Tổng hợp các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay

Bệnh truyền nhiễm là bệnh rất thường gặp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Nếu không được điều trị và phòng tránh đúng thì có thể gây thành dịch, khiển bạn, gia định và mọi người đều gặp nguy hiểm. Qua bài viết dưới đây hãy cùng Docosan tìm hiểu một số bệnh truyền nhiễm thường gặp và cách phòng tránh như thế nào.

Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm là bệnh nhiễm trùng có khả năng lây truyền từ nguồn bị nhiễm bệnh sang
người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp (có thể lây qua nước, thức ăn uống, vật dụng, côn trùng …). Nhiễm trùng không nhất thiết là tình trạng biểu hiện ra bệnh, có những trường hợp những người lành mang mầm bệnh vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho người khác.

Bệnh có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới nhưng đặc biệt phổ biến hơn cả là ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Căn nguyên bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng… gây ra, hay còn gọi là mầm bệnh. Mỗi một bệnh truyền nhiễm thường sẽ do một loại mầm bệnh gây nên. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác biệt có thể do hai hoặc nhiều mầm bệnh cùng gây nên.

Diễn tiến của một bệnh truyền nhiễm thông thường gồm 5 thời kỳ:

  • Thời kỳ ủ bệnh
  • Thời kỳ khởi phát
  • Thời kỳ toàn phát
  • Thời kỳ lui bệnh
  • Thời kỳ hồi phục (lại sức)

Các bệnh truyền nhiễm thường gặp

Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm xảy ra ở người và trong đó các bệnh truyền nhiễm thường gặp có thể phân làm 4 nhóm theo đường lây truyền như sau:

Bệnh truyền nhiễm theo đường hô hấp

Một số bệnh tiêu biểu: Bệnh cúm, bệnh ho gà, bệnh sởi, bệnh quai bị, bệnh bạch hầu, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút, bệnh lao phổi, bệnh thủy đậu, …

Lây truyền trực tiếp, mầm bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh và nặng, số bệnh nhân thường rất nhiều, có thể gây thành dịch hoặc đại dịch, nhưng cũng thường giảm nhanh, tập trung ở một vùng tiếp xúc;

Khó cắt đường truyền nhiễm, nên người tiếp xúc gần gũi dễ bị lây bệnh hơn;

Thường xảy ra vào mùa lạnh khi nhiệt độ ngoài trời giảm, không khí ứ đọng và khả năng đề kháng của niêm mạc đường hô hấp kém.

Bệnh truyền nhiễm theo đường tiêu hóa

Một số bệnh tiêu biểu: Bệnh tả, bệnh lỵ Amip, bệnh lỵ trực trùng, bệnh bại liệt, bệnh thương hàn, viêm gan siêu vi A, E, bệnh uốn ván, bệnh tiêu chảy do Rotavirus …

Lây truyền gián tiếp qua thực phẩm, thường ở những người sử dụng chung một nguồn cung cấp nước hay thức ăn hoặc trong một tập thể nhỏ.

  • Đôi khi có thể xảy ra dịch lớn, số người mắc bệnh tăng rất nhanh.
  • Thường xảy ra vào mùa nắng, thiếu nước, ruồi phát triển, thức ăn dễ hư.

Bệnh truyền nhiễm theo đường máu:

Một số bệnh tiêu biểu: Bệnh sốt rét, bệnh sốt mò, bệnh sốt Dengue (sốt xuất huyết Dengue), viêm gan siêu vi B, C, Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do vi rút (HIV/AIDS), bệnh viêm màng não do não mô cầu, …

  • Lây truyền gián tiếp qua côn trùng, hoặc qua kim chích, truyền máu …
  • Điều kiện thuận lợi cho côn trùng trung gian phát triển cũng là điều kiện cho bệnh phát triển.
  • Đa phần chỉ xảy ra ở từng vùng địa phương riêng biệt.

Bệnh truyền nhiễm theo đường da niêm

Một số bệnh tiêu biểu: Bệnh tay-chân-miệng, ghẻ, bệnh do nấm Candida albicans, các bệnh lây truyền qua đường tình dục: bệnh giang mai, bệnh lậu, …

Lây truyền do tiếp xúc trực tiếp, nên số người mắc bệnh lẻ tẻ.

Cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm

Đề phòng bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Y Tế, mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn xã hội và Nhà Nước. Các biện pháp bao gồm:

Biện pháp nhà nước

  • Các biện pháp này được thực hiện qua kế hoạch kinh tế quốc dân, thể hiện trong lĩnh vực vệ sinh y tế công cộng.
  • Khi xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện … cần chú ý đến các tiện nghi vệ sinh, có hệ thống xử lý chất thải đúng cách.
  • Cung cấp nước máy ở các thành thị, và nước sạch ở các vùng nông thôn (vận động dân đào giếng, giúp dân khoan giếng).
  • Bảo đảm xử lý phân, rác, nước thải hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường.
  • Xây dựng và chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và điều lệ vệ sinh, đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn và điều lệ vệ sinh thực phẩm.

Biện pháp tuyên truyền giáo dục vệ sinh

Để động viên nhân dân tham gia phong trào vệ sinh phòng bệnh, phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục vệ sinh.

  • Mỗi người dân phải có nhận thức và hành động tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình, bảo vệ cộng đồng phòng chống bệnh truyền nhiễm.
  • Đó là nhiệm vụ của mọi cán bộ chữa bệnh, nhằm làm cho nhân dân hiểu về bệnh truyền nhiễm, các yếu tố làm lây truyền bệnh, để nhân dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cho gia đình.
  • Tuyên truyền giáo dục vệ sinh chỉ đạt kết quả sâu rộng khi nghành Y tế biết phối hợp với các ngành liên quan: văn hoá, thông tin, phát thanh truyền hình, giáo dục, và các tổ chức quần chúng: thanh niên, phụ nữ, và được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của chính quyền các cấp trong các chương trình Y Tế.

Biện pháp y tế

Các biện pháp chính là:

  • Tiêm chủng: chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng theo chỉ định dịch tễ học, đề phòng các bệnh tả, thương hàn, dại, viêm não Nhật Bản, VGSV …
  • Kiểm tra nước ở thành thị: xét nghiệm vi sinh, hoá học theo các tiêu chuẩn điều lệ vệ sinh nước đã được ban hành.
  • Kiểm tra vệ sinh thực phẩm ăn uống: các loại thực phẩm cá thịt, thức ăn chế biến, các loại bánh ngọt, nước giải khát; kiểm tra vệ sinh các cửa hàng, các quán ăn. Kiểm tra sức khỏe định kỳ các nhân viên phục vụ ăn uống, để phát hiện những người mang mầm bệnh.
  • Điều trị: khi có dịch bệnh xảy ra, các cấp ngành y tế tổ chức cách ly và điều trị tất cả bệnh nhân, nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Kết luận

Bệnh truyền nhiễm là bệnh nhiễm trùng có khả năng lây truyền từ nguồn bệnh sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Bệnh truyền nhiễm có thể lây qua 4 đường chủ yếu gồm: đường hô hấp (bệnh ho gà, bệnh sởi, bệnh quai bị, bệnh bạch hầu, …), đường tiêu hóa (bệnh lỵ Amip, bệnh lỵ trực trùng, bệnh bại liệt, bệnh thương hàn, …), đường máu (sốt xuất huyết Dengue, viêm gan siêu vi B, C, …), đường da niêm (bệnh do nấm Candida albicans, các bệnh lây truyền qua đường tình dục: bệnh giang mai, bệnh lậu, …). Đề phòng bệnh truyền nhiễm không những chỉ là trách nhiệm của ngành Y Tế, mà còn là nhiệm vụ của xã hội, của Nhà Nước, cần áp dụng phối hợp biện pháp y tế, tuyên truyền giáo dục và nhà nước thật tốt để bệnh không gây thành dịch.

Tài liệu tham khảo:

  • Bài giảng Đại cương bệnh truyền nhiễm – bộ môn Nhiễm trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo