Nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em: Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Nhiễm vi khuẩn HP xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng thường gặp nhất là tại các nước đang phát triển, tại đây tình trạng nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em chiếm 10% và 80% người lớn nhiễm vi khuẩn HP nhưng không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào. Cùng Docosan hiểu rõ hơn về loại vi khuẩn này trong bài viết dưới đây ngay nhé!

Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (hay H.pylori) tên đầy đủ là Helicobacter pylori, H.pylori là một loại vi khuẩn sống chủ yếu ở lớp nhầy của dạ dày, loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra một chất là Urease giúp thích nghi với môi trường acid của dạ dày. Vi khuẩn này do hai bác sĩ người Úc là Robin Warren và Barry J. Marshall phát hiện năm 1982, khi nội soi dạ dày và lấy sinh thiết mẫu niêm mạc và nghiên cứu. Phát hiện này được trao tặng giải Nobel Y học và Sinh lý học vào năm 2005.

Sư phát triển và hoạt động của chúng gây nên các bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, và trong một số ít trường hợp, có thể tiến triển thành ung thư dạ dày

nhiễm vi khuẩn hp ở trẻ em
Hình ảnh vi khuẩn HP

Nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em 

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ cơ chế nhiễm vi khuẩn HP Trong một số trường hợp, thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm có thể là nguyên nhân. Ngoài ra, vi khuẩn H.p cũng được tìm thấy trong nước bọt của người đã nhiễm, vì vậy các chuyên gia cho rằng nó có thể lây từ người này sang người khác.

Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2018 đã chỉ ra rằng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn HP nhất, khi trẻ sống chung cùng môi trường với bố mẹ, người thân bị nhiễm vi khuẩn HP

nhiễm vi khuẩn hp ở trẻ em
Nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em 

Tuy nhiên, có một số nghiên cứu khác đưa ra nhận định rằng vi khuẩn HP không hẳn là gây hại hoàn toàn đến cơ thể trẻ, đôi khi nó không gây ra triệu chứng và sinh sống như một vi khuẩn cộng sinh lành mạnh trong đường ruột. 

Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em

Bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm khuẩn HP mà không biết vì không có dấu hiệu hay triệu chứng gì – nhiễm vi khuẩn H.p hầu hết đều “im lặng”. Khi vi khuẩn gây ra các triệu chứng, thường là triệu chứng của một bệnh đường tiêu hoá, nhất là viêm dạ dày hoặc loét dạ dày – tá tràng.

Ở trẻ em, các triệu chứng của viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn H.p có thể bao gồm buồn nôn, nôn ói và đau bụng, tuy nhiên cần chú ý phân biệt với một số bệnh khác cũng có các triệu chứng tương tự.

nhiễm vi khuẩn hp ở trẻ em
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em – Viêm loét dạ dày tá tràng

Ngoài ra, vi khuẩn HP có thể gây bệnh cảnh loét dạ dày – tá tràng. Đối với trẻ em, loét dạ dày – tá tràng có thể gây cảm giác buồn nôn và nôn mửa, chảy máu tiêu hoá, biểu hiện bằng việc đi cầu phân đen, bầm, hoặc ói ra máu lẫn trong thức ăn. 

Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em như thế nào?

Để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em, bên cạnh việc hỏi bệnh, thăm khám, các bác sĩ sẽ sử dụng nhiều loại xét nghiệm khác nhau để từ đó có thể đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh. Các xét nghiệm để đánh giá nhiễm khuẩn HP như:

Nội soi dạ dày

Bệnh nhân có thể được dùng an thần trong quá trình bác sĩ làm thủ thuật này. Một ống dẻo, linh hoạt có gắn camera và đèn ở đầu ống, được đưa vào miệng, xuống cổ họng, qua thực quản và vào dạ dày – tá tràng. Sau đó, bác sĩ sẽ trích lấy một mẫu nhỏ niêm mạc để kiểm tra trong phòng thí nghiệm.

Thủ thuật này bên cạnh việc kiểm tra được sự hiện diện của vi khuẩn mà còn phát hiện được các tổn thương trong dạ dày như các vết loét hay chảy máu, từ đó có các chiến thuật điều trị và theo dõi  phù hợp.

nhiễm vi khuẩn hp ở trẻ em
Nội soi dạ dày chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em

Tuy nhiên khi thực hiện thủ thuật này ở trẻ em tương đối khó khăn và cần phải gây mê. 

Xét nghiệm hơi thở

Trong thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân được cho uống 1 viên nang chứa ure (CO(NH2)2) trong đó phân tử C (carbon) được đánh dấu C13. Nếu trong dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP thì enzym urease do vi khuẩn tiết ra sẽ phân giải ure trong viên nang thành NH2 và CO2 (với C được đánh dấu đã nêu trên).

Khí CO2 được khuếch tán vào máu và sau một thời gian ngắn chúng sẽ hiện diện trong hơi thở của người bệnh. Người bệnh sẽ thở bằng miệng vào một cái ống gắn với máy, và sẽ xem mẫu hơi thở có chứa C13 không để cho kết quả xét nghiệm có hay không có sự hiện diện của vi khuẩn HP.

Có 2 loại C là C13 và C14. Kết quả cả hai thử nghiệm thở C13 và C14 đều giống nhau và đều chính xác, chúng  khác nhau ở chỗ C13 là chất không gây phóng xạ còn C14 là chất có hoạt tính phóng xạ. Do C14 có hoạt tính phóng xạ nên không được dùng cho trẻ em và phụ nữ mang thai còn C13 thì an toàn hơn và dùng được cho mọi đối tượng.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện được kháng thể do cơ thể sinh ra để tiêu diệt vi khuẩn HP. Đây là một loại xét nghiệm dễ thực hiện, nhanh chóng, tuy nhiên hiệu quả phát hiện chính xác bệnh không cao.

nhiễm vi khuẩn hp ở trẻ em
Xét nghiệm máu cũng được bác sĩ lựa chọn để chẩn đoán vi khuẩn HP ở trẻ em

Xét nghiệm phân

Lấy mẫu phân để tìm các thành phần của vi khuẩn. Xét nghiệm phân không cung cấp được mức độ nhiễm trùng và tình trạng thương tổn của niêm mạc dạ dày. 

Đối với trẻ em, xét nghiệm này rất có ích trong nghiên cứu dịch tễ học vì các xét nghiệm xâm lấn qua nội soi khó thực hiện. Hơn nữa, đối với trẻ em mới sinh ra và trong những năm đầu đời, chẩn đoán huyết thanh cũng khó đánh giá do còn kháng thể từ mẹ truyền sang con vẫn còn tồn tại.

Điều trị nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em

Nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em được điều trị bằng kháng sinh. Trong quá trình điều trị, một loại kháng sinh đơn lẻ có thể không tiêu diệt được vi khuẩn, trẻ thường sẽ được dùng kết hợp nhiều loại kháng sinh.

Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ cho thêm thuốc kháng acid hoặc ức chế acid để trung hoà dịch trong dạ dày, hoặc ngăn chặn acid trong dạ dày, để không làm tình trạng viêm loét trở nên nặng nề hơn.Việc điều trị bằng kháng sinh để diệt vi khuẩn HP cần được tuân thủ chính xác về liều lượng và thời gian bác sĩ đưa ra để đạt được hiệu quả, tránh tái phát sau này

nhiễm vi khuẩn hp ở trẻ em
Điều trị nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em bằng thuốc kê đơn của bác sĩ

Nếu trẻ gặp các triệu chứng chảy máu tiêu hoá, lúc này bé cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi sát sao hơn.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn của trẻ nhằm tránh để trẻ bị đói, dạ dày để trống trong thời gian dài. Có thể cho trẻ chia nhỏ các bữa ăn từ 5 đến 6 bữa một ngày và sau mỗi bữa ăn, cần có thời gian nghỉ ngơi, tránh để trẻ học bài hay vận động ngay sau khi ăn.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng cần tránh cho trẻ uống các thuốc như aspirin, ibuprofen hoặc các thuốc kháng viêm khác, khi chưa có chẩn đoán bệnh và chỉ định của bác sĩ, vì các thuốc này có thể gây kích ứng dạ dày và chảy máu dạ dày.

Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em như thế nào?

Hiện nay, tuy vẫn chưa thực sự hiểu rõ cách để ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn HP nhưng các chuyên gia dịch tễ cũng đã đưa ra một số khuyến cáo để giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh:

  • Rửa tay với xà phòng và nước, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
  • Ăn thực phẩm đã được xử lý và chế biến một cách an toàn.
  • Chỉ uống nước sạch, đun sôi để nguội và an toàn.
  • Hạn chế dùng chung muỗng đũa khi đang ăn, chấm chung các nước chấm
nhiễm vi khuẩn hp ở trẻ em
Khuyến khích trẻ rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa nhiễm HP

Kết luận

Nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ emcó thể hoàn toàn không có dấu hiệu cảnh báo, hoặc nó có thể dẫn đến các bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Bệnh xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Cha mẹ và người chăm sóc cần chú ý giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, đặc biệt là ăn uống để giúp bảo vệ trẻ. Tránh lạm dụng thuốc và đi khám khi có các triệu chứng, để các bác sĩ chẩn đoán và có liệu trình điều trị thích hợp.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Tài liệu tham khảo

Có thể bạn quan tâm