Rộp lưỡi hay đau rát lưỡi là một tình trạng khó chịu, đau đớn và gây lo lắng cho người bệnh. Lưỡi bị rộp rát có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em và gần như ai cũng sẽ ít nhất một lần mắc phải trong đời. Vậy nguyên nhân gây ra rộp lưỡi là gì? Nó chỉ là tổn thương đơn giản do bỏng hay có tiềm ẩn một vấn đề sức khỏe nào khác không? Cách chữa trị như thế nào? Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu với Docosan qua bài viết sau đây.
Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Trần Diễm Hương
Tóm tắt nội dung
Lưỡi bị rộp rát là gì?
Lưỡi bị rộp rát hay rộp lưỡi là một tình trạng thường gặp ở trẻ con và cả người lớn. Bệnh thường lành tính, không gây nguy hiểm cho người mắc phải nhưng lại gây khó chịu, đau rát khiến cho việc sinh hoạt như nói chuyện, ăn uống trở nên bất tiện, khó khăn.
Hầu như ai cũng mắc rộp lưỡi nhưng tùy từng người mà tình trạng, thời gian lành bệnh là khác nhau, có người sẽ tự khỏi sau vài ngày nhưng cũng có người phải sử dụng thuốc để điều trị. Nguyên nhân gây ra lưỡi bị rộp rát có thể xuất phát từ vấn đề bên trong có thể hoặc do tác động từ bên ngoài.
Lưỡi bị rộp rát là tình trạng tổn thương bề mặt trên của lưỡi, có thể dạng loét hoặc sưng tấy đỏ, thường kèm theo cảm giác đau, khô lưỡi. Người bệnh sẽ cảm thấy mặt trên lưỡi hơi sần, khô và đau đớn khi chạm vào, khi ăn uống hoặc nói chuyện. Rộp lưỡi thường có màu trắng hoặc đỏ.
Lưỡi bị rộp rát có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, thường xảy ra sau một chấn thương, như cắn trúng lưỡi hoặc ăn uống khi đồ ăn còn nóng, ăn cay quá nhiều, ăn các thực phẩm chứa Enzyme bromelain như quả dứa … hoặc kèm theo một số triệu chứng khác gợi ý một bệnh lý vùng miệng lưỡi hoặc toàn thân.
Có thể nói lưỡi bị rộp rát lành tính, có thể tự khỏi nhưng trong một số trường hợp tình trạng đau rát kéo dài, không tự lành, tái đi tái lại nhiều lần, bạn cần phải thận trọng và đi khám bác sĩ. Bởi đó có thể là dấu hiệu của ung thư miệng, lưỡi hoặc các bệnh liên quan đến chức năng gan. Việc phát hiện và điều trị sớm, kịp thời sẽ giúp quá trình chữa trị của bạn đạt được hiệu quả tốt nhất.
Vậy nguyên nhân khiến lưỡi bị rộp rát là gì ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưỡi bị rộp rát. Một trong số đó phải kể đến những nguyên nhân sau:
Viêm loét miệng lưỡi
Các vết loét thường xuất hiện ở niêm mạc má hai bên, vòm họng, nướu răng và mặt trên của lưỡi. Vết loét có màu trắng đến hơi ngả vàng. Rìa xung quanh các vết thương sẽ sưng tấy đỏ và đau nhiều. Vết loét ở mặt trên của lưỡi sẽ gây cảm giác rộp, rát và đau tăng lên khi ăn uống nhất là khi ăn đồ cay nóng hoặc nói chuyện.
Đây là loại tổn thương miệng lưỡi phổ biến nhất, hầu hết mọi người đều mắc phải từ trẻ con đến người lớn.
Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm loét miệng lưỡi vẫn chưa được biết tường tận, tuy nhiên các nhà khoa học cũng đang ghi nhận một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, có thể kể đến như: vệ sinh răng miệng kém, căng thẳng, stress, thay đổi nội tiết tố…
Bệnh thường gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến các sinh hoạt hằng ngày, tuy nhiên các vết loét rộp thường sẽ biến mất sau khoảng vài ngày mà không cần điều trị. Nếu cơn đau dữ dội, một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Viêm u nhú lưỡi thoáng qua
Các vết sưng, rộp trên bề mặt lưỡi được gọi là các u nhú, thường có hình tròn, bề mặt nhô cao, hoặc có dạng mụn nước tiến triển thành loét.
Trong một số trường hợp, u nhú to hoặc vết loét, mụn nước lớn có thể gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh.
Nguyên nhân của bệnh viêm u nhú lưỡi hiện vẫn chưa được sáng tỏ. Bệnh thường không cần điều trị đặc hiệu và sẽ tự lui bệnh theo thời gian.
Viêm lưỡi bản đồ
Đây là một trong nguyên nhân thường gặp khiến lưỡi bị rộp rát ở trẻ em. Bệnh lành tính, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ với biểu hiện chính là có các đốm, khoảng màu đỏ, trắng ở mặt trên của lưỡi, thường có viền bao quanh tạo hình dạng giống như bản đồ. Bệnh còn có tên gọi khác là viêm lưỡi di trú lành tính.
Một số nghiên cứu ghi nhận sự liên quan giữa bệnh viêm lưỡi bản đồ với bệnh vảy nến tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây viêm lưỡi bản đồ hiện vẫn chưa được xác định.
Bệnh thường không cần điều trị và sẽ tồn tại trong vài ngày đến vài tuần và biến mất. Nếu trẻ quấy khóc, đau nhiều, biếng ăn, các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giảm đau hoặc chống viêm để cải thiện tình trạng của trẻ.
Bệnh nấm miệng
Đây là một bệnh nhiễm trùng, do nấm Candida albicans gây nên. Bệnh thường gây các tổn thương dạng mảng trắng ở mặt trên của lưỡi, chúng ta thường gọi với các tên thân quen hơn đó là bệnh tưa lưỡi, bệnh này cũng khiến lưỡi bị rộp rát.
Các mảng trắng này thường khó bong, khó rửa đi bằng nước và dễ chảy máu, gây đau khi chạm vào.
Bệnh nấm miệng cũng là một nguyên nhân thường gây lưỡi bị rộp rát ở các trẻ nhỏ. Cha mẹ cần sớm nhận diện và đưa trẻ đến khám bác sĩ để điều trị phù hợp.
Các chấn thương cơ học ở lưỡi
Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số lý do thường gặp trong sinh hoạt hằng ngày khiến lưỡi bị rộp rát đó là cắn vào lưỡi, ăn thức ăn quá nóng, quá cay… Đây chắc chắn là nguyên nhân dễ nhận biết nhất và cơn đau sẽ xảy ra ngay tại thời điểm mà bạn tác động vào lưỡi. Thường các tổn thương này sẽ giảm dần và biến mất. Tuy nhiên nó cũng sẽ gây đau rát cho bạn trong một khoảng thời gian.
Lichen phẳng ở lưỡi
Lichen phẳng là nguyên nhân ít gặp có thể khiến lưỡi bị rộp rát. Biểu hiện của bệnh tại lưỡi là các tổn thương rộp, phồng, có màu trắng, xuất hiện ở mặt trên của lưỡi, niêm mạc má, ngoài ra còn có cơ quan khác trên cơ thể, như ngoài da, da đầu, móng tay…
Các triệu chứng này có thể xuất hiện và biến mất, gián đoạn trong nhiều năm và tiến triển thành lichen phẳng mạn tính.
Nếu người bệnh cảm thấy đau rát, hoặc có vết loét, hoặc bệnh ở giai đoạn mãn tính, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Một số hội chứng ít gặp
Hội chứng Sjogren là một tình trạng rối loạn miễn dịch hiếm gặp, tỉ lệ mắc bệnh là 0.5-1% dân số nói chung. Bệnh gây viêm tuyến nước bọt, từ đó dẫn đến cảm giác khô miệng, xuất hiện tình trạng lưỡi bị rộp rát, nóng rát bên trong khoang miệng và ngoài ra còn có các triệu chứng ở các hệ cơ quan khác, ví dụ như khô mắt, thay đổi màu da, đau nhức khớp…
Hội chứng Behçet là bệnh lý gây viêm mạch máu và triệu chứng đầu tiên thường là xuất hiện các vết loét gây đau, bên trong miệng, lưỡi. Viêm khớp, viêm kết mạc, rối loạn tiêu hoá, loét sinh dục, loét da… là một số biểu hiện khác của hội chứng này.
Ung thư miệng
Lưỡi bị rộp rát là bệnh lành tính sẽ tự khỏi tuy nhiên nếu bị rộp lưỡi kéo dài, không tự khỏi, tái đi tái lại nhiều lần thì bạn cần phải đi kiểm tra vì rất có thể bệnh đã nghiêm trọng. Ung thư miệng gây ra các thay đổi khác nhau trong khoang miệng. Người bệnh thường cảm thấy đau ở mặt trên lưỡi, xuất hiện tình trạng lưỡi bị rộp rát, niêm mạc má, hoặc nướu răng kéo dài.
Một số dấu hiệu khác gợi ý bệnh ung thư miệng: xuất hiện mảng trắng hoặc đỏ hoặc dạng u bên trong miệng, tê bì da vùng mặt hoặc cổ, răng lung lay, khó khăn trong nhai và nuốt thức ăn, khó nói,…Ung thư miệng nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm sẽ có tiên lượng tốt.
Ngoài ra, lưỡi bị rộp rát còn xảy ra khi bạn vệ sinh răng miệng không sạch sẽ khiến vi khuẩn phát triển gây ra nhiễm khuẩn, thiếu hụt dinh dưỡng như sắt, vitamin B12, thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn đồ cay, nóng, suy giảm chức năng gan khiến các chất độc tích tụ gây ra viêm loét…
Khi nào thì bạn cần đến gặp bác sĩ ?
Đa số các nguyên nhân khiến lưỡi bị rộp rát là các bệnh lý lành tính, không cần điều trị và sẽ từ từ lui bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh ít gặp hoặc ác tính như ung thư miệng, cần được phát hiện sớm và điều trị phù hợp để có kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Nếu bạn hoặc người thân có các dấu hiệu sau, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn về tình trạng sức khỏe của mình. Một dấu hiệu nhỏ nhưng cũng có thể dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm. Khi thấy có triệu chứng bất thường, kéo dài, bạn đừng chủ quan mà hãy đi khám để được bác sĩ tư vấn cũng như phát hiện được bệnh sớm nhất.
Các dấu hiệu bạn cần lưu ý gồm có:
- Các triệu chứng đau, rộp, nóng rát… miệng lưỡi kéo dài hơn một tuần, tái đi tái lại nhiều lần.
- Thay đổi về màu sắc, bề mặt hoặc hình dạng của lưỡi, các vết loét lan rộng và có kích thước lớn bất thường.
- Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh… là các triệu chứng của nhiễm trùng, bạn cần được thăm khám và điều trị triệt để.
- Khó nuốt dai dẳng.
- Bạn cảm thấy bất an, lo lắng về tình trạng sức khoẻ của mình.
Cách chữa lưỡi bị rộp rát
Lưỡi bị rộp rát là một căn bệnh lành tính, dễ mắc phải nhưng lại gây ra khó chịu, đau rát cho người bệnh nhất là khi ăn uống, nói chuyện. Một vài cách chữa rộp lưỡi nhanh nhất mà bạn có thể áp dụng, cụ thể:
- Thường xuyên súc miệng họng với nước muối ấm pha loãng, hoặc nước muối sinh lý (Natriclorua 0.9%). Nước muối không chỉ giúp ngăn ngừa, tiêu diệt sự phát triển của vi khuẩn mà còn giúp làm khô viêm loét, giảm đau, giảm sưng hiệu quả. Bạn có thể súc miệng bằng nước muối trước và sau khi ăn để có thể loại bỏ vi khuẩn.
- Luôn có thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chải răng đúng cách, súc miệng, sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn. Bạn hãy chọn cho mình loại kem đánh răng phù hợp, bàn chải đánh răng mềm và thay thường xuyên để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh vi khuẩn tích tụ nhiều. Nếu có điều kiện, bạn có thể sử dụng bàn chải điện và tăm nước.
- Khi lưỡi bị rộp rát, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp thanh nhiệt, giải độc.
- Ăn các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, uống nước sắn dây, rau má, trà xanh có tính mát, uống đủ nước lọc mỗi ngày, ăn thức ăn mềm như cháo, súp; sữa chua, các thực phẩm giàu sắt như: súp lơ xanh, trứng, thịt gà…đặc biệt là bổ sung vitamin C, các vitamin nhóm B thường có nhiều trong rau củ quả. Bổ sung những thực phẩm này đẩy nhanh quá trình hồi phục vết loét, giúp giảm đau và thanh lọc, giải độc cho cơ thể.
- Khi lưỡi bị rộp rát không nên ăn các đồ ăn cay nóng, chiên rán, đồ mặn, chua, chứa nhiều đường, các đồ uống có ga, cà phê…Những thực phẩm này khiến vết loét nặng, sưng đau hơn.
- Khi ăn uống, nên ăn uống từ tốn, cẩn thận tránh cắn vào lưỡi gây rộp lưỡi.
- Nghỉ ngơi điều độ, có lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng, stress, ngủ sớm, ngủ đủ giấc, ngủ sâu để luôn giữ được tinh thần thoải mái, sảng khoái.
- Tập luyện thể thao mức độ phù hợp và thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể, không chỉ tránh lưỡi bị rộp rát mà còn tránh được rất nhiều căn bệnh khác.
Các biện pháp này tuy đơn giản, nhưng cũng góp phần giúp giảm triệu chứng của bệnh, cải thiện tình trạng lưỡi bị rộp rát, đồng thời thúc đẩy hồi phục và ngăn ngừa hình thành mụn nước, vết loét trong tương lai. Những thói quen kể trên khá đơn giản, dễ thực hiện, bạn hãy duy trì để tình trạng lưỡi bị rộp rát không tái phát gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Điều trị đặc hiệu
Khi tình trạng lưỡi bị rộp rát gây cho bạn đau đớn, kéo dài thì bạn nên sử dụng các loại thuốc. Vậy khi rộp lưỡi uống thuốc gì? Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp cho tình trạng lưỡi bị rộp rát, trong đó, có thể bao gồm:
- Thuốc kháng sinh, kháng nấm để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và sự phát triển của vi trùng, nấm gây bệnh.
- Thuốc súc miệng kháng khuẩn.
- Thuốc kháng viêm.
- Thuốc kích thích tiết nước bọt.
- Thuốc corticosteroid.
- Gel trị nhiệt miệng.
- Và một số phương pháp điều trị đặc hiệu khác…
Những phòng khám chuyên chữa các vấn đề về tai mũi họng.
Nếu lưỡi bị rộp rát khiến bạn thấy khó chịu và muốn được thăm khám để chữa trị nhưng không biết địa chỉ khám uy tín, chất lượng, gần nhà. Hãy tham khảo những phòng khám dưới đây nhé:
- Phòng khám Tai Mũi Họng Thành Đông – Q. Tân Bình
- Golden Healthcare International Clinic – Q. Tân Bình
- Phòng khám đa khoa Singapore Indochina Group – Q.7
Tổng kết
Bất kỳ căn bệnh nào cũng gây khó chịu cho người mắc phải. Lưỡi bị rộp rát chủ yếu gây đau rát cho người bệnh nhưng không gây nguy hiểm. Nguyên nhân gây nên tình trạng này thường là bệnh lý lành tính, đơn giản và tự khỏi. Tuy nhiên, đôi khi, rộp lưỡi là triệu chứng của một bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh ác tính, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị chuyên biệt.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng lưỡi bị rộp rát tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Tài liệu tham khảo:
- Blisters on the tongue: Identification and when to see a doctor: https://www.medicalnewstoday.com/articles/blisters-on-the-tongue#causes-and-types
- Blister: First Aid: https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-blisters/basics/art-20056691