Bệnh lỵ amip: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bệnh lỵ amip là bệnh nhiễm ký sinh trùng amip gây các triệu chứng ở đường ruột, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Vậy lỵ trực khuẩn và lỵ amip có gì khác nhau? Điều trị lỵ amip như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan bệnh lỵ amip

Lỵ amip
Tổng quan bệnh lỵ amip

Bệnh lỵ amip là một bệnh truyền nhiễm có đường lây chủ yếu là tiêu hóa, bệnh do ký sinh trùng amip (tên khoa học là Entamoeba histolytica) gây ra. Đây là một loại ký sinh trùng đơn bào, có thể gây bệnh tiến triển kéo dài và chuyển thành mạn tính nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Đại tràng thường là nơi mà amip lỵ thường gây tổn thương. Mặc dù, đa số những người mắc bệnh lỵ amip không có bất kì triệu chứng nào nghiêm trọng, một số trường hợp lại có các triệu chứng đặc trưng cho bệnh gọi là Hội chứng lỵ bao gồm 3 triệu chứng: đau quặn bụng từng cơn ở ¼ dưới phải, mót rặn và thay đổi tính chất phân. Người bệnh thường phải đi cầu nhiều lần, và trong phân có lẫn máu trong một số trường hợp.

Phân của người bệnh là nguồn bệnh chủ yếu khiến lỵ amip lây nhiễm từ người này sang người khác. Trong điều kiện môi trường vệ sinh kém, nguồn nước có thể bị ô nhiễm do phân. Nếu rau quả và trái cây được tưới tiêu bởi nguồn nước này có thể bị nhiễm amip và theo đó vào đường ruột người bệnh. Amip cùng có thể cư ngụ ở bàn tay bẩn và nhiễm sang những người xung quanh qua tiếp xúc.

Bệnh lỵ amip như đã nêu thường liên quan đến môi trường sống bị ô nhiễm, vì thế tỷ lệ người bị lỵ amip thường gia tăng ở các nước kém phát triển và đang phát triển hơn, vì đây là môi trường thuận lợi cho ký sinh trùng tăng sinh và lây lan từ người này sang người khác.

Vòng đời amip

Tác nhân gây bệnh là một ký sinh trùng đơn bào có tên là Entamoeba histolytica, vòng đời của chúng được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn hoạt động (còn gọi là chu kỳ tự dưỡng) và giai đoạn nghỉ (bào nang amip). Trong quá trình sinh sống, tùy theo điều kiện môi trường, amip có thể chuyển dạng từ trạng thái hoạt động sang thể bào nang và ngược lại.

Triệu chứng bệnh lỵ amip

Lỵ amip
Triệu chứng bệnh lỵ amip

Bệnh lỵ amip biểu hiện qua 3 thể lâm sàng: người lành mang amip (mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng, bệnh lỵ amip cấp và mạn tính.

Lỵ amip cấp tính

Ủ bệnh: 7 – 14 ngày, có khi lên đến vài tháng.

Khởi phát: thường từ từ, đôi khi đột ngột cấp tính. Người bệnh mệt mỏi, đau bụng, chán ăn, có thể có hoặc không sốt.

Giai đoạn toàn phát: hội chứng lỵ là tổn thương đặc trưng với các biểu hiện:

  • Đau quặn bụng.
  • Mót rặn – Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh.
  • Thay đổi tính chất phân: lỏng, sệt, có ít nhầy và ít máu rồi chuyển sang nhầy, máu.

Nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể tiến triển thành mạn tính

Biến chứng của lỵ amip cấp tính

  • Viêm phúc mạc do thủng ruột: là biến chứng nguy hiểm nhất
  • Xuất huyết tiêu hóa mức độ nhẹ.
  • Abcess gan do amip

Các biến chứng khác hiếm gặp hơn bao gồm:

  • U amip đại tràng.
  • Polyp đại tràng.
  • Sa niêm mạc trực tràng.
  • Viêm ruột thừa do amip.

Đường lây nhiễm bệnh Lỵ amip

Lỵ amip
Amip gây bệnh chủ yếu ở đại tràng

Amip E.histolytica thường xâm nhập cơ thể người khi họ vô tình ăn thức ăn, thức uống có chứa bào nang của nó. Ngoài ra có thể do tiếp xúc trực tiếp với phân người bệnh. Bào nang là một hình thức tự bảo vệ của ký sinh trùng giúp chúng tồn tại đến vài tháng trong môi trường ngoài cơ thể người. Nang có thể tìm thấy trong đất, phân bón hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm bởi phân người bệnh lỵ amip.

Quan hệ tình dục đồng giới nam qua đường hậu môn hoặc khi thụt rửa đại tràng cũng có thể khiến bạn bị nhiễm amip. Người bị suy giảm miễn dịch cũng dễ bị nhiễm lỵ amip hơn những người bình thường. Bác sĩ cũng sẽ nghi ngờ nhiễm lỵ amip ở các đối tượng vừa đi du lịch về từ vùng có dịch lỵ amip đang diễn ra.

Khi đã xâm nhập vào cơ thể, amip ký sinh trong đường tiêu hóa. Sau đó, chúng sinh sản và di chuyển đến tập trung ở ruột già. Tại đây, chúng lại tiếp tục tăng sinh và xâm nhập sâu hơn vào niêm mạc ruột, thậm chí vào máu và đi đến nơi khác của cơ thể. Người bệnh sẽ đi tiêu ra máu, bị viêm đại tràng, đau bụng.

Chẩn đoán bệnh lỵ amip

Sau khi khám lâm sàng ghi nhận các triệu chứng đặc trưng của bệnh lỵ amip, bác sĩ sẽ đề nghị thêm 1 số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Nội soi đại tràng.
  • Soi tươi phân tìm amip lỵ các thể sinh trưởng của amip;
  • PCR amip có giá trị tương đương soi tươi bệnh phẩm.

Điều trị bệnh Lỵ amip cấp như thế nào?

Nguyên tắc điều trị bao gồm 3 yếu tố chính: diệt amip, điều trị các triệu chứng hiện có và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

  • Các thuốc sẵn có trên thị trường giúp diệt E.histolytica dễ dàng bao gồm: kháng sinh nhóm nitroimidazoles; Emetin; …
  • Dùng thuốc giảm đau và kháng sinh dự phòng phối hợp;
  • Phẫu thuật giải quyết các biến chứng: viêm ruột thừa do amip, khâu lỗ thủng ở đại tràng, abcess gan do amip

Các biện pháp dự phòng bệnh lỵ amip

Lỵ amip
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để dự phòng bệnh lỵ amip

Đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống chính là yếu tố cốt lõi để phòng ngừa hiệu quả bệnh lỵ do amip. Các biện pháp dự phòng chủ yếu được xây dựng dựa trên nguyên tắc đó bao gồm:

  • Ăn chín, uống sôi
  • Rửa tay với xà phòng đúng cách trước khi ăn, sau khi đi đại tiện và trước khi sơ chế, nấu thức ăn;
  • Rửa rau quả và trái cây cẩn thận trước khi ăn; Không ăn các loại rau quả trái cây tươi sống chưa được rửa sạch và gọt vỏ;
  • Hạn chế tiêu thụ sữa thanh trùng, hay các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng khác;
  • Không ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
  • Xử lý và quản lý đúng quy trình nguồn nước thải, đảm bảo an toàn vệ sinh cho nguồn nước sinh hoạt của người dân.
  • Khám bác sĩ ngay khi phát hiện mình có triệu chứng của bệnh lỵ amip.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Bệnh lỵ amip: 1 số kiến thức quan trọng có thể bạn chưa biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo