Nhiễm giun lươn: Dấu hiệu và cách phòng bệnh bạn cần biết

Giun lươn là một trong những loại giun hình ống có khả năng gây bệnh ở người. Loại ký sinh trùng này có thể gây nhiều thể bệnh ở con người: da niêm, tiêu hóa, thần kinh… Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số thông tin về giun lươn trong bài viết dưới đây nhé!

Nhiễm giun lươn là bệnh lý gì?

Giun lươn (Strongyloides stercolaris) là một loại giun hình ống có cấu tạo đa dạng, đối với các loại giun có khả năng ký sinh ở người có cấu tạo bao gồm phần đầu hơi tròn, phần thân thon dài. Đuôi của giun lươn có đặc điểm nhọn, trước tận cùng đuôi có chỗ phình ra, thân có khía nhỏ. Miệng của chúng có 2 môi, thực quản hình ống dài khoảng 1/3 chiều dài của thân. Tiếp nối với thực quản là ruột, tới hậu môn ở phần cuối đuôi.

Đối với các loại giun sống tự do có đặc điểm: phần thân hình trụ nhẵn, hai đầu thon, miệng gồm 3 môi, thực quản có dạng hình chóp 2 chỗ phình được ngăn ra bởi một eo thắt, phần phình trước hơi dài, chỗ phình sau có dạng quả lê. Về kích thước thì giun cái có kích thước lớn hơn, có thể phân biệt bằng đuôi cong như móc của giun đực.

Ấu  trùng giun lươn bao gồm 2 giai đoạn là ấu trùng giai đoạn I và giai đoạn II. Ấu trùng giai đoạn I có các đặc điểm như: thực quản có ụ phình hình củ, xoang miệng mở, ngắn hơn so với giun móc. Ấu trùng giai đoạn II có cấu tạo thực quản hình sợi, phần đuôi có dạng cắt ngang hoặc chẻ đôi.

Trứng giun lươn có dạng trái xoan, màu xanh hoặc xanh nhạt, vỏ mỏng, kích thước tương tự với trứng của giun đũa. Trứng giun lươn có thể được tìm thấy ở trong ống dẫn trứng hoặc trong dịch tá tràng. Trứng của chúng có khả năng tạo phôi ngay từ khi mới sinh.

Về khả năng tồn tại trong cơ thể người bệnh nhiễm giun lươn: khi bệnh nhân bị táo bón, ấu trùng tồn tại lâu ở đoạn cuối của đại tràng, từ đặc điểm thực quản hình củ chúng phát triển thành các ấu trùng có thực quản hình sợi. Ấu trùng lúc này sẽ chui qua ruột để đi vào hệ tuần hoàn, có thể đi khắp cơ thể, phát triển thành giun trưởng thành.

Một số ấu trùng có thực quản dạng hình trụ có khả năng theo phân đi tới hậu môn và khả năng chui qua da, niêm mạc của vùng ống hậu môn, đáy chậu. Chúng có khả năng đi vào vòng tuần hoàn, tiếp tục đi đến những cơ quan khác trong cơ thể và phát triển thành giun trưởng thành có khả năng gây bệnh.

Một trong những đặc điểm quan trọng của bệnh nhiễm giun lươn đó là bệnh có thể kéo dài vài chục năm, lên đến 40 năm. Đó là do khả năng sinh sản ra các thế hệ ấu trùng mới từ những con giun cái sinh sản đơn tính có khả năng tồn tại ở phần trên của niêm mạc ruột non. Người nhiễm giun có thể không có nguy cơ tiếp xúc với ổ bệnh nhưng vẫn có khả năng mắc phải.

Các dấu hiệu nhận biết nhiễm giun lươn

Ở da

Ấu trùng giun có khả năng xâm nhập qua da gây ra các triệu chứng sớm là cảm giác ngứa, da sẩn đỏ, bệnh nhân nếu được làm xét nghiệm có thể thấy bạch cầu ái toan trong máu tăng. Thể bệnh ở da thường sẽ hồi phục nhanh, bệnh nhân có thể không phát hiện ra. Nhưng lần sau bệnh có thể tiến triển nặng hơn.

Ở phổi

Cũng giống như các loại ấu trùng giun ống khác như ấu trùng giun đũa, giun móc, ấu trùng Strongyloides sp. có thể gây hiện tượng xung huyết, chảy máu tại phổi do trong quá trình di chuyển ấu trùng làm vỡ mao mạch phổi. Ấu trùng khi chui vào các phế nang làm tăng tiết chất nhầy, gây viêm phổi do kí sinh trùng. Dấu hiệu hay gặp là ho khan dai dẳng, kéo dài khoảng một tuần.

Ở ruột

Bệnh có thể gây ra những cơn đau như viêm ruột, sự kích thích đường tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy từng đợt, phân có thể nhầy máu kèm theo sốt, bạch cầu ái toan tăng cao. Xen kẽ với đi lỏng, có thể có những đợt táo bón, gây nên bệnh cảnh lâm sàng không quá đặc hiệu. Bệnh nặng kéo dài có thể gây các triệu chứng chảy máu đường ruột, thiếu máu nhược sắc trên cận lâm sàng.

Xét nghiệm chẩn đoán tìm ấu trùng giun lươn trong phân đôi khi gặp khó khăn do ấu trùng của chúng được thải ra ngoài không liên tục, mẫu phân có giá trị chẩn đoán là ngay khi bệnh nhân vừa đi ngoài xong. Xét nghiệm soi trực tiếp hoặc sử dụng phương háp Bearmann có thể giúp chẩn đoán. Ngoài ra xét nghiệm dịch tá tràng có thể được thực hiện với bệnh nhân táo bón.

Cách phòng bệnh do giun lươn

Để phòng ngừa giun lươn hiệu quả, cần xây dựng các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm:

  • Tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong vấn đề vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm các tác nhân gây bệnh cho người.
  • Vệ sinh phòng dịch bao gồm vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực xung quanh nhà ở, khuôn viên trong nhà và các khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng hệ thống hố xí hợp vệ sinh.
  • Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt ngay từ khi còn nhỏ như rửa tay trước khi ăn hoặc khi chuẩn bị thức ăn, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh
  • Đồ ăn thức uống nên được chế biến chín, sạch sẽ phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Người bệnh cần được nắm các phương pháp ngăn ngừa lây bệnh cho người thân.
  • Dự phòng nhiễm bệnh bằng cách sử dụng thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng.
  • Sử dụng các loại trang phục bảo hộ lao động trong lao động sản xuất đặc biệt là môi trường làm việc tiếp xúc với đất vì chúng rất dễ bị nhiễm phân người.
  • Hệ thống xử lý rác thải nước thải hợp lý

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Nhiễm giun lươn: dấu hiệu và cách phòng bệnh bạn cần biết”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về loại giun Strongyloides stercolaris.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS

Có thể bạn quan tâm