Bệnh ghẻ xốn là một bệnh truyền nhiễm ngoài da khá phổ biến ở nước ta. Tuy thường không nguy hại đến tính mạng, bệnh có thể lây lan nhanh và gây ra những triệu chứng rất khó chịu cho người bệnh. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé.
Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Trần Diễm Hương
Tóm tắt nội dung
Bệnh ghẻ xốn là gì?
Có rất nhiều căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến cho người bệnh khó chịu, ngứa ngáy. Đặc biệt, có thể lây lan rất nhanh ra cộng đồng, cần phải cẩn trọng. Trong đó, phải kể đến bệnh ghẻ xốn.
Bệnh ghẻ xốn là bệnh truyền nhiễm do loài ký sinh trùng bắt buộc là cái ghẻ Sarcoptes scabiei var Hominis xâm nhập ở lớp thượng bì gây ra. Chúng sinh sôi, nảy nở, phát triển nhanh chóng gây ra những biểu hiện cụ thể của bệnh.
Người là ký chủ duy nhất của cái ghẻ Sarcoptes scabiei var Hominis, không có tàng chủ, không có vector truyền bệnh. Các loài cái ghẻ của thú có thể gây nhiễm cho người khi tiếp xúc nhưng những loài này không đào đường hầm ngoằn ngoèo mà xâm nhập sâu vào dưới lớp sừng và không thể sinh sản trong cơ thể người, thường sẽ chết sau vài ngày.
Cái ghẻ ở người Sarcoptes scabiei var Hominis (gọi tắt là Sarcoptes scabiei khi không có ý định phân biệt với các loài cái ghẻ của thú) có hình bầu dục, mặt bụng dẹt, mặt lưng hơi phồng, trên lưng có nhiều lông cứng. Cái ghẻ có 4 cặp chân, không đầu, không mắt nhưng có bộ phận miệng nhô ra khỏi thân trông giống như một cái đầu gọi là đầu giả. Con ghẻ cái có kích thước lớn hơn con đực.
Dịch tễ bệnh ghẻ xốn
Ghẻ là một bệnh truyền nhiễm tương đối phổ biến có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi, giới tính, môi trường sống. Tỷ lệ hiện mắc trên toàn thế giới được ước tính là 100 triệu người, gặp nhiều ở các nước đang phát triển nếu điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước tắm giặt.
Bệnh ghẻ xốn có thể lây lan rất nhanh nên bệnh ghẻ có thể gây thành dịch lớn. Trong quá khứ giữa năm 1975, Việt Nam từng xảy ra dịch ghẻ xốn lớn, hoành hành ở nhiều tỉnh thành. Dịch bệnh khiến cho cuộc sống vốn đã vất vả nay còn khó khăn hơn trong việc điều trị, dập dịch.
Bệnh không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng khiến người bệnh khó chịu, ngứa ngáy, bức bối, ngại tiếp xúc, giao tiếp với mọi người xung quanh. Khi bị bệnh, để tránh lây lan ra cộng đồng, người bệnh sẽ bị cách ly ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, cuộc sống cũng như trong công việc. Chính vì vậy, có biện pháp phòng ngừa bệnh là cách tốt nhất, hạn chế được thời gian cũng như chi phí điều trị.
Nguyên nhân mắc bệnh ghẻ xốn
Ghẻ xốn lây lan và phát triển rất nhanh về số lượng. Chính vì vậy, nếu không phát hiện, điều trị dứt điểm, cách ly kịp thời thì dễ trở thành dịch, gây ảnh hưởng rất lớn cho mọi người xung quanh và cộng đồng. Bệnh ghẻ xốn lây lan qua hai con đường trực tiếp và gián tiếp:
- Con đường trực tiếp: lây giữa người với người qua hoạt động tình dục, tiếp xúc, cọ xát trực tiếp với người bị bệnh ghẻ xốn.
- Con đường gián tiếp: dùng chung quần áo, khăn, giường, chiếu, chăn, mùng, vật dụng của người bệnh.
Như vậy, dựa vào nguyên nhân chúng ta cũng có những cách để phòng ngừa việc lây nhiễm căn bệnh này. Điều quan trọng là người bệnh cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc cũng như thực hiện những cách phòng tránh bệnh trong vệ sinh, sinh hoạt tại nhà.
Chu trình phát triển của cái ghẻ người
Khác với những loại ghẻ khác thường đào hang ở trên da, ghẻ xốn trực tiếp xâm nhập vào sâu trong da, sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Sự phát triển của ghẻ xốn khiến cho những triệu chứng xuất hiện, gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh.
Tất cả các giai đoạn ấu trùng, nhộng, con trưởng thành của cái ghẻ có khả năng đào hầm trong da, nhất là con cái đã thụ tinh, đào những đường hầm đặc trưng từ 2-3 mm mỗi ngày. Đường hầm được đào dưới lớp biểu bì, nằm giữa lớp sừng và lớp hạt da. Đường hầm thường có hình ngoằn ngoèo màu đỏ hồng trên mặt da. Con cái đào hầm và đẻ 3-5 trứng vào đó.
Trứng nở ra ấu trùng sau 3-7 ngày. Sau khi nở, ấu trùng bò lên bề mặt da, đào đường hầm nhỏ, khó thấy gọi là túi lột xác. 3-6 ngày sau ấu trùng lột xác thành nhộng, nhộng tiếp tục lột xác một lần thành con đực và lột xác hai lần thành con cái.
Sự giao hợp xảy ra khi con đực tìm thấy và xâm nhập trong túi lột xác của con cái, con cái chỉ giao hợp một lần và giữ tinh trùng để thụ tinh trứng cả đời. Sau khi thụ tinh, con cái rời khỏi túi lột xác và tìm trên mặt da nơi phù hợp để đào hầm. Con cái sống suốt đời trong đường hầm và có thể sống hơn 1 tháng.
Bệnh ghẻ xốn lây lan qua người bằng sự truyền cái ghẻ cái đã thụ tinh qua tiếp xúc giữa người với người, da qua da; cái ghẻ có thể sống ngoài cơ thể ký chủ 24-36 giờ nên lây truyền qua vật dụng, quần áo cũng có thể xảy ra.
Triệu chứng của bệnh ghẻ xốn
Triệu chứng đầu tiên xảy ra vài ngày hay vài tuần sau khi bị lây nhiễm. Ba dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh ghẻ xốn là:
- Ngứa ngáy, khó chịu ở những vị trí có ghẻ xốn, nhất là vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ngứa có thể ở khắp nơi trên cơ thể từ đầu cổ và mặt; ngứa nhiều khiến bệnh nhân gãi nhiều có thể gây trầy xước, bội nhiễm vi trùng. Khi gãi có thể khiến mụn nước bị vỡ, gây lây lan ra vùng da khác.
- Những đường hầm đặc trưng: hơi gồ, dài 3-15 mm, thường ở ngón tay, cổ tay, chân trẻ sơ sinh.
- Mụn nước trong, hơi lồi, thường ở các kẽ ngón tay.
Tổn thương đặc trưng do cái ghẻ gây ra thường nằm ở các vùng da mềm, dễ dàng để cái ghẻ đào đường hầm như: các kẽ ngón tay, nếp gấp mặt trong cổ tay, cánh tay, phía trước nách, thắt lưng, quanh rốn, quanh cơ quan sinh dục, vú, mông, dương vật.
Đường hầm do cái ghẻ đào là đường cong ngoằn ngoèo, dài 2-3 cm, gồ cao hơn mặt da, màu trắng đục, không khớp với da. Ở đầu đường hầm có mụn nước đường kính nhỏ khoảng 1-2 mm, chính là nơi cư trú của cái ghẻ, dùng kim chọc chảy ra một ít dịch màu xám, có thể bắt được cái ghẻ.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có khắp thân người. Bệnh ghẻ xốn có thể gây biến chứng ở da như nhiễm trùng da, viêm da dị ứng, chàm hóa và nguy hiểm hơn là viêm cầu thận cấp do ghẻ.
Bị ghẻ xốn làm sao hết? Phòng ngừa ra sao?
Cách trị ghẻ xốn
Ký sinh trùng rất khó để loại bỏ triệt để, bởi chỉ cần bỏ sót một con là chúng có thể sinh sôi, nảy nở, phát triển lên về số lượng. Nếu để bệnh tái phát, chắc chắn tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn do những tổn thương trước chưa kịp phục hồi. Chính vì vậy, mục tiêu điều trị ghẻ xốn là:
- Loại bỏ cái ghẻ khỏi người bệnh
- Điều trị triệu chứng và biến chứng
- Đánh giá những người xung quanh, điều trị nếu cần thiết để loại bỏ nguồn lây.
Trước khi điều trị 3 ngày phải tổng vệ sinh quần áo, chăn mền, vật dụng cá nhân ,… sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn, phơi dưới nắng. Nếu cần thiết có thể dùng nước sôi để làm sạch tất cả các vật dụng.
Khi có dấu hiệu bệnh bên cạnh việc cách ly, người bệnh cần đi khám để bác sĩ kiểm tra và có phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả. Sử dụng thuốc khi có chỉ định cũng như hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc điều trị đầu tay là permethrin 5% (để trên da 8-12h mỗi lần dùng), hoặc uống Ivermectin (Liều khuyến cáo là 200 µg/kg, điều trị lặp lại sau 7 đến 14 ngày là cần thiết, để tất cả ấu trùng vẫn chưa nở tại thời điểm điều trị ban đầu có thể bị tiêu diệt trước khi đạt đến độ chín sinh sản).
Một giải pháp thay thế có hiệu quả tương đương là bôi crotamiton 5-10% trong 3-5 ngày liên tiếp, hoặc benzyl benzoate 25% (10% cho trẻ em) vào ngày 1,2 và lặp lại sau 7 ngày. Cả hai chất này đều có tính diệt ve và diệt trứng; crotamiton cũng có tác dụng chống ngứa. Cả hai chất đều có thể gây kích ứng da. Điều trị triệu chứng ngứa bằng kháng histamin, corticoid thoa hoặc corticoid uống hằng ngày, điều trị biến chứng nhiễm trùng da bằng kháng sinh.
Một trong những phương pháp điều trị dứt điểm được ghẻ xốn phải kể đến việc diệt nguồn lây. Điều này không chỉ điều trị cho người bệnh mà còn hạn chế việc lây lan cho những người xung quanh. Phương pháp cụ thể, đó là:
- Cái ghẻ chết ở nhiệt độ 60 độ C do đó quần áo sau khi mặc nên được đun sôi ở 80-90 độ C trong 5 phút.
- Cái ghẻ chết khi ra khỏi ký chủ 36h nên để quần áo sạch trong tủ 1 tuần sau mới mặc lại
- Điều trị tất cả người xung quanh có ngứa
Phòng ngừa bệnh ghẻ xốn tại nhà
Sau khi điều trị ghẻ xốn, bạn vẫn có nguy cơ tái nhiễm do ký sinh trùng có thể còn sót lại trên những vật dụng cá nhân. Hãy duy trì cho mình những thói quen sau để chúng không còn tồn tại, phát triển được nữa. Điều này không chỉ tốt cho bản thân mà còn hạn chế lây lan ra cộng đồng. Những biện pháp dưới đây rất đơn giản, có thể thực hiện hàng ngày, dễ dàng, không chỉ phòng ngừa ghẻ xốn, mà còn ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, cũng như ngăn ngừa nhiều bệnh khác cho con người:
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ bằng xà phòng dịu nhẹ, nhất ở kẽ tay, kẽ chân, các nếp gấp trên da.
- Khi tắm xong cần lau khô người, lựa chọn những loại quần áo có chất liệu mềm mại, thoáng khí giúp da không bị cọ xát cũng như thông thoáng, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn.
- Bệnh ghẻ xốn gây ngứa ngáy, khó chịu nhưng bạn tuyệt đối không được gãi vì có thể gây nhiễm khuẩn, làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Một số loại thuốc uống hoặc thuốc bôi giảm ngứa sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn. Tốt nhất nên cắt ngắn móng tay và móng chân thường xuyên.
- Giữ gìn môi trường sống, sinh hoạt sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh giúp hạn chế tình trạng ghẻ xuất hiện.
- Thường xuyên giặt sạch quần áo bằng bột giặt, phơi dưới nắng cho đến khi khô ráo. Khi có ghẻ, có thể sử dụng nước sôi để giặt đồ, giúp giết cái ghẻ ở nhiệt độ cao.
- Khi có người xung quanh bị ngứa, nổi mụn nước, cần cách ly, không tiếp xúc trực tiếp cũng như gián tiếp (bắt tay, ôm, ngủ, dùng chung vật dụng…)
- Khi có triệu chứng của ghẻ xốn, cần đi khám bác sĩ, tuân thủ theo phác đồ điều trị để trị dứt điểm, không tự tiện dùng thuốc hay ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Nên có chế độ ăn uống đầy đủ, bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe để tăng cường sức đề kháng. Cùng với đó, không nên ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, uống đồ uống có cồn như bia rượu, có gas hay cà phê.
- Giữ tinh thần luôn thoải mái, ngủ sớm, đủ giấc, tập luyện những bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng.
- Nếu bị ghẻ xốn cần tránh tiếp xúc người xung quanh: dùng đồ đạc riêng, ngủ riêng và đi khám ngay để điều trị sớm, tránh biến chứng, tránh lây lan cho cộng đồng.
Cái ghẻ Sarcoptes scabiei gây ra bệnh ghẻ xốn ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, bệnh có tính tập thể, lây lan nhanh bằng con đường trực tiếp hay gián tiếp. Điều trị bệnh ghẻ xốn cần kết hợp thuốc và giữ vệ sinh quần áo, đồ dùng. Nếu phát hiện mình có những triệu chứng của bệnh hãy đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh gây lây lan cho người xung quanh.
Xem thêm:
- Ghẻ nước: Dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả
- Ghẻ phỏng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Ghẻ ruồi: Triệu chứng nhận biết và cách điều trị hiệu quả
- Thuốc trị ghẻ phỏng tốt hiện nay và cách lưu ý sử dụng
- Ghẻ ở bộ phận sinh dục nam: Nguyên nhân và cách điều trị
- Ghẻ phỏng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Parasites – Scabies. (November 2, 2010)
- Gilson RL, Crane JS. Scabies. [Updated 2022 Aug 1]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544306/
- Sunderkötter C, Wohlrab J, Hamm H. Scabies: Epidemiology, Diagnosis, and Treatment. Dtsch Arztebl Int. 2021 Oct 15;118(41):695-704. doi: 10.3238/arztebl.m2021.0296. PMID: 34615594; PMCID: PMC8743988.Salavastru CM, Chosidow O, Boffa MJ, Janier M, Tiplica GS. European guideline for the management of scabies. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2017 Aug;31(8):1248-1253. doi: 10.1111/jdv.14351. Epub 2017 June 22. PMID: 28639722.