Giun tóc: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa

Giun tóc là một loại giun tròn có khả năng kí sinh ở đường tiêu hoá của người. Đây là một loại giun phổ biến tác hại thường không nghiêm trọng. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về loại giun tròn này trong bài viết dưới đây nhé!

Giun tóc là gì?

Giun tóc hay còn gọi là Trichuris trichiura (T.trichiura) là một loại giun tròn có khả năng kí sinh ở đường tiêu hoá trong cơ thể người. Chúng được mô tả lần đầu tiên bởi Linne vào năm 1771. Nhà khoa học Grassi nằm 1887 đã mô tả chu kì phát triển của giun và chu kì này được Fulleborn hoàn chỉnh vào năm 1923.

Giun tóc là loại giun tròn phổ biến trên thế giới và tình hình nhiễm loại kí sinh trùng này được nhà khoa học Cora tổng hợp vào năm 1938. Tuy chúng là một trong loại giun phổ biến nhất trong cơ thể người nhưng tác hại gây ra không đáng kể và không nghiêm trọng nên là một trong những loại giun thứ yếu.

Loại kí sinh trùng này được bắt gặp nhiều hơn ở những khu vực, quốc gia có khí hậu nhiệt đới hoặc khí hậu nóng ẩm. Tỉ lệ nhiễm loại giun tròn này là khá cao ở một số nước nhiệt đới. Theo ghi nhận từ một số thống kê, có hàng triệu ca mắc loại kí sinh trùng này, ở Việt Nam đây cũng là một trong những loại giun thường gặp.

Trứng giun tóc thường được quan sát với kích thước 50 – 60 x 20 – 30 µm, có màu vàng đậm, có lớp vỏ dày hình quả cau, hai đầu của trứng có hai nút nhầy trong suốt. Trứng sau khi được thụ tinh sẽ theo phân ra bên ngoài môi trường. Gặp điều kiện thuận lợi trứng sẽ phát triển thành giai đoạn ấu trùng, có khả năng lây nhiễm lại cho con người thông qua con đường ăn uống. Thời gian để trứng giun phát triển ở môi trường bên ngoài trung bình mất khoảng 2 tuần.

Loại giun tròn này có khả năng kí sinh ở manh tràng và đại tràng. Trong một số trường hợp có ghi nhận chúng kí sinh ở ruột thừa, chúng cũng ít kí sinh ở ruột non. Để có thể kí sinh vào cơ thể người thì chúng cắm phần đầu vào thành ruột để hút máu, phần đuôi sẽ lơ lửng tự do trong lòng ruột.

Khi chúng ta nuốt phải trứng mang ấu trùng giun vào trong lòng ruột, ấu trùng sẽ thoát vỏ tại ruột non rồi di chuyển tới manh tràng, đại tràng rồi phát triển thành dạng trưởng thành. Một tháng là khoảng thơi gian từ lúc nhiễm trứng giun tới khi giun trưởng thành. Như vậy chúng chỉ có một vật chủ là người và thông qua giai đoạn phát triển trứng giun ở môi trường bên ngoài. Chúng có thể sống trong cơ thể người đến 5 năm.

Nguyên nhân nhiễm giun tóc

Nguồn bệnh duy nhất của T. trichiura chính là con người. Mặc dù có một số tác giả nhận định rằng nguồn bệnh của loại giun tròn này có thể đến từ một số loài động vật khác như : lợn, khỉ, chim, quạ… nhưng hiện tại các luận điểm này vẫn chưa được công nhận và nghiên cứu chuyên sâu.

Người nhiễm giun tóc do ăn phải trứng giun có ấu trùng thông qua các thực phẩm chưa được chế biến kĩ lưỡng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trẻ em thường để tay bẩn, có trứng giun nếu cho vào miệng sẽ dẫn đến nhiễm loại giun này. Trường hợp nhiễm nhẹ, tổn thương không đáng kể. Trường hợp nhiễm nặng có thể gây hoại tử lớp niêm mạc ruột, thâm nhiễm tế bào, tạo các phản ứng viêm ở lớp niêm mạc ruột.

Dấu hiệu nhiễm giun tóc

Giun tóc gây tổn thương lớp niêm mạc đại tràng, gây kích thích đại tràng, biểu hiện với các triệu chứng giống như hội chưng lỵ amip. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày, lượng phân ít, có nhầy máu. Trường hợp nhiễm bệnh nặng, giun có thể kí sinh khắp toàn bộ khung đại tràng của người bệnh.

Triệu chứng lâm sàng điển hình người bệnh có thể đi ngoài 20 đến 30 lần trong ngày, một số trường hợp có hiện tượng mót rặn do sự kích thích niêm mạc, biến chứng có thể gặp là sa trực tràng khi bệnh tiến triển thành viêm đại tràng nặng. Do đó khi có các biểu hiện tiêu hóa bất thường người bệnh nên tiến hành kiểm tra tránh để bệnh diễn tiến nặng.

Ngoài các tác hại được liệt kê ở trên, các tổn thương niêm mạc ruột có thể tạo thành các biến chứng như nhiễm khuẩn thứ phát, bội nhiễm các loại vi khuẩn đường ruột như thương hàn, lao, tả. Các vi khuẩn sinh mủ cũng có thể nhân cơ hội tấn công đường ruột, thường gặp ở trẻ em. Giun có thể gây ra các bệnh lý khác như viêm ruột thừa, nhưng tỉ lệ viêm ruột thừa do giun tóc thấp hơn so với giun kim.

Bệnh nhân nhiễm giun tóc nặng mới có triệu chứng thiếu máu, giảm số lượng hồng cầu với tỉ lệ huyết sắc tố dưới 40%. Bạch cầu có xu hướng giảm, bạch cầu ái toan có thể tăng nhẹ không đáng kể. Bệnh nhân có thể có tình trạng mệt mỏi, phù nhẹ. Các triệu chứng trên thường xuất hiện kèm theo hội chứng lị. Tuy vậy đa số các trường hợp nhiễm giun không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình đồng thời tác hại không đáng kể.

Điều trị nhiễm giun tóc

Điều trị bệnh nhiễm giun tương đối khó khăn do khả năng bám vào thành ruột của giun. Các thuốc điều trị bệnh nhiễm loại kí sinh trùng này là oxentel, mebendazole… nếu dùng dưới dạng uống nên sử dụng viên bọc gelatin vì thuốc có thể gây tổn thương niêm mạc miệng, không dùng cho trẻ em.

Những vùng có bệnh giun tóc thường là các vùng đồng bằng đông người, dân cư đông đúc chật chội, có sử dụng phân trong công tác nông nghiệp thì có tỉ lệ nhiễm giun cao hơn những vùng khác. Ngược lại những vùng đồi núi có dân cư thưa thớt sẽ có tỉ lệ nhiễm thấp hơn.

Như vậy, giun tóc là một loại giun tròn có khả năng gây bệnh ở người, tuy phổ biến nhưng mức độ nguy hiểm do loại giun này gây ra không đáng kể, thường không gây những triệu chứng rõ ràng.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: NHS