Bệnh tay chân miệng có lây không và cách khắc phục

Bệnh tay chân miệng có lây không, nguyên nhân nào khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng và cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng là những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về bệnh tay chân miệng, cũng như trả lời cho câu hỏi bệnh tay chân miệng có lây không trong bài viết dưới đây nhé.

Đôi chút về bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính gây ra bởi các virus lây truyền qua đường ruột thuộc nhóm Enterovirus. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Coxsackie virus nhóm A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Bé bị tay chân miệng do nhiễm virus EV71 thường gây bệnh cảnh lâm sàng nặng nề cho trẻ và thậm chí dẫn đến tử vong.

Bệnh tay chân miệng phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi. Bé bị tay chân miệng thường có diễn tiến nhẹ và tự khỏi mà không để lại di chứng trong đa số trường hợp. Tuy nhiên có những ca bệnh bé bị tay chân miệng lâm vào bệnh cảnh nặng nề và đưa đến biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tiêm, phù phổi, bại liệt,…

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa hè và thời điểm giao mùa từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 11. Do đó, ba mẹ nên chú ý phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là trong những khoảng thời gian này.

Thời gian ủ bệnh của hầu hết Enterovirus là từ khoảng 3-10 ngày. Virus sau khi đi vào đường tiêu hoá sẽ phát triển và nhân lên tại đây. Sau giai đoan phát triển trong ống tiêu hoá, virus sẽ xâm nhập vào đường máu thông qua khoang miệng hoặc đường hô hấp gây nhiễm virus huyết, từ đó lan toả đến nhiều cơ quan khác nhau và gây tổn thương các cơ quan đó như hệ thần kinh trung ương, tim, gan, tuỵ, tuyến thượng thận, da và niêm mạc.

Tuỳ vào sức đề kháng của trẻ mà bệnh có diễn tiến và thoái lui khác nhau, thông thường bệnh sẽ hết trong 7-10 ngày nếu trẻ có hệ miễn dịch bình thường.

Bệnh chân tay miệng có lây không?

Để trả lời cho câu hỏi bệnh tay chân miệng có lây không, như chúng ta đã biết tay chân miệng gây ra bởi một loại virus – Enterovirus, ký sinh chủ yếu ở đường ruột người. Enterovirus 71 được đào thải qua phân và dịch hầu họng.

Enterovirus 71 có sức chịu đựng bền bỉ ở môi trường bên ngoài, khả năng chống chịu nhiệt độ khắc nghiệt rất cao: ở nhiệt độ 560 độ C, virus có thể tồn tại lên đến 30 phút; ở nhiệt độ lạnh – 40 độ C, virus có thể tồn tại lên đến 3 tuần ngoài môi trường.

Enterovirus 71 cũng chịu được phổ pH rộng từ 3 đến 9, ít bị ảnh hưởng bởi các chất hòa tan lipid như cồn, chloroform, phenol, ether. May mắn là virus sẽ bị bất hoạt bởi các dung dịch sát khuẩn như nước Javen (Sodium hypochlorite 2%), chlorine, Cl, KMnO4, formol, oxy già (H2O2).

Với khả năng thích nghi tốt với môi trường bên ngoài như vậy, khi bị phát tán ra ngoài virus dễ dàng tiếp cận với cơ thể người hoặc dễ dàng truyền từ người này sang người khác từ đó tiếp tục ký sinh và gây bệnh.

Bệnh tay chân miệng có lây không? Câu trả lời là có, thậm chí đây là bệnh truyền nhiễm thường gặp và có thể gây bùng phát thành dịch bệnh hằng năm.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhất do thường tiếp xúc tay, chân trần với môi trường bên ngoài, như tập trườn, bò, ngồi, nghịch đất cát, nước bẩn hay ngậm các vật dụng, đồ chơi có chứa virus.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng có lây không cho người lớn? Thông thường chúng ta hay bắt gặp bệnh tay chân miệng ở trẻ em dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng do kháng thể tay chân miệng cũng suy giảm qua thời gian, dù khả năng khá thấp.

Sau khi đã biết tay chân miệng có lây không, có lẽ ba mẹ cũng thắc mắc tay chân miệng thường lây ở đâu. Nhà trẻ, trường mẫu giáo hay nơi tập trung nhiều trẻ nhỏ là địa điểm nguy cơ cao gây lây lan tay chân miệng khi trẻ khoẻ mạnh tiếp xúc gần với trẻ bệnh.

Bệnh tay chân miệng khi nào hết lây? Mặc dù bệnh tay chân miệng sẽ khỏi sau 7-10 ngày nhưng virus vẫn còn tồn tại trong phân vài tuần và vẫn gây lây nhiễm.

Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hoá, nguồn lây chính là qua những tiếp xúc thông thường với chất dịch từ nước bọt, chất nôn, phân, bóng nước trên cơ thể người bệnh hoặc tiếp xúc với giọt bắn ra không khí từ mũi, miệng hay các vật dụng, đồ chơi trẻ thường ngậm vào miệng.

Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ

Triệu chứng khởi phát bệnh tay chân miệng:

  • Sốt nhẹ, vừa hoặc sốt cao.
  • Đôi khi kèm nôn ói, tiêu chảy phân không có máu.
  • Sau giai đoạn khởi phát, bệnh tay chân miệng trẻ sơ sinh sẽ có các triệu chứng toàn phát đặc trưng của bệnh mà ba mẹ dễ phát hiện như:
  • Sang thương ở da: Phát ban nổi gồ lên da sau đó tiến triển thành bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bàn tay, bàn chân, đầu gối. Có trường hợp bóng nước nổi trên mông và cơ quan sinh dục. Bóng nước kích thước nhỏ khoảng 2-10 mm, có thể vỡ và khi lành không để lại sẹo.
  • Sang thương ở niêm mạc: bóng nước nổi trên niêm mạc trong khoang miệng trẻ và cả trên lưỡi nhanh chóng diễn tiến thành vết loét. Vết loét gây đau khiến trẻ bú ít, bỏ bú vì đau; trẻ không dám nuốt nước bọt do đau nên chảy nước bọt liên tục. Trẻ hay quấy khóc.

Các dấu hiệu bệnh đã gây biến chứng:

Biến chứng thần kinh:

  • Trẻ bứt rứt, lừ đừ, hôn mê
  • Trợn mắt
  • Run chi, yếu chi, chới với
  • Thỉnh thoảng giật mình, giơ hai tay lên
  • Co giật

Hô hấp:

  • Thở không đều, thở nhanh
  • Sùi bọt hồng
  • Rút lõm ngực

Tuần hoàn: mạch nhanh, huyết áp tăng, sốc.

Giai đoạn lui bệnh: thường trong vòng 7-10 ngày từ lúc khởi bệnh, nếu không xảy ra biến chứng, trẻ sẽ giảm sốt, ăn uống được, hết quấy khóc. Các vết loét ở miệng lạnh dần, bóng nước ngoài da đóng mày và thường không để lại sẹo.

Đặc biệt phải hoàn toàn tuân thủ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Cần tái khám ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao 39 độ
  • Thở nhanh, khó thở
  • Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ
  • Nôn nhiều
  • Vã mồ hôi, tay chân lạnh
  • Co giật, hôn mê
  • Mẹ thấy bé bệnh nặng hơn

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ

  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với trẻ, đặc biệt là sau khi thay quần áo, tã hay tiếp xúc với nước bọt và phân của trẻ để tránh làm virus lây lan
  • Thường xuyên rửa sạch đồ chơi và vật dụng của bé
  • Ăn chín, uống chín, tráng sôi dụng cụ ăn uống của trẻ
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ
  • Theo dõi sức khoẻ của trẻ thường xuyên, kịp thời phát hiện sớm triệu chứng của bệnh và đưa trẻ đến khám bệnh ở cơ sở y tế, chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ.
  • Nếu trẻ đã bệnh, cách ly trẻ từ 7-10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh, không đưa trẻ đến nơi đông người, đặc biệt là nơi có nhiều trẻ nhỏ
  • Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước Javel.

Cám ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bệnh tay chân miệng có lây không?” của Docosan. Hy vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc và cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho bạn.

Nguồn tham khảo: NHS

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo