3 bệnh nhiễm ký sinh trùng dưới da và dấu hiệu nhận biết

Bệnh nhiễm ký sinh trùng dưới da có thể nhận biết bằng một số hình ảnh sang thương dễ nhận biết. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh trong giai đoạn sớm có thể nâng cao hiệu quả điều trị. Ở bài viết này Doctor có sẵn liệt kê một số bệnh gây ra bởi các loại ký sinh trùng ẩn dưới da gây nên.

Bệnh nhiễm ký sinh trùng dưới da do giun lươn

Tác nhân gây bệnh trong trường hợp này có tên là Strongyloides stercoralis. Loại ký sinh trùng này gây bệnh do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể, ngõ vào là qua da. Ấu trùng di chuyển theo đường đi của tĩnh mạch về tim, theo máu về phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó xuống thực quản để vào ruột và phát triển sang giai đoạn trưởng thành.

Giun lươn được đánh giá là một trong những lọai ký sinh trùng nguy hiểm bậc nhất vì nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể chúng ta và trong thời gian ký sinh chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho cơ thể, một số trường hợp gây tử vong. Nước ta là một trong những vùng có tỉ lệ mắc giun lươn cao, chiếm 1 – 2 % tổng dân số.

Biểu hiện khi nhiễm giun lươn được chia thành 2 thể:

  • Nhiễm giun lươn mạn tính: đa số người mắc giun lươn không biểu hiện triệu chứng rõ ràng hoặc có triệu chứng nhưng không đặc hiệu, thường ít để lại biến chứng. Đây là một loại ký sinh trùng dưới da do xâm nhập vào cơ thể qua da nên có thể gây ra các đường nổi ngoằn ngoèo khi ấu trùng di chuyển dưới da, một số trường hợp ghi nhận tình trạng nổi mề đay.
  • Nhiễm giun lươn mức độ nặng: hay gặp ở người có tình trạng suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (mắc HIV). Giun lươn vào cơ thể sẽ gây tổn thương tại nhiều cơ quan khác nhau nơi mà chúng ký sinh một số bệnh lý gây ra trong thể bệnh nặng là: tắc ruột, viêm phổi, nhiễm trùng thần kinh trung ương gặp trong viêm màng não, nhiễm trùng huyết,…

Một số dấu hiệu giúp gợi ý mắc giun lươn:

  • Đau thượng vị không liên quan tới bữa ăn;
  • Tiêu chảy cấp hoặc kéo dài, phân có mùi hôi tanh;
  • Viêm da tại chỗ do ấu trùng xâm nhập di chuyển dưới da.
  • Thiếu máu nhẹ.
Ký sinh trùng dưới da do giun lươn

Để chẩn đoán bệnh do giun lươn gây nên, có hai cách để xác định:

  • Xác định ấu trùng bằng cách soi mẫu dưới kính hiển vi;
  • Thử nghiệm miễn dịch enzyme tìm các kháng thể;

Với phương pháp xác định ấu trùng bằng cách soi mẫu dưới kính hiển vi, bao gồm mẫu có thể là phân, dịch tá tràng, thậm chí nếu có hiện tượng bội nhiễm có giun lươn thì có thể rửa phế quản, thu đờm hoặc các chất dịch cơ thể khác để xét nghiệm. Việc kiểm tra có thể cần thực hiện lặp lại nhiều lần.

Còn đối với phương pháp chẩn đoán miễn dịch, hiện tại đã có một số xét nghiệm có sẵn để xác định kháng thể có trong huyết thanh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm kháng thể không có khả năng phân biệt việc bạn có đang bị nhiễm bệnh hay đã từng nhiễm bệnh trong quá khứ. Vì vậy nếu kết quả xét nghiệm là dương tính thì sẽ tiếp tục thực hiện chẩn đoán chính xác về ký sinh trùng.

Để điều trị bệnh của người bị nhiễm ký sinh trùng dưới da do giun lươn, hiện nay các bác sĩ thưởng sẽ sử dụng ivermectin hoặc albendazole. Nếu bệnh nhân bị dị ứng hay cơ thể có phản ứng không tốt do sử dụng ivermectin thì albendazole là một liệu pháp thay thế để điều trị bệnh giun lươn.

Để phòng ngừa bệnh ký sinh trùng da do giun lươn, bạn cần tránh tiếp xúc trực tiếp với đất bằng cách mang giày dép và không ngồi bệt xuống đất. Đồng thời vệ sinh cá nhân sạch sẽ cũng giúp cho chúng ta phòng các bệnh về ký sinh trùng da.

Bệnh nhiễm ký sinh trùng dưới da do giun móc

Ký sinh trùng dưới da do giun móc là nguyên nhân chính gây bệnh thiếu máu nhược sắt ở vùng lưu hành. Mức độ nặng nhẹ phụ thuộc nhiều vào lượng giun có trong cơ thể hay lượng sắt hấp thu vào trong chế độ  ăn. Các loài giun móc hầu như đều trưởng thành trong ruột người và có vòng đời tương tự nhau. Giun trưởng thành có thể sống trên 2 năm.

Hiện nay, y văn trên toàn thế giới đã ghi nhận nhiều loại ký sinh trùng dưới da gây ra hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da ở người, một trong số những loài hay gặp nhất là ấu trùng giun móc.

  • Ancylostoma braziliense được tìm thấy vào năm 1910: Đây là loại giun móc có kích thước nhỏ nhất, ký sinh ở ruột non ở một số loại vật chủ chính động vật như: mèo rừng, hổ, báo… Loại giun này được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Nam Phi, ở Việt Nam thấy có phổ biến tại nhiều tỉnh thành. Giun trưởng thành có miệng nhỏ kèm theo đôi răng lớn và đôi răng nhỏ.
  • Ancylostoma canium được tìm thấy vào năm 1859: Vật chủ chính của loài giun móc này là chó, mèo, hổ… Cũng giống như A. braziliense, A.canium cũng được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt chúng rất phổ biến ở Việt Nam. Giun trưởng thành có khoang miệng rộng kèm với 3 đôi răng khoẻ, giúp chúng có khả năng bám vào thành ruột chắc chắn.

Người bị nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng dưới da này khi tiếp xúc với đất, cát có phân của chó, mèo mang ấu trùng giai đoạn lây nhiễm gọi là thể larva. Ấu trùng khi tiếp xúc với cơ thể sẽ chui qua da tay hoặc da chân nhưng chúng không thể đi vào máu do thiếu men phân hủy. Do vậy chúng di chuyển ở mô dưới da và không thể di chuyển toàn thân như một số loại ký sinh trùng dưới da khác.

Tại vị trí mà ấu trùng này xâm nhập xuất hiện các vết sẩn, có màu đỏ, đa phần sẽ kèm theo tình trạng ngứa, tiển triển thành mụn nước. Sang thương có thể lan ra các vùng xung quanh thành một hoặc nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao do ấu trùng di chuyển dưới da. Tình trạng ngứa khiên bệnh nhân gãi nhiều là yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng, hoá mủ làm tình trạng bệnh nặng nề hơn.

Ít khi, ký sinh trùng giun móc xuất hiện đến ruột, nơi đây chúng có thể gây viêm ruột tăng bạch cầu. Tuy nhiên vì chúng không trưởng thành hay đẻ trứng lúc này nên hầu như không có triệu chứng chứng hay cơ đau bụng cấp tính nào để chúng ta có thể phát hiện sớm bệnh.

Ký sinh trùng dưới da do giun móc ký sinh ngoằn ngoèo dưới da

Để chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng dưới da do giun móc có thể xét nghiệm trứng trong phân tươi của người nhiễm.Sau khi lấy phân, cần phải thực hiện ngay vì nếu để quá lâu mà không được giữ lạnh thì trứng sẽ nở gây khó khăn cho việc xét nghiệm. Ngoài ra còn phương pháp nuôi cấy phân và phương pháp huyết học.

Để điều trị nhiễm trùng da do giun móc có thể sử dụng thuốc chống giun sán nếu đây là nhiễm giun móc đường ruột, như: Albendazol, Mebendazol, Pyrantel. Đồng thời bổ sung thêm đạm, vitamin và sắt. 

Tương tự như các loài giun khác lây nhiễm bằng con đường xâm nhập vào da thì với giun móc cũng không nên đi chân đất trên đất ruộng,… Đổng thời điều trị giun móc cho chó và mèo nuôi trong nhà, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với cát biển nếu đây là nơi có khả năng đã bị nhiễm cũng như đất mà chó mèo đi vệ sinh.

Bệnh nhiễm ký sinh trùng dưới da do giun đầu gai

Bệnh nhiễm ký sinh trùng dưới da do giun đầu gai có tên khoa học là Gnathostoma. Gnathostoma là một loại ký sinh trùng thuộc nhóm giun tròn, loại này gây bệnh theo 2 hình thức: gây bệnh tại da niêm và gây bệnh tại các tạng khác. Ở người, bệnh đôi khi gọi là ban trườn, hội chứng ấu trùng di chuyển, sưng phồng lan tỏa…Nguồn lây bệnh thường gặp là qua các loại rau, thịt, cá nấu chưa được chế biến kĩ lưỡng, chưa nấu chín, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ các loài lươn, cá, ếch, tôm…

Biểu hiện bệnh thường gặp là hội chứng ấu trùng di chuyển, một số vị trí khi chúng kí sinh có thể gây ra các biến chứng cực kì nguy hiểm như đến não gây áp xe não, đến phổi gây áp xe phổi biểu hiện qua triệu chứng khó thở, ho ra máu, đến da và mô mềm gây viêm da, ngứa dữ dội. Trong đó biến chứng tại não là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính khi nhiễm loại kí sinh này gây nhiễm trùng thần kinh trung ương. Gnathostoma có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể và gây các biến chứng nguy hiểm khôn cùng.

Bệnh do giun đầu gai Gnathostoma phân chia thành thể di chuyển dưới da (cutaneous form) và thể ký sinh nội tạng (visceral forms). Ấu trùng giun đầu gai từ các ký chủ trung gian đi vào mô cơ thể người, di chuyển đến những mô và cơ quan khác nhau, khi di chuyển làm tăng quá trình sưng phồng mô dưới da diễn ra từng đợt. Thể dưới da có thể nhận biết bằng các triệu chứng sưng phồng mô mềm liên tục hay tạo các nốt viêm mô tế bào di chuyển.

Triệu chứng sưng phồng mô mềm do ký sinh trùng dưới da là giun đầu gai

Thời gian ủ bệnh khi tiếp xúc với ký sinh trùng dưới da là giun đầu gai từ 3 đến 7 ngày. Các triệu chứng thông thường là sốt, nổi mề đay, suy nhược cơ thể, buồn nôn, tiêu chảy. 

Để chẩn đoán được ký sinh trùng dưới da do giun đầu gai cần phối hợp giữa vị trí của tổn thương do giun gây nên và kết quả của một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Chẩn đoán bằng huyết thanh: Xét nghiệm Western blot và ELISA là hai xét nghiệm có giá trị chẩn đoán bệnh giun đầu gai tương đối đặc hiệu;
  • Công thức máu: Xét nghiệm số lượng bạch cầu ái toan trong máu;
  • Soi đờm: có thể phát hiện sự hiện diện của ký sinh trùng giun đầu gai;
  • Xét nghiệm mô học: Có thể phát hiện ấu trùng trong mô, vây quanh bởi các bạch cầu ái toan, nguyên bào sợi hay đại thực bào.

Điều trị ký sinh trùng dưới da do giun đầu gai cần thời gian khá dài nên người bệnh cần phải tuân thủ thực hiện uống thuốc đầy đủ, đúng thời gian và đúng liều lượng. Nếu cần thiết có thể cần mổ hay tiểu phẫu ở những vùng bị viêm sưng nặng hay abscess.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị giun đầu gai nên hiện tại các thuốc diệt ký sinh trùng, tẩy giun và kháng viêm vẫn được sử dụng để trị.

Phòng ngừa bị ký sinh trùng trên da do giun đầu gai, người bệnh cần tuyệt đối không nên ăn đồ tươi sống nếu không đảm bảo, cần nấu lý thức ăn nhất là với nơi đang có bệnh lưu hành. Uống nước đun sôi để nguội và cầu bảo vệ da tay khi chế biến thực phẩm hay tiếp xúc với nguồn nước bẩn.

Để phòng ngừa các bệnh ký sinh trùng dưới da, cần thay đổi một số thói quen sống không tốt hằng ngày, tuân thủ ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay chân sạch sẽ. Đồng thời cần phải tẩy giun định kỳ, đây là phương pháp phòng ngừa bệnh do ký sinh trùng một cách hiệu quả.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “3 bệnh nhiễm ký sinh trùng dưới da và dấu hiệu nhận biết”. Tìm hiểu về bệnh lý do các loại ký sinh trùng ở dưới da giúp bạn chủ động trong việc phòng tránh và điều trị kịp thời, giúp cho bản thân và cộng đồng trong công tác phòng và chữa bệnh.

Xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Bệnh ký sinh trùng dưới da có nguy hiểm không?

Bệnh ký sinh trùng dưới da cần được điều trị sớm nay khi phát hiện. Có nhiều loại ký sinh trùng sau khi vào da, chúng lại tiếp tục vào các cơ quan nội tạng cơ thể để ký sinh. Nếu như không điều trị lâu dài sẽ gây bệnh, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bạn.

Thời gian điều trị bệnh da ký sinh dưới da là bao lâu?

Tùy vào loại ký sinh trùng bạn mắc phải, số lượng cũng như các biểu hiện lâm sàng mới có thể biết được thời gian điều trị bao lâu. Vì vậy, bạn cần uống thuốc xổ giun đúng kỳ hạn 1 năm 2 lần nhằm giảm thiểu số lượng giun ký sinh trong cơ thể. Đồng thời, thường xuyên để ý làn da cũng như biểu hiện bất thường của cơ thể để thăm khám và giải quyết kịp thời.

Bệnh ký sinh trùng dưới da có lây truyền không?

Bệnh ký sinh trùng trên da không lây giữa người với người, chúng lây truyền qua nhiều con đường khác như tiếp xúc trực tiếp giữa chúng với da người hay thông qua thức ăn để vào được cơ thể.

Ký sinh trùng dưới da có gây sốt không?

Ký sinh trùng dưới da chủ yếu gây ngứa, rát, sưng rộp, đôi khi có thể gây sốt.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: CDC

Có thể bạn quan tâm