Bệnh phù chân voi có nguy hiểm không, phòng ngừa thế nào?

Bệnh phù chân voi (phù voi) không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất mà còn dày vò nặng nề tinh thần người bệnh. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, điều trị cũng như cách phòng ngừa căn bệnh phù chân voi như thế nào nhé.

Tổng quan về bệnh phù chân voi

Phù chân voi là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loài ký sinh trùng gọi là giun chỉ bạch huyết. Bệnh lưu hành chủ yếu ở các nước nóng ẩm và xảy ra do muỗi truyền ấu trùng giun chỉ từ người bệnh sang người lành.

Trên thế giới phát hiện 3 loài giun chỉ gây bệnh cho người là Wuchereria bancrofti (W. bancrofti), Brugia malayi (B. malayi) và Brugia timori (B.timori). Ở nước ta, chỉ phát hiện được 2 loài là W. bancrofti và B. malayi (B.malayi). Trong đó, Wuchereria bancrofti gây ra 90% các ca bệnh phù chân voi.

Giun chỉ trưởng thành gây viêm hệ bạch huyết dẫn đến tổn thương mạch bạch huyết, ngay cả ở những người không có triệu chứng, và rối loạn chức năng bạch huyết, khiến các chi dưới đặc biệt dễ bị nhiễm vi khuẩn tái phát. 

Cơ chế lây bệnh

Muỗi là nguyên nhân lây lan bệnh. Đầu tiên, muỗi hút máu người nhiễm giun chỉ và mang ấu trùng giun chỉ trong máu. Sau đó, muỗi đốt người khác truyền ấu trùng vào máu của họ. khi vào cơ thể, ấu trùng di chuyển đến hạch bạch huyết và phát triển thành giun ở đây. Giun đực và giun cái thường cuộn tròn vào nhau làm bạch huyết bị tắc nghẽn.

Bệnh phù chân voi xảy ra khi hệ thống bạch huyết bị tắc nghẽn, dẫn đến tích tụ dịch bạch huyết làm toàn bộ tay, chân hoặc bộ phận sinh dục người bệnh sưng to nhiều lần. Da ở vùng bị tổn thương dễ bị viêm nhiễm và trở nên cứng, dày.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh phù voi

Bệnh phù chân voi có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai tiếp xúc với ký sinh trùng gây bệnh.

Nguy cơ phơi nhiễm cao nhất đối với những người:

  • Những nơi có khí hậu nóng ẩm, vệ sinh môi trường kém, nơi ở ẩm thấp, nơi ao tù nước đọng: là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của muỗi.
  • Thường xuyên bị muỗi đốt: Ngủ không mắc màn: tạo điều kiện cho muỗi truyền ấu trùng giun chỉ vào cơ thể.
  • Sống trong điều kiện mất vệ sinh
  • Các khu vực tìm thấy giun tròn này bao gồm:
    • Châu Phi;
    • Ấn Độ;
    • Nam Mỹ;
    • Đông Nam Á.

    Triệu chứng của bệnh phù chân voi

    Giun chỉ sống trong cơ thể người khoảng 10 năm. Trong thời gian này chúng sản sinh ra hàng triệu ấu trùng giun chỉ lưu hành trong ở trong máu. Độc tố do giun trưởng thành gây ra các biểu hiện cấp tính ở mạch bạch huyết. Lâu ngày, các biến chứng do ngừng trệ lưu thông bạch huyết tạo nên những tổn thương nặng hay nhẹ tuỳ vào số lượng giun.

    Triệu chứng cấp tính: Phát triển sau khi nhiễm giun 2-3 tháng, bệnh nhân bị viêm hạch bạch huyết tái đi tái lại dẫn đến

    • Những đợt sốt cao, nhức đầu, nôn ói;
    • Những rối loạn dị ứng rất đi dạng;
    • Đôi khi đau ngực hay đau bụng rất dữ dội, dễ nhầm với bệnh khác;
    • Phù da trên vùng hạch tổn thương;
    • Những đợt viêm hạch tái đi tái lại tiến triển ly tâm, dần lan xa ra. Vùng hạch viêm thường là viêm tinh hoàn, mào tinh, hạch bẹn không nhạy cảm với điều trị kháng sinh. Những đợt viêm hạch tự nhiên khỏi, sau 4-5 ngày tái lại.

    Triệu chứng mãn tính: Sau nhiều năm tái diễn, bệnh càng ngày càng nặng, xơ hoá dần hạch và mạch bạch huyết lớn làm mạch bạch huyết ngày càng dị hình, da nhăn nheo, cứng như da voi, lúc này gọi là phù voi. Hai vị trí thường gặp của phù voi là chân và bìu. Đôi khi gặp ở cánh tay, môi lớn, vú.

    Biến chứng: Mạch bạch huyết bị tắc nghẽn, xơ hoá có thể vỡ vào các nội tạng nhất là thận, niệu quản, bàng quang dẫn đến:

    • Tiểu dưỡng trấp: nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, trong nước tiểu chứa phôi giun chỉ;
    • Viêm tinh hoàn, ống mào tinh, thừng tinh dẫn đến vô sinh;
    • Tiểu ra máu, bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng huyết, tử vong.

    Những người mắc bệnh chân voi sẽ bị suy giảm chức năng miễn dịch do hệ thống bạch huyết của họ bị tổn thương. Họ có xu hướng bị nhiễm trùng da nhiều hơn, khiến da trở nên khô, dày và loét khi bị nhiễm trùng nhiều lần.

    Các triệu chứng khác trong quá trình nhiễm vi khuẩn lặp đi lặp lại này bao gồm sốt và ớn lạnh.

    Biến chứng của bệnh phù chân voi

    Khi bị phù chân voi, người bệnh có thể tự ti về ngoại hình, dừng kết nối với thế giới bên ngoài. Sự hạn chế vận động cũng ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của người bệnh. Nếu không được điều trị y tế, ký sinh trùng cực nhỏ có thể sống nhiều năm trong hệ bạch huyết, gây ra sự phá hủy và tổn hại.

    Bệnh chân voi có liên quan đến một số biến chứng về thể chất và tinh thần, bao gồm:

    • Khuyết tật: Bệnh phù chân voi là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật vĩnh viễn trên toàn cầu. Có thể khó di chuyển các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng, khiến công việc hoặc tham gia các công việc gia đình trở nên khó khăn hơn.
    • Nhiễm trùng thứ cấp: Nhiễm nấm và vi khuẩn phổ biến ở những người mắc bệnh chân voi do hệ thống bạch huyết bị tổn thương.
    • Đau khổ về cảm xúc: Tình trạng này có thể khiến mọi người lo lắng về ngoại hình của mình, điều này có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm.

    Chẩn đoán bệnh phù chân voi

    Khi đến bệnh viện hay các cơ sở y tế để điều trị thì trước hết bác bác sĩ cần thăm khám tình trạng cơ bản của bệnh nhân trước bằng một số cách như:

    • Lấy bệnh sử
    • Hỏi về triệu chứng
    • Thực hiện kiểm tra thể chất

    Giun chỉ có thể tồn tại trong người bệnh nhiều năm mà không có triệu chứng, do đó rất khó chẩn đoán trong giai đoạn ủ bệnh, trong giai đoạn cấp dễ nhầm sang nhiều bệnh lý cấp tính khác. Chẩn đoán dễ dàng khi người bệnh đã có phù voi hoặc tiểu dưỡng trấp.

      • Xét nghiệm máu: Lấy máu ngoại biên từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng (thời điểm ấu trùng giun chỉ lưu hành nhiều nhất trong máu) để tìm phôi giun chỉ,
      • Xét nghiệm nước tiểu dưỡng trấp: Có thể phát hiện ấu trùng giun chỉ.
      • Sinh thiết hạch bạch huyết làm giải phẫu bệnh tìm giun chỉ trưởng thành.
      • Xét nghiệm miễn dịch hấp phụ có gắn men ELISA.

      Ngoài ra, chụp X-quang và siêu âm cũng có thể được thực hiện để loại trừ các tình trạng khác có thể gây sưng tấy. Siêu âm, chụp mạch bạch huyết: Phát hiện các tổn thương của hệ bạch huyết.

      Các xét nghiệm thay thế có thể được sử dụng để phát hiện ký sinh trùng, nhưng chúng có thể cho kết quả âm tính vì các triệu chứng có thể phát triển nhiều năm sau lần nhiễm trùng đầu tiên.

      Điều trị và phòng ngừa bệnh phù chân voi

      Điều trị

      Hiện nay, các bác sĩ có thể cung cấp cho bạn loại thuốc gọi là diethylcarbamazine (DEC). Bạn sẽ dùng nó mỗi năm một lần. Nó sẽ giết chết những con giun cực nhỏ trong máu của bạn.

      Một cách khác để điều trị bệnh chân voi là sử dụng DEC kết hợp với một loại thuốc gọi là ivermectin. Điều này cũng được thực hiện mỗi năm một lần và sự kết hợp này đã cho thấy kết quả lâu dài tốt hơn.

      Ở giai đoạn cấp chủ yếu điều trị triệu chứng: nằm nghỉ, dưỡng ẩm, giảm đau, kháng viêm, kháng sinh nếu bội nhiễm vi khuẩn.

      Ngoài cách điều trị bằng thuốc, thì bệnh nhân cũng có thể tự mình làm giảm bớt triệu chứng

      • Rửa và lau khô vùng bị sưng hằng ngày, và giữ vệ sinh hằng ngày để giảm các triệu chứng nhiễm trùng;
      • Sử dụng kem dưỡng ẩm;
      • Kiểm tra vết thương và bôi thuốc lên những chỗ đau;
      • Tập thể dục và đi bộ khi có thể;
      • Nếu cánh tay hoặc chân của bạn bị sưng, hãy kê cao chân khi bạn nằm hay ngồi.

      Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật tái tạo lưu thông hạch bạch huyết để giải quyết hiện tượng phù voi, nhất là khi các biện pháp nội khoa không thể làm giảm triệu chứng. Phẫu thuật cắt bỏ hoặc gỡ rối và hút mỡ để giúp giảm các mô dư thừa, giảm bớt gánh nặng khi vận động cho bệnh nhân bị hạn chế đi lại. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn cho kết quả khá hạn chế.

        Phòng ngừa bệnh phù chân voi

        Cần chú ý công tác phòng chống muỗi, nhất là ở vùng dịch, nơi có khí hậu nóng ẩm, môi trường nhiều ao hồ bằng cách vệ sinh môi trường sống và chăm sóc bản thân thật tốt.

        Vệ sinh môi trường sống:

        • Cần phát quang, thu dọn, tiêu hủy các bụi rậm ẩm thấp.
        • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp.
        • Loại bỏ các dụng cụ chứa nước không vệ sinh, vứt bỏ mảnh vỡ của đồ dùng đúng nơi quy định để không bị đọng nước khiến muỗi sinh sôi.
        • Thông dòng chảy của cống rãnh, tránh hiện tượng nước đọng ô nhiễm.
        • Tích cực thực hiện tiêu diệt muỗi, hạn chế nguy cơ muỗi đốt: phun thuốc diệt muỗi định kỳ, khoa học, mặc quần áo dài tay buổi tối, dùng màn khi ngủ.

        Chăm sóc bản thân:

        • Không tạo điều kiện cho muỗi trú ngụ, đẻ trứng bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước, vứt bỏ lu vại vỡ quanh nhà.
        • Phát quang bụi rậm.
        • Phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, kể cả ban ngày, mặc quần dài, áo kín tay, chọn quần áo sáng màu khi đi ngủ.
        • Tham gia các chiến dịch vận động, tuyên truyền phòng chống muỗi, dịch bệnh của phường, xã.

        Tổng kết

        Bệnh phù chân voi là một bệnh nhiệt đới lây lan qua vết muỗi đốt. Những người sống ở khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới bị ảnh hưởng có nguy cơ bị nhiễm trùng cao nhất. Tuy nhiên, những du khách ngắn hạn đến những khu vực này có nguy cơ mắc bệnh chân voi hoặc các tình trạng liên quan rất thấp.

        Những người có các triệu chứng của tình trạng này, bao gồm sưng tấy và dày da, nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Các triệu chứng của bệnh phù chân voi có thể được kiểm soát thông qua thuốc men, thay đổi lối sống và hỗ trợ tinh thần.

        Đôi khi rất khó để di chuyển các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng, điều đó có nghĩa là khó có thể làm việc được. Thậm chí có thể khó di chuyển trong nhà bạn. Nhưng đừng quá lo lắng, bệnh chân voi có thể được chữa trị hoàn toàn. 

        Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bệnh phù chân voi có nguy hiểm không, phòng ngừa thế nào?”. Mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin bổ ích, thiết thực cho bạn về sự nguy hiểm của căn bệnh phù chân voi. Phòng bệnh phù voi đơn giản hơn nhiều so với chữa bệnh, vì vậy hãy luôn cẩn thận phòng chống muỗi bạn nhé.

        Xem thêm:

        Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


        Nguồn tham khảo: NHS