Virus cúm A là một tác nhân gây nhiễm trùng ở đường hô hấp. Các triệu chứng cúm A ban đầu có thể bao gồm: ho khan, chảy nước mũi, hắt xì,…. Đối với những người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp mãn tính thì bệnh sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Cùng Docosan tìm hiểu thêm về tình trạng nhiễm cúm A qua bài viết phía dưới.
Tóm tắt nội dung
Virus cúm A là gì?
Nhiễm virus cúm A, hay nhiều người chỉ đơn giản gọi là nhiễm cúm A, là một tình trạng bệnh nhiễm trùng do virus cúm A gây ra. Đây là 1 trong 3 loại cảm cúm chúng ta thường hay mắc phải, bao gồm cúm A, cúm B và cúm C.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính, virus cúm A có thể gây tổn thương ở các tế bào bên trong phổi và làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây tử vong.
Virus cúm A thường có sẵn trong động vật và có thể lây lan sang cho con người. Một điểm cần lưu ý là virus này có thể thay đổi để tự tạo ra các chủng mới kháng lại vắc xin.
Các triệu chứng của cúm A
Khác với cảm lạnh thông thường, triệu chứng cảm cúm thường xuất hiện một cách đột ngột. Các biểu hiện phổ biến của cúm A bao gồm:
- Ho khan
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt xì
- Đau họng
- Sốt
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Ớn lạnh
- Nhức mỏi cơ thể
Nếu cúm A không được điều trị có thể dẫn đến:
- Nhiễm trùng tai
- Tiêu chảy
- Buồn nôn và nôn
- Chóng mặt
- Đau bụng
- Đau ngực
- Cơn hen cấp
- Viêm phổi
- Viếm phế quản
- Các vấn đề về tim mạch
So sánh cúm A và cúm B
Cúm A và cúm B là 2 dạng thường gặp nhất của bệnh cúm, thường bùng phát theo mùa. Cúm C thường chỉ gây ra nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ.
Nhiễm virus cúm B cũng có những triệu chứng tương tự như cúm A nhưng ít phổ biến hơn so với cúm loại A trong giai đoạn giao mùa.
Sự khác biệt của virus cúm B với virus cúm A là loại virus này lấy con người làm vật chủ. Virus cúm B có khả năng đột biến chậm hơn. Do đó, virus cúm B mất nhiều thời gian hơn để thay đổi cấu trúc gen khi thích nghi. Chính vì vậy, cúm B ít khả năng gây ra một đại dịch lớn như cúm A.
Trong khi đó, vật chủ tự nhiên của virus cúm A chính là các loài chim, các loại gia cầm trong tự nhiên. Ở Việt Nam, nhiều người hay báo đài thường gọi đây là cúm gia cầm. Virus có thể lây lan từ động vật sang người và từ người sang người. Bên cạnh đó, virus cúm A đột biến nhanh hơn virus cúm B, tạo ra những chủng virus mới khác biệt so với những chủng virus cũ. Như vậy virus này có thể gây ra một cơn đại dịch lớn. Việc tiêm chủng ngừa cúm trước không bảo vệ con người khỏi những chủng mới xuất hiện.
Chẩn đoán bệnh cúm A
Các phương pháp mà bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán virus cúm A là:
- Các xét nghiệm cơ bản như Công thức máu, điện giải đồ, chức năng thận, Chụp X-quang tim, phổi để loại trừ những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra của bệnh cúm A
- Lấy dịch hầu họng hoặc ở mũi làm xét nghiệm RT – PCR để xác định RNA của virus hoặc nuôi cấy virus để xác định chính xác chủng virus
Điều trị virus cúm A
Người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời với đơn vị quản lý y tế dự phòng địa phương. Các trường hợp bệnh nhẹ, không biến chứng có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên bằng thuốc kháng virus.
Một số loại thuốc kháng virus mà bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh là:
- zanamivir (Relenza)
- oseltamivir (Tamiflu)
Những loại thuốc trên có tác dụng ức chế neuraminidase, ngăn chặn tình trạng lây lan của virus cúm A từ tế bào này sang tế bào khác. Như vậy, thuốc sẽ làm chậm quá trình phát triển của virus.
Tác dụng phụ mà những loại thuốc này có thể gây ra chính là buồn nôn và nôn. Nếu gặp phải tác dụng phụ trên hoặc tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và gặp các bác sĩ sớm để được hỗ trợ kịp thời.
Một loại thuốc mới tên là baloxavir marboxil (Xofluza) được sản xuất bởi công ty dược phẩm Shionogi, Nhật Bản và được FDA chấp thuận vào năm 2018. Loại thuốc này có thể ngăn chặn khả năng sap chép của virus cúm A.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng một số loại thuốc thông thường để làm giảm các triệu chứng. Đồng thời, bệnh nhân nên uống nhiều nước để làm loãng dịch nhầy trong đường hô hấp và bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Phòng tránh virus cúm A
Cách phòng ngừa virus cúm A hiện nay được các bác sĩ khuyên dùng là chích ngừa cúm hàng năm. Mỗi liều vắc xin phòng chống bệnh cúm có thể bảo vệ người bệnh đến 3 hoặc 4 loại chủng biến dạng của virus cúm A trong mỗi giai đoạn giao mùa.
Những cách phòng ngừa bệnh khác là:
- Rửa tay thường xuyên
- Tránh những nơi tụ tập đông người mỗi khi mùa cúm đến
- Dùng tay che miệng và mũi khi hắt xì hoặc ho
- Người bệnh nên ở nhà nếu cảm thấy bị sốt và ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.
Một số bác sĩ khám và điều trị bệnh cúm A
- Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Hồ Chí Minh.
- Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận
Bệnh cúm A là một bệnh truyền nhiễm có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ đang mang thai và người cao tuổi. Nếu người thân của bạn gặp phải những triệu chứng trên kéo dài, cần gặp các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Signs and Symptoms of Type A Influenza – Heathline.com
- Cúm thường và Cúm A khác nhau như thế nào? – Medlatec
Có thể bạn quan tâm