Giun đầu gai: Loài ký sinh trùng nguy hiểm mà bạn cần biết

Khi nhiễm giun đầu gai, người bệnh có nguy cơ bị tổn thương đến hệ thần kinh trung ương, một biến chứng nguy hiểm nhất có thể đe dọa tính mạng của họ. Vậy giun đầu gai là gì? Điều trị nhiễm giun đầu gai như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về bệnh giun đầu gai

giun đầu gai
Tổng quan về bệnh giun đầu gai

Bệnh giun đầu gai là một bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi ấu trùng của ký sinh trùng Gnathostoma spinigerum.

Bệnh nhiễm giun đầu gai có kéo dài tận 10 đến 12 năm vì sự xâm nhập từ từ của ấu trùng giun, do vậy chúng hoàn toàn có khả năng xâm nhập đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể người bệnh, cũng như gây ra các biến chứng tùy thuộc vào mỗi cơ quan. Trường hợp xấu nhất, ấu trùng gây viêm não, tổn thương hệ thần kinh trung ương có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Đường lây truyền của bệnh giun đầu gai

Những loài cá, giáp xác, lưỡng cư, chim,.. chính là các vật chủ trung gian truyền bệnh giun đầu gai. Sau khi bạn tiếp xúc với thịt của chúng đã bị nhiễm Gnathostoma spinigerum, ấu trùng giun đầu gai sẽ đi vào cơ thể người bệnh và lan truyền tương đối chậm đến nhiều nơi khác trong cơ thể, gây ra quá trình viêm sưng mô dưới da, nghiêm trọng nhất là phá hủy cấu trúc bên trong mắt hoặc não khi ấu trùng chết đi.

Phân loại thể bệnh giun đầu gai

Bệnh nhiễm Gnathostoma spinigerum được phân thành nhiều thể bệnh khác nhau, tùy thuộc vào vị trí mà ấu trùng ký sinh trong cơ thể người bệnh:

  • Phổ biến nhất là thể ký sinh dưới da, nội tạng.
  • Hiếm gặp nhất là thể thần kinh, đồng thời cũng là thể nguy hiểm nhất vì chúng gây tổn thương trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương của người bệnh. Thể bệnh này đặc trưng bởi các triệu chứng đau của bệnh lý về rễ thần kinh, liệt chi dưới, hoặc của bệnh viêm màng não.

Triệu chứng bệnh giun đầu gai

giun đầu gai
Triệu chứng bệnh giun đầu gai

Triệu chứng toàn thân của bệnh nhiễm giun đầu gai: thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bao gồm sốt, nổi mề đay, suy nhược cơ thể, buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, tiêu chảy.

Các triệu chứng tại từng cơ quan mà ấu trùng giun đầu gai ký sinh:

  • Khi ấu trùng di chuyển đến mô mềm và da, người bệnh có thể phát hiện những khối u nhỏ chuyển động dưới da, kèm đau và ngứa, đôi khi sưng, tấy đỏ ở vùng da trông giống như dị ứng. Sau đó, nơi ấu trùng ký sinh có thể hình thành các ổ abcess hoặc các đường hầm dưới da như vùng ngực, vùng hông, thái dương… và kết thúc khi ấu trùng giun đầu gai chui ra từ các ổ áp xe dưới da. Triệu chứng ở mô mềm và da cố thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, do ấu trùng di chuyển tương đối chậm
  • Ở tại phổi, ấu trùng giun đầu gai có thể gây ra các triệu chứng về hô hấp như ho, , khó thở, đau ngực, ho ra máu, ho ra ký sinh trùng, lâu ngày nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây viêm phổi, abcess phổi, tràn dịch màng phổi.
  • Tại đường tiêu hóa, ấu trùng giun đầu gai có thể gây ra các triệu chứng tương tự bệnh cảnh viêm túi mật, viêm ruột thừa, khối u tại ruột hoặc nhầm lẫn với các triệu chứng của viêm viêm tụy cấp, loét dạ dày, tá tràng,… Ấu trùng nếu di chuyển đến gan có thể khiến bệnh nhân bị sốt kèm đau hạ sườn phải, điều này dễ chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh viêm gan…
  • Hệ tiết niệu: nhiễm trùng tiết niệu, tiểu ra máu,…
  • Hệ tiêu hóa: những triệu chứng mà ấu trùng giun đầu gai gây ra thường là sốt, đau bụng tương tự bệnh cảnh viêm ruột thừa
  • Mắt: ấu trùng ký sinh ở mắt sẽ gây giảm thị lực, đau nhức mắt, viêm màng bồ đào, viêm mống mắt, xuất huyết nội nhãn, thậm chí có thể gây mù lòa.
  • Tai: ù tai, giảm thính lực.
  • Hệ thần kinh trung ương: phổ biến nhất là viêm tủy rễ thần kinh do ấu trùng giun đầu gai, viêm não-tủy-rễ thần kinh, xuất huyết não, viêm não – màng não,…Vị trí đau có liên quan đến vị trí và đường đi của rễ thần kinh, kế đến sau đó có thể dẫn đến liệt hoặc dị cảm chỉ trong vòng vài ngày. Người bệnh có thể bị liệt dây thần kinh sọ, liệt chi dưới, đi tiểu không tự chủ.
  • Ấu trùng giun đầu gai có thể gây bệnh ở não như viêm não, xuất huyết não, là những thể bệnh nghiêm trọng nhất có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Chẩn đoán bệnh giun đầu gai như thế nào?

Chẩn đoán bệnh giun đầu gai là sự phối hợp giữa các triệu chứng gợi ý vị trí tổn thương do ấu trùng của giun đầu gai, cùng với sự xác nhận của các xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:

  • Huyết thanh chẩn đoán: Xét nghiệm Western blot và ELISA là hai xét nghiệm có giá trị chẩn đoán bệnh giun đầu gai tương đối đặc hiệu, tuy nhiên không phải cơ sở y tế nào cũng có điều kiện để thực hiện các xét nghiệm vừa nêu.
  • Công thức máu: số lượng bạch cầu ái toan tăng cao đặc trưng cho bệnh cảnh nhiễm ký sinh trùng, chúng có thể tăng khoảng hơn 50% tổng số lượng các tế bào bạch cầu.
  • Soi đờm: có thể phát hiện được sự hiện diện của ký sinh trùng giun đầu gai.
  • Xét nghiệm mô học: có thể phát hiện ấu trùng trong mô, vây quanh bởi các bạch cầu ái toan kèm theo nhiều mô bào, nguyên bào sợi, đại thực bào.
giun đầu gai
Xét nghiệm ELISA giúp chẩn đoán bệnh nhiễm giun đầu gai

Điều trị bệnh giun đầu gai như thế nào?

Hầu hết người bị nhiễm ấu trùng giun đầu gai có thể điều trị ngoại trú, tuy nhiên cần điều trị trong thời gian dài nên rất cần thiết phải tuân thủ điều trị (uống đủ thuốc, đúng thời gian, đúng liều lượng).

Các trường hợp nhất định cần được mổ hoặc tiểu phẩu để loại bỏ ấu trùng giun đầu gai, nhất là khi nơi đó có biểu hiện abcess, viêm sưng nặng, chảy dịch mủ.

Điều trị bằng thuốc. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhiễm giun đầu gai. Các thuốc diệt ký sinh trùng, tẩy giun và kháng viêm hiện đang được sử dụngbao gồm: Ivermectin, Mebendazole, Albendazole, Corticosteroids. Riêng corticosteroids có vai trò quan trọng vì tác dụng chống dị ứng, kháng viêm trong các trường hợp mề đay, mẩn ngứa, phát ban, hay trong thể bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Phòng ngừa bệnh nhiễm giun đầu gai

  • Tuyệt đối không ăn thực phẩm tươi sống hoặc không được nấu chín kỹ càng, nhất là khi đang cư trú ở khu vực lưu hành bệnh.
  • Uống nước đã đun sôi và để nguội.
  • Luôn sử dụng đồ bảo hộ như mang găng tay khi chế biến thực phẩm tươi sống hay tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nghi ngờ có khả năng nhiễm ký sinh trùng.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Giun đầu gai: 1 loài ký sinh trùng nguy hiểm mà bạn cần biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo