Các loại ký sinh trùng sống và gây bệnh trên cơ thể người

Các loại ký sinh trùng sống dựa vào việc sử dụng chất dinh dưỡng của sinh vật khác như thực vật, động vật và con người. Vô tình hay cố ý, nhiều loài ký sinh trùng gây bệnh hoặc là trung gian truyền bệnh cho con người. Ở bài viết này Doctor có sẵn liệt kê một số nhóm ký sinh trùng sống nhờ và gây bệnh cho người như: sinh vật đơn bào, giun sán, nấm và động vật chân khớp.

Đơn bào

Trong các loại ký sinh trùng ở người, đơn bào là sinh vật nhỏ nhất và có cấu tạo đơn giản nhất, phải quan sát bằng kính hiển vi mới thấy được. Chúng là những sinh vật chỉ có một tế bào, tuy nhiên cũng là một đơn vị hoàn chỉnh có đầy đủ chức năng sinh lý như: dinh dưỡng, sinh sản, bài tiết, hô hấp. Đa số đơn bào sống tự do trong đất, nước, một số sống ký sinh.

Đặc điểm cấu trúc

Kích thước và hình dạng của đơn bào rất khác nhau, nhưng nhìn chung đều có các đặc điểm cấu tạo từ màng tế bào bao lấy nguyên sinh chất (ngoại nguyên sinh chất và nội nguyên sinh chất) và nhân.

  • Màng tế bào: Màng của đơn bào là phần dày lên của lớp bào tương ngoài. Màng tế bào có tính thấm chọn lọc để trao đổi chất với môi trường và bảo vệ các cấu trúc di chuyển như chân giả, roi, lông.
  • Ngoại nguyên sinh chất (bào tương ngoài): Là lớp nguyên sinh chất đặc hơn lớp bào tương trong. Chức năng của ngoại nguyên sinh chất là cùng với màng tế bào hình thành các bộ phận chuyển động của đơn bào và tham gia vào quá trình dinh dưỡng, tiêu hoá như: thực bào, ẩm bào, thẩm thấu và thực hiện các chức năng hô hấp, bài tiết.
  • Nội nguyên sinh chất (bào tương trong): Là lớp nguyên sinh chất bao quanh nhân, có nhiều hạt nguyên sinh chất, và chứa các cơ quan như nhân, nhân thể và hạt nhiễm sắc để phân biệt các loại đơn bào. Ngoài ra còn có không bào tiêu hoá để chứa thức ăn; không bào co bóp: điều hoà áp lực để tế bào không bị vỡ; ti thể, ribosome, lysosome, thể Golgi để tổng hợp những chất cần thiết cho tế bào
  • Nhân: đơn nhân hay đa nhân, gồm hạt nhân và màng nhân để đảm bảo sự sinh trưởng, sinh sản và các yếu tố di truyền của đơn bào.

Phân loại

Ngành động vật đơn bào (Protozoa) được chia thành nhiều lớp. Trong đó có 5 lớp liên quan đến y học:

  • Trùng chân giả: Là những đơn bào chuyển động bằng chân giả, sinh sản vô tính. Các loại ký sinh trùng đơn bào gây bệnh ở người thường gặp: Entamoeba histolytica gây lỵ amip, Naegleria sp. và Acanthamoeba sp. gây viêm màng não.
  • Trùng roi: Những đơn bào chuyển động bằng roi, sinh sản vô tính bằng cách phân chia theo chiều ngang. Một số loại gây ký sinh gây bệnh ở người như Giardia lamblia gây bệnh đường tiêu hoá, Trichomonas vaginalis gây viêm đường niệu dục.
  • Trùng lông: Gồm những đơn bào chuyển động bằng lông, sinh sản vô tính bằng cách chia thân theo chiều ngang. Chỉ có một loại gây bệnh ở người là Balantidium coli.
  • Trùng bào tử: Sinh sản bằng bào tử vô tính hoặc hữu tính. Gồm có giống Plasmodium gây bệnh sốt rét; Toxoplasma gondii, Cyclospora spp., Isospora spp. gây nhiễm trùng đường ruột.
  • Microsporidia: hơn 100 giống và gần 1000 loài, trong đó có 6 loài gây bệnh cho người.

Giun sán

Giun sán là những động vật đa bào, sống tự do hoặc ký sinh trên động vật và thực vật. Giun sán thường ký sinh theo phương thức bắt buộc, vĩnh viễn trong cơ thể vật chủ. Một số ít ký sinh theo phương thức tình cờ lạc chủ, chúng sống tạm thời ở các mô của vật chủ, không phát triển tới giai đoạn trưởng thành.

Bệnh giun sán rất phổ biến ở các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm (như Việt Nam) rất thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của giun sán và các vật chủ trung gian. Các loại sán ký sinh ở người đều gây bệnh cho vật chủ, thậm chí gây chết người, bởi chúng:

  • Hấp thụ thức ăn của vật chủ, làm vật chủ thiếu chất dinh dưỡng, thiếu máu.
  • Tiết ra hoặc thải độc tố gây độc cho cơ thể vật chủ làm vật chủ chán ăn, buồn nôn, kém hấp thu, sốt, mất ngủ, dị ứng.
  • Làm tắc nghẽn cơ học: giun sán làm tắc đường tiêu hoá (tắc ruột, tắc mật); chèn ép não gây động kinh, mất thị giác, liệt nửa người; tắc mạch bạch huyết gây phù voi; vỡ mạch máu phổi gây ho ra máu,…

Đặc điểm cấu trúc

  • Giun hình ống: có lớp vỏ chitin, ống tiêu hoá hoàn chỉnh, sinh sản đơn tính.
  • Sán không phân đốt (sán lá, sán máng): không có lớp vỏ chitin, ống tiêu hoá không hoàn chỉnh (thoái hoá), sinh sản đơn tính hay lưỡng tính
  • Sán phân đốt (sán dải/sán dây): không có lớp vỏ chitin, không .có ống tiêu hoá, sinh sản lưỡng tính.

Phân loại

Theo phương diện ký sinh trùng học, giun hình ống được chia làm 4 nhóm:

  • Ký sinh ở ruột: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun lươn, giun kim
  • Ký sinh ở ruột và tổ chức: giun xoắn
  • Ký sinh ở máu và tổ chức: Wuchereria bancrofti, Brugia malayi, Loa Loa, Onchocerca volvulus, Dracunculus medinensis, Onchocerca volvulus, Dracunculus medinensis
  • Các loại ký sinh trùng lạc chủ: giun móc chso mèo, giun đũa chó mèo,…

Sán lá: Lớp sán lá Trematoda có 2 họ phổ biến là sán lá thật sự (họ Fasciolidae) và sán máng (họ Schistosomatidae).

Sán dây có 2 bộ: Bộ Cyclophyllidae đầu có 4 giác, tử cung bịt kín, trứng có nắp; bộ Pseudophyllidae đầu có 2 rãnh, tử cung có lỗ đẻ, trứng không có nắp.

Nấm y học và động vật chân khớp

Nấm là những sinh vật có nhân và vách tế bào thật sự, sinh sản bằng cách sinh bào tử, dinh dưỡng theo kiểu dị dưỡng nhờ hệ thống men phong phú. Một số loại ký sinh trùng nấm ở người như:

  • Malasezia spp. gây lang ben, viêm nang lông,…
  • Candida spp. bình thường không gây bệnh, khi hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân mắc HIV, ung thư, vi nấm gây ra nhiều bệnh cảnh đa dạng.
  • Dermatophytoses gây bệnh ở da, lông, tóc, móng.
  • Cryptococcus neoformans gây nhiễm trùng thần kinh trung ương.

Động vật chân khớp là loài động vật không xương sống, cơ thể có nhiều đốt và khớp. Các loại ký sinh trùng chân khớp liên quan tới y học gồm 5 lớp: côn trùng, nhện, giáp xác, đa túc, miệng móc. Các loại ký sinh trùng chân khớp có vai trò gây bệnh và truyền bệnh:

  • Gây bệnh, dị ứng, hoại tử tại vết đốt, gây bệnh tại vị trí kí sinh: bọ chét Tunga, cái ghẻ Sarcoptes scabiei kí sinh ở da…
  • Trung gian truyền bệnh: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,…


Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Các loại ký sinh trùng sống và gây bệnh trên cơ thể người”. Tìm hiểu về các loại ký sinh trùng để chủ động phòng tránh và chữa trị kịp thời là một việc làm hữu ích cho bản thân và cộng đồng trong môi trường nhiều sinh vật như hiện nay.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: CDC

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo