Nhiễm lậu cầu: Nguyên nhân, dấu hiệu mà bạn cần biết

Lậu cầu là vi khuẩn gây ra bệnh lậu, một loại bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường quan hệ. Bệnh có thể gây ra triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau như họng, hậu môn, cơ quan sinh dục,… Hãy cùng Docosan tìm hiểu về những thông tin bổ ích xoay quanh lậu cầu và bệnh lậu trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh nhiễm lậu cầu là gì?

Nhiễm lậu cầu là bệnh nhiễm cầu khuẩn do song cầu Gram (-) có tên gọi Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh có khả năng lây trực tiếp bằng con đường quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh, lưu ý không chỉ quan hệ bằng đường sinh dục bình thường mà đường miệng hay hậu môn cũng có thể bị lậu.

Hàng năm trên thế giới ghi nhận có khoảng hơn 60 triệu ca mắc mới bệnh nhiễm lậu cầu, riêng trong khu vực Đông và Đông Nam Á có khoảng 29 triệu bệnh nhân. Theo một số báo cáo thì Việt nam có hơn 3.000 trường hợp mỗi năm, tuy nhiên theo ước tính thực tế con sso này có thể lên tới hàng chục nghìn ca bệnh mỗi năm.

Tỉ lệ mắc bệnh lậu tăng lên do nhiều nguyên nhân trong đó bao gồm quan niệm tình dục tự do và thoải mái trong việc quan hệ do sự xuất hiện các biện pháp tránh thai. Có thể nói đường tình dục chính là con đường lây truyền chủ yếu của bệnh lậu cầu. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh lậu với triệu chứng của viêm kết mạc mắt do lây nhiễm từ đường sinh dục người mẹ bị bệnh trong quá trình sinh đẻ.

Nguyên nhân gây mắc bệnh lậu thường gặp hiện nay:

  • Quan hệ tình dục là con đường lây nhiễm chủ yếu gây bệnh lậu, tỉ lệ mắc cao ở phụ nữ hoạt động mại dâm, nam giới quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ với phụ nữ mai dâm, quan hệ tình dục không an toàn,… Việc quan hệ tình dục không chỉ gây bệnh ở âm đạo mà còn có thể lây bệnh và xuất hiện triệu chứng ở miệng, hậu môn,…
  • Đường lây từ mẹ sang con: người mẹ bị mắc bệnh lậu trước và trong quá trình mang thai nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì trong lúc sinh con có thể truyền lậu cầu gây bệnh cho trẻ sơ sinh với nguy cơ rất cao. Vi khuẩn lậu cầu lây từ mẹ sang con còn thông qua con đường bú sữa mẹ, nhiễm trùng ối,…
  • Tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở ở người bệnh lậu có thể lây nhiễm căn bệnh này. Ngoài ra việc sử dụng chung các đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh lậu cũng có nguy cơ lây bệnh cao.

Dấu hiệu nhiễm lậu cầu

Triệu chứng nhiễm lậu cầu ở nam giới

Bệnh lậu ở nam giới trong giai đoạn sớm sẽ thường sẽ gây triệu chứng của viêm niệu đạo trước tiên, biểu hiện thường gặp là cảm giác khó chịu, tiểu gắt buốt, nước tiểu đục, có mùi hôi khác thường, có thể có tiểu ra mủ. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới có quan hệ tình dục qua đường âm đạo với người bị bệnh là 25%. Khoảng 85% trường hợp mắc bệnh có biểu hiện viêm niệu đạo cấp tính ở nam giới. Một số triệu chứng kèm theo bao gồm phù nề và đỏ miệng sáo.

Thời gian ủ bệnh ở nam giới dao dộng trong khoảng 1 ngày cho đến 2 tuần, trung bình khoảng 2 đến 5 ngày. Nhiều trường hợp mắc bệnh với triệu chứng không rõ ràng, chảy dịch ở niệu đạo, có thể là dịch trong, lượng ít. Việc phân biệt viêm niệu đạo do lậu và không do lậu lúc này không dễ dàng. Bệnh tiến triển thì dịch mủ từ đường niệu đạo sẽ giúp chẩn đoán nhiễm lậu cầu với dấu hiệu mủ đục tanh hôi có màu vàng.

Việc không nhận biết bản thân nhiễm lậu cầu có thể gây lây lan bệnh trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn nếu không điều trị bệnh kịp thời triệu chứng sẽ thuyên giảm nhưng sẽ xuất hiện các biến chứng tại chỗ như tiểu són, tiểu máu, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh, phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến Cowper.

Triệu chứng nhiễm lậu cầu ở nữ giới

Tỉ lệ nữ giới mắc bệnh lậu khi quan hệ tình dục với nam giới mắc bệnh vào khoảng 60% đến 80%, tỉ lệ này cao hơn hẳn so với nam giới có bạn tình nữ giới mắc bệnh lậu. Triệu chứng bệnh đầu tiên ở nữ giới thường là do tình trạng viêm cổ tử cung gây ra. Tỉ lệ viêm niệu đạo lên đến 90% ở nữ. Tuyến Skene và Bartholin ở nữ cũng bị nhiễm bệnh lậu. Thời gian ủ bệnh ở nữ cao hơn nam, khoảng 10 ngày do đó dễ lây lan bệnh hơn đặc biệt là phụ nữ hoạt động mại dâm.

Nữ giới mắc bệnh lậu có thể xuất hiện các triệu chứng như khí hư nhiều, tiểu khó, tiểu gắt buốt, xuất huyết âm đạo bất thường như xuất huyết giữa kỳ kinh, có thể gặp phải tình trạng rong kinh,… Biểu hiện triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới có thể nhẹ thoáng qua nhưng cũng có thể rầm rộ.

Khi thăm khám phụ khoa có thể phát hiện một số bất thường ở cổ tử cung như cổ tử cung có mủ, nhầy, sưng đỏ phù nề vùng ngoài cổ tử cung, sung huyết khi chạm vào dễ chảy máu. Ở niệu đạo có thể có mủ, viêm các tuyến quanh niệu đạo. Phụ nữ có thai nhiễm bệnh lậu có thể gặp một số biến chứng như sảy thai tự nhiên, ối vỡ sớ, sinh non, viêm màng ối cấp, nguy hiểm hơn là gây bệnh ở trẻ sơ sinh như viêm kết mạc.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị lậu cầu

  • Các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiện nay tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ để chúng ta có hành vi tình dục lành mạnh, an toàn để phòng ngừa việc nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm lậu, HIV/AIDS, giang mai, sùi mào gà,…
  • Sử dụng biện pháp an toàn như sử dụng bao cao su có hiệu quả trong phòng mắc bệnh lậu, lưu ý cần sử dụng bao cao su đạt chuẩn và đeo bao đúng cách.
  • Người bệnh khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh lậu cần đến ngay các trung tâm y tế, cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Bệnh nhân lậu không có chế độ cách ly, cần điều trị cho cả người bệnh và bạn tình có quan hệ tình dục trong thời gian gần đây.
  • Đặc biệt trong thời gian điều trị tránh quan hệ tình dục với bạn tình mới, không sử dụng rượu bia và chất kích thích.
  • Điều trị cho cả bạn tình của bệnh nhân.
  • Điều trị sớm. Không quan hệ tình dục, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Nhiễm lậu cầu: nguyên nhân, dấu hiệu mà bạn cần biết”. Hy vọng qua bài viết này quý bạn đọc đã có những thông tin hữu ích về tình trạng nhiễm lậu cầu.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: CDC

Contact Me on Zalo