Những hiểu nhầm tai hại về muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không hoạt động ban ngày? Bị sốt xuất huyết một lần là miễn dịch cả đời? Vẫn còn nhiều người có những nhận thức không đúng về bệnh dẫn đến những hậu quả khôn lường cho tính mạng. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu những hiểu nhầm tai hại mà không ít người mắc phải trong bài viết sau.

Hiểu nhầm về muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Ở Việt Nam, vào những tháng đầu năm và khoảng từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, dịch sốt xuất huyết lan rộng. Cách phòng bệnh tốt nhất chính là việc chủ động chống muỗi vằn cho cả gia đình. Tuy nhiên, đừng để 5 hiểu nhầm dưới đây khiến việc chống muỗi trở nên vô ích.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sợ điều hòa

Muỗi vằn rất thích sống trong môi trường nóng ẩm nhưng điều đó không có nghĩa chúng không thể xuất hiện trong môi trường điều hòa. Để tránh được muỗi hoàn toàn, môi trường cần đạt nhiệt độ dưới 10 độ C và điều này là không thể trong điều kiện sống bình thường của người dân Việt Nam. Vì vậy, vẫn cần phải thực hiện các biện pháp chống muỗi ngay cả khi ở trong phòng điều hòa.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ hoạt động ban đêm

Nhiều người tin rằng muỗi thường chỉ đốt vào ban đêm và bật đèn khi ngủ sẽ giúp hạn chế muỗi. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn không chính xác. Thực tế, loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh trong cả ánh sáng ban ngày, đặc biệt vào tầm sáng sớm (2 tiếng sau khi mặt trời mọc) và chiều tối (vài giờ trước khi mặt trời lặn).

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ hoạt động ở nhà

Muỗi không chỉ sống trong nhà mà còn có thể xuất hiện ở mọi nơi trên đường phố, văn phòng, ngoài chợ hay cả trung tâm thương mại. Vì vậy mọi người nên lưu ý có biện pháp phòng chống muỗi ngay cả khi ở nhà hay ra ngoài, chẳng hạn như các loại kem chống muỗi.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không thể bay lên cao

Muỗi vằn không thể tự bay quá cao từ mặt đất nhưng muỗi có thể theo các đường vận chuyển lên các căn hộ cao, chẳng hạn như thang vận chuyển hàng, tháng máy. Sau đó, muỗi vẫn đẻ trứng vào những nơi có nước đọng trên cao. Như vậy lăng quăng muỗi vằn có thể phát triển từ các hốc cây, chậu nước… ở các căn hộ trên cao. Do đó, dù có sinh sống ở những căn hộ cao tầng của khu chung cư, mọi người đừng quá chủ quan với việc phòng chống muỗi.

Lưu ý: Khi phun thuốc diệt muỗi, chỉ có một thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương xuất hiện trong không gian và chỉ diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ tan đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục xuất hiện, tấn công và truyền bệnh cho người.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở nơi ao tù nước đọng

Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, ao tù mới là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở kể cả những nơi nước để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên bàn thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng…

muoi truyen benh sot xuat huyet
Nơi trú ngụ của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Hiểu nhầm về bệnh sốt suất huyết

Bị sốt xuất huyết một lần sẽ không bị lại

Hiện lưu hành 4 týp virus sốt xuất huyết với khả năng gây bệnh như nhau. Do đó bệnh nhân đã từng bị sốt xuất huyết vẫn có thể bị mắc lại.

Cụ thể, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.

Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nghĩa là sau khi mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp virus Dengue còn lại.

Chủ quan không đi tái khám

Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù sốt xuất huyết mức độ nhẹ có thể được theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần tái khám đúng hẹn để được thăm khám, theo dõi bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng bất kể thời điểm nào. Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng, bệnh có thể có các biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, bệnh nhân cần lưu ý tái khám thường xuyên, nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu như: 

  • Mệt mỏi, khó chịu dù giảm sốt hoặc hết sốt;
  • Nôn ói nhiều;
  • Đau bụng nhiều;
  • Tay chân lạnh, ẩm;
  • Mệt lả, bứt rứt;
  • Xuất huyết mũi, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào…

Hết sốt là hết bệnh

Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM NHẤT của bệnh. Từ ngày thứ 4 (tính từ ngày bệnh nhân bắt đầu sốt), phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy đỡ khó chịu trong người nhưng đây lại là thời điểm quyết định cần kiểm soát bệnh chặt chẽ. Chính thời điểm này có thể xuất hiện những biến chứng nặng.

Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà biến chứng chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không.

Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể sẽ dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy trẻ li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần phải đến bệnh viện gần nhất ngay để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng.

Biến chứng thứ hai là xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuât huyết dưới da… Những bệnh nhân này cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu như thế nào để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần.

Lưu ý: Tất cả các bệnh viện địa phương, phòng khám đa khoa đều có khả năng chẩn đoán các triệu chứng kể trên, không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương, làm lỡ thời điểm vàng cấp cứu, đồng thời quá tải cho bệnh viện.

muoi truyen benh sot xuat huyet
Chảy máu chân răng do sốt xuất huyết

Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ bị lây bệnh

Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Hạ sốt bằng Aspirin và ibuprofen khi bị sốt xuất huyết

Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt… , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Lý do là vì bệnh sốt xuất huyết Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng chống đông máu bên cạnh tác dụng hạ sốt. Aspirin còn có tác dụng phụ là gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

Vì thế người bệnh và người nhà cần đọc kĩ tên thuốc, tuyệt đối không uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.

Mọi người cần có nhận thức đúng để phòng ngừa sốt xuất huyết và tránh những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là phòng ngừa muỗi cắn. Nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, mọi người cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi điều trị, tránh tâm lý chủ quan, những điều hiểu nhầm thường gặp kể trên.

Bác sĩ & phòng khám chữa bệnh sốt xuất huyết

Phòng khám đa khoa Hạnh Phúc – Quận 10.

Phòng khám đa khoa Olympus Gia Mỹ – Quận Bình Thạnh

Phòng khám đa khoa Tâm Phúc – Quận Gò Vấp


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm