Phòng ngừa quai bị là một trong những biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả, giảm thiểu số ca bệnh trong cộng đồng. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu 3 cách phòng ngừa quai bị và một số nguyên tắc điều trị bệnh lý quai bị trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Quai bị là bệnh lý gì?
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng tạo thành dịch. Bệnh do virus quai bị gây ra. Triệu chứng chính của bệnh là tình trạng viêm sưng đau, không tạo mủ tại tuyến nước bọt, ngoài ra còn gây viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tuỵ và một số cơ quan khác.
Hơn 1/3 số trường hợp bệnh quai bị không biểu hiện triệu chứng. Về cơ bản, bệnh tương đối lành tính, thường tự khỏi và tạo được miễn dịch lâu dài. Bệnh xuất hiện quanh năm, trên khắp thế giới. Người là nguồn lây bệnh duy nhất. Quai bị có thể lây trực tiếp qua chất tiết hô hấp. Thời gian ủ bệnh từ 16-18 ngày, có thể từ 2-4 tuần. Giai đoạn lây cao nhất thường gặp trong khoảng thời gian từ 2-3 ngày trước khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.
Bệnh quai bị có thể được phân loại theo thể không triệu chứng và thể có triệu chứng hoặc theo mức độ nặng nhẹ, theo cơ quan bị tổn thương (viêm tuyến nước bọt, viêm tụy, viêm tinh hoàn, viêm não màng não hoặc thể phối hợp viêm nhiều cơ quan cùng một lúc). Thực tế tại các cơ sở y tế thường phân thành thể tổn thương tuyến nước bọt và ngoài tuyến nước bọt.
3 biện pháp phòng ngừa quai bị
Phòng ngừa quai bị không đặc hiệu
Cách phòng ngừa quai bị có thể áp dụng đó là tuyên truyền cho cộng đồng biết các dấu hiệu nghi ngờ mắc phải quai bị và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Người mắc quai bị phải được cách ly ít nhất 5 ngày tính từ lúc bắt đầu có dấu hiệu sưng tuyến mang tai. Tuy nhiên bệnh quai bị có thể lây cho người khác 1 tuần trước khi xuất hiện triệu chứng sưng tuyến mang tai.
Do đó, việc cách ly bệnh nhân (khi đã có sưng tuyến mang tai) để tránh lây lan có tác dụng rất hạn chế, không đem lại hiệu quả phòng ngừa quai bị cao vì có thể đã lây lan mầm bệnh rồi, đặc biệt là những khu vực tập trung đông người như ký túc xá, doanh trại, nhà trường, mẫu giáo…
Phòng ngừa quai bị bằng miễn dịch chủ động
Vaccine phòng ngừa quai bị là vaccine virus sống giảm độc lực, tương đối an toàn, không gây sốt, khả năng tạo kháng thể cao. Mức độ bảo vệ đạt hơn 95% trường hợp được tiêm vaccine, miễn dịch tạo ra để phòng ngừa quai bị của vaccine kéo dài, có thể tiêm cùng với các loại vaccine khác như sởi, bại liệt, thuỷ đậu.
Có hai nguồn vaccine sống giảm độc lực: chủng Jeryl Lynn và chủng Urabe. Đối tượng tiêm chủng vaccine phòng ngừa quai bị là trẻ lớn hơn 12 tháng, có thể tiêm ở bất kỳ thời điểm nào. Thích hợp thích hợp để tiêm mũi 1 là 12-15 tháng tuổi và mũi nhắc lại ở thời điểm trẻ từ 4 đến 6 tuổi.
Mũi tiêm thứ 2 có thể tiêm cách mũi 1 28 ngày trong trường hợp cần thiết. Tương tự như các vaccine sống giảm độc lực khác, vaccin quai bị không được sử dụng trên cơ địa có tình trạng suy giảm miễn dịch và không nên có thai trong vòng 28 ngày từ khi chích vaccine. Vaccine sống giảm độc lực không chống chỉ định trênbệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn chưa suy giảm miễn dịch.
Phòng ngừa quai bị bằng miễn dịch thụ động
Dự phòng đặc hiệu bằng γ-globulin miễn dịch có thể phòng chống quai bị, có thể dùng sớm cho phụ nữ có thai khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị, liều thường dùng là 3-4 ml tiêm bắp một liều duy nhất. Miễn dịch thụ động thường được dùng (chưa chắc chắn) trong 4 ngày đầu sau nhiễm virus dùng cho đối tượng chưa có miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai có tiếp xúc người bệnh.
Biện pháp điều trị quai bị
Một trong những điểm cần lưu ý trong các biện pháp điều trị quai bị đó là kháng sinh không có tác dụng. Corticoid và interferon không làm diễn tiến bệnh rút ngắn đi, cũng như không làm giảm tỉ lệ teo tinh hoàn. Biện pháp điều trị hiện tại vẫn dừng ở mức điều trị triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân hồi phục.
Xem thêm: Cách điều trị quai bị tại nhà
Viêm tuyến nước bọt
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh thức ăn quá chua.
- Nên ăn thức ăn lỏng dễ nuốt nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng.
- Nằm nghỉ ngơi, chườm ấm vùng tuyến bị sưng, sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau có thể giúp cải thiện triệu chứng sưng đau do viêm.
Viêm tinh hoàn
Người bệnh cần ghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn cũng giúp giảm tình trạng căng xệ bìu, đồng thời cải thiện triệu chứng đau bìu tương đối. Kết hợp sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau thông thường (paracetamol, aspirin, kháng viêm non-steroid).
Sử dụng corticoid liều cao trong thời gian 6 ngày có thể giảm sốt và sưng đau tinh hoàn, nhưng không làm thay đổi thay đổi diễn tiến bệnh cũng như không làm thay đổi tỉ lệ teo tinh hoàn. Một số nghiên cứu cho thấy corticoid có thể làm giảm nồng độ testosteron, tăng tiết LH và FSH ở bệnh nhân viêm tinh hoàn do quai bị. Do đó việc sử dụng phải cân nhắc giữa hiệu quả và tác dụng phụ của corticoid.
Sử dụng interferon, mọt loại chất tiết ra từ tế bào bị nhiễm virus, có thể giúp người bệnh ngăn chặn sự phát triển sinh sôi của tác nhân gây bệnh. Một số thử nghiệm về việc sử dụng interferon α-2B với mục đích ngăn ngừa teo tinh hoàn, cải thiện khả năng thụ tinh trong viêm tinh hoàn do quai bị. Tuy nhiên kết quả cho thấy việc sử dụng interferon gần như không có tác dụng lên diễn tiến bệnh cũng như phòng ngừa biến chứng teo tinh hoàn.
Quai bị là một bệnh lý có tiên lượng tương đối tốt. Tử vong rất hiếm gặp và tổn thương thần kinh trung ương đa số đều lành tính, ít khi để lại di chứng. Mặc dù tỉ lệ teo tình hoàn hiện vấn rất đáng ngại nhưng khả năng gây vô sinh thực sự do quai bị tương đối hiểm xảy ra. Phòng ngừa quai bị bằng vaccine là một biện pháp bảo vệ đơn giản, hiệu quả.
Xem thêm: Thuốc điều trị quai bị
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: NHS