Ợ hơi nhiều là bệnh gì ? Có nguy hiểm không ?

Ợ hơi hay đầy hơi là một điều thường gặp và tự nhiên, tuy nhiên triệu chứng này xảy ra nhiều có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và đưa đến sự xấu hổ với mọi người xung quanh. Vậy hãy cùng Docosan tìm hiểu các vấn đề liên quan đến triệu chứng này và nhận biết ợ hơi nhiều có nguy hiểm không nhé!

Ợ hơi nhiều là bệnh gì ?

Đây là tình trạng tống đẩy không khí dư thừa trong đường tiêu hóa ra ngoài qua đường miệng, phổ biến nhất là không khí trong thực quản và dạ dày. Mục đích của phản xạ ợ hơi nhiều là giúp bạn giảm đáng kể được tình trạng chướng bụng khi dạ dày hay đường tiêu hóa trên bị ứ đọng quá nhiều không khí.

Nguyên nhân ợ hơi nhiều 

Do thức ăn

Một số loại thức ăn, đồ uống cũng có thể khiến bạn bị ợ hơi thường xuyên hơn. Nhìn chung đó là những loại đồ uống có ga, rượu bia và thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường hoặc chất xơ tạo ra khí. Các loại phổ biến như :

  • Đậu: đậu Hà Lan, đậu lăng, … 
  • Rau: bông cải xanh, bắp cải, súp lơ trắng, hành, … 
  • Trái cây: chuối, nho khô, …
  • Bánh: bánh ngọt, bánh mì nguyên cám, …
o-hoi-do-thuc-uong
Bạn có thể ợ hơi khi uống nước ngọt có ga

Do không chú ý 

Hầu hết ợ hơi nhiều là do nuốt phải không khí dư thừa, thường tích tụ trong thực quản và phần trên của dạ dày. Bạn có thể nuốt nhiều không khí nếu ăn hoặc uống quá nhanh, vừa ăn vừa nói chuyện, nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo quá lâu, uống nước có ga và hút thuốc lá. 

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị ợ hơi nhiều là do nuốt phải một lượng lớn không khí mà không ý thức được. Trẻ ợ sau mỗi cữ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhằm đẩy hết không khí thừa đã nuốt phải trong quá trình bú.

Tuy nhiên một số người không nuốt không khí mà vẫn bị ợ hơi nhiều là do thói quen của chính họ, nhằm giảm bớt sự khó chịu nào đó xảy ra trong bụng hoặc khi có việc lo lắng hay suy nghĩ nhiều.

Do bệnh lý  

Ợ hơi nhiều cũng có liên quan đến các tình trạng bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa (như viêm loét dạ dày nhiễm Helicobacter pylori), bệnh trào ngược axit dạ dày (như bệnh trào ngược dạ dày thực quản – GERD). Trong những trường hợp bệnh lý này thì triệu chứng này sẽ đi kèm với các triệu chứng khác như ợ chua, ợ nóng, đau bao tử, … 

Ngoài ra có hội chứng toàn thân cũng có thể gây ợ hơi nhiều như bệnh nhân bị liệt do biến chứng của bệnh mạch máu não, chứng bệnh không dung nạp được lactose có trong sữa, hội chứng kém hấp thu fructose hoặc sorbitol. 

Các nguyên nhân ít phổ biến gây triệu chứng này gồm:

  • Bệnh ruột bẩm sinh: do không dung nạp được gluten là thành phần có trong nhiều loại thực phẩm giàu tinh bột như bột mì, bánh mì, bánh quy.
  • Hội chứng rỗng dạ dày: là chứng rối loạn hoạt động các lớp cơ làm trống rỗng dạ dày trước khi thức ăn được tiêu hóa đầy đủ. 
  • Suy tuyến tụy tạng: khi tuyến tụy không tiết đầy đủ các enzym cần thiết để tiêu hóa thức ăn thì tình trạng ợ hơi sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Do thuốc  

Một số loại thuốc gây ra ợ hơi nhiều như một tác dụng phụ, khi bạn ngừng uống thuốc thì chứng này cũng sẽ tự giảm đi.

  • Thuốc điều trị đái tháo đường type 2, hàng đầu là Acarbose
  • Các thuốc nhuận tràng, như lactulose hoặc sorbitol 
  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, như ibuprofen hoặc aspirin.

Mặt khác nếu sử dụng kéo dài thuốc giảm đau không đúng liều lượng thì sẽ tăng nguy cơ bị bệnh viêm loét dạ dày, từ đó làm tăng nhiều triệu chứng này hơn nữa.

Ợ hơi nhiều có nguy hiểm không ?

Ợ hơi được xem như một triệu chứng đơn lẻ thường không đáng lo ngại nếu nó không xảy ra thường xuyên hoặc quá mức chịu đựng của bạn. 

Nếu bạn cảm thấy bụng căng chướng nhiều hơn trong một thời gian dài và chứng ợ hơi không thuyên giảm hoặc xuất hiện cơn đau bụng dữ dội thì có thể bạn đang có một tình trạng bệnh lý tiêu hóa cần phải đi khám bác sĩ ngay. 

Ngoài ra nếu triệu chứng này xảy ra nhiều và thường xuyên hơn do một vấn đề tiêu hóa nào đó, thì có thể xuất hiện thêm các triệu chứng nghiêm trọng hơn khiến bạn bị ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và làm việc.

Điều trị ợ hơi như thế nào ?

Cách giảm chứng ợ hơi tại nhà 

Nếu bạn bị ợ hơi nhiều hơn hoặc thấy bụng ngày càng căng chướng thì nên nằm nghiêng sang một bên nào đó khi nghỉ ngơi hay ngủ. Bạn có thể thực hiện tư thế đưa đầu gối lên chạm ngực để giúp tống hết không khí dư thừa ra khỏi đường tiêu hóa. 

Ăn uống chậm rãi, từ từ: bạn nên dành thời gian tập trung vào việc ăn uống, nhai kỹ lưỡng hơn trong bữa ăn để giảm lượng không khí nuốt vào ruột, vào bữa ăn với tinh thần thoải mái vì nếu bạn ăn gấp rút, căng thẳng cũng làm tăng nuốt không khí.

Hạn chế những việc sau: vừa ăn vừa trò chuyện, uống nước có ga, nhai kẹo cao su, ngậm kẹo, hút thuốc lá, dùng thuốc không theo toa. 

o-hoi
Ăn uống chậm rãi, nhai kỹ càng và không nói chuyện sẽ giảm được chứng ợ hơi

Điều trị tại cơ sở y tế 

Nếu tình trạng ợ hơi nhiều quá mức gây khó chịu thì nên tìm gặp đến bác sĩ chuyên khoa để xác định tình trạng bệnh và chữa trị phù hợp. Bác sĩ của bạn sẽ thu thập thông  tin bệnh sử kết hợp thăm khám cơ quan tiêu hóa, và đưa ra chỉ định các loại xét nghiệm đặc hiệu giúp bạn tìm ra nguyên nhân chính xác của chứng này.

Phòng tránh ợ hơi như thế nào ?

Ợ hơi là điều tự nhiên, nhưng nếu bạn không muốn nó xảy ra thì hãy thử các cách phòng tránh sau đây:

  • Ngồi ăn đúng tư thế và ăn uống một cách chậm rãi, nhai kỹ càng
  • Hạn chế nhai kẹo cao su và ngậm kẹo ngọt 
  • Tránh đồ uống có ga và bia rượu 
  • Ngừng sử dụng loại thực phẩm nào khiến bạn bị ợ  
  • Bổ sung thực phẩm chứa probiotic hỗ trợ tiêu hóa 
  • Hạn chế các trạng thái lo lắng, suy nghĩ, căng thẳng.

Kết luận 

Ợ hơi là điều thường gặp với mỗi người, nhưng triệu chứng này sẽ gây khó chịu và có thể dự báo cho một bệnh lý nào đó. Vì vậy người bị ợ hơi nhiều nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng và tiếp tục theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu triệu chứng này không tự thuyên giảm hoặc kèm thêm có khó chịu khác thì việc cần làm là đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. 

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng ợ hơi tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Contact Me on Zalo