Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh thủy đậu ở trẻ em có phải là căn bệnh nguy hiểm? Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền bệnh nhanh và có thể bùng phát thành dịch. Có đến hơn 90% người dân vẫn chưa được tiêm phòng vaccine nên nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất cao. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân ở đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về căn bệnh qua bài viết dưới đây.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em là gì?

Bệnh thủy đậu, ở miền Bắc thì gọi là bệnh phỏng rạ, ở miền Nam thì là bệnh trái rạ. Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm có thể gây dịch, do vi rút Varicella Zoster (VZV) gây ra.

Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân ở đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh thường diễn tiến lành tính, biến chứng trầm trọng hiếm xảy ra nhưng có thể gây tử vong như viêm phổi, viêm não thường vẫn có thể xuất hiện ở người lớn và/hoặc cơ địa suy giảm miễn dịch.

benh thuy dau o tre em
Thủy đậu ở trẻ em

Nguyên nhân bệnh thủy đậu ở trẻ em?

Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ em là virus thủy đậu có tên khoa học là Varicella-Zostervirus (VZV), thuộc phân nhóm (subfamily) Alpha herpesvirinae, họ Herpesviridae.

Sở dĩ virus có tên như trên vì trên lâm sàng VZV gây cả hai bệnh cảnh khác nhau : bệnh thủy
đậu (Varicella) và bệnh Zona (Zoster).

Người là nguồn bệnh duy nhất của bệnh thủy đậu. Người bệnh có khả năng lây bệnh bắt đầu khoảng 2 ngày trước khi xuất hiện sang thương da, lây mạnh trong giai đoạn mụn nước đang mọc (kéo dài trong khoảng 5 ngày từ khi bắt đầu xuất hiện sang thương da) và khả năng lây chấm dứt khi mụn nước bắt đầu đóng mày, thường vào khoảng ngày thứ 7 của bệnh.

Trên bệnh nhân bị thủy đậu hoặc zona lan tỏa, đường lây truyền virus chủ yếu trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp, giọt bắn từ chất tiết đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ sang thương da.

Triệu chứng thủy đậu ở trẻ em?

Bệnh thủy đậu ở trẻ em được chia làm 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn khởi phát:
    • Hội chứng nhiễm siêu vi chung như sốt (thường sốt nhẹ cũng có thể không sốt), vã mồ hôi, nhức đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi kèm phát ban (phát ban là tiền thân của mụn nước – là những hồng ban không tẩm nhuận (ấn vào thì biến mất) nổi trên nền da bình thường.
    • Ở trẻ em triệu chứng tiền triệu thường không nổi bật hoặc có khi không có.
  • Giai đoạn phát bệnh:
    • Triệu chứng quan trọng và đặc hiệu trong giai đoạn này là phát ban dạng mụn nước ở da (chủ yếu) và niêm mạc.
    • Các sang thương ban đầu là những sẩn hồng ban sẽ tiến triển thành mụn nước có chứa dịch trong, sau một thời gian ngắn thì hóa đục và đóng mày.
    • Hầu hết các mụn nước có kích thước nhỏ với đường kính 5mm, to nhất là 12-13 mm, có nền là viền hồng ban.
    • Những mụn nước này có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục, xuất hiện đầu tiên ở mặt và thân, sau đó lan ra khắp cơ thể, chân là nơi các nốt đậu cuối cùng xuất hiện.
    • Trên cùng một vùng da có thể thấy các sang thương ở nhiều giai đoạn khác nhau với kích thước khác nhau theo thứ tự như sau: hồng ban, mụn nước trong, mụn nước hóa đục, mụn nước lõm ở trung tâm hoặc có thể bị vỡ (thường do gãi ngứa hoặc do tì đè) và đóng mày vàng, đen.
    • Đặc điểm phân bố ly tâm, sang thương da nhiều giai đoạn trên cùng một vùng da ở cùng một thời điểm, mọc thành từng đợt là những yếu tố rất quan trọng giúp chẩn đoán thủy đậu trên lâm sàng.
    • Số lượng trung bình ở bệnh nhân thủy đậu thường là 100 – 500 nốt. 

Chẩn đoán bệnh thủy đậu ở trẻ em?

Việc chẩn đoán bệnh thủy đậu ở trẻ em chủ yếu dựa vào dịch tễ và lâm sàng.

Dịch tễ:

  • Có tiếp xúc với người bị thủy đậu.
  • Chưa từng mắc bệnh thủy đậu
  • Chưa tiêm ngừa thủy đậu

Lâm sàng:

  • Đặc điểm phân bố ly tâm, sang thương da mọc từng đợt, trên cùng một vùng da tại cùng một thời điểm thì sang thương da ở nhiều giai đoạn tiến triển
  • Có thể có ngứa, đau và sốt nhẹ.

Cận lâm sàng:

  • Công thức máu có bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ và giảm nhẹ tiểu cầu
  • Xét nghiệm PCR tìm VZV bằng cách lấy bệnh phẩm từ sang thương da (thường nhất), hoặc từ máu, dịch não tủy để chẩn đoán xác định.

Điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em như thế nào?

Bác sĩ có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng cách:

  • Hạ sốt bằng acetaminophen.
  • Vệ sinh thân thể bằng xà phòng, bôi xanh methylene và cắt ngắn móng tay để tránh bội nhiễm, trầy xước da do cào gãi nhiều vì ngứa.
  • Giảm ngứa bằng thuốc kháng histamine.
  • Kháng sinh nếu có bằng chứng bội nhiễm.
  • Cách ly bệnh nhân cho đến khi nốt đậu đóng mày

Điều trị đặc hiệu: Acyclovir là thuốc được lựa chọn để điều trị nhiễm VZV trên người.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì?

Trẻ em mắc bệnh thuỷ đậu cần tránh ăn những thực phẩm tăng kích ứng trên cơ thể, cản trở quá trình hồi phục da, khiến bệnh lâu khỏi hơn, khó chữa sẹo thuỷ đậu về sau như:

  • Các thực phẩm chiên xào rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thức ăn cay nóng như các loại gia vị gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, quế, mù tạt…. gây nóng trong người, da tăng tiết mồ hôi khiến cho tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, các cơn ngứa ngáy cũng tăng lên rất khó chịu.
  • Một số loại thịt như thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, ngỗng, lươn
  • Trái cây có tính nóng như mận, đào, vải, nhãn, xoài chín, mít, hồng, anh đào…
  • Thực phẩm tanh: tôm, cua, cá, hải sản các loại, thịt gà, thịt bò… dễ gây ra các kích ứng trên da, khiến quá trình hồi phục da lâu hơn hoặc gây thâm sẹo xấu khó chữa về sau.
  • Rau mùi, rau muống
  • Các chất nhiều béo như hạt dẻ, đậu phộng rang, hạt dưa rang, đậu chiên, các loại bánh rán, các thức ăn chiên xào, mỡ động vật…
  • Đồ ăn mặn khiến cơ thể nhanh mất nước và tăng tình trạng ngứa ngáy.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa vì sữa kích thích tăng tiết dịch nhờn trên da, dễ khiến tình trạng viêm nhiễm trên các nốt mụn nước trầm trọng hơn.

Kết luận

Bệnh thủy đậu ở miền Bắc thì gọi là bệnh phỏng rạ, ở miền Nam thì là bệnh trái rạ. Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm có thể gây dịch, do vi rút Varicella Zoster (VZV) gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân ở đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi.

Người bệnh có khả năng lây bệnh bắt đầu khoảng 2 ngày trước khi xuất hiện sang thương da, lây mạnh trong giai đoạn mụn nước đang mọc và khả năng lây chấm dứt khi mụn nước bắt đầu đóng mày, thường vào khoảng ngày thứ 7 của bệnh, đường lây truyền chủ yếu trực tiếp qua đường hô hấp, giọt bắn từ chất tiết đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ sang thương da.

Đặc điểm phân bố ly tâm, sang thương da nhiều giai đoạn trên cùng một vùng da ở cùng một thời điểm, mọc thành từng đợt là những yếu tố rất quan trọng giúp chẩn đoán thủy đậu trên lâm sàng. Điều trị triệu chứng và điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng virus.

Ba mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc truyền nhiễm thay vì tự điều trị tại nhà nếu trẻ mắc bệnh.

Xem thêm: Giá vacxin thủy đậu


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo