, chếch về phía bên trái xương ức và ở giữa 2 lá phổi có chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể. Cấu tạo của tim gồm 2 tâm thất và 2 tâm nhĩ phải. Ngăn cách giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải là van 3 lá và giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái là van 2 lá.

Máu sẽ được bơm từ tâm thất trái thông qua van động mạch chủ đi nuôi cơ thể và trở về tim bằng con đường tĩnh mạch chủ trên và dưới vào tâm nhĩ phải. Sau đó tâm nhĩ phải đưa máu xuống tâm thất phải thông qua van 3 lá, từ đó tâm thất phải bơm máu lên phổi thông qua các nhánh động mạch phổi nhằm trao đổi oxy và trở về tâm nhĩ trái. Tiếp theo máu sẽ đổ từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái thông qua van 2 lá và tiếp tục con đường trên lặp đi lặp lại liên tục.

Mọi bất thường hẹp hở van 2 lá đều dẫn đến nguy cơ tim mạch trong tương lai. Trong hẹp ván 2 lá, van sẽ không mở hoàn toàn sẽ gây ứ trệ tuần hoàn ở tâm nhĩ trái và làm giảm lượng máu xuống tâm thất trái. Đối với hở van 2 lá, van sẽ không đóng hoàn toàn làm dòng máu phụt ngược lại tâm nhĩ trái gây giảm cung lượng tim và ứ máu tại tâm nhĩ trái. Mọi tình huống ứ máu tại nhĩ trái đều dẫn đến ứ máu phổi làm tăng áp phổi. Sự tăng kháng lực mạch máu phổi khiến thất phải phải tăng công dễ dẫn đến suy tim phải.

Ở bài viết này chúng ta sẽ trình bày chủ yếu về bệnh hẹp van hai lá. Bệnh lý hở van hai lá sẽ được tìm hiểu ở bài viết khác.

Nguyên nhân hẹp van hai lá

Nguyên nhân hẹp van 2 lá thường do bệnh hậu thấp

Hẹp van hai lá chiếm ưu thế ở phụ nữ (75-80 % các trường hợp). Thường gặp ở thiếu niên và người trẻ. Hẹp van hai lá hậu thấp là nguyên nhân thường gặp nhất, mặc dù tiền căn thấp tim ít phổ biến (50% trường hợp). Bộ máy van hai lá bị tác động bởi bệnh thấp tim theo nhiều cách, những thay đổi này làm cho lá van bị cứng và kém di động, đưa đến hẹp van dạng phễu (hình miệng cá):

  • Lá van bị dày lan tỏa bởi mô sẹo xơ và/hoặc sự lắng đọng canxi.
  • Mép van hai lá bị dính lại.
  • Dây chằng bị dính và ngắn lại.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác rất hiếm gặp bao gồm vôi hóa vòng hai lá với sự lan rộng vôi hoá vào các cánh van, khiến chúng cứng và không mở hoàn toàn; màng ngăn nhĩ trái (cor triatriatum); lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp dạng thấp; u nhầy nhĩ trái và viêm nội tâm mạc nhiễm trùng với các nốt sùi lớn. Trong khi đó, hẹp van hai lá bẩm sinh cũng là một trong số những nguyên nhấn dẫn đến hẹp van hai lá tuy nhiên cũng không thường gặp.

Triệu chứng hẹp van 2 lá

Triệu chứng hẹp van 2 lá

Thời gian ủ bệnh giữa cơn đầu tiên của viêm tim do thấp tim và sự xuất hiện triệu chứng hẹp van hai lá sau khoảng hai mươi năm; hầu hết bắt đầu có biểu hiện bệnh ở lứa tuổi 40. Các triệu chứng có thể xuất hiện từ nhẹ đến nguy kịch, nếu như không được can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng đến tình mạng của người bệnh hẹp van hai lá. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh hẹp van hai lá là:

  • Khó thở: Sự gia tăng rõ rệt áp lực nhĩ trái được thúc đẩy bởi các yếu tố gắng sức nặng, sốt, thiếu máu nặng, nhịp nhanh kịch phát, giao hợp, mang thai, cường giáp đề có thể đưa đến khó thở khi gắng sức và ho. Khi hẹp van hai lá nặng, gắng sức nhẹ cũng gây khó thở và bệnh nhân trở nên hạn chế hoạt động hàng ngày. Sự tái phân bố máu từ phần thấp của cơ thể đến phổi xảy ra khi bệnh nhân nằm đưa đến khó thở khi nằm đầu ngang và khó thở kịch phát về đêm.
  • Đau ngực: Xảy ra ở khoảng 10% bệnh nhân hẹp van hai lá nặng, có thể do tăng áp động mạch phổi hoặc thiếu máu cơ tim do xơ vữa động mạch vành đi kèm.
  • Ho ra máu: Khi độ nặng của hẹp van hai lá tiến triển và kháng lực mạch máu phổi tăng dẫn đến vỡ chỗ nối tĩnh mạch phổi – phế quản thứ phát từ sự tăng áp tĩnh mạch phổi, thường xảy ra ở bệnh nhân chưa có tăng kháng lực mạch máu rõ rệt và hầu như không gây tử vong. Nếu hở van hai lá xuất hiện có thể làm giảm triệu chứng ứ huyết phổi do đó giai đoạn phù phổi cấp và ho ra máu có thể giảm về tấn số và mức độ nặng.

Các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu ban đầu của biến chứng cấp báo động của bệnh hẹp van hai lá như phù phổi cấp, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim. Đôi khi tình trạng ứ trệ tuần hoàn sẽ tạo điều kiện phát triển cho các ổ nhiễm trùng từ đó dẫn đến nhiễm trùng phổi, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Khi gặp các triệu chứng kể trên, người bệnh cần đến ngay bác sĩ Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm sau này, đặc biệt là suy tim.

Chẩn đoán hẹp van 2 lá

Siêu âm chẩn đoán bệnh van hai lá

Chẩn đoán sơ bộ hẹp van 2 lá được bác sĩ đưa ra khi có đầy đủ các bằng chứng trên lâm sàng được khai thác từ bệnh sử và triệu chứng thực thể thông qua thăm khám bệnh nhân. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định các cận lâm sàng cần thiết nhằm hỗ trợ chẩn đoán bệnh hẹp van hai lá và loại trừ các chẩn đoán phân biệt ban đầu nếu có. Một số xét nghiệm được dùng để chẩn đoán bệnh hẹp van 2 lá bao gồm:

  • Điện tâm đồ: Điện tâm đồ là một trong những cận lâm sàng thường được sử dụng trong chẩn đoán hẹp van 2 lá, đặc biệt là trong các trường hợp cấp cứu. Thông qua điện tâm đồ có thể chẩn đoán được tình trạng rung nhĩ, hẹp van hai lá, tăng áp động mạch phổi, dày thất phải hiện hữu.
  • X-quang ngực: Thông qua x-quang có thể thấy các biểu hiện lớn nhĩ trái, tái phân bố mạch máu phổi do tăng áp mao mạch phổi, động mạch phổi chính và thất phải lớn kèm kèm theo khi có tăng áp động mạch phổi.
  • Siêu âm tim: Đây là phương pháp không xâm nhập có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất trong chẩn đoán hẹp van hai lá. Ngoài ra còn có thể thực hiện siêu âm tim qua thành ngực hoặc siêu âm tim qua ngã thực quản trong một số trường hợp cần thiết.
  • Thông tim: Thông tim trái chỉ dùng để làm sáng tỏ thêm khi có sự bất tương hợp giữa dữ kiện lâm sàng và siêu âm tim ngoài ra còn hỗ trợ đánh giá chính xác tổn thương van 2 lá nếu có.

Bệnh van 2 lá, đặc biệt là hẹp van 2 lá, chủ yếu gặp ở người bị mắc bệnh hậu thấp. Để điều trị bệnh van 2 lá, thuốc ức chế men chuyển và chẹn beta được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong đáng kể. Tuy nhiên khuyến cáo trong một số trường hợp nên thay van 2 lá nhân tạo nhằm giúp cải thiện đời sống của bệnh nhân và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.