Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng bạn cần biết

Bệnh lao phổi là một trong những bệnh lý truyền nhiễm tại đường hô hấp có khả năng lây lan và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về những thông tin bổ ích xoay quanh lao phổi trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh lao phổi là gì?

Việt Nam là một trong những có gánh nặng về bệnh lao phổi cao, đặc biệt là lao đa kháng. Theo nghiên cứu của WHO thì chỉ có khoảng hơn 20% bệnh nhân lao phổi được phát biện và quản lý dẫn đến tỷ lệ lây lan trong cộng đồng là rất cao. Đáng sợ hơn là có tới hơn 6% các trường hợp mắc bệnh lao siêu kháng thuốc.

Nguyên nhân lao phổi được biết đến là do vi khuẩn lao – Mycobacterium tuberculosis gây ra bệnh lao tại phổi. Con đường lây truyền là do tiếp xúc trực tiếp với người bị lao có triệu chứng ho khạc đàm, đặc biệt là bệnh nhân lao có kết quả xét nghiệm AFB (+), họ có khả năng lây lan bệnh gấp 10 lần so với bệnh nhân có AFB đàm (-). Trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao phổi:

  • Đối tượng có tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em
  • Đối tượng nhiễm HIV
  • Mắc các bệnh mạn tính như: loét dạ dày – tá tràng, bệnh thận mạn,…
  • Nghiện rượu, thuốc lá, sử dụng chất kích thích như má túy
  • Sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoids, thuốc điều trị ung thư

Vậy bệnh lao phổi có di truyền không? Câu trả lời là không, lao phổi là một bệnh lý truyền nhiễm mắc phải do trực khuẩn lao gây ra tình trạng viêm nhiễm nhu mô phổi. Bệnh lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và tiếp xúc. Một câu hỏi khác thường đặt ra là bệnh lao phổi có đi làm được không? Câu trả lời là không, người bệnh phải cách ly ở nhà cẩn thận để tránh lây lan cho người nhà và những người xung quanh, có thể đi làm lại sau khi điều trị xong theo phác đồ và có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Triệu chứng lao phổi hay dấu hiệu lao phổi giúp bạn nhận biết

Dấu hiệu bệnh lao phổi thường gặp nhất là ho, nhưng cũng có một số bệnh nhân bị lao phổi nhưng không ho. Đặc điểm của cơn ho trong bệnh lao phổi là ho kéo dài trên 2 tuần. Bệnh nhân có thể ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Bệnh nhân lao phổi ho ra máu ít khi tử vong trừ trường hợp ho ra máu sét đánh không cấp cứu kịp sẽ dẫn đến tử vong.

Các biến chứng lao phổi do tình trạng ho kéo dài có thể dẫn đến như thiếu máu biểu hiện bằng da niêm nhợt nhạt trong trường hợp ho ra máu nhiều. Biến chứng khác có thể gặp là suy hô hấp do máu tràn vào, lấp kín các phế nang, có thể gặp trong ho ra máu sét đánh.

Bệnh nhân lao phổi có thể sốt nhẹ về chiều, sốt vừa hiếm khi có sốt cao. Ngoài ra bệnh lao phổi còn gây ra các triệu chứng khác như mệt mỏi, sụt cân nếu không điều trị sẽ mất hơn 50% khối lượng cơ thể. Ngoài ra có thể gặp tình trạng đổ mô hôi trộm vào ban đêm kéo dài vài tháng sau khi bắt đầu điều trị.

Vậy bệnh lao phổi có nguy hiểm không? Các dấu hiệu nhận biết tình trạng lao gây nguy hiểm như ho ra máu ra còn phải kể đến triệu chứng quan trọng khác như khó thở, đau ngực. Khó thở gặp chủ yếu ở giai đoạn bệnh nặng trên bệnh nhân lớn tuổi và có hơn 20% nhu mô phổi bị phá hủy. Đau ngực có thể mơ hồ do tổn thương lân cận màng phổi gây hội chứng màng phổi có bao gồm đau ngực.

Các giai đoạn của lao phổi bao gồm: tiếp xúc phơi nhiễm, nhiễm lao, tiến triển tại phổi, hồi phục sau điều trị, tháng thái lao tiềm ẩn, và cuối cùng là tái nhiễm hay tái hoạt tính khuẩn Lao tuberculosis. Triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu thường không đặc hiệu và dễ bị bỏ sót. Người bệnh ho có đàm, có sốt về chiều, có thể có cảm giác chán ăn sụt cân.

Điều trị bệnh lao phổi ra sao?

Xét nghiệm lao phổi cần làm đó là chẩn đoán hình ảnh (X-quang hay CT-scan,…) và bằng chứng vi sinh. Mẫu bệnh phẩm vi sinh có thể là đàm hoặc dịch rửa phế quản, dịch não tủy, dịch màng bụng. Các phương pháp xét nghiệm lao phổi được sử dụng hiện nay gồm nuôi cấy – kháng sinh đồ (tiêu chuẩn vàng), soi trực tiếp (AFB nhuộm Zn, AFB nhuộm huỳnh quang), miễn dịch chẩn đoán – huyết thanh chẩn đoán, xét nghiệm sinh học phân tử (PCR, IGRAs, LPA, Xpert MTB/RIF asay)

Bệnh lao phổi có chữa được không? Câu trả lời là bệnh lao ở phổi có thể điều trị được. Mục tiêu điều trị lao cần đạt được đó là chữa lành bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân; tránh tử vong trong giai đoạn tiến triển và hạn chế biến chứng; hạn chế lao tái phát; giảm lây truyền cho những người xung quanh và cuối cùng là ngăn chặn phát triển & lây truyền lao kháng thuốc.

Điều trị lao phổi cần phối hợp ít nhất 3 loại thuốc để tránh hiện tượng chọn ọc vi trùng kháng thuốc. Thuốc chỉ định phải đúng liều lượng để tiêu diệt vi trùng lao, hạn chế tình trạng ngộ độc thuốc. Dùng tối thiểu 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng tùy theo phác đồ điều trị cho từng loại bệnh lao. Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, liên tục, uống duy nhất một lần vào thời gian cố định để hấp thu thuốc tối đa.

Trước khi sử dụng thuốc điều trị lao, người bệnh sẽ được làm một số xét nghiệm thường quy khảo sát chức năng gan thận, đánh giá thị lực thính lực,… để theo dõi trong suốt quá trình sử dụng có hiện tượng tương tác thuốc hoặc có tác dụng phụ nào không để đổi thuốc trong trường hợp cần thiết. Trong quá trình điều trị nếu có triệu chứng bất thường người bệnh cũng sẽ được làm xét nghiệm kiểm tra.

Các thuốc kháng lao được sử dụng trong bệnh lao phổi hiện nay bao gồm Rifampicine (R), Isoniazide (H), Pyrazinamid (Z), Ethambutol (E), Streptomycin (S), Rifabutine (Rfb), Rifanpentine (Rpt). Đây là các thuốc kháng lao thiết yếu, ngoài ra còn có một số thuốc kháng lao hàng 2 hiệu quả không bằng nhóm 1 và độc tính cũng cao hơn.

Đối với lao không kháng thuốc (không có bằng chứng kháng thuốc) thì phác đồ điều trị thường là 6 tháng với bệnh lao phổi bao gồm phác đồ A1 2RHZE/4RHE ở người lớn và phác đồ A2 dành cho trẻ em 2RHZE/4RH. Ngoài ra có phác đồ 12 tháng cho lao màng não, lao xương khớp và lao hạch. Việc điều trị lao phổi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, phác đồ được quyết định bởi bác sĩ điều trị và bằng chứng sinh học của bệnh nhân.

Chi phí điều trị cho một ca bệnh lao thông thường rơi vào khoảng 50.000 đồng/ngày, do bệnh lao là một trong những bệnh trọng điểm và nhà nước ta đã ban hành Chương trình chống lao quốc gia để giúp người bệnh lao có cơ hội tiếp cận điều tị tốt hơn. Người bệnh có thể tốn một số chi phí về xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu tốt hơn. Bên cạnh đó bảo hiểm sẽ chi trả một phần chi phí giúp người bệnh giảm nhẹ gánh nặng kinh tế.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bệnh lao phổi: nguyên nhân, triệu chứng bạn cần biết?”. Hy vọng qua bài viết này quý bạn đọc đã có những thông tin hữu ích về bệnh lao phổi vì đây là một trong những bệnh lý quan trọng, hiểu biết về bệnh có thể giúp bạn phòng ngừa và thực hiện các nguyên tắc điều trị nếu mắc bệnh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: CDC

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo