Lao màng não là bệnh gì? Có thể lây nhiễm không?

Lao màng não là một trong những bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về những thông tin bổ ích xoay quanh bệnh lao tại màng não trong bài viết dưới đây nhé!

Lao màng não là bệnh gì?

Bệnh lao màng não hay còn được gọi là lao hệ thống thần kinh trung ương (central nervous system tuberculosis – CNS), là một bệnh lao ngoài phổi. Bệnh xảy ra khi có sự nhiễm trùng màng não, nhu mô não hay tủy sống, gặp trong 1% số ca mắc bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (mycrobacterium tuberculosis). Tần suất xuất hiện bệnh không cao tuy nhiên lại cực kì nguy hiểm, gây tổn thương nặng và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh.

Trước đây bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 4 tuổi, đặc biệt là trẻ em sơ sinh sau khi chào đời tiếp xúc với nguồn lây. Tuy nhiên kể từ lúc có sự bùng nổ của HIV – tác nhân gây suy giảm miễn dịch mắc phải, cùng với các yếu tố nguy cơ khác như rượu, đái tháo đường, suy dinh dưỡng, sử dụng corticoids thì bệnh xảy ra nhiều hơn ở người lớn.

Bệnh nhân HIV có lượng CD4 giảm có nguy cơ mắc lao tại màng não nhiều hơn, tuy nhiên triệu chứng trên lâm sàng cho thấy không có sự khác biệt về dấu hiệu nhận biết giữa lao trên bệnh nhân HIV và lao trên bệnh nhân không mắc HIV. Mặt khác, bệnh nhân HIV mắc lao màng não có nguy cơ mắc những bệnh lý lao ngoài phổi khác như lao thanh quản, lao niệu dục,…

Về vaccine phòng ngừa lao BCG cho thấy khả năng bảo vệ con người trước bệnh lao não vẫn còn gây tranh cãi. Một số nghiên cứu cho thấy tính hiệu quả của BCG chống lại lao màng não là khoảng 64%. BCG được cho rằng có khả năng chống lại sự lan truyền bệnh theo đường máu của khuẩn M. tuberculosis ở trẻ em giúp phòng ngừa lao kê và màng não.

Lao ở màng não là một bệnh lý lao nặng và đặc biệt nguy hiểm, nếu không điều trị thì nguy cơ tử vong gần như là chắc chắn hoặc điều trị muộn, điều trị không hiệu quả sẽ để lại những di chứng nặng nề. Người bệnh có thể mắc lao màng não, thậm chí u lao nội sọ và viêm lao màng tủy sống hay lao màng nhện tủy sống.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lao não

Lao màng não có thể xảy ra do tái nhiễm nội sinh hoặc ngoại sinh. Khi cơ thể đã có sẵn các ổ lao RICH được hình thành trong quá trình tiến triển lao xơ nhiễm từ những nốt lao, các ổ lao này vỡ ra, theo đường máu đến não và màng não, vào khoang dưới nhện. Ổ lao lớn dần trong não và tủy sống, gieo rắc vi trùng lao tạo lao màng não nội sinh. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch mắc phải do nhiễm HIV hoặc do thuốc cơ thể có nguy cơ mắc lao màng não ngoại sinh, thường xuất hiện kèm lao kê.

Do đó, bệnh nhân lao não có thể có tiền căn từng mắc lao và điều trị lao, hoặc tiếp xúc với nguồn lây trong thời gian gần đây. Các triệu chứng của lao não thường diễn tiến kéo dài kiểu bán cấp hoặc mạn tính trong vòng 1 – 2 tuần, điều này giúp phân biệt bệnh cảnh lao màng não với các bệnh lý nhiễm trùng thần kinh trung ương có thời gian cấp tính như viêm não màng não hay viêm màng não mủ.

Các dấu hiệu nhận biết lao màng não không dễ nhận biết vì các triệu chứng thay đổi và không đặc hiệu. Dấu hiệu lao màng não có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh lý thần kinh ương khác vì chúng đều có tình trạng chung là hội chứng nhiễm trùng thần kinh trung ương. Bệnh lao ở màng não có một số điểm khác biệt để giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán tuy nhiên không phải lúc nào cũng khai thác được do bệnh nhân đa phần sẽ kèm theo rối laonj tri giác.

Bệnh nhân có thể nhập viện với tình trạng rối loạn tri giác như hôn mê, nhức đầu, sốt cao, cổ cứng, nôn ói, một số ít có triệu chứng sợ ánh sáng. Dịch não tủy của bệnh nhân lao não có chứa hầu hết lymphocyte với lượng đường trong dịch não tủy giảm. Một trong những yếu tố giúp nhận biết lao màng não đó là tiền căn tiếp xúc với lao trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở trẻ em.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân lao màng não cũng có thể xuất hiện các triệu chứng, biến chứng thần kinh sau:

  • Yếu liệt 2 chi dưới, liệt nửa người
  • Liệt dây thần kinh sọ não, thường gặp liệt dây thần kinh III (vận nhãn), VI (vận nhãn ngoài), VII (thần kinh mặt) với các biểu hiện là sụp mi, nhìn đôi, song thị, bán manh, mờ mắt, mù, méo miệng, liệt mặt,…
  • Trường hợp não úng thủy, u lao hay hạ natri máu có thể xuất hiện tình trạng co giật
  • Rối loạn tâm thần
  • Tắc nghẽn dịch não tủy làm tăng áp lực nội sọ gây não úng thủy, rối loạn tri giác. Cần lưu ý biến chứng phù gai thị do tăng áp lực nội sọ (khảo sát bằng cách soi đáy mắt) vì những bệnh nhân có tình trạng tăng áp lực nội sọ là chống chỉ định chọc dò dịch não tủy

Nguyên tắc điều trị bệnh lao não

Việc điều trị lao màng não cần được chỉ định cẩn thận khi có những bằng chứng ủng hộ nhiễm lao não trên lâm sàng như bệnh sử, qua thăm khám, tiền căn và biến đổi trên dịch não tủy phù hợp với bệnh lao. Việc điều trị lao màng não cần được đưa ra càng sớm càng tốt để cải thiện tiên lượng bệnh.

Điều trị lao tại màng não cần sử dụng thuốc kháng lao theo chương trình chống lao quốc gia (thuốc sử dụng hàng ngày) càng sớm càng tốt, yêu cầu sử dụng đủ liều và kéo dài đúng theo phác đồ. Nếu chưa có bằng chứng khác thuôc có thể sử dụng phác đồ B1: 2RHZE (SRHZ) + 10RHE với người lớn và phác đồ B2: 2RHZE + 10RH ở trẻ em. Trong 2 tháng đầu sử dụng liều tấn công và duy trì trong 10 tháng tiếp theo, tổng cộng là 10 tháng.

Việc điều trị bằng corticoid có thể chỉ định nếu bệnh nhân không có chống chỉ định như viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp,… Tuy nhiên nhóm corticoid sử dụng trong lao não vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Có nhiều bằng chứng ủng hộ việc sử dụng nhóm thuốc này với nhóm bệnh nhân bệnh giai đoạn nặng như có rối loạn tri giác. Thuốc có thể cải thiện tỷ lệ tử vong và rối loạn tri giác.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Lao màng não là bệnh gì? Có thể lây nhiễm không?”. Hy vọng qua bài viết này quý bạn đọc đã có những thông tin hữu ích về bệnh lý lao tại màng não.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: CDC

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo