Bệnh cảm tả (hay còn gọi là bệnh tả) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra. Bệnh tả đã được nói đến từ xa xưa thời Hippocrates – ông tổ của ngành y học phương Tây – và được mô tả lần đầu tiên bởi Garcia del Huerto năm 1563. Tại Việt Nam, bệnh tả lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1850 với 2 triệu trường hợp mắc bệnh. Hiện nay, bệnh tả đã được khống chế và kiểm soát ở Việt Nam, chỉ còn xuất hiện một vài ca rải rác, thường gặp vào mùa hè ở các tỉnh ven biển. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc cùng Doctor có sẵn tìm hiểu nội dung trong bài viết dưới đây.
Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Trần Diễm Hương
Tóm tắt nội dung
Cảm tả là bệnh gì?
Bệnh tả là bệnh do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, bệnh có các triệu chứng của nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa. Bệnh cảm tả thường lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm bởi phân người hoặc phân động vật và nguồn thực phẩm bị nhiễm bẩn trong quá trình chế biến. Bệnh gây tiêu chảy nặng và mất nước. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tả có thể gây tử vong trong vòng vài giờ, ngay cả ở những người khỏe mạnh.
Nhờ quy trình xử lý nước dân dụng và xử lý nước thải hiện đại hầu như đã loại bỏ được bệnh tả ở các nước công nghiệp. Tuy nhiên bệnh tả vẫn tồn tại ở Châu Phi, Đông Nam Á và Haiti. Nguy cơ bùng phát dịch tả cao nhất là ở các nước đói nghèo, chiến tranh hoặc thiên tai buộc người dân phải sống trong điều kiện thiếu thốn, đông đúc mà không có đủ điều kiện vệ sinh tạo điều kiện cho bệnh tả hoành hành và dễ gây thành dịch nếu không kiểm soát kịp thời.
Bệnh cảm tả được điều trị dễ dàng, tỷ lệ tử vong nếu người bệnh được điều trị đúng và kịp thời chỉ dưới 1%. Tử vong do mất nước nghiêm trọng có thể được ngăn ngừa bằng giải pháp bù nước và điện giải đơn giản và không quá tốn kém.
Nguyên nhân gây bệnh cảm tả
Bệnh cảm tả do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Vibrio cholerae gây ra. Vi khuẩn tả có hình cong dấu phẩy (do đó còn được gọi là phẩy khuẩn) không bắt màu khi nhuộm gram, không sinh nha bào, di động nhanh nhờ có một lông ở đầu. Những triệu chứng gây chết người của căn bệnh này là kết quả của độc tố ruột do vi khuẩn tạo ra trong ruột non. Chất độc khiến cơ thể tiết ra một lượng lớn nước, dẫn đến tiêu chảy, mất nước và điện giải nhanh chóng.
Vi khuẩn tả có thể không gây bệnh cho tất cả những người tiếp xúc với chúng và họ được gọi là người lành mang bệnh, nhưng chúng vẫn truyền vi khuẩn trong phân của họ và từ đó có thể làm ô nhiễm thực phẩm và nguồn nước. Nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm là nguồn lây nhiễm bệnh tả chính. Vi khuẩn có thể được tìm thấy trong:
- Nước sinh hoạt hoặc nước giếng: Các giếng công cộng bị ô nhiễm là nguồn thường xuyên làm bùng phát dịch tả quy mô lớn. Những người sống trong điều kiện đông đúc mà không có đủ điều kiện vệ sinh đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh.
- Động vật thủy sinh: Ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là các nhuyễn thể (cá, cua, sò, ngao,…) thường thấy ở vùng cửa sông hay ven biển, có thể khiến bạn tiếp xúc với vi khuẩn tả.
- Trái cây và rau sống: Trái cây và rau sống, chưa gọt vỏ là nguồn lây nhiễm bệnh tả thường xuyên ở những khu vực có dịch tả. Ở các nước đang phát triển, phân chuồng chưa ủ hoai mục hoặc nước tưới chứa nước thải thô có thể làm ô nhiễm nông sản trên đồng ruộng.
- Các loại hạt: Ở những vùng có bệnh tả lan rộng, các loại ngũ cốc như gạo và hạt kê bị nhiễm khuẩn sau khi nấu chín và giữ ở nhiệt độ phòng trong vài giờ có thể phát triển vi khuẩn tả.
Triệu chứng và dấu hiệu cảm tả là gì?
Hầu hết những người tiếp xúc với vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) không bị bệnh cảm tả và không biết mình đã bị nhiễm bệnh. Nhưng vì vi khuẩn tả được thải ra trong phân người nhiễm từ 7 đến 14 ngày nên chúng vẫn có thể lây nhiễm sang người khác qua nước bị ô nhiễm.
Hầu hết các trường hợp bệnh tả gây ra triệu chứng tiêu chảy nhẹ hoặc trung bình thường khó phân biệt với tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Số ít người xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tả nghiêm trọng hơn thường khởi phát trong vòng vài ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng của nhiễm trùng tả có thể bao gồm:
- Tiêu chảy: Tiêu chảy liên quan đến bệnh tả xảy ra đột ngột và có thể nhanh chóng gây mất chất nước nghiêm trọng – nhiều nhất có thể lên đến khoảng 1 lít mỗi giờ. Tiêu chảy do tả phân thường nhạt màu và trắng đục giống như nước vo gạo.
- Buồn nôn và nôn: Nôn mửa xảy ra đặc biệt trong giai đoạn đầu của bệnh tả và có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ.
- Mất nước: Tình trạng mất nước có thể tiến triển trong vòng vài giờ sau khi các triệu chứng bệnh tả bắt đầu diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Giảm 10% trọng lượng cơ thể trở lên cho thấy cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất nước do tả bao gồm khó chịu, mệt mỏi, mắt trũng sâu, khô miệng, cảm giác háo nước, da khô và tạo thành nếp khi bị véo hay chèn ép, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, huyết áp thấp và nhịp tim không đều.
Mất nước đồng thời có thể dẫn đến mất nhanh chóng các khoáng chất trong máu giúp duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể. Đây được gọi là sự mất cân bằng điện giải. Sự mất cân bằng điện giải có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng như:
- Chuột rút: Điều này xảy ra do sự mất nhanh chóng của các muối như natri, clorua và kali trong bệnh cảm tả nặng.
- Sốc: Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của tình trạng mất nước. Điều này xảy ra khi thể tích máu giảm thấp gây ra giảm huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể. Nếu không được điều trị, sốc giảm thể tích nghiêm trọng có thể gây tử vong trong vài phút.
Chẩn đoán bệnh cảm tả
Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cảm tả nặng rất khó để nhầm lẫn ở những khu vực phổ biến, cách duy nhất để xác định chẩn đoán là xác định vi khuẩn trong mẫu phân. Ngoài ra các mẫu bệnh phẩm khác có thể lấy từ chất nôn, thực phẩm và nguồn nước, một phần để xét nghiệm chẩn đoán, một phần có thể phục vụ nhân viên y tế điều tra dịch tễ.
Mẫu bệnh phẩm có thể lấy bằng ống soi trực tràng hoặc tăm bông vô khuẩn và được cho vào túi nilon hoặc lọ sạch sau đó. Các phương pháp xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán bệnh cảm tả gồm:
- Soi tươi: Nhân viên xét nghiệm tiến hành soi tươi phân hoặc chất nôn dưới kính hiển vi để trực tiếp phát hiện ra phẩy khuẩn tả di động.
- Nuôi cấy phân lập vi khuẩn: Những ca sau khi phát hiện nhiễm khuẩn tả từ việc qua soi tươi có thể được chuyển lên tuyến cao hơn nuôi cấy phân lập vi khuẩn để chẩn đoán và định type huyết thanh và làm kháng sinh đồ để phục vụ cho việc điều trị.
- Kỹ thuật di truyền phân tử (PCR): Dùng để để xác định đoạn gen đặc hiệu của phẩy khuẩn tả từ đó đưa ra chẩn đoán.
- Xét nghiệm huyết thanh: Sau khi nhiễm khuẩn tả, cơ thể bắt đầu xuất hiện các loại kháng thể trong đó có kháng thể ngưng kết. Xét nghiệm huyết thanh để phát hiện kháng thể ngưng kết trong máu thường được tiến hành trong nghiên cứu khoa học, ít khi được ứng dụng trên lâm sàng.
Điều trị bệnh cảm tả như thế nào?
Bệnh cảm tả cần được điều trị ngay lập tức vì bệnh có thể gây tử vong trong vài giờ. Để điều trị bệnh cảm tả bác sĩ thường dùng kết hợp các phương pháp sau đây:
- Bù nước: Mục đích là để thay thế chất lỏng và chất điện giải đã mất bằng dung dịch bù nước đơn giản, tốt hơn nên pha nước với oresol (ORS) để bù đủ nước và điện giải. Dung dịch ORS có sẵn dưới dạng bột có thể pha với nước đun sôi hoặc nước đóng chai. Trường hợp khẩn cấp có thể pha dung dịch gồm 1 lít nước, pha với 6 thìa cà phê đường và 1/2 thìa cà phê muối. Nếu không được bù nước, khoảng một nửa số người mắc bệnh tả sẽ tử vong. Khi được điều trị, tỷ lệ tử vong giảm xuống dưới 1%.
- Truyền đường tĩnh mạch Ringer lactat (hoặc NaCl 0,9% và Glucose 5% pha tỉ lệ 1:1): Hầu hết những người bị bệnh tả có thể được hỗ trợ bằng cách uống bù nước đơn thuần, nhưng những người mất nước nghiêm trọng cũng có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh: Mặc dù không phải là một phần cần thiết của điều trị bệnh tả, nhưng một số thuốc kháng sinh có thể làm giảm tiêu chảy liên quan đến bệnh tả và rút ngắn thời gian kéo dài ở những người bị bệnh nặng. Hiện nay tình trạng kháng kháng sinh ở bệnh tả ngày càng tăng cao nên chỉ có một số loại thường được dùng trong điều trị bệnh tả. Khi đã đạt được trạng thái thể tích thích hợp, có thể bắt đầu điều trị bằng kháng sinh. Tetracycline là loại được sử dụng phổ biến nhất. Một liều duy nhất 300 mg doxycycline hoặc 500 mg tetracycline mỗi 6 giờ trong 2 ngày đã được chứng minh là làm giảm thời gian mắc bệnh. Tuy nhiên, tình trạng kháng thuốc phổ biến ở một số khu vực nhất định và do đó, các liệu pháp thay thế bao gồm macrolide như erythromycin và azithromycin hoặc fluoroquinolones như ciprofloxacin cũng được áp dụng.
- Thuốc bổ sung kẽm: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẽm có thể làm giảm tiêu chảy và rút ngắn thời gian kéo dài ở trẻ em bị bệnh tả.
Một số địa chỉ điều trị cảm tả uy tín cho mọi nhà
- Bệnh viện Quốc tế City – City International Hospital (CIH)
- Bệnh Viện Đa Khoa An Việt
- Phòng Khám Đa Khoa Saigon Healthcare
Kết luận
Bệnh cảm tả là một bệnh do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, triệu chứng chính của bệnh là tiêu chảy cấp và mất nước. Phần lớn những người nhiễm khuẩn tả thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng bên cạnh đó vẫn có số ít người mắc bệnh mức độ nghiêm trọng cần phải điều trị. Người bệnh khi phát hiện các triệu chứng kể trên cần đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và nhận lời khuyên phù hợp.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Cholera – Symptoms and causes – Mayo Clinic
- Cholera: Overview (December 09th, 2022)
- (Accessed on June 1st 2023)
- Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm
- Cholera: Treatment and Prevention (March 30th 2022)
- https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cholera?gclid=EAIaIQobChMIvtirgNSh_wIVDz9gCh3m2gfiEAAYASAAEgLrz_D_BwE (Accessed on June 1st 2023)Fanous M, King KC. Cholera. [Updated 2022 Jul 1]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470232/