Giun kim có gây bệnh không? Triệu chứng và cách phòng tránh

Giun kim xâm nhập cơ thể gây nên bệnh giun kim là bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng bé bị giun kim là thường thấy nhất. Giun kim có khả năng sinh sôi tại khu vực hậu môn và gây ngứa ngáy vô cùng. Tuy bệnh giun kim là bệnh hay gặp nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Sau đây hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về bệnh giun kim qua bài viết dưới đây nhé!

Giun kim là gì?

Giun kim là loài giun ký sinh nhỏ, còn được gọi là Enterobius vermicularis được Linnaeus mô tả lần đầu tiên vào năm 1758 và người là ký chủ duy nhất, giun kim sống chủ yếu ở đường tiêu hóa của con người.

giun kim
Giun kim có gây bệnh không? Triệu chứng và cách phòng tránh

Giun kim có màu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Miệng chúng có 3 môi, chiều dài giun đực khoảng 2-5mm, đuôi cong và có gai sinh dục khoảng 70mm. Giun cái dài khoảng 9-12 mm có đuôi dài và nhọn.

Vòng đời gây bệnh ở người của giun kim

Giun kim cái đẻ trứng thải ra ngoài môi trường, trứng giun kim phát triển tốt và nở thành trứng mang ấu trùng và có khả năng lây nhiễm ở nhiệt độ 300C, độ ẩm 70% và oxy sau khoảng 6-8 giờ.

Giun kim trưởng thành gặp chủ yếu ở ruột non sau đó chúng xuống ruột già (đại tràng). Ở đường tiêu hóa của con người, giun kim đực và giun kim cái sẽ tiến hành giao phối với nhau.

Ngay sau khi giao phối giun kim đực chết, còn giun kim cái mang trứng đã thụ tinh ra rìa hậu môn để đẻ khoảng 4.000 – 200.000 trứng, sau khi đẻ trứng, giun kim cái cũng sẽ chết.

Giun kim cái thường đẻ trứng vào ban đêm ở rìa của hậu môn và trứng phát triển thành ấu trùng có khả năng cử động. Mỗi lần đẻ trứng giun kim sẽ tiết ra một chất gây kích thích niêm mạc hậu môn gây ngứa, sưng tấy làm cho trẻ rất khó chịu. Chính vì vậy người mắc giun kim thường xuyên ngứa hậu môn dữ dội về đêm.

Trứng giun kim đẻ ra sau vài giờ, gặp được điều kiện thuận lợi, các ấu trùng của giun kim phát triển tốt tại các nếp nhăn của hậu môn. Ngoài gây ngứa thì người có giun kim đang đẻ ở hậu môn rất dễ bị tái nhiễm, nhất là trẻ nhỏ do dùng tay gãi hậu môn rồi lây ấu trùng lên tay cầm vào đũa, bát, dụng cụ ăn, uống hoặc thức ăn, đồ uống hoặc mút tay. Ấu trùng giun kim sẽ phát triển thành giun kim trưởng thành trong ruột và tiếp tục gây bệnh.

Tại sao mắc bệnh giun kim?

Có 2 phương thức lây truyền bệnh giun kim:

  • Qua đường ăn uống (thường gặp): Do dùng tay gãi hậu môn có chứa trứng giun kim sau đó cầm thức ăn hoặc mút tay ở trẻ nhỏ.
giun kim
Giun kim có gây bệnh không? Triệu chứng và cách phòng tránh
  • Đường truyền nhiễm khác (hiếm gặp): Trứng giun kim sau khi sinh và phát triển thành ấu trùng giun kim tại nếp hậu môn thì ngược lên manh tràng phát triển thành giun trưởng thành.

Tác hại của giun kim

Khi vào ruột, giun kim gây tổn thương niêm mạc đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn dị ứng, viêm sinh dục âm hộ, viêm sinh dục, âm hộ, âm đạo, rối loạn tiểu tiện và rối loạn kinh nguyệt ở các phụ nữ, di tinh ở nam giới do giun kim khi ra hậu môn đẻ trứng rồi chui vào âm đạo mang theo vi sinh vật gây bệnh.

Nếu giun kim lọt vào ruột thừa có thể gây viêm ruột thừa. Khi giun kim bò ra ngoài vùng hậu môn đẻ trứng sẽ gây nên ngứa, người bệnh gãi gây trầy xước, loét, nhiễm trùng thứ phát và tái nhiễm thường xuyên.

Ngoài ra giun kim có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan khác trong cơ thể gây nên các tình trạng như viêm phổi, viêm thực quản, viêm hốc mũi, giun kim chui vào vùng kín của bé gây viêm cổ tử cung. Nguy hiểm nhất là khi giun kim chui vào ruột thừa sẽ gây nên viêm ruột thừa cấp tính.

Hậu quả của bệnh giun kim ở trẻ nhỏ là trẻ rất dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng, da xanh, chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ thường bứt rứt, khó chịu, suy nhược thần kinh hoặc thần kinh bị kích thích làm cho trẻ khó ngủ, ngủ ít, giấc ngủ không sâu hay giật mình và dễ khóc đêm. Trẻ mắc bệnh giun kim có thể bị đái dầm.

Triệu chứng bệnh giun kim

Giun kim là một bệnh đường ruột mạn tính, không nguy hiểm. Người mắc bệnh giun kim có thể có các triệu chứng như:

  • Triệu chứng thường gặp đầu tiên và đặc hiệu của nhiễm giun kim là ngứa quanh hậu môn, ngứa nhất là vào ban đêm và lúc đi ngủ do nhiệt độ khi nằm trên giường ấm nên dễ kích thích giun kim đẻ trứng
giun kim
Giun kim có gây bệnh không? Triệu chứng và cách phòng tránh
  • Bé bị nhiễm giun kim thường quấy khóc về đêm do ngứa hậu môn, quan sát ở rìa hậu môn có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn.
  • Rìa hậu môn tấy đỏ, sung huyết.
  • Bệnh giun kim có thể gây tiêu chảy do kích thích nhu động ruột tuy không thường xuyên xảy ra.
  • Chán ăn hoặc ăn không tiêu, thỉnh thoảng có buồn nôn hoặc nôn và đau bụng âm ỉ
  • Đi đại tiện thấy ấu trùng giun kim trong phân, còn phân nát hoặc lỏng, đôi khi có máu hoặc chất nhày như mũi
  • Ngoài ra giun kim ở vùng kín do giun kim sống tại vùng hậu môn nên có thể chui vào âm đạo gây ngứa âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.
  • Giun kim có thể chui vào ruột thừa, có thể bị bội nhiễm gây viêm ruột thừa. Mắc bệnh kéo dài có thể gây thiếu máu mạn tính: hoa mắt, chóng mặt.

Cách phòng tránh bệnh giun kim

Vệ sinh cá nhân là biện pháp dự phòng hết sức cần thiết, ngoài ra theo Cục Y Tế Dự Phòng và Bộ Y Tế, các biến pháp sau cũng giúp phòng tránh mắc bệnh giun kim:

  • Nâng cao ý thức vệ sinh bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu và quần áo trẻ em.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi.
  • Vệ sinh cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Không cho trẻ mặc quần thủng đít, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng.
  • Không để trẻ mút tay
  • Người lớn và trẻ em trong gia đình cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Mẹ dùng tay bắt giun kim cho trẻ ở rìa hậu môn, sau khi tiến hành xong phải rửa tay sạch bằng xà phòng nhiều lần, dùng khăn lau khô tay và sau đó khăn phải được giặt, là hoặc nhúng khăn vào nước đun sôi để tránh trứng giun kim lây lan.
  • Cần đi khám sức khỏe định kỳ để biết và tẩy giun đúng quy cách. Không nên ăn rau sống, các loại thực phẩm chưa nấu chín và không uống nước chưa đun sôi.
  • Những đối tượng có nguy cơ cao: tẩy giun định, nhất là cho trẻ em độ tuổi từ 2-12, tẩy giun 2 lần/ năm.

Giun kim là loài giun ký sinh nhỏ, có màu trắng sữa. Giun kim là một bệnh đường ruột mạn tính, không nguy hiểm nhưng triệu chứng đa dạng, nổi bật và đặc hiệu nhất là ngứa hậu môn nhiều vào ban đêm. Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ và bản thân là cách phòng tránh nhiễm giun kim hiệu quả nhất.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm