8 cách hết buồn ngủ ngay lập tức mà không cần dùng thuốc

Vai trò của giấc ngủ là rất quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần của chúng ta. Trong quá trình ngủ, cơ thể được phục hồi và tái tạo năng lượng. Do đó, thỉnh thoảng cảm thấy hay buồn ngủ là điều bình thường, đặc biệt là sau một thời gian dài mệt mỏi. Tuy nhiên, buồn ngủ nhiều có thể gây rối loạn và khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. 

Bản thân buồn ngủ nhiều là một triệu chứng của việc ngủ không đủ giấc hoặc một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.

Buồn ngủ nhiều là như thế nào?

Buồn ngủ nhiều là cảm giác khó tỉnh táo hoặc lúc nào cũng buồn ngủ, đặc biệt là ban ngày. Không giống như mệt mỏi đơn thuần là thiếu năng lượng, buồn ngủ nhiều có thể khiến bạn hay buồn ngủ, mệt mỏi đến mức cản trở các hoạt động thông thường. Nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng dường như đã gia tăng trong những năm gần đây, ảnh hưởng đến 25% dân số.

Buồn ngủ quá mức có thể có tình trạng như:

  • Gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Thường cảm thấy buồn ngủ trong suốt thời gian thức giấc.
  • Những giấc ngủ ngắn không thể làm giảm bớt cơn buồn ngủ.
buồn ngủ
Buồn ngủ khi làm việc – Tình trạng không ít người đang gặp phải

Nguyên nhân tại sao hay buồn ngủ

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ là nguyên nhân phổ biến nhất của buồn ngủ nhiều. Thiếu ngủ có thể là ngắn hạn hoặc mãn tính và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người trưởng thành cần ngủ từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm để cảm thấy tỉnh táo vào ngày hôm sau. 

Khoảng 20% người trưởng thành không ngủ đủ giấc, chẳng hạn như: không ưu tiên giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, thường xuyên đi tiểu vào ban đêm,… Thiếu ngủ trong thời gian dài có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim và các bệnh mãn tính khác cao hơn.

buồn ngủ
Thiếu ngủ do thức khuya làm việc

Chứng mất ngủ vô căn

Mất ngủ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không được bao lâu. Mọi người có thể bị mất ngủ theo những cách khác nhau, bao gồm: không thể ngủ được, thức giấc liên tục suốt đêm, thức dậy rất sớm vào buổi sáng và không thể ngủ lại.

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một chứng rối loạn hô hấp được đặc trưng bởi những cơn ngừng thở ngắn trong đêm. Đây là nguyên nhân tương đối phổ biến của buồn ngủ ban ngày quá mức.

Có hai loại ngưng thở khi ngủ:

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Xảy ra khi đường hô hấp trên bị xẹp xuống ít nhất 10 giây và xảy ra nhiều đợt trong khi ngủ, điều này dẫn đến tắc nghẽn trong đường thở.
  • Ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA): Xảy ra khi não không thể gửi tín hiệu đến các cơ kiểm soát hơi thở.

Các đợt ngưng thở làm xáo trộn chu kỳ giấc ngủ của cơ thể, biểu hiện qua hiện tượng ngáy và thở hổn hển khi ngủ. Do đó, giấc ngủ cũng bị gián đoạn và dẫn đến buồn ngủ nhiều khi hoạt động vào ngày sau.

Hội chứng chân không yên (RLS)

Hội chứng này khiến người bệnh cảm giác thôi thúc cử động tứ chi không kiểm soát khi đang nghỉ ngơi, đặc biệt là chân. RLS gây cử động giật chân cứ sau 20 đến 30 giây trong suốt đêm, làm gián đoạn tổng thời gian và chất lượng giấc ngủ. Kết quả là, người bệnh sẽ cảm thấy uể oải, mệt mỏi và buồn ngủ nhiều vào ngày hôm sau.

Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học

Khi thời gian ngủ của một người đột nhiên thay đổi với chu kì ngày đêm thông thường của họ, dẫn đến giấc ngủ ngắn và chập chờn cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng buồn ngủ nhiều ngắn hạn.

Chứng ủ rũ

Chứng ủ rũ là một tình trạng rối loạn giấc ngủ trong đó não không thể điều chỉnh đúng chu kỳ giấc ngủ. Chứng ủ rũ có liên quan đến giai đoạn REM của giấc ngủ mà không có dấu hiệu báo trước. Điều này khiến người bệnh dễ chìm vào giấc ngủ nhanh chóng bất kể thời gian nào trong ngày.

Một dấu hiệu hay gặp khác của chứng ủ rũ nữa là đột ngột mất kiểm soát cơ bắp (cataplexy). Đó là cảm giác yếu cơ nhẹ hoặc tê liệt toàn thân, kéo dài từ vài giây đến vài phút.

Chứng ủ rũ dẫn đến sự mệt mỏi dữ dội và thiếu năng lượng làm người bệnh luôn có cảm giác lúc nào cũng buồn ngủ.

Các bệnh lý khác                               

  • Rối loạn sức khỏe tâm thần: Người ta thấy rằng 80% những người bị trầm cảm nặng đều gây buồn ngủ ban ngày quá mức. Bên cạnh đó, rối loạn lưỡng cực, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý và rối loạn lo âu nói chung cũng có liên quan đến vấn đề giấc ngủ này.
  • Các bệnh thoái hóa thần kinh: Các bệnh thoái hóa thần kinh như chứng mất trí nhớ và bệnh Parkinson liên quan đến tình trạng khó ngủ về đêm và buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
  • Chấn thương và nhiễm trùng: Buồn ngủ nhiều có thể là biểu hiện của các chấn thương, khối u cũng như là tình trạng nhiễm trùng gồm viêm màng não và sưng não.
  • Rối loạn phát triển thần kinh: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và chứng rối loạn tự kỷ (ASD) hay gặp ở trẻ em cũng gây ra một loạt các vấn đề về giấc ngủ trong đó có buồn ngủ ban ngày quá mức.

Tác dụng phụ của thuốc

Buồn ngủ là tác dụng phụ phổ biến nhất của các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương. Một số loại thuốc gây buồn ngủ nhiều như một tác dụng phụ là:

  • Thuốc an thần
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc điều trị dị ứng, nghẹt mũi (thuốc kháng histamin)

Do đó, chúng ta cần thảo luận với bác sĩ về bất kì loại thuốc nào nghi ngờ có tác dụng phụ này. Nếu buồn ngủ nhiều gây trở ngại trong cuộc sống, bạn có thể đề nghị bác sĩ thay đổi thuốc hoặc giảm liều lượng.

Hậu quả của buồn ngủ ban ngày

Buồn ngủ có thể gây ra hậu quả không tốt đối với sức khỏe và hoạt động hàng ngày, bao gồm:

  • Tăng nguy cơ tai nạn xe hơi và lao động do khó tập trung
  • Giảm năng suất làm việc hoặc kết quả học tập
  • Giảm chất lượng cuộc sống
  • Ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc, hay mệt mỏi, tức giận, thiếu kiên nhẫn
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ và xã hội
buồn ngủ
Nguy cơ tai nạn do buồn ngủ nhiều đang có xu hướng gia tăng

Buồn ngủ nhiều ban ngày ở trẻ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần. Ở người lớn tuổi, hay buồn ngủ ngày làm tăng nguy cơ té ngã rất nguy hiểm.

Chẩn đoán và đánh giá buồn ngủ quá mức

Theo Phân loại Quốc tế về Rối loạn giấc ngủ (ICSD-3) định nghĩa EDS là tình trạng không có khả năng duy trì trạng thái tỉnh táo và tỉnh táo trong các giai đoạn thức giấc chính trong ngày, với giấc ngủ diễn ra không chủ ý hoặc vào những thời điểm không thích hợp gần như hàng ngày trong ít nhất 3 tháng.

Không có xét nghiệm nào đủ để mô tả đầy đủ EDS hoặc chẩn đoán nguyên nhân của nó. Việc đánh giá bắt đầu bằng việc kiểm tra bệnh sử và kiểm tra thể chất của bệnh nhân, sau đó là các bài kiểm tra chủ quan và khách quan bổ sung.

Đánh giá ban đầu bao gồm khai thác triệu chứng, tiền sử dùng thuốc và các thông tin liên quan qua thang đo mức độ buồn ngủ của Epworth. Thang đo này là một bảng câu hỏi ước tính khả năng ngủ gật thời gian gần đây trong các tình huống giả định.

buồn ngủ
Tư vấn bác sĩ chuyên môn tìm nguyên nhân gây buồn ngủ nhiều

Ở nhiều bệnh nhân, nguyên nhân của EDS rõ ràng từ bệnh sử và không cần xét nghiệm chẩn đoán. Bên cạnh đó, ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc thăm khám nghi ngờ có rối loạn hô hấp hoặc rối loạn trung ương của tình trạng buồn ngủ nhiều, sẽ tiến hành thêm xét nghiệm xác định, như là:

  • Đa ký giấc ngủ (thử nghiệm này ghi lại sóng não, nồng độ oxy và chuyển động cơ thể của một người trong khi ngủ để đánh giá chu kỳ giấc ngủ của họ)
  • Thử nghiệm ngưng thở khi ngủ tại nhà
  • Thử nghiệm độ trễ nhiều giấc ngủ

Các phương pháp điều trị buồn ngủ nhiều

Điều trị chung cho chứng buồn ngủ nhiều

Thay đổi thói quen ngủ là phương pháp chung cho tất cả mọi người gặp tình trạng này. Cải thiện thời gian ngủ và đảm bảo giấc ngủ ngon là những bước đầu tiên cần thiết trong việc giảm bớt các triệu chứng buồn ngủ nhiều vào ban ngày, cụ thể như:

  • Cố gắng đi ngủ đúng giờ nghĩa là ngủ mỗi ngày cùng thời điểm đồng hồ sinh học của mỗi người.
  • Tránh uống rượu, cafein và các chất kích thích khác trước khi đi ngủ.
  • Tạo ra môi trường ngủ yên tĩnh buổi tối.
  • Tránh làm việc muộn vào ban đêm.
buồn ngủ
Tạo thói quen ngủ khoa học

Điều trị đặc hiệu riêng cho chứng buồn ngủ nhiều

Các lựa chọn điều trị đặc hiệu khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bạn cần được chẩn đoán và theo dõi điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn để được kiểm soát tốt nhất cho từng cá nhân riêng biệt tùy theo đáp ứng của họ.

  • Ngưng thở khi ngủ: Một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng ngưng thở khi ngủ là áp lực đường thở dương (PAP). Liệu pháp PAP được áp dụng qua mũi, miệng hoặc cả hai thông qua máy CPAP, BiPAP hoặc BPAP.
  • Chứng ủ rũ: Thường được kiểm soát thông qua liệu pháp hành vi và một số loại thuốc kích thích tỉnh táo vào ban ngày.
  • Mất ngủ: Đối với cả thanh thiếu niên và người lớn, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho chứng mất ngủ, song song đó cũng có thể được hỗ trợ bằng thuốc.
  • Hội chứng chân không yên: Các triệu chứng của hội chân không yên có thể cải thiện bằng cách thay đổi thói quen giấc ngủ chất lượng hơn, tập thể dục kèm theo bổ sung sắt hoặc liệu pháp áp suất khí nén.

Câu hỏi thường gặp

Lúc nào cũng buồn ngủ mệt mỏi là bệnh gì?

Triệu chứng mệt mỏi, buồn ngủ nhiều có thể gặp trong nhiều bệnh lý. Các bệnh lý thường gặp gây ra như: chứng mất ngủ vô căn, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng bồn chồn chân, chứng ủ rũ,… Để tìm ra nguyên nhân cụ thể, người bệnh cần được đánh giá và kiểm tra bởi bác sĩ chuyên môn có uy tín.

Tại sao buồn ngủ nhưng không ngủ được?

Nếu bạn mệt mỏi buồn ngủ nhưng không ngủ được cho thấy đây là dấu hiệu của sự thay đổi nhịp sinh học của cơ thể. Nguyên nhân có thể gặp tình trạng này có thể do thói quen ngủ trưa, lo lắng, trầm cảm, tiêu thụ cafein, ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử, rối loạn giấc ngủ hoặc thậm chí là chế độ ăn uống.

Làm sao để hết buồn ngủ ngay lập tức?

Cà phê, trà, các thực phẩm chứa cafein, ánh nắng tự nhiên ngoài trời hay vận động có thể giúp bạn chống lại cơn buồn ngủ. Ngoài ra, một số thuốc như: amphetamine, methylphenidate, modafinil, armodafinil,… kích thích não giúp cơ thể tỉnh táo tức thời. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc có thế gây nghiện và gặp các tác dụng phụ nguy hiểm.

Hay buồn ngủ là thiếu chất gì?

Cơ thể có thể gặp tình trạng mệt mỏi, hay buồn ngủ nếu thiếu hụt sắt, acid folic, vitamin B12, vitamin D,…

Panadol xanh, panadol extra có gây buồn ngủ không?

Panadol là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến trên thị trường. Với thành phần là paracetamol 500mg (panadol xanh) và paracetamol phối hợp với cafein (panadol extra hay còn gọi là panadol đỏ) thì thuốc này không gây ra tác dụng phụ buồn ngủ hay mất ngủ.

Efferalgan có gây buồn ngủ không?

Với thành phần paracetamol 500mg dạng sủi, efferalgan không gây ra tác dụng phụ buồn ngủ hay mất ngủ.

Thuốc Rhumenol flu 500 có gây buồn ngủ không?

Thành phần thuốc Rhumenol flu 500 gồm có: paracetamol 500mg, loratadin 5mg, dextromethorphan 15mg. Phối hợp thuốc này thường không gây ra tác dụng phụ buồn ngủ ở liều điều trị. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều thì có thể có xuất hiện triệu chứng buồn ngủ bên cạnh các triệu chứng khác như mệt lả, thở nhanh, nhịp tim nhanh, suy hô hấp,…

Uống gì để không buồn ngủ?

Các thức uống tự nhiên chứa cafein như trà, cà phê, nước tăng lực,… hay các loại nước trái cây như nước ép táo, nước chanh, nước dừa, nước cam… có thể giúp cơ thể tỉnh táo. Tuy nhiên, mỗi người có thể có phản ứng khác nhau đối với các loại thức uống. Do đó, bạn cần thử nghiệm để phát hiện loại đồ uống phù hợp với bản thân.

Mệt mỏi buồn ngủ có phải có thai?

Mệt mỏi và buồn ngủ có thể là một trong những triệu chứng thông thường trong quá trình mang thai, nhưng không đảm bảo chắc chắn là bạn có thai. Để xác định chắc chắn, bạn nên thử kiểm tra bằng que thử thai hoặc thăm khám bác sĩ.


Hy vọng qua bài viết này, mọi người sẽ có thêm thông tin cụ thể, chính xác về triệu chứng buồn ngủ nhiều của cơ thể. Bài viết được tham khảo ý kiến của bác sĩ và các nguồn tin cậy trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, Doctor có sẵn khuyến khích mọi người tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn cụ thể hơn.

Contact Me on Zalo